Hỏi các nhà sử học

NDO - Hỏi: Hai câu thơ “Buổi diễn thuyết người đông như hội, Kỳ bình văn khách đến như mưa” có phải đã khắc họa không khí học tập ngoại khóa ở một trường tư thục nổi tiếng ở Hà Nội thời xưa? Trường đó tên là gì và ở đâu? Và ai là người sáng lập ra trường này?

(khuongsau2010@yahoo.com)

Trả lời: Hai câu thơ trên nói về Trường Đông Kinh Nghĩa Thục được thành lập từ tháng 3-1907 có trụ sở tại số 4 Hàng Đào, Hà Nội. Ngoài ra trường còn có một số chi nhánh ở ngoại thành mà một số tỉnh với nhiều lớp học theo mô hình Đông Kinh Nghĩa Thục.

Ngoài chương trình nội khóa học ban ngày, trường tổ chức nhiều buổi ngoại khóa dưới hình thức giảng báo, bình văn, nói chuyện... vào tối mồng một và ngày rằm trong tháng. Mọi người đến đây được nghe nói chuyện về lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, về các cuộc cách mạng tư sản trên thế giới, về xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục, khích lệ dùng hàng nội, cắt tóc ngắn... Các diễn giả nổi tiếng thời đó là Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Lương Trúc Đàm, Phan Châu Trinh...

Người sáng lập ra Trường Đông Kinh Nghĩa Thục là Lương Văn Can tự là Ôn Như hiệu là Sơn Lão (1854 - 1927) người ở làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội. Sau khi đỗ cử nhân năm 20 tuổi, ông không ra làm quan mà dạy học. Tiếp nhận tư tưởng Duy Tân, năm 1907 Lương Văn Can cùng với một số sĩ phu yêu nước tiến bộ thành lập trường và ông là hiệu trưởng. Trường tổ chức nhiều hoạt động truyền bá tư tưởng yêu nước nâng cao dân trí, phát triển và cổ súy văn hóa dân tộc theo xu hướng mới. Trước ảnh hưởng to lớn của Đông Kinh Nghĩa Thục, thực dân Pháp hoảng sợ đã ra lệnh đóng cửa trường vào cuối năm 1907, bắt giam Lương Văn Can và một số giáo viên. Ông bị giặc xử phạt mười năm tù và đầy đi biệt xứ sang Phnôm Pênh (Cam-pu-chia). Năm 1921, sau khi được thả, LươngVăn Can tiếp tục sự nghiệp dạy học, viết nhiều sách tuyên truyền yêu nước, như Quốc sư phạm lịch sử, Hán tự tuyệt kinh, Ấu học tùng đàm, Gia huấn, Hán tự quốc âm, Hạch đàm loại ngữ, Châu thư loại ngữ... Đặc biệt “Kim cổ cách ngôn” và “Thương học châm ngôn” được coi là hai cuốn sách bàn cách làm giàu đầu tiên của Việt Nam. Vì thế Lương Văn Can còn được gọi là “người thầy của doanh thương Việt Nam”...