Bản mới dưới chân tháp cổ

Theo con đường gập ghềnh bên triền núi Hua Ta, tôi đến Mường Luân. Dưới sắc nắng trải vàng như rắc mật, từng vạt cúc quỳ vươn mình tô điểm cho bức tranh thượng nguồn sông Mã. Trên nền tranh ấy, tháp cổ Mường Luân hiện ra uy nghiêm như tháp bút xuyên vào trời xanh thăm thẳm…

Xuân về Mường Luân.
Xuân về Mường Luân.

1. Tôi nghe tiếng nói, tiếng cười lẫn tiếng chổi. Trên khoảnh sân dưới chân tháp cổ, hơn chục người đang chăm chú nhổ cỏ, nhặt lá, vừa làm vừa chuyện trò rôm rả. Đó là học sinh con em đồng bào dân tộc Lào, Thái, Khơ Mú xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) chăm lo cảnh quan nơi tháp cổ.

Mặt trời chếch hẳn phía đằng tây cũng vừa lúc cô Hảo, cô Thanh, giáo viên Trường THPT Mường Luân và các học trò cùng ngồi xuống quanh ông Lò Văn Khến, người am hiểu lịch sử dân tộc Lào để nghe chuyện người lịch sử thiên di và cuộc sống của đồng bào dân tộc Lào trên đất Mường Luân, lâu đã lâu lắm rồi. Lặng nghe từng lời ông Khến kể, tôi hình dung những buổi chiều cấy lúa trồng bông ở bên dòng sông Mã, người Lào chỉ bảo con cháu cách quay sợi, chọn bông để riêng sản vật cho mỗi năm một lần lễ cúng tháp, một lễ mừng cơm mới và một Tết Bun-huột-nậm. Người Lào ở Mường Luân luôn biết ơn tổ tiên và thần sông núi đã chỉ đường để sáu gia đình từ đất nước Ai Lao lánh nạn chiến tranh Miến - Lào tìm được đất an cư, được nhân dân địa phương đùm bọc. Trên đất Mường Luân từ đó (năm 1569), người Lào luôn nhận được tình cảm, sự giúp đỡ đậm ân tình từ đồng bào các dân tộc H’Mông, Thái, Khơ Mú ở địa phương. Các gia đình người Lào đi lánh nạn còn được nhân dân bản địa cho thêm giống mới, giúp sức lấy gỗ làm nhà và dạy tiếng địa phương để người Lào không còn cảm giác lẻ loi. Trong quãng thời gian từ năm 1569 - 1594 (tức Phật lịch 2113 - 2138), được sự giúp đỡ của cư dân bản địa, bà con người Lào đã cùng nhau dồn công góp của xây tháp Mường Luân và một chùa nhỏ cạnh tháp để người Lào có nơi cử hành nghi lễ dân tộc truyền thống như ở cố hương. Sau lễ cúng Tháp, người Lào cùng người Thái, người Khơ Mú đã giao thề sẽ luôn đoàn kết, gắn bó, yêu thương. Kể từ ngày đó, mỗi khi hội bản, mừng mùa mới hay lễ cúng tháp, bà con các dân tộc Lào, Thái, Khơ Mú cùng say theo điệu múa lăm-vông.

Bản mới dưới chân tháp cổ ảnh 1

Nhân dân bản Mường Luân 1 vui chơi tại di tích tháp Mường Luân trong ngày Đại đoàn kết.

2. Từ sáu gia đình, nay Mường Luân đã có 268 cặp vợ chồng thuộc dân tộc Lào sinh sống ở năm bản với tỷ lệ 29% dân số toàn xã. Hay lam hay làm lại có kinh nghiệm với nghề trồng lúa nước, trồng bông dệt vải, chài lưới trên sông nên rất ít gia đình dân tộc Lào ở Mường Luân thiếu đói. Nếu chẳng may gia đình nào có người ốm đau, bệnh tật hoặc gặp họa thiên tai thì không ai bảo ai, mỗi gia đình người Lào ở Mường Luân lại chụm vào giúp đỡ bằng tấm lòng thơm thảo sẻ chia. Chính bởi cách sống tình cảm, tâm tính tốt lành của dân tộc Lào mà con em các dân tộc H’Mông, Thái, Khơ Mú, Xinh Mun ở Luân Giói, Chiềng Sơ và cả người Kinh ở miền xuôi đã thiết tha xin được về làm con. Không ít chàng trai từ các tỉnh Hải Dương, Tuyên Quang, Nam Định, Thái Bình đã bỏ ý định “về xuôi” khi lần đầu gặp thiếu nữ Lào Mường Luân uyển chuyển. Như thầy Dương Văn Thắng, giáo viên Trường THPT Mường Luân đã phải lòng cô gái Lò Thị Quyên ngay lần đầu gặp gỡ khi cả hai cùng dự ngày hội đại đoàn kết ở bản Mường Luân. Thầy Thắng dốc lòng: “Đã đinh ninh chỉ dạy vài năm ở Mường Luân rồi xin chuyển vùng về Tuyên Quang, vậy nhưng khi thấy Quyên múa lăm-vông trong ngày hội bản Mường Luân thì em đã bị… say lắm rồi! Tìm cách chinh phục vợ em bây giờ và em còn phải nghĩ lời thuyết phục mẹ em rời Tuyên Quang về ở Mường Luân từ năm 2010”.

Bí thư Đảng ủy xã Mường Luân Trần Hải Đăng cho biết: Cuối năm 2018, Mường Luân là xã đầu tiên của huyện Điện Biên Đông được công nhận đạt nông thôn mới. Thành quả đó có sự đóng góp quan trọng của các ông: Lò Văn Phúi, người dân tộc Lào ở bản Mường Luân 1 đã hiến hơn 5.000 m2 đất để hơn 200 học sinh Trường tiểu học Mường Luân có trường lớp khang trang; ông Lò Ngọc Ánh ở bản trung tâm xã Mường Luân đã không quản mưa nắng, ngày hay đêm đi từng nhà vận động nhân dân góp công làm đường, vệ sinh đường làng ngõ bản… Từ đó, các phong trào tình nguyện xây dựng nông thôn mới ở Mường Luân cứ lan từ nhà này sang nhà khác, từ bản này đến bản kia.

Tôi hỏi ông Lò Văn Khến về truyền thuyết một trái núi mang dáng người ngồi thiền ở Mường Luân thì ông Khến “à” một tiếng. Đoạn ông đưa tay chỉ về dãy núi phía bên kia dòng sông Mã: “Núi ấy là dáng người ngồi thiền có mặt hướng về Việt, lưng tựa Lào mà tiếng Lào là “hua táng Keo, eo táng Lao” đấy! Ở bên này suối, mặt chính tháp cổ Mường Luân cũng hướng về Việt còn mặt sau hướng đất Lào. Người Lào ở Mường Luân luôn tin dáng tháp và dáng núi cùng nhắc nhở về tình đoàn kết mà dân tộc Việt - Lào đã đùm bọc nhau qua các cơn binh lửa loạn ly”.