Hỏi các nhà sử học

NDO - Hỏi: Chúng cháu muốn biết, sao lại gọi Nguyễn Bỉnh Khiêm là Trạng Trình? Có phải, Trình là tên cúng cơm, biệt hiệu... của Nguyễn Bỉnh Khiêm? Chúng cháu còn muốn biết, Nguyễn Bỉnh Khiêm tự học mà tài hay có thầy giỏi? (nguyentu6_7_90@yahoo.com.vn thay mặt nhóm thichlichsu)

NDHT trả lời: Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm Tân Hợi, người tỉnh Hải Dương. Nguyễn Bỉnh Khiêm có tính tình khoáng đạt, thông minh, học giỏi, thích lý số. Ông từng đỗ Trạng nguyên và làm quan đến chức Lại bộ Thượng thư nhà Mạc, tước Trình Quốc Công. Vì thế người đời gọi ông (theo tước) là Trạng Trình.

Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ tự học mà có thầy. Một trong những người thầy của ông là Bảng nhãn Lương Ðắc Bằng danh sĩ đời Lê Hiến Tông.

Lương Ðắc Bằng sinh năm Nhâm Dần (1472) quê làng Hộ Trào, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm Kỷ Mùi (1499) Lương Ðắc Bằng đỗ Bảng Nhãn và được bổ làm Tả thị lang Bộ Lễ, sung Thị Tộc Viện Hàn lâm. Sau một thời gian, Lương Ðắc Bằng lại đổi sang Tả Thị lang Bộ Lại. Ở Bộ Lại ít lâu, ông về cư tang. Sau vua cho triệu ông phục chức tại Bộ Lại và kiêm Học sĩ Ðông coi sóc tòa Kinh Diên. Nhưng, Lương Ðắc Bằng quyết từ, không chịu ra làm quan nữa và nhân dịp này dâng bài Trị Bình gồm 14 chước (Trị bình thập tứ sách): 1- Dốc hết sức cảnh giới để dẹp những điều tai dị. 2- Dốc lòng hiếu thảo để cho niềm trung hậu được dày dặn. 3- Xa thanh sắc để gốc chính tâm được vững vàng. 4- Bỏ tà nịnh để thanh lọc nguồn vạn hóa. 5- Dè dặt về phong quan tước để cẩn trọng việc khuyên răn. 6- Triển bổ công bằng để đường làm quan được thanh khiết. 7- Tiết giảm việc tiêu dùng để bồi bổ thói kiệm phác. 8- Khen thưởng kẻ tiết nghĩa để coi trọng đạo cương thường. 9- Cấm hối lộ để từ bỏ thói gian tham. 10- Sửa sang võ bị để thế nước được yên vững. 11- Kén chọn gián quan để gây sự phấn khởi cho những người dám nói. 12- Khoan giảm việc phục dịch để dân tình được thỏa mãn. 13- Hiệu lịnh phải dứt khoát để thống nhất hành động bốn phương. 14- Cẩn thận thực thi pháp độ để mở đường thạnh trị.

Thời bấy giờ dưới triều vua Lê Tương Dực chơi bời xa xỉ, cho nên Trị bình thập tứ sách của Lương Ðắc Bằng chỉ được vua khen ngợi nhưng không được thi hành. Lương Ðắc Bằng cáo quan về nhà, mở trường dạy học tại Lạch Triều và nghiên cứu lý số. Trong số học sinh của ông có Nguyễn Bỉnh Khiêm.