Trung Đông, “điểm đến” quan trọng của Anh

Thủ tướng Anh T.Mây vừa thực hiện chuyến công du Trung Đông với chương trình nghị sự tập trung vào tăng cường hợp tác an ninh và các nỗ lực thúc đẩy thương mại hậu Brexit (Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu).

Thủ tướng Anh T.Mây trong chuyến thăm Gioóc-đa-ni.
Thủ tướng Anh T.Mây trong chuyến thăm Gioóc-đa-ni.

Chuyến thăm ba ngày tới Gioóc-đa-ni và A-rập Xê-út của người đứng đầu Chính phủ Anh diễn ra trong bối cảnh “xứ sở sương mù” đang tiến hành các cuộc đàm phán về Brexit cũng như chuẩn bị cho các bước tiếp sau đó. Chính phủ Anh đang nỗ lực thúc đẩy các mối quan hệ đầu tư và thương mại, sau khi Anh chính thức khởi động giai đoạn Brexit trong hai năm tới. Nước Anh cũng đang đối mặt nguy cơ khủng bố cao sau khi xảy ra vụ tiến công ngay bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh hồi tháng 3 vừa qua.

Ngay khi đến Gioóc-đa-ni, Thủ tướng Mây và Quốc vương Áp-đu-la II đã đi tham quan một cơ sở quân đội, thị sát lực lượng phản ứng nhanh và một chương trình huấn luyện chung. Phía Anh đưa ra một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các lực lượng Anh với Không quân Hoàng gia Gioóc-đa-ni, trong đó có việc triển khai các sĩ quan huấn luyện của quân đội Anh để giúp không quân Gioóc-đa-ni đối phó tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Các cuộc thảo luận giữa Quốc vương Gioóc-đa-ni Áp-đu-la II và nữ Thủ tướng Anh trong chuyến thăm tập trung chủ yếu vào những diễn biến của tiến trình hòa bình Trung Đông, cuộc khủng hoảng tại Xy-ri và nỗ lực chống khủng bố. Người đứng đầu Chính phủ Anh đã đề cập các biện pháp giúp quốc gia Trung Đông này giải quyết dòng người tị nạn từ nước láng giềng Xy-ri. Quốc vương Áp-đu-la II khẳng định, Gioóc-đa-ni đánh giá cao sự hỗ trợ của Anh dành cho nước này nhằm góp phần giải quyết các thách thức liên quan việc tiếp nhận một số lượng lớn người tị nạn Xy-ri. Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực khu vực và quốc tế trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố vốn đang đe dọa nền hòa bình và an ninh toàn cầu.

Thăm A-rập Xê-út, Thủ tướng Anh T.Mây tập trung nỗ lực thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Anh tìm kiếm các thỏa thuận thương mại mới sau khi nước này chính thức kích hoạt Điều 50 trong Hiệp ước Li-xbon, đánh dấu tiến trình đàm phán rời EU. Trong khi đó, là đối tác thương mại lớn nhất của Anh tại Trung Đông, A-rập Xê-út cũng mong muốn đầu tư ra nước ngoài, như một phần của kế hoạch cải tổ kinh tế dài hạn, được biết đến là "Tầm nhìn Kinh tế 2030", với mục tiêu đa dạng hóa nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào nguồn thu dầu mỏ. A-rập Xê-út hiện đối mặt tình trạng thâm hụt ngân sách khổng lồ, với các khoản nợ đối với các doanh nghiệp tư nhân lên tới hàng tỷ USD, sau khi giá dầu giảm mạnh trên thị trường thế giới.

Tại cuộc hội đàm ở thủ đô Ri-i-át, Quốc vương A-rập Xê-út Xan-man An Xa-út và Thủ tướng Anh T.Mây đã thảo luận các "tiêu chuẩn thuế và cổ phần hóa" để giúp A-rập Xê-út giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào dầu mỏ. Bà Mây khẳng định, Luân Đôn sẽ giúp Ri-i-át thúc đẩy các nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế cũng như nâng cao năng lực quốc phòng. Anh cũng thông báo sẽ hỗ trợ tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco của A-rập Xê-út tiến hành niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Luân Đôn. Tại cuộc gặp Thái tử M.Nay-ép, người giữ chức Bộ trưởng Nội vụ A-rập Xê-út, Thủ tướng Anh thảo luận vấn đề hợp tác chung trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan và khủng bố, nhất là IS. Nằm ở khu vực có nhiều “điểm nóng”, A-rập Xê-út cũng là đối tác tiềm năng trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Xtốc-khôm, A-rập Xê-út đã mua hơn năm tỷ USD vũ khí của Mỹ và Anh.

Những cam kết của Thủ tướng Mây về việc hỗ trợ Gioóc-đa-ni và A-rập Xê-út xuất phát từ lợi ích an ninh và thịnh vượng của Anh. Hai quốc gia Trung Đông này là những “điểm đến” mà nước Anh đang tìm khi đứng trước không ít thách thức kinh tế và an ninh thời hậu Brexit.