Đẹp cùng hổ phách tuổi thơ

Đâu đó giữa Sài thành bộn bề vẫn có chốn bình yên để người trẻ giữ những điều tốt đẹp. Không gian ký ức của Đồng Lê Quỳnh Hương đã trở nên điểm hẹn của nhiều người dân TP Hồ Chí Minh và bạn bè quốc tế.

Tại Nhà của thời thơ ấu Hương tạo rất nhiều sân chơi văn hóa cho bạn trẻ, thiếu nhi.
Tại Nhà của thời thơ ấu Hương tạo rất nhiều sân chơi văn hóa cho bạn trẻ, thiếu nhi.

Không chịu làm người lớn

“Sao người lớn mà kỳ vậy? Suốt ngày chơi với trẻ con, suốt ngày quần áo mầu mè rồi làm những chuyện bao đồng. Chắc nhà có điều kiện nên muốn chơi, không muốn làm…”. Đó từng là nhận xét khi nhìn những gì mà cô gái sinh năm 1989 Đồng Lê Quỳnh Hương theo đuổi: Ngôi nhà sắc mầu giữa phố xá nhộn nhịp, mô phỏng không gian sống và văn hóa Việt những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước; các chương trình văn hóa phi lợi nhuận dành cho người trẻ và chuỗi lớp học rất riêng dành cho trẻ em.

Trong căn nhà cấp bốn quét vôi vàng với cửa gỗ xanh, gạch bông cũ, chiếu hoa, nhà chòi và rất nhiều món đồ xưa. Ghé “Nhà của thời thơ ấu”, khách lặng ngắm ký ức tuổi thơ hiện rõ trong từng góc trang trí, món đồ chơi hay quà bánh sắp trên nia tre. Phía trước nhà, Hương đặt xe cà-phê siêu thơm phức để mọi người tự phục vụ. Mà lạ lắm, xe cà-phê đó sẵn sàng mời khách uống miễn phí với điều kiện đơn giản “Nếu trong ngày bạn đã làm một điều tử tế”. Hương nói xe cà-phê “lỗ vốn” này không để kinh doanh mà muốn giới thiệu một nét đẹp trong văn hóa cà-phê Việt: cà-phê vợt. Nhâm nhi ly cà-phê sóng sánh, khách có thể ngồi trên bộ ghế mây cũ ngắm những bức tranh chủ đề gia đình trên bức tường lớn hoặc đến kệ tìm về ký ức xưa qua các món đồ chơi quen thuộc một thời. Nếu thích, khách có thể bỏ số tiền tượng trưng vào chiếc thùng gỗ đặt ngay ngắn trên kệ có dòng chữ “Thùng góp nhặt tử tế”. “Số tiền đó sẽ trở thành những món quà nhỏ chia sẻ với người nghèo vào dịp đặc biệt trong năm. Tôi muốn kết nối mọi người bằng việc làm tử tế rất nhỏ, mỗi ngày”, Hương vui vẻ nói.

Sau phòng khách ấm cúng là “Cửa hàng tạp hóa tử tế”, có đặt chiếc khạp gỗ bé xinh để mọi người tự trả tiền sau khi chọn mua chai sâm mát lạnh hay gói bánh quê ngọt lành. Tất cả ký ức được Hương gói ghém cẩn thận trong chiếc gạc-măng-rê gỗ cũ xin từ nhà bà ngoại. Kế đó, tại nhà chòi, các em nhỏ vui vẻ cùng nhau thổi bong bóng keo, làm lồng đèn, nghe kể chuyện về heo đất. Ở căn phòng mầu xanh gần bên, tiếng cười rộn ràng hòa lẫn tiếng vỗ tay khi các bạn nhỏ chơi kéo co, rồng rắn lên mây hay bịt mắt bắt dê. Cùng con đến “Nhà của thời thơ ấu” chơi, nhiều phụ huynh rơm rớm nước mắt khi nhớ… ngày xưa.

Đẹp cùng hổ phách tuổi thơ ảnh 1

Hương và học trò của mình tại góc trang trí ngày Tết.

Ngày ngày nuôi dưỡng

Trên căn gác yên tĩnh là sân khấu “Những bông hoa nhỏ”, nơi Quỳnh Hương dành để tổ chức các hoạt động văn hóa. Nói là sân khấu nhưng thay vì ngồi ghế cao, ghế thấp, ở đây, khách và diễn giả cùng quây quần bên chiếu hoa để sẻ chia những câu chuyện hay về văn hóa Việt. Diễn giả Hương mời về là những người trẻ yêu văn hóa xưa mà cô kết nối được qua các hoạt động cộng đồng.

Nếu như trong số đầu của chuỗi hoạt động văn hóa mang tên “Kể chuyện xưa nghe chơi” nói về “Đờn ca hồi đó”, khá ít bạn trẻ tham gia thì tới chương trình thứ hai “Nói tới cái áo dài”, khách đã lấp đầy sân khấu. Bạn trẻ háo hức đến, im lặng nghe, rộn ràng đặt câu hỏi và không quên kể những câu chuyện đẹp của mình xoay quanh chủ đề chính. Tiếp đó, các buổi trò chuyện văn hóa định kỳ như “Chuyện kể ông trăng”, “Nói năng tử tế”, “Tiếng nước tôi”, “Bưu hoa - Chuyện những con tem biết nói” hay “Nhã nhạc cung đình”… đã tạo được dấu ấn trong lòng bạn trẻ TP Hồ Chí Minh. Nhiều bữa, căn gác nhỏ chật nêm người nhưng ai cũng vui vẻ ngồi đến cuối để nghe những điều thú vị về văn hóa xưa.

“Lúc đầu khi quyết định mở cửa “Nhà của thời thơ ấu”, thật sự tôi cũng lo lắm! Sợ rằng khi nhiều người đến không gian sẽ bị xáo trộn và sợ mọi thứ quá tầm kiểm soát. Nhưng có làm rồi mới thấy nhiều người trẻ cũng như mình, họ mê văn hóa Việt xưa. Các bạn cần một điểm đến để cùng trải nghiệm những điều đúng, điều hay về văn hóa. Khi thấu hiểu nét đẹp văn hóa dân tộc, tôi tin người trẻ sẽ có những cách riêng để giữ gìn”, Hương chia sẻ.

Đồng Lê Quỳnh Hương chọn làm văn hóa theo cách rất riêng, nhẹ nhàng mang cái đẹp tinh tế đến giới trẻ để rồi họ “vì yêu mà đến”. Một tiệm sách san sẻ, một bàn viết thư tay, làm thiệp thủ công mới được Hương dựng lên như là cách làm mới không gian, tăng thêm hoạt động trải nghiệm cho bạn trẻ. Hương nói cô thích nhìn cảnh mọi người cùng viết thư tay cho người thương, cùng làm những tấm thiệp Tết thay vì cầm điện thoại lướt facebook hay nhắn những lời chúc có sẵn. Bởi Hương biết những điều từ trái tim sẽ đến với trái tim và ở đó thật lâu để tiếp tục dưỡng nuôi những điều tốt lành, ý nghĩa. Từ vài cuốn sách cá nhân, đến nay tiệm sách của “Nhà của thời thơ ấu” đã phong phú hơn rất nhiều. Không chỉ mang sách đặt lên kệ cho đẹp mà Hương còn thiết kế nhiều hoạt động bên lề để khơi gợi niềm đam mê đọc sách, viết lách và bày tỏ ý tưởng trong bạn trẻ. Đến nay, “Về nhà đọc sách, viết văn” và “Về cùng chơi, khơi giá trị” là hai chương trình được nhiều bạn trẻ yêu thích nhất.

Mỗi ngày trôi qua, cô gái trẻ lại tích góp thêm trong thế giới sinh động của mình điều gì đó thật đẹp về văn hóa, tình người. Hương đặt tên món nước mầu hồng sẫm mình làm mời khách là “Hạnh phúc”, đặt tên cho những việc thú vị mình làm là “Niềm vui” để lan tỏa những điều tử tế đến cộng đồng.

Đẹp cùng hổ phách tuổi thơ ảnh 2

Góc Trung thu tại Nhà của thời thơ ấu.