Thủ tướng Lý Quang Diệu đã viết nên "câu chuyện thần kỳ" mang tên Singapore

NDO -

NDĐT- Ngày 23-3, cả thế giới cùng chia sẻ nỗi đau buồn của nhân dân Singapore trước sự ra đi của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Không chỉ được xem là người cha lập quốc của một Singapore hiện đại, ông Lý Quang Diệu còn là một trong những chính trị gia có ảnh hưởng nhất tại châu Á. Trong suốt thời gian lãnh đạo của mình, ông đã đưa Singapore trở thành một trong những trung tâm kinh tế hiệu quả và thịnh vượng nhất trên thế giới.

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. (Ảnh: AFP)
Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. (Ảnh: AFP)

Sinh ngày 16-9-1923 tại Singapore, ngay từ khi còn nhỏ ông Lý Quang Diệu bộc lộ là một người thông minh, ưu tú. Ông là một trong những học sinh đứng đầu của toàn Singapore và sang Anh học ngành luật tại trường Đại học Cambridge.

Sau khi chứng kiến thực dân Anh thất bại trong việc bảo vệ Singapore khỏi sự xâm lược của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ 2, ông Lý Quang Diệu cho rằng Singapore phải tự lãnh đạo chính mình. Sau khi tốt nghiệp tại Anh, ông quyết định quay về nước. Ngày 12-11-1954, ông Lý Quang Diệu cùng tham gia sáng lập đảng Nhân dân Hành động (PAP) với mục đích giành quyền tự trị cho Singapore và chấm dứt sự cai trị của thực dân Anh.

Năm 1959 đảng PAP do ông Lý Quang Diệu lãnh đạo giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử, Singapore trở thành lãnh thổ tự trị, tuy nhiên chưa giành được độc lập hoàn toàn. Ông Lý Quang Diệu trở thành Thủ tướng đầu tiên của Singapore vào năm đó.

Một trong những thành tựu sớm của Thủ tướng Lý Quang Diệu là thuyết phục Thủ tướng Malaysia khi đó là Tunku Abdul Rahman, hợp nhất với Singapore vào năm 1963. Tuy nhiên, Liên bang Malaysia không tồn tại được lâu và hai quốc gia tách rời vào năm 1965 giữa lúc gia tăng căng thẳng sắc tộc giữa cộng đồng người Trung Quốc và người Mã Lai trên bán đảo này. Tháng 8-1965, Thủ tướng Lý Quang Diệu chính thức tuyên bố Singapore tách khỏi Malaysia và là quốc gia độc lập hoàn toàn.

Ngay sau đó, Thủ tướng Lý Quang Diệu bắt tay vào tìm kiếm sự công nhận của thế giới đối với Singapore. Một tháng sau khi tuyên bố độc lập, Singapore gia nhập Liên hợp quốc và hai năm sau đó, Singapore đồng sáng lập ra Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Nhiều ý kiến thường cho rằng, thành tựu của Singapore đạt được dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Lý Quang Diệu là hoàn toàn không thể so sánh được. Có thể xem lại những gì ông Lý Quang Diệu tiếp quản khi Singapore tách khỏi Malaysia và trở thành độc lập hoàn toàn vào năm 1965. Lãnh thổ Singapore quá nhỏ để sản xuất được lượng nông sản đáng kể để xuất khẩu hay thậm chí là cung cấp đủ cho người dân trong nước. Singapore cũng không có trữ lượng dầu khí dồi dào, không có khoáng sản để khai thác và cũng không có các diện tích trồng cây cọ dầu như các quốc gia láng giềng Malaysia và Indonesia. Quốc đảo này có hai thứ, đó là: cơ sở hạ tầng do thực dân Anh xây dựng và một vị trí chiến lược.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Lý Quang Diệu, Singapore đã tạo ra sự chuyển mình đáng kinh ngạc, từ một nước thuộc thế giới thứ ba đến nhóm các quốc gia hàng đầu.

Trong suốt ba thập kỷ nắm quyền, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã lãnh đạo quốc đảo của mình như “một thầy hiệu trưởng nghiêm khắc”, đoàn kết các dân tộc Trung Quốc, Ấn Độ và Mã Lai trong một quốc gia thống nhất, với tiếng Anh là ngôn ngữ chung.

Ông đã vạch ra chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, chú trọng vào đạt được những nền tảng cơ cở của nền kinh tế, khuyến khích tiết kiệm và đầu tư, kiểm soát lạm phát, duy trì thuế suất thấp và tiền tệ ổn định, chú trọng vào giáo dục chất lượng cao.

Mặc dù Singapore không có cơ sở để phát nông nghiệp, công nghiệp khai khoáng hay các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cho đến những năm 1990, quốc đảo này đã trở thành một trung tâm chế tạo, giao thông vận tải và công nghệ cao của toàn cầu. Singapore là thành phố hiện đại nhất Đông Nam Á, tỷ lệ người biết đọc, viết gần như là 100% và thu nhập bình quân đầu người vào mức cao nhất trong khu vực, sau quốc gia giàu dầu khí Brunei.

Trong giai đoạn 1960-2011, thu nhập bình quân đầu người của Singapore tăng gần hơn 100 lần và hiện đang thuộc tốp đầu thế giới với 55.000 USD. Hầu hết những người trong độ tuổi lao động đều có việc làm. Chương trình hỗ trợ tài chính nhà ở của Chính phủ Singapore đã đưa tỷ lệ các hộ gia đình được sở hữu căn hộ tại nước này nằm trong tốp đầu của thế giới, ở mức 90,5% trong năm 2013, theo các số liệu của Chính phủ Singapore. Tỷ lệ tội phạm ở mức thấp và quốc đảo này liên tục được xếp trong danh sách những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất trên thế giới. Theo một nghiên cứu của Tập đoàn Tư vấn Boston công bố năm 2014, 10% hộ gia đình Singapore có hơn 1 triệu USD trong các tài sản của họ, tỷ lệ cao thứ ba trên thế giới chỉ sau Qatar và Thụy Sĩ.

Ông Lý Quang Diệu thôi giữ chức Thủ tướng Singapore vào tháng 11-1990. Sau ba thập kỷ nắm quyền, Singapore mà ông Lý Quang Diệu đã xây dựng được xem là “một trong những câu chuyện tuyệt vời nhất tại châu Á”, với vị thế như là một trong những nền kinh tế tiên tiến nhất trên thế giới, một ốc đảo vô cùng xanh, sạch nổi tiếng với thể chế mạnh mẽ và thị trường mở rộng trong khu vực.

“Tôi đã dành cả đời mình để đấu tranh chống lại sự bất hòa và đó là những mối bất hòa lớn, để xây dựng niềm tin tại Singapore, xây dựng niềm tin của người dân Singapore vào tương lai và xây dựng niềm tin của người nước ngoài, những người sẽ đầu tư tài sản của họ vào Singapore”, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói.