Hỏi các nhà sử học

NDO - Hỏi: Kẻ Chợ có phải là tên gọi dân gian của Thăng Long - Hà Nội xưa? Tên gọi này có nguồn gốc như thế nào và được dùng phổ biến từ bao giờ? Kẻ Chợ có phải là nơi tập trung nhiều chợ? (phungthuy1205@gmail.com)

NDHT trả lời: Trong xã hội truyền thống xưa, số đông cư dân sống ở các làng quê. Người ta thường gọi những người dân sống ở khu vực nông thôn bằng từ kẻ, kèm theo tên gọi riêng của từng nơi (như Kẻ Sặt, Kẻ Mơ, Kẻ Chủ...) với tên gọi chung là kẻ quê. Nhiều cộng đồng cư dân, chủ yếu là các làng nghề, ở các địa phương đã di cư lên Thăng Long làm ăn và định cư trong các phường phố. Với những người này, họ có một quê gốc (cựu quán) và một quê mới (kinh quán) và từ kẻ quê đã biến thành kẻ chợ. Tên Kẻ Chợ thường dùng để chỉ khu phố phường làm ăn buôn bán của Thăng Long, sau trở thành tên gọi chung cho đô thị Thăng Long - Hà Nội.

Tên gọi Kẻ Chợ có thể đã xuất hiện từ thời Lý - Trần. Sau đó tên gọi này được dùng phổ biến trong các cuốn du ký, các cuốn sách địa sử, trên các bản đồ của các tác giả phương Tây với các biến thái khác nhau như Ke Chu, Ca Cho, Ca Chu...

Ðúng như tên gọi, Kẻ Chợ là nơi tập trung một mạng lưới chợ dày đặc với rất nhiều chợ lớn nhỏ tỏa khắp đô thành, trên bến sông, bên bờ kênh, nơi cửa ô, cửa thành, ở bất kỳ nơi nào có người qua lại. Dân quê từ các vùng phụ lân cận kinh thành mang hàng hóa đến bán ở chợ, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, rồi lại mua về các mặt hàng thủ công thiết yếu. Một số chợ lớn ở Thăng Long - Hà Nội có thể kể đến như chợ Bạch Mã, chợ Cầu Ðông (sau này trở thành chợ Ðồng Xuân), chợ Cửa Ðông, chợ Cửa Nam, chợ Huyện, chợ Ðình Ngang, chợ Bà Ðá, chợ Văn Cử, chợ Bác Cử, chợ Ông Nước (Ô Ðống Mác), Chợ Mới (quãng phố Hàng Chiếu), chợ Ðông Thành (quãng phố Hàng Vải - Hàng Gà), chợ Yên Thọ (Ô Cầu Dền), chợ Yên Thái (Bưởi)... Dân gian còn lưu truyền câu ca về cảnh tất bật của thương nhân Kẻ Chợ: 'Bán mít chợ Ðông, bán hồng chợ Tây, bán mây chợ Huyện, bán quyến (tơ) chợ Ðào'...