Trung Quốc duy trì ổn định kinh tế, đẩy mạnh cải cách

Nền kinh tế Trung Quốc tuy đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm hơn so các năm trước, nhưng nhiều khả năng vẫn đạt chỉ tiêu tăng trưởng hơn 6,5% trong năm 2016 và là động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc khẳng định, trong năm 2017 sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đẩy mạnh cải cách và cải thiện đời sống người dân.

Tử Cấm Thành thu hút đông đảo du khách. Ảnh: Tân Hoa Xã
Tử Cấm Thành thu hút đông đảo du khách. Ảnh: Tân Hoa Xã

Số liệu chính thức cho thấy, kinh tế Trung Quốc trong quý III-2016 vẫn tăng trưởng ổn định và đạt 6,7%, tạo cơ sở để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP hơn 6,5% trong cả năm 2016. Theo Liên đoàn hậu cần và mua sắm Trung Quốc (CFLP), hoạt động chế tạo tại nước này chậm lại trong tháng 12-2016, nhưng vẫn là tháng tăng trưởng thứ năm liên tiếp, cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn ổn định.

Trong bài viết mới đây, Tân Hoa xã dẫn ý kiến của giới chuyên gia nước này nêu sáu điểm cần được kiểm soát của kinh tế Trung Quốc trong năm 2017, sau khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới năm 2016 đã thích nghi được với tiến trình “bình thường hóa mới”. Thứ nhất, đó là tăng trưởng bền vững. Bất chấp sức ép giảm đà tăng trưởng, kinh tế Trung Quốc vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định khoảng 6,7%, chặn đứng tin đồn kinh tế nước này sẽ “hạ cánh cứng”. Trong năm 2017, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ tiếp tục ưu tiên bình ổn nền kinh tế. Đà tăng trưởng bền vững của Trung Quốc sẽ được bảo đảm bởi tiềm năng tăng trưởng mạnh và các chính sách kiểm soát vĩ mô hiệu quả. Thứ hai, là cải cách cơ cấu nguồn cung. Giới chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách cơ cấu nguồn cung và các chính sách kiểm soát vĩ mô vì cho rằng, đà tăng trưởng ổn định không thể duy trì nếu không có cải cách, trong khi các cải cách sẽ không thành công nếu không được kiểm soát. Năm 2017, Trung Quốc được dự đoán sẽ triển khai loạt cải cách cơ bản liên quan doanh nghiệp quốc doanh, thuế, tài chính, đất đai, đô thị hóa, bảo hiểm xã hội, văn minh môi trường... Thứ ba, là chính sách tiền tệ thận trọng. Dự báo, trong năm nay Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ chuyển trọng tâm chính sách tiền tệ từ hỗ trợ tăng trưởng sang phòng ngừa rủi ro. Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PboC, tức Ngân hàng Trung ương) có thể tiếp tục can thiệp thị trường nhằm bảo đảm tính thanh khoản và ngăn chặn tình trạng tăng trưởng tín dụng quá nóng. Thứ tư, liên quan đồng nội tệ của Trung Quốc (NDT). Đồng NDT giảm giá mạnh kể từ tháng 10-2016 làm dấy lên lo ngại trên thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế tin tưởng Trung Quốc đủ khả năng xử lý kể cả khi tỷ giá hối đoái có biến động lớn hơn dự đoán. Thứ năm là ổn định thị trường bất động sản. Và thứ sáu, Trung Quốc vẫn là động lực đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Mặc dù đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm nhưng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn ở mức từ 6,5% đến 7% và dự báo sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng của toàn cầu trong thời gian tới.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định, trong năm 2017, Bắc Kinh tiếp tục duy trì sự ổn định của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách và cải thiện đời sống của người dân. Tại Hội nghị Kinh tế trung ương cuối năm 2016, với chủ đề bình ổn nền kinh tế, giới chức Trung Quốc đặt mục tiêu sẽ duy trì chính sách tài khóa một cách chủ động và hiệu quả hơn, kết hợp những chính sách về tiền tệ thận trọng và trung lập. Cùng với đó sẽ tăng cường các khoản chi tiêu công cải thiện cơ sở hạ tầng và cải cách kinh tế. Đây là nhu cầu cấp bách nhằm giải quyết sự mất cân bằng về cấu trúc và tìm lại đà tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc lấy con người làm trọng tâm trong quá trình phát triển và giải quyết những mối quan ngại chung của người dân về tăng trưởng kinh tế, từ đó đạt mục tiêu từng bước cải thiện đời sống người dân.

Đất nước và nhân dân Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, giành nhiều thành tựu to lớn hơn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và cải cách mở cửa, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả. Trước mắt, đến năm 2020, năm cuối của kế hoạch 5 năm (2015-2020), Trung Quốc sẽ xây dựng một xã hội thịnh vượng vừa phải, tăng gấp hai lần thu nhập trung bình hằng năm của người dân ở thành thị và nông thôn so mức của năm 2010, đồng thời xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nghèo đói.