Tư liệu

Tình hình phân giới cắm mốc và quản lý biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia

Ngày 26-12, theo kế hoạch Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen cùng tham dự Lễ khánh thành cột mốc 30 trên biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia và đoạn đường nối hai trạm kiểm soát cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh và O Da Đao (Oya dav) tại xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai và Lễ khánh thành cột mốc 275 trên biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia tại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên - Phnôm-đân (Phnom Den), xã Xuân Tô, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Báo Nhân Dân xin giới thiệu với bạn đọc những nét chính về tình hình biên giới đất liền Việt Nam và Cam-pu-chia.

Việt Nam và Cam-pu-chia là hai nước láng giềng có lịch sử quan hệ từ lâu đời. Biên giới đất liền giữa hai nước có chiều dài khoảng 1.137 km, đi qua địa giới hành chính mười tỉnh của Việt Nam và chín tỉnh của Cam-pu-chia. Việc tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Cam-pu-chia nói chung và xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước nói riêng luôn là mục tiêu chiến lược và được lãnh đạo cấp cao hai nước coi trọng và quyết tâm theo đuổi. Việt Nam và Cam-pu-chia đã ký nhiều hiệp ước hoạch định toàn bộ đường biên giới trên đất liền giữa hai nước và trên cơ sở đó đã phân giới cắm mốc được hơn 80% đường biên giới đất liền.

Ngày 20-7-1983, Việt Nam và Cam-pu-chia ký Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước (Hiệp ước 1983). Hiệp ước này có hiệu lực từ ngày 27-9-1983, trong đó quy định rõ: "Trên đất liền, hai bên coi đường biên giới hiện tại giữa hai nước được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương thông dụng trước năm 1954 hoặc gần năm 1954 nhất (kèm theo 26 mảnh bản đồ được hai bên xác nhận), là đường biên giới quốc gia giữa hai nước". Trên cơ sở các nguyên tắc đã quy định tại Hiệp ước 1983, Việt Nam và Cam-pu-chia ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia ngày 27-12-1985 (Hiệp ước hoạch định năm 1985), có hiệu lực từ ngày 22-2-1986. Tiếp đó, ngày 10-10-2005, hai nước ký Hiệp ước giữa Việt Nam và Cam-pu-chia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 (Hiệp ước Bổ sung năm 2005), có hiệu lực từ ngày 6-12-2005.

Trên cơ sở Hiệp ước hoạch định năm 1985 và Hiệp ước Bổ sung năm 2005, đến nay, hai nước đã phân giới, cắm mốc biên giới được khoảng hơn 80%, hiện chỉ còn khoảng dưới 20% đường biên giới chưa hoàn thành phân giới, cắm mốc.

Căn cứ tình hình thực tiễn, ngày 23-4-2011, đại diện Chính phủ hai nước Việt Nam và Cam-pu-chia ký Bản ghi nhớ về việc điều chỉnh đường biên giới trên bộ đối với một số khu vực tồn đọng giữa hai nước (MOU 2011). Hai bên nhất trí duy trì đường biên giới quản lý thực tế, căn cứ đường biên giới pháp lý hoán đổi cân bằng về diện tích và lợi ích để không gây ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống, bảo đảm sự ổn định sinh hoạt, sản xuất của nhân dân khu vực biên giới hai bên. Hiện hai bên đã hoàn thành công việc hoán đổi đất tại một số khu vực thuộc sáu cặp tỉnh là Tây Ninh - Tbo-ung Khơ-mum (Cam-pông Chàm trước đây), Tây Ninh -Xvay Riêng, Đồng Tháp - Pray Veng, An Giang - Tà-keo, Kiên Giang - Tà-keo và Kiên Giang - Cam-pốt.

Trong khi chờ hoàn thành việc phân giới, cắm mốc biên giới đất liền giữa Việt Nam và Cam-pu-chia, hai nước cam kết thực hiện việc quản lý biên giới theo Hiệp định về quy chế biên giới giữa hai nước ký ngày 20-7-1983 và Thông cáo báo chí chung ngày 17-1-1995 nhân chuyến thăm làm việc tại Việt Nam của Thủ tướng Thứ nhất Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia, Hoàng thân Xăm-đéc Crôm Prẹ Nô-rô-đôm Ra-na-rít.

Mốc 30 và 275 cùng mốc 314 đã được Thủ tướng Chính phủ hai nước thống nhất xác định sau khi hai bên ký Bản ghi nhớ ngày 23-4-2011. Ngày 20-11-2015, tại Thủ đô Phnôm Pênh, đại diện hai bên đã thống nhất khởi công xây dựng cùng lúc hai cột mốc này. Với việc hoàn thành xây dựng hai cột mốc 30 và 275, hai nước đã hoàn thành việc xác định, xây dựng tất cả các cột mốc đại có gắn quốc huy tại 10/10 cặp cửa khẩu quốc tế; cùng với cột mốc ở điểm đầu (mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia) và cột mốc cuối cùng (mốc 314) trên đường biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia và 297 cột mốc chính đã xây dựng, có thể nói công tác phân giới, cắm mốc giữa hai nước đã cơ bản hoàn thành. Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định tính đúng đắn của công tác phân giới, cắm mốc mà hai nước đã và đang triển khai, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước trong việc sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia và góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Trong thời gian tới, hai bên cam kết tiếp tục phối hợp để sớm hoàn thành việc phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới theo Hiệp định về quy chế quản lý biên giới năm 1983 và Điểm 8 Thông cáo báo chí chung ngày 17-1-1995.