Hỏi nhà sử học

NDO - Hỏi: Một bài thơ được coi là nổi tiếng của Trần Quang Khải trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông có nhắc đến địa danh Chương Dương, Hàm Tử. Xin được hỏi Chương Dương, Hàm Tử nay thuộc địa danh nào? phungthuy@cstd.vn

Trả lời: Cuối tháng 5-1285, tình thế quân Nguyên trở nên hết sức khó khăn, quân ta đồng loạt phản công trên các chiến trường. Trần Quang Khải được lệnh thống lĩnh các đạo quân ngược dòng sông Hồng đánh vào hệ thống phòng thủ của quân Nguyên ở phía nam Thăng Long, tiến vào giải phóng Kinh thành. Chiêu Thành Vương, tướng Nguyễn Khoái, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản đã đánh tan quân Nguyên ở bến Tây Kết (nay thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Trong khi đó Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật cùng các tướng lĩnh khác quét sạch quân địch ở Hàm Tử Quan (nay là xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, bên sông Hồng). Thừa thắng, Trần Quang Khải cùng các tướng đem quân đánh vào đồn Chương Dương (ở hữu ngạn sông Hồng, nay thuộc xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội) rồi tiến vào giải phóng Kinh thành Thăng Long.

Ngày 6-6 năm Ất Dậu (1285) khi những tên lính xâm lược Nguyên Mông cuối cùng cút khỏi nước ta, Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông trở lại Kinh thành Thăng Long đã hoàn toàn giải phóng. Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đã làm bài thơ tựa như khúc ca khải hoàn của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai:

Chương Dương cướp giáo giặc / Cửa Hàm Tử bắt thù.

Thái bình nên gắng sức / Non nước cũ ngàn thu.

Tác giả là người trực tiếp tham gia với tư cách người chỉ huy cao nhất của đội quân vào giải phóng Kinh thành Thăng Long.