Du xuân miền tục lạ

Xuân có còn là xuân nữa không, nếu không còn có những ngày hội làng, hội bản! Những ngày hội xuân thuần khiết do người dân tự làm, tự thưởng, như những đóa hoa văn hóa làm đất trời rực rỡ lúc xuân sang.

Đội “quân nhạc” của đoàn người đi… ăn trộm.
Đội “quân nhạc” của đoàn người đi… ăn trộm.

Hội trộm cầu may

Đợt ấy nghe anh bạn kể ở Mồ Sì San (Phong Thổ, Lai Châu) có tục rất lạ: Hội trộm đêm rằm tháng Giêng, thế là vượt hàng trăm cây số đến cái xứ sở của mười hai tầng dốc phía bắc huyện.

Ông Phùng Chin Phàng, Chủ tịch xã Mồ Sì San khi ấy cứ ngẩn người ra: Tục dân tộc mình là thế, gốc thế nào mình cũng không biết rõ đâu!

Đại loại ăn trộm đây là ăn trộm lấy may. Người ăn trộm chỉ được rình lấy cây hành, miếng thịt, chai rượu. Riêng nhổ hành phải được cả củ. Nếu đứt, kẻ trộm sẽ tự nguyện đặt đồng tiền vào gốc cây coi như đền bù. Bị gia chủ phát hiện, sẽ bị phạt, thường là phải uống một thứ nước gì đó.

10 giờ đêm rằm tháng Giêng, Mồ Sì San vào hội. Hơn một trăm đàn ông của bốn bản đã tập trung ngay trên trục đường chính qua xã, già bản Lý Phù Nùng phụ trách cây tiêu, hai người bạn đồng hành - ông Phùng Sờn Siu, ông Lý Vần Niềm phụ trách thanh la và trống, hợp thành đội “quân nhạc” dẫn đầu đoàn người reo hò dậy đất, lên đường đi… ăn trộm.

Mục tiêu đầu tiên là nhà anh Lý Vần Khìn, cán bộ bưu tá xã. Nhà anh Khìn có hai con trai cũng đang ở trong đoàn, ở nhà phòng thủ có vợ chồng anh và hai cô con gái. Thấy đoàn đến, chị vợ đứng trước cửa vườn rau cầm ngang cây gậy, sau lưng chị có luống hành tươi tốt, trong đoàn ai cũng biết. Anh chồng ở trong nhà lo canh dây thịt và dãy rượu, hai cô con gái chạy lăng xăng tiếp ứng cho bố mẹ. Cách bố trí đâu ra đấy, nhưng không hiểu bằng cách nào, ba tên trộm cũng vẫn lọt được vào vườn. Chị vợ phát hiện, hô hoán gọi anh chồng. Anh Khìn phóng từ nhà ra, tay cầm theo chai rượu, hai vợ chồng bắt sống ba tên trộm. Chai rượu phạt chia ba. Vợ chồng nhà ấy hí hửng lắm, cái may nhân lên đến ba lần. Nhưng khi vợ chồng anh Khìn đang mải mừng thắng lợi, có thanh niên đã đột nhập thành công, nhổ được một cây hành, vượt rào giơ cao chiến lợi phẩm, gỡ cho đội khách bàn danh dự. Anh Khìn đành khui chai rượu mới thưởng cho tên trộm tài ba.

Điểm thứ hai, nhà ông Tẩn Phu Nèng, cán bộ văn hóa xã, rồi ông Phùng Chin Hỉn, Bí thư Đảng ủy xã, ông nào cũng tách đoàn về nhà lo giữ. Vui nhất là cảnh ông Tẩn Phu Nèng ngoại ngũ tuần sau khi phòng thủ nhà mình xong, vượt rào sang nhà ông bí thư nhổ được cây hành, lẫng cẫng nhảy, cười như đứa trẻ, đòi rượu thưởng.

