Tranh chấp đảo Trung – Nhật : Mất nhiều hơn được

NDO - NDĐT- Sau quyết định quốc hữu hóa ba đảo thuộc quần đảo Senkaku (phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) của chính phủ Nhật Bản, sóng gió trong quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc nổi lên mạnh mẽ chung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo này. Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích kinh tế nhận định này sớm muộn gì, rạn nứt trong quan hệ ngoại giao cũng sẽ gây tổn thất nghiêm trọng đối với hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Bất kỳ một hành động nào làm leo thang những căng thẳng vốn có cũng dễ dàng đưa lại những kết quả không mong đợi về mặt
Bất kỳ một hành động nào làm leo thang những căng thẳng vốn có cũng dễ dàng đưa lại những kết quả không mong đợi về mặt

Đối tác lớn

Trong một thập kỷ qua, thương mại song phương Trung Quốc – Nhật Bản đã tăng lên gấp ba lần lên hơn 340 tỷ USD. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu chính của Nhật Bản và đầu tư của Nhật Bản tại Trung Quốc đang gấp hai lần so với Mỹ và Hàn Quốc trong những năm gần đây. Theo Tổ chức ngoại thương Nhật Bản, đến cuối năm 2010, có tổng số 22.307 công ty Nhật Bản làm ăn tại Trung Quốc. Trong số đó, rất nhiều các hãng sản xuất các sản phẩm như ô tô, máy móc điện tử Nhật Bản có nhà máy tại Trung Quốc và các sản phẩm sau đó sẽ được xuất đi các nước khác trên thế giới.

Chỉ tính riêng trong năm 2011, thương mại song phương Trung Quốc-Nhật Bản đạt 244, 9 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng giá trị thương mại của Nhật Bản. Vượt qua Mỹ, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản.

Tổn thất không đếm được

Nhưng từ khi căng thẳng trong tranh chấp đảo dấy lên mạnh mẽ, người dân Trung Quốc xuống đường biểu tình, tẩy chay hàng hóa Nhật Bản, mối quan hệ kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này đang trong cơn nguy kịch hơn lúc nào hết. Nhiều doanh nhân Nhật Bản làm ăn với Trung Quốc trong nhiều năm chia sẻ rằng đây là thời điểm căng thẳng nhất trong quan hệ giữa hai nước trong 40 năm qua kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ.

Trong suốt chuyến thăm tới Bắc Kinh hồi đầu tháng, Chủ tịch Liên đoàn các doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) Hiromasa Yonekura đã tỏ thiện chí cải thiện mối quan hệ “gai góc” này và nói rằng ông sẽ làm tất cả những gì có thể.

Tuy nhiên có một số doanh nhân khác kém lạc quan hơn Chủ tịch Keidanren. “Không gì có thể thực sự thực hiện được ở cấp độ khu vực tư nhân”, một nhà kinh doanh tại công ty sản xuất thiết bị xây dựng nói.

Trong bài phân tích của chuyên gia cao cấp Yokon Huang tại chương trình châu Á của Quỹ Nghiên cứu Carnegie Endowment, chuyên nghiên cứu về sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và tác động của nó tới kinh tế châu Á và toàn cầu, TS. Huang chỉ rõ rằng cả Trung Quốc và Nhật Bản đều chịu thiệt hại nếu tranh chấp đảo này dẫn tới sự rạn nứt trong quan hệ giữa hai nước khiến gián đoạn việc sản xuất và gây ra các cuộc tẩy chay hàng hóa.

TS. Huang nhận định: “Dường như cả hai bên đều mất nhiều hơn trong mối quan hệ kinh tế bị ngừng trệ này hơn là việc hai nước có thể thu được từ việc kiểm soát một số đảo lẻ tẻ.”

Đối với Nhật Bản, nền kinh tế của nước này vốn đang cho thấy các dấu hiệu tiếp tục giảm tốc, xuất khẩu sang Trung Quốc-đối tác thương mại lớn nhất- bị giảm mạnh và doanh thu của các công ty phụ trợ cho các công ty lớn của Nhật Bản chắc chắn sẽ còn bị thiệt hại trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Viện nghiên cứu Daiwa tại Tokyo ước tính rằng một tháng ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc có thể khiến sản lượng quốc nội của Nhật Bản thiệt hại 2,2 nghìn tỷ Yên, chiếm gần 0,2% GDP của nước này.

Trong khi đó, các công ty con của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc có thể mất 1,7 nghìn tỷ Yên doanh số bán hàng.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Daiwa, ông Mitsumaru Kumagai cũng lên tiếng quan ngại về khả năng sụt giảm sản lượng sản xuất ô-tô Nhật Bản tại các nhà máy đặt tại Trung Quốc.

Bên cạnh ngành sản xuất, ngành công nghiệp không khói là lĩnh vực du lịch cũng được dự đoán sẽ phải gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng.

Thêm vào đó, Nhật Bản có sự hiện diện kinh tế tại thị trường Trung Quốc lớn hơn rất nhiều sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc tại Nhật Bản. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều các công ty từ khu vực phi sản xuất như siêu thị hay kinh doanh nhà hàng cũng mở rộng kinh doanh tại thị trường Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, các chuỗi nhà hàng Nhật Bản khá phổ biến và các khu thương mại bán lẻ của Nhật Bản bán từ những chiếc xe ô tô đến những đồ điện tử. Về điểm này Nhật Bản có thể bị tổn thương nhiều hơn nếu xảy ra việc ngừng giao thương hay tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. Ngược lại, Trung Quốc cũng sẽ hứng chịu tổn thất bởi hầu hết những hàng hóa này được các công ty Trung Quốc sản xuất với lao động và nguyên vật liệu nội địa - và do đó, các tác động vòng hai sẽ gây thiệt hại tới các lợi ích của Trung Quốc.

Việc ước tính cái giá tương đối phải trả của cả hai nước nếu mạng lưới sản xuất này trở thành “con tin” của các căng thẳng biển đảo là rất phức tạp bởi vì cả hai nước đều liên quan tới nhau và vai trò của hai nước ngày một lớn. Các hậu quả nghiêm trọng hơn ở khía cạnh tác động tới tăng trưởng, xuất phát từ các vai trò hỗ trợ mà hai quốc gia này nắm giữ trong mạng lưới sản xuất tại Đông Á. Trung Quốc có thể là bộ mặt của mạng lưới này khi nước này là công xưởng của thế giới, song phần lớn các bộ phận tinh vi lại sản xuất từ Nhật Bản.

Một khi một chiến dịch tẩy chay hàng hóa Nhật Bản của Trung Quốc lan rộng và Hải quan Trung Quốc thắt chặt việc kiểm soát các chuyến bay từ Nhật Bản, một số nhà phân tích kinh doanh cho rằng tình trạng đình trệ trong giao thương giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới rốt cuộc sẽ làm tổn hại chính Trung Quốc.

Do đó, xét cho cùng, bất kỳ một hành động nào làm leo thang những căng thẳng vốn có cũng dễ dàng đưa lại những kết quả không mong đợi về mặt kinh tế, đặc biệt đối với hai nền kinh tế lớn nhất châu Á- khu vực được coi sẽ là trung tâm của thế kỷ 21. Tác động tiêu cực của những căng thẳng này chắc chắn sẽ không chỉ nằm trong phạm vi hai quốc gia mà sẽ lan tỏa sang toàn khu vực, gây xáo trộn những trật tự kinh tế vốn có.