độc đáo “vương quốc” hoa Tân Quy Đông

Là “cái nôi” hoa kiểng của thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp), làng Tân Quy Đông nằm dọc theo bờ sông Tiền với truyền thống trăm năm gắn với nghề trồng hoa. Người dân nơi đây đã dày công gây dựng quê hương thành vùng kinh tế nông nghiệp mũi nhọn và giàu tiềm năng du lịch bậc nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tân Quy Đông có gần 300 ha chuyên hoa kiểng.
Tân Quy Đông có gần 300 ha chuyên hoa kiểng.

Nơi hoa nở… trên đầu

Nhắc đến thủ phủ hoa miền nam, nơi nổi tiếng với hàng nghìn loài hoa đẹp và độc đáo, ai cũng sẽ thốt lên đó là làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp). Nhưng thật ra, cần biết đến hơn về cái tên Tân Quy Đông, nơi tổ nghề gây những chậu hoa cảnh đầu tiên vào cuối thế kỷ 19. Nghề hoa đã từ đây lan sang các khu lân cận như phường An Hòa, xã Tân Khánh Đông, Tân Quy Tây… của thành phố Sa Đéc, nên người ta gọi chung là làng hoa Sa Đéc.

Dễ nhận thấy nét độc đáo gây ấn tượng khi đến làng hoa Tân Quy Đông, bởi các luống hoa đều được trồng trên giàn cao. Mùa nước lên, bà con thường dùng thuyền nhỏ luồn lách qua các giàn hoa chăm sóc, thu hoạch… mang đến hình ảnh độc đáo, đặc trưng không nơi nào có được. Theo người dân, việc đưa hoa lên giàn một mặt giúp chống úng do triều cường, mặt khác thuận tiện cho việc chăm sóc tưới tiêu, giảm được sâu bọ, giúp hoa được… tinh khiết.

Được công nhận là làng nghề truyền thống sản xuất hoa kiểng năm 2007, với 275 ha diện tích trồng hoa, chiếm một phần ba diện tích hoa kiểng toàn thành phố Sa Đéc, những năm đầu người dân làng Tân Quy Đông chỉ trồng một số giống hoa truyền thống. Do nhu cầu thị trường hoa kiểng tăng mạnh, nhiều hộ đã nhập giống mới từ các nước trong khu vực về thuần dưỡng và lai tạo thành những loại hoa mang nét riêng đặc trưng. Đến nay có hơn 1.500 chủng loại hoa kiểng được nông dân trồng tại làng hoa Tân Quy Đông. Nhiều hộ đã thu hẹp dần diện tích lúa và các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây trồng mang giá trị kinh tế cao, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: mô hình trồng hoa cúc đồng tiền và hoa hồng trong nhà màn, mô hình trồng hoa hồng, cúc pico, cúc đồng tiền lùn cấy mô… Người làng giờ đây không chỉ bận dịp hoa Tết cuối năm, mà nhu cầu hoa, cây cảnh cho các công trình như resort, khách sạn, homestay… cả trong và ngoài nước khiến các hộ làm nghề “luôn việc” cả năm.

Vào làng đâu cũng chỉ thấy hoa, cây kiểng đều tăm tắp đua nhau khoe sắc, từ hoa hồng, dạ yến thảo, cát tường đến những giàn cúc mâm xôi. Nhà ai cũng có tấm biển nhỏ ghi tên chủ vườn cùng số điện thoại liên hệ. Không khí trong làng cũng sôi động hơn nhiều so những năm trước. Luôn tay làm đất cho hoa, bà Võ Thị Hóa cười xuề xòa: Nhà hai ông bà với đứa út trước làm ruộng rồi chuyển sang trồng hoa kiểng được hơn chục năm nay, làm bao nhiêu thương lái đến mua bấy nhiêu, chỉ vài trăm vuông đất làm chơi chơi cũng đủ ăn.

Nghề truyền thống đã giúp nhiều gia đình phát triển trở thành điển hình kinh tế với số lãi bình quân từng hộ từ vài trăm triệu cho đến cả tỷ đồng một năm!

Giấc mơ thành phố hoa

Thuận lợi cả đường bộ lẫn đường thủy, nhiều hộ đã tận dụng nét độc đáo, quyến rũ của nghề hoa để phát triển du lịch ngay trên mảnh vườn của mình. Mỗi người một ý tưởng nắm bắt thị hiếu, nhu cầu của du khách, điển hình như mô hình tham quan du lịch ngắm hoa kiểng từ đài cao của ông Trần Hữu Tài, khóm Sa Nhiên. Bỏ vốn gần một tỷ đồng xây dựng, sau một thời gian, đài ngắm hoa của ông ở ngay trung tâm làng đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước lên chiêm ngưỡng toàn cảnh vùng quê tươi đẹp.

Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều mô hình homestay giữa làng hoa, như của ông giáo Huỳnh Trịnh Quốc Phong, chủ nhân cụm nhà tre nghỉ dưỡng trên diện tích gần 5.000 m2 cạnh sông Tiền mang tên Phong Levent. Nhờ biết cách tận dụng nguyên liệu địa phương cùng thiết kế độc đáo hòa với môi sinh, những ngôi nhà tre đơn sơ của ông giáo luôn kín phòng vào những dịp cuối tuần và là điểm đến thú vị của nhiều du khách nước ngoài như Pháp, Bỉ… Hằng ngày tự tay đi chợ, nấu ăn phục vụ khách sau buổi dạy, vợ chồng ông giáo Phong tạo thương hiệu bằng chất lượng phục vụ cùng các hoạt động bơi xuồng, câu cá... giúp du khách hòa mình với cuộc sống thanh bình của làng hoa.

Từ tháng 12-2019, chính quyền thành phố thí điểm việc thu phí đối với du khách tham quan làng hoa Sa Đéc tất cả các ngày trong tuần cho đến tháng 2-2020. Từ tháng 2-2020 đến hết năm 2020 sẽ thu phí đối với du khách tham quan làng hoa vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần với giá vé mỗi lượt tham quan được đề xuất 30 nghìn đồng/người (trẻ em được miễn phí), bao gồm vé vào cổng làng hoa, dịch vụ xe điện chở khách tham quan làng hoa và bảo hiểm cho du khách 100 triệu đồng/người. Doanh thu từ du lịch sẽ được tái đầu tư để làng hoa lộng lẫy trở thành vùng lõi cho thành phố hoa Sa Đéc trong tương lai.

độc đáo “vương quốc” hoa Tân Quy Đông ảnh 1

Nghề truyền thống mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Việc tổ chức thành công các lễ hội hoa xuân xuyên suốt từ năm 2013 đã giúp thủ phủ hoa cảnh Tân Quy Đông đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng du lịch của toàn thành phố Sa Đéc và tỉnh Đồng Tháp với gần 1 triệu lượt khách tham quan trong năm 2018.