Giữ cổ thụ bên người

Cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 25 phút đi xe, thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín (TP Hà Nội) thật cuốn hút bởi vẻ đẹp từ hai hàng cổ thụ trầm mặc trăm tuổi.

Những hàng cổ thụ trở thành góc quê hương thân thiết của người dân làng Bình Vọng. Ảnh: Hồng Sơn
Những hàng cổ thụ trở thành góc quê hương thân thiết của người dân làng Bình Vọng. Ảnh: Hồng Sơn

1. Sớm ngày ở Bình Vọng, trước sân đình, các “cụ” cây trăm tuổi yên bình tọa lạc, “ôm trọn” hai bên ao Cọ và ao Cầu như một vòng tay. Nhìn từ sân đình, thấy cả một khuôn viên xanh mát. Dưới bóng cây, cụ Phạm Thị Quỳ đã 86 tuổi kể: “Tôi sinh ra đã thấy rồi, tuổi tôi so hàng cây này chỉ như nhi đồng thôi! Bố tôi cùng dân làng còn trồng thêm hàng cây phía bên ngoài ao nữa kìa!”.

Quanh hàng cây, các cụ già đang đi dạo, trẻ nhỏ chơi đùa, mọi người quây quần chuyện trò, hoạt động thể thao… Dưới những tán cây xòe rộng, cụ Phan Văn Đằng đã ngoài 80 tuổi, cười sảng khoái tâm sự: “Sáng nào tôi cũng đạp xe vài vòng quanh đây cho khỏe người rồi ngồi uống nước chè với mọi người dưới gốc cây. Chúng tôi có đủ bàn ghế, bàn cờ, ấm chè. Vui lắm! Hàng cây gắn bó với tôi từ nhỏ đến giờ, chỗ chơi, chỗ nghỉ đời tôi ở đây cả!”.

Thôn Bình Vọng hiện bảo tồn được hai cây muỗm lâu năm và hơn chục cây muỗm ít năm. Xen kẽ đó là một số loài cây, như bàng, lộc vừng, xoài. Những ngày đầu xuân, cành hoa muỗm đâm chồi nảy lộc, nở rộ vàng rực rỡ… Trước đây khu vực này cỏ mọc um tùm, không có lối đi. Người dân trong thôn cùng nhau đóng góp để lát gạch thành lối đi giữa hai hàng cây đến cầu gỗ. Hai bên xây vỉa hè có ghế đá để nghỉ chân. Quanh mỗi gốc cây được xây gạch bao bảo vệ. Hằng ngày, hằng tuần đều có tổ, nhóm dọn vệ sinh.

2. Mấy năm trước, hai hàng cổ thụ có dấu hiệu khô héo, bà con bàn nhau cứu chữa. Trong làng có một số con em học đại học nông nghiệp, lâm nghiệp đã về góp sức. Phan Trí Đức, 21 tuổi, sinh viên Trường đại học Nông nghiệp kể: “Chúng em đã tham khảo các thầy trong trường, sau đó thử nghiệm phương pháp chăm sóc mới. Áp dụng được khoảng hai tháng, hàng cây đã dần hồi phục và bắt đầu phát triển trở lại”.

Không gian dưới bóng cây là nơi chứng kiến các sự kiện lớn nhỏ của Bình Vọng qua bao nhiêu năm tháng. Hằng năm, cứ đi lễ đình, hội làng, hay tổ chức mừng thọ xong là con cháu trong làng lại ra chỗ hai hàng cây chụp ảnh lưu niệm. Nhiều người lập gia đình ở xa quê, Tết nào cũng phải về hai hàng cây chụp ảnh cùng gia đình. Cuối tuần, nhiều tay máy về đây chụp ảnh kỷ niệm, ảnh đám cưới. Nhờ có không gian này, các hoạt động cộng đồng càng được lan rộng. Sát cạnh hai hàng cây là thư viện của làng. Người lớn, trẻ nhỏ rảnh lại mượn sách, ngồi đọc dưới bóng cây. Em Bùi Bảo Châu, 9 tuổi khoe cuốn truyện vừa mượn, vui vẻ kể: “Ở đây thoải mái mà có nhiều bạn. Chúng cháu có thể kể với nhau nhiều mẩu chuyện hay trong sách”.

Bà con Bình Vọng thường hân hoan về nơi đáng sống, một nơi để tự tin khoe với tất cả mọi người “đây là quê tôi đấy!”.