Hỏi các nhà sử học

NDO - Hỏi: "Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai". "Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế". Ðây là hai vế của một đôi câu đối. Ai là người ra vế đối, ai là người đối? Sự kiện này diễn ra năm nào và ở đâu? (binhminhmuonmau87@gmail.com)

Trả lời: Sau khi diệt nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh thi hành chính sách trả thù tàn bạo, không chỉ với anh em nhà Tây Sơn mà ngay cả với những người từng hợp tác với triều đại này. Ngô Thì Nhậm, một sĩ phu Bắc Hà nổi danh có công lao lớn trong cuộc kháng chiến chống Thanh, từng phụ việc ngoại giao xây dựng mối quan hệ hảo hữu với nhà Thanh góp phần quan trọng loại bỏ nguy cơ chiến tranh.

Khi lên ngôi vua, Gia Long giao Ngô Thì Nhậm cho Phó Tổng trấn Bắc Thành lúc đó là Ðặng Trần Thường xét xử. Ngô Thì Nhậm và Ðặng Trần Thường cùng là sĩ phu Bắc Hà nhưng trước thời cuộc mỗi người chọn một con đường đi riêng. Ngô Thì Nhậm giúp Tây Sơn còn Ðặng Trần Thường thì vào nam theo Nguyễn Ánh. Khi ấy Ngô Thì Nhậm là một đại thần được nhà Tây Sơn sủng ái thì Ðặng Trần Thường đang cùng Nguyễn Ánh trong những ngày tháng lận đận. Khi đưa Ngô Thì Nhậm ra trước Văn Miếu đánh đòn, Ðặng Trần Thường ngạo mạn ra vế đối: 'Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai?'.

Ngô Thì Nhậm liền đối lại: 'Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế'.

Ngô Thì Nhậm bị đánh quá nặng, về nhà một thời gian thì mất. Sự kiện này diễn ra vào năm 1803. Sau này, Ðặng Trần Thường cũng mắc lỗi Gia Long và cũng bị khép vào tội chết (1816).