Hỏi các nhà sử học

NDO - Hỏi: Chúng em là học sinh trường PTTH Phan Ðình Phùng, đang học thêu để trau dồi "nữ công, gia chánh", muốn biết ông tổ nghề thêu của nước ta là ai? quê quán và ngày giỗ tổ nghề thêu là ngày, tháng, năm nào?

NDHT trả lời: Cụ Lê Công Hành là thần tổ nghề thêu và nghề làm lọng ở nước ta.

Lê Công Hành, chính tên là Trần Quốc Khải, sinh 18 tháng Giêng năm Bính Ngọ (1606) tại Quất Ðộng (nay là thôn Ðào Xá, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội), mất 12 tháng 6 năm Tân Sửu (1661). Thần phả nói tổ tiên ông vốn họ Mạc, đổi sang họ ngoại là họ Trần. Sau đó lấy họ Lê, vì ông được vua Lê ban quốc tính.

Thủa thơ ấu Lê Công Hành đã nổi tiếng thông minh, với giai thoại kể rằng lúc còn là học trò, đã có câu đối xuất sắc.

Một quan thị ra câu đối:

- Ông quan thị cắm đường cái tiêu, trị hồng thủy cho dân được cậy.

Câu đối ra khó vì dùng nhiều chữ chỉ vào các quả. Cậu học trò đối lại:

- Trai Quất Ðộng thi đỗ bảng nhãn, phù quân vương phỉ chỉ mới cam.

Trần Quốc Khải thi đỗ Tiến sĩ vào đời vua Lê Chân Tông, năm 1646, ông được cử đi sứ Trung Quốc. Ðể thử trí thông minh của sứ thần Ðại Việt, vua Minh sai người dựng một cái lầu cao, rồi mời ông lên chơi. Khi ông đã lên lầu thì ở dưới đất cất thang đi. Không còn lối xuống nữa ông đành ở trên lầu một mình, chung quanh trời mây bao la, gió thổi hun hút. Ông đưa mắt nhìn quanh lầu chẳng có cái gì có thể ăn được. Chỉ thấy hai pho tượng Phật có mầu sắc sơn phết cẩn thận, kèm theo là một vò nước cúng; một bình hương - và có cả hai cái lọng to. Trong góc lầu lại có hai cây tre tươi và một con dao.

Ðã mấy ngày trôi qua trên lầu vắng, bụng đói cồn cào. Ông nghĩ bụng có nước uống tất phải có cái ăn. Ông ngắm bức nghi môn thấy có đề chữ 'Phật tại tâm' nghĩa là Phật ở trong lòng. Ông gật đầu mỉm cười, rồi bẻ tay Phật ra thử xem sao. Thì ra hai pho tượng được nặn bằng bột gạo nếp. Từ đó ngày ngày ông ăn pho tượng ấy.

Là người chăm chỉ, ngồi chơi thì buồn, ông bèn chẻ tre ra vót nan lọng; ông nhìn cách ghép nan, nhập tâm từng chi tiết. Rồi ông đem bức nghi môn tháo ra để học cách thêu và ông thêu vào hệt như cũ.

Nhờ cách ấy mà ông học được cách thêu và làm lọng. Sau đó ít ngày ông loay hoay tìm cách để xuống. Ngắm nhìn những con dơi xòe cánh chao đi, chao lại bay lượn, ông nảy ra ý định táo bạo, ôm hai cái lọng rồi nhảy xuống bình an vô sự.

Trước tài trí và sự đối đáp thông minh, nhà Minh vô cùng kính phục đã làm tiệc lớn đãi và tiễn ông về nước.

Vì có nhiều công lao với nhà Lê, ông được phong là Vinh Lộc Ðại phu, Công bộ thị lang, Thọ Phú Hầu và được đổi theo họ vua, vì vậy có tên là Lê Công Hành.

Lê Công Hành đã đem kinh nghiệm thu được về nghề thêu và làm lọng dạy cho dân làng Quất Ðộng. Từ làng Quất Ðộng nghề thêu lan truyền ra nhiều làng: Ðào Xá, Hướng Dương... Dân các làng thêu ra Hà Nội hành nghề, lập các phường phố, tôn ông làm tổ sư nghề thêu. Có đình chợ thêu, tên chữ là Tú Ðình Thị, nay còn ở phố Yên Thái, Hà Nội. Ngày 12 tháng 6 âm lịch được lấy làm ngày giỗ tổ nghề thêu. Ðình thôn Ðào Xá thờ Chử Ðồng Tử - Tiên Dung công chúa thời Hùng Vương và phối thờ Lê Công Hành tổ nghề thêu Việt Nam - đình đã có 27 đạo sắc phong của thời Lê Trung Hưng và triều Nguyễn.