Bắt tay với thế giới để hiểu thêm Việt Nam

Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN) đang nâng cao vị thế văn hóa Hán Nôm thông qua đẩy mạnh hợp tác quốc tế và bắt nhịp với xu hướng “số hóa” thời đại 4.0.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Bắt tay với thế giới để hiểu thêm Việt Nam ảnh 1

Khai trương Văn phòng hợp tác Đại học quốc gia Hà Nội và Viện Khảo cứu Cao cấp Pháp thuộc dự án Vietnamica. Ảnh: VNU.EDU.VN

Thêm cứ liệu chủ quyền

Nhiều năm qua, địa chỉ lưu trữ và nghiên cứu Hán Nôm hàng đầu đất nước đã hoàn thành tốt công tác sưu tầm và hiện đã bước vào quá trình “số hóa” theo chủ trương của Chính phủ.

Cán bộ của Viện còn dày công tìm hiểu, sưu tầm các tư liệu cổ liên quan đến Việt Nam tại các cơ quan lưu trữ nước ngoài. Đây là hướng đi đầy gợi mở. TS Trần Trọng Dương, Ủy viên Hội đồng Khoa học của Viện đánh giá, công tác này rất quan trọng, vì đó là những nơi thường có các tư liệu quý hiếm mà Việt Nam không có.

TS Dương kể một trường hợp đặc biệt: Vào năm 2016, một số cán bộ của Viện đã sang Tư Đạo văn khố (Shido Bunko) của Đại học Keio ở Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) và tìm được “Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ”, một tư liệu bản đồ quan trọng có Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Do không thể mua bản gốc, các nhà nghiên cứu đã xin được phía bạn cung cấp bản số hóa của bản đồ này. Bản đồ vẽ đường đi từ kinh đô Thăng Long tới Chiêm Thành và có phần hoàn chỉnh hơn so các bản đồ khác. Sử dụng phương pháp văn bản học và bản đồ học để đối chiếu, so sánh giữa những ghi chép và hình họa của Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ với ghi chép trong tập bản đồ “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư”, cùng một số bản đồ cổ khác, từ đó các chuyên gia đánh giá tầm quan trọng giữa việc kết hợp đạo lý đồ và hình họa để ghi chép về địa danh Bãi Cát Vàng (còn gọi là quần đảo Hoàng Sa). Đây là nguồn tư liệu khách quan để nghiên cứu, đối chiếu với các tư liệu khác, góp phần nghiên cứu về lịch sử Hoàng Sa cùng quá trình chiếm hữu và thực thi chủ quyền của người Việt trên quần đảo này.

Những thành quả xuất sắc

Nhiều hội thảo quốc tế đã được Viện phối hợp tổ chức và gây tiếng vang lớn trong năm qua. Tiêu biểu như hội thảo quốc tế “Khoa cử Nho học Việt Nam (1075 - 1919) - 100 năm nhìn lại” vào tháng 8-2019 do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì, Viện Sử học và VNCHN phối hợp tổ chức, Viện Harvard-Yenching (Mỹ) đồng tài trợ. Viện còn tham dự hội thảo quốc tế về văn tự tại Nhật Bản, hội thảo quốc tế về mộc bản tại Nhật Bản… Điểm nhấn cho công bố quốc tế năm 2019 là chùm ba bài viết của ba cán bộ Viện (PGS, TS Trịnh Khắc Mạnh, TS Nguyễn Tuấn Cường, TS Trần Trọng Dương) về văn tự cổ Việt Nam được đăng trên cùng một số tạp chí tiếng Anh hạng SCOPUS.

“Bình thường mọi người nghĩ nghiên cứu Hán Nôm liên quan tới những tài liệu cổ nên khó công bố quốc tế. Thực tế thì ngược lại, vì giới học thuật quốc tế chú trọng nhất là tư liệu gốc và lý thuyết. Các thành viên khác của Viện cũng đã công bố các thành quả nghiên cứu bằng Anh ngữ, bên cạnh tiếng Trung, tiếng Nhật và tiếng Pháp”, TS Trần Trọng Dương phân tích.

Kỳ vọng Vietnamica!

Không thể không nhắc đến “Dự án châu Âu về nghiên cứu lịch sử và số hóa tư liệu văn bia Việt Nam” (còn gọi là “Vietnamica”). Đây là một trong những dự án do Hội đồng Nghiên cứu châu Âu (ERC) thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) tài trợ. Dự án nhằm nghiên cứu lịch sử cung tiến Việt Nam qua văn bia (tập trung vào “Bia Hậu”), số hóa tư liệu Khoa học Xã hội (KHXH) Việt Nam lưu trữ ở châu Âu và Việt Nam; tham gia đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ về bi kí học.

Được biết, người khởi xướng Dự án là GS, TS Philippe Papin, GS chuyên ngành Lịch sử Việt Nam của Khoa Lịch sử và Văn bản học thuộc Viện Khảo cứu Cao cấp (EPHE) của Pháp. Đơn vị chủ quản của dự án là EPHE đã phối hợp các tổ chức, đơn vị tại Việt Nam là Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) thông qua Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (USSH); Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) thông qua VNCHN. Tại lễ khởi động dự án ngày 4-11-2019, GS, TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, nguyên Chủ tịch VASS đánh giá: “Đây là một sự kiện quan trọng và tiêu biểu trong lĩnh vực KHXH của Việt Nam trong năm 2019”.

“Đơn vị quản lý tài chính của dự án là Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) sẽ hỗ trợ trong việc quảng bá các kết quả, thành tựu nghiên cứu để những giá trị khoa học có thể được lan tỏa trước hết trong cộng đồng AUF với khoảng gần 1.000 trường đại học, viện nghiên cứu thành viên”, ông Jean-Paul Gaudemar, Tổng Giám đốc AUF nói.

VNCHN kỳ vọng dự án liên ngành này sẽ số hóa dữ liệu lịch sử gốc được lưu trữ tại châu Âu và Việt Nam, cũng như tư liệu văn bia ở nước ta, góp phần xây dựng một kho cơ sở dữ liệu chung về văn hóa Hán Nôm cho tất cả nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Bắt tay với thế giới để hiểu thêm Việt Nam ảnh 2

GS Philippe Papin trong chuyến khảo sát điền dã tới Bắc Ninh cùng cán bộ Viện NCHN. Ảnh: TRẦN TRỌNG DƯƠNG