15 năm sau sự kiện 11-9:

Nước Mỹ vẫn chưa có lời giải thỏa đáng cho bài toán chống khủng bố

NDO -

NDĐT- Ngày 11-9-2001, 19 tên không tặc đã chiếm quyền kiểm soát bốn máy bay thương mại của Mỹ, lao vào tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới tại New York, tòa nhà Lầu Năm góc ở Washington và một cánh đồng tại Shanksville, bang Pennsylvania. Các vụ tấn công đã làm 2.996 người chết, hơn 6.000 người bị thương và trở thành vụ tấn công của các phần tử nước ngoài đẫm máu nhất trên lãnh thổ Mỹ. Không đầy một tháng sau đó, nước Mỹ và các đồng minh đã phát động cuộc chiến tại Afghanistan, khởi đầu cho cuộc chiến chống khủng bố của nước này.

Ảnh minh họa. (Nguồn: costaricantimes.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: costaricantimes.com)

Từ đó đến nay, 15 năm đã trôi qua, cuộc chiến chống khủng bố của nước Mỹ và các đồng minh cũng đã gây hao tổn đáng kể cả người và của, song kết quả mà nó mang lại không tương xứng. Nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung vẫn chưa tìm ra được lời giải thỏa đáng cho bài toán chống khủng bố.

Thành tựu ít, thiệt hại nhiều

15 năm sau khi khởi đầu cuộc chiến khủng bố tại Trung Đông, sự tham gia của quân đội Mỹ tại khu vực này dường như ngày càng thường trực. Mặc dù Nhà Trắng đã chính thức chấm dứt các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, hàng nghìn binh sĩ và nhà thầu Mỹ vẫn còn ở cả hai nước. Mỹ đang thực hiện các chiến dịch ném bom tại Iraq, Syria và theo Lầu Năm góc chiến dịch ném bom của nước này tại Libya cũng “chưa có điểm dừng tại thời điểm đặc thù này”. Mỹ cũng hỗ trợ A-rập Xê-út tiến hành cuộc chiến tại Yemen ngoài việc thực hiện các cuộc không kích không thường xuyên tại Yemen và Somalia.

Việc giảm lực lượng của Mỹ tại Iraq và Afghanistan chỉ làm bộc lộ thành công ít ỏi mà cuộc chiến này đạt được và những thiệt hại mà chúng mang lại. Trong đánh giá tình hình tại Afghanistan của tướng John W. Nicholson, người đứng đầu mới của lực lượng Mỹ tại Afghanistan, được hãng thông tấn AP tiết lộ trong bài viết đăng tải ngày 16-6, cho thấy, tại Afghanistan hiện nay, Taliban cho thấy sự liều lĩnh hơn và được tổ chức tốt hơn, lực lượng này hiện nắm giữ lãnh thổ nhiều hơn bất cứ thời điểm nào kể từ năm 2001.

Trong khi đó, tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), chủ yếu được tạo ra từ cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq, kiểm soát một lãnh thổ rộng lớn tại Iraq, Syria và Libya và đã chứng tỏ được khả năng tổ chức hoặc truyền cảm hứng cho các cuộc tấn công tại châu Âu. Phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 16-6-2016, Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan thừa nhận, “mặc dù chúng ta đã đạt được tiến bộ trong cuộc chiến chống lại IS trên chiến trường và trong lĩnh vực tài chính, những nỗ lực của chúng ta vẫn không làm giảm năng lực khủng bố và khả năng lan tỏa trên toàn cầu của nhóm này”.

Al Qaeda, kẻ thù ban đầu trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, ngày nay kiểm soát một số khu vực tại Yemen và Somalia nhưng không còn được xem là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Báo cáo của về khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2015 tiết lộ, chỉ trong một năm, cuộc chiến tại Yemen được Mỹ ủng hộ làm tăng quy mô của al Qaeda tại bán đảo A-rập – chi nhánh nguy hiểm nhất của nhóm này, lên gấp bốn lần từ khoảng 1.000 thành viên trong năm 2014 lên xấp xỉ 4.000 thành viên trong năm 2015. CIA tiếp tục vũ trang cho các lực lượng nổi dậy tại Syria, bất chấp thực tế đã được Lầu Năm góc thừa nhận hồi tháng 9-2015 rằng, một phần không nhỏ những vũ khí đó đã tìm đường tới các chi nhánh khủng bố của al Qaeda tại Syria.

Mặc dù không đạt được nhiều bