Chinh phục Khang Su Văn

Nằm trên đỉnh Khang Su Văn ở độ cao gần 3.000 m, cột mốc 79 biên giới Việt Nam - Trung Quốc là cột mốc biên giới cao nhất Việt Nam.

Nhóm bạn trẻ ghi lại khoảnh khắc bên cột mốc cao nhất Tổ quốc.
Nhóm bạn trẻ ghi lại khoảnh khắc bên cột mốc cao nhất Tổ quốc.

Mỗi lần là một tuyến đường khác nhau

Mốc 79 thuộc quản lý của Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, đặt tại cao độ gần 3.000 m, trên vùng yên ngựa của đỉnh núi Khang Su Văn (Lai Châu). Mỗi chuyến tuần mốc, ngay cả lính biên phòng cũng phải mất cả ngày mới lên đến đỉnh.

Còn với sức vóc người bình thường, chúng tôi đi mất hai ngày, một đêm. Tuấn Hoàng, một hướng dẫn viên thường xuyên đưa đoàn du lịch lên các đỉnh núi cao nhất Việt Nam kể, trong thời gian đầu chinh phục Khang Su Văn, nhóm của cậu phải lên lịch tới ba ngày, hai đêm, vì đường quá khó đi: “Mỗi lần lại thấy một kiểu đi khác”. Tuấn nhớ trong gần chục lần leo Khang Su Văn, riêng đoạn đầu tiên, cậu đi năm, sáu tuyến khác nhau, vì cứ vài hôm là cây cối mọc lấp đường sẽ khác đi ngay.

Ở ngày đầu tiên, đường lên núi có vẻ nhẹ nhàng. Xuất phát từ UBND xã Pa Vây Sủ lên đỉnh 1.800 m Khang Su Văn đi qua rừng thảo quả có thể xem như lớn và đẹp nhất Tây Bắc. Khác với những rừng thảo quả phía Lào Cai, thảo quả ở đây đã bắt đầu lấn đến những độ cao hơn 2.000 m. Thảo quả là sinh kế cho đồng bào ở đây, nhưng bù lại hệ sinh thái rừng cũng đang bị thay đổi nghiêm trọng. Đó là câu chuyện dài và chưa có hướng đi của đa phần các bản làng vùng cao. Nhưng đường lên Khang Su Văn, thời điểm hiện tại vẫn đang giữ được những cánh rừng đặc trưng nhiệt đới.

Chinh phục Khang Su Văn ảnh 1

Xuyên rừng lên đỉnh Khang Su Văn.

Trung tá Đồng Đức Trang, Chính trị viên Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải hỏi chúng tôi có nhìn thấy những cây chè cổ thụ suốt đường lên núi không. Những cây chè đó là đặc sản. Nhưng nhiều năm qua, chưa một ai khai thác được cho hợp lý. Một dự án chè sạch cho vùng Pa Vây Sủ, mới chỉ đang thử nghiệm.

Chỉ hai ngày với quãng đường 30 cây số, chúng tôi được nếm trải cảm giác đứng dưới con thác xối xả, lội qua những dòng suối mát lạnh, đi xuyên qua rừng thảo quả đang vào vụ, nằm thảnh thơi trên những tán lá mục và ngắm mặt trời yếu ớt qua kẽ lá.

Bám mình trên đá

Gần 10 cây số trong ngày hôm sau mới thật sự là mệt mỏi. Chúng tôi phải xuất phát từ 4 giờ sáng, giữa rừng già âm u, mỗi người một chiếc đèn pin gắn ở trên đầu. Đoạn đường vào sâu trong rừng với toàn dốc đứng. Cơn mưa đêm khiến đất dưới chân ẩm ướt, như tăng thêm sức nặng cho chúng tôi. Nhiều đoạn, chúng tôi phải bám theo những rễ cây để đu qua những tảng đá lớn chắn đường, bàn tay tê mỏi. Đôi khi, chỉ cần hơi lỏng tay bám, tôi đã bị tuột xuống dốc cả chục mét.

Chạm tay vào cột mốc khi sương mù vẫn giăng kín trời, vừa thở dốc, vừa nhớ lại lời của Đạt, anh trung úy đã chở tôi dọc đường biên Phong Thổ: “Bao nhiêu cột mốc là bấy nhiêu chỗ thở dốc chị ạ”. Gần 100 m cuối lên đỉnh Khang Su Văn, Tuấn Hoàng chỉ cho tôi dấu vết của những gốc tre được đặt thành đường đi, tránh cho chúng tôi bước nhầm vào những bãi bùn đất sau cơn mưa. Tuấn Hoàng bảo đó là đường mà cánh biên phòng dọn hôm trước. Ở những nơi cao tít và lạnh lẽo này, chỉ có lính biên phòng phải bám trụ, mỗi ngày, mỗi năm.

Khi ba-lô bé nhỏ của chúng tôi chẳng là gì

Thế nhưng đó chưa hẳn đã là những mốc khó khăn nhất ở Vàng Ma Chải. Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải quản lý 14,3 km. Có những cột mốc chỉ có thể đi bộ, có những cột mốc, họ phải vòng sang xã khác, thêm tận hai chục cây số đường để… tuần tra nhờ. Những Hoang Thèn, Tả Ô, Sín Chải… chỉ nghe là đã thấy ngát mùi hoang vắng.

Trạm Biên phòng Vàng Ma Chải nằm giữa một thung lũng, đó là điểm ngắm mặt trời lặn đẹp nhất ở đấy, khi ánh mặt trời lịm dần giữa hai ngọn núi. Nhưng chỉ tay hướng mặt trời, Trung úy Trần Nghị bảo phía đó đi vất vả nhất. Những năm ăn ngủ biên giới, anh vẫn nhớ những đận cõng từng bao xi-măng, từng bao cát để đi xây mỗi cột mốc hoa cương. Xong cột mốc, lại chính các anh cõng vật liệu xây dựng đi làm nhà cho bà con ổn định đời sống.

Vàng Ma Chải có tới 34% hộ nghèo. Anh Bùi Văn Huy, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vàng Ma Chải, cán bộ biên phòng tăng cường đã ở vùng biên giới này hơn 10 năm. Mười năm, như anh nói: “Khởi đầu trì trệ lắm”. Lúc ấy, cái níu giữ người lính biên phòng dân tộc Mường từ Hòa Bình tới đây, là cái tình của đồng bào biên giới: “Đồng chí Huy là mạnh đấy, như thế tôi mới thích. “Lơ xơ mơ” là tôi không thích đâu”, cụ Lý A Dì, Trưởng thôn Hoang Thèn cười hồn hậu. Anh Huy gần dân, hiểu tâm tư của người. “Mình cứ tuyên truyền bình thường, nhưng hứa là làm, chứ thất hứa với người đồng bào là kinh khủng lắm”, anh Huy nói.

Tôi cứ nhìn mãi ánh mặt trời giữa hai ngọn núi, nhìn cái ba-lô nhẹ tênh vừa leo từ mốc 79 trở về, tự so với những ba-lô xi-măng gánh qua những ngọn núi để xây mốc. Tôi nhớ những câu chuyện mà ông Dì kể, về con đường vào bản mà anh Huy dẫn đi, về những cây chè và các dự án treo lơ lửng trong câu chuyện của Trung tá Trang.

Chúng tôi chỉ có một hành trình trải nghiệm. Nhưng có những người, đã dành cả cuộc đời bên những cột mốc ấy.