Sáng hôm sau, gặp lại ông Nèng, hỏi ông cán bộ văn hóa xã vui tính kết quả đêm hội ông bảo: Không nhớ. Nhưng đại thể không bỏ sót vườn hành nào: “Làm cỗ ra không có người đến ăn cho, còn rủi hơn nữa”. Nhà ông ngoài trận “đại chiến” vào lúc tối, bị lẻ tẻ tiến công dăm bận nữa, cả thưởng, cả phạt hết sạch luôn hai can rượu. “Vui một tí cho hết rượu, thanh toán cái Tết, từ hôm nay bắt đầu vào việc ruộng nương”.

Kỳ dạy đạo đức của những thầy mo vui tính

Đến cao nguyên xanh Mộc Châu (Sơn La) dịp rằm tháng Giêng, nếu may mắn, bạn có thể được dự phần hội của lễ hội Hết Chá còn gọi là Xòe Chá của người Thái trắng ở xã Đông Sang. Xem Xòe Chá ở Mộc Châu, điều đầu tiên mình nhận xét: Nghệ nhân già. Anh trai đinh vụng về (gần 70 tuổi) đi vực con nghé xấc, bị nó húc lăn quay. Chỉ cần nhìn cảnh anh (ông) chổng “tứ túc” khẳng khiu lên trời mà khúc khắc cũng đã đủ để cười không ngậm được miệng. Rồi cô gái - cũng tròm trèm thất tuần - mà cao mà thô, rồi đong đưa, ngúng nguẩy… Cái kiểu diễn bằng cơ thể, mà là cơ thể của tuổi tác, lại khéo, thật không dễ. Đúng là gừng già. Cười hả hê. Rồi bất ngờ. Nhóm nghệ nhân ấy đều là… thầy mo. Hay đúng hơn tất cả thầy mo trong bản đều tham gia diễn.

Xòe Chá là câu kết trong lễ hội độc đáo kéo dài đến ba ngày có tên Hết Chá của người Thái trắng, tổ chức vào mùa xuân, nhằm thể hiện sự tôn kính của dân bản với các vị thầy mo. Sau phần lễ, đến màn Xòe Chá như một phần thưởng của các thầy dành cho mọi người, cũng là để kết thúc kỳ lễ hội. Các tiểu phẩm mô phỏng những sinh hoạt, lao động của người dân như cày ruộng, bắt cá, nấu ăn…; những hoạt cảnh đả phá những thói xấu: Ăn tham, lười biếng, vụng về… mà nhân vật thể hiện thói xấu ấy chính là… các thầy mo.

Kéo vợ ở Pha Long

Thường từ khoảng 2 giờ chiều ngày mồng 6 Tết, thanh niên người H’Mông ở Pha Long (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) lại có ngày hội đặc biệt - Ngày hội kéo vợ. Kéo vợ là phong tục truyền thống của người H’Mông. Đến đây xem hội mới biết rằng, té ra tục kéo vợ cũng không hề đơn giản. Không phải cứ thích là… kéo. Trai gái hẹn hò nhau, thường là cả gia đình cũng đã “bật đèn xanh” nữa. Có cặp đi kéo nhưng ở nhà đã chuẩn bị cỗ để làm lễ cưới luôn. Kéo của thanh niên H’Mông có sự tự nhiên hơn, thuận hoàn toàn theo cảm tính của cặp trai gái, không phải cứ con gái đồng ý trước rồi là kéo được.

Du xuân miền tục lạ ảnh 1

Gia đình “nhà gái” đang “ngăn cản” một thanh niên kéo bạn gái.

Mình chứng kiến một đám “thất bại”, cô gái òa lên khóc, cả “nhà trai nhà gái” xúm vào dỗ dành, đặc biệt là người bạn trai “thủ phạm” vụ kéo. Mình hỏi bạn ấy có kéo tiếp được không, bạn ấy lắc đầu nói “phải để dịp khác”. Dịp khác đây là chàng trai và gia đình phải chuẩn bị lại. Có người kéo ba, bốn lần mới được - mà vẫn là một cô gái. Ngày hội kéo vợ, cả vùng rừng núi Pha Long rạo rực khác thường bởi những bàn chân rầm rập của hàng chục đám kéo vợ, những gia đình mới được hình thành như thế, hừng hực sức trẻ. Chồi xuân như đang bật ra từ những con người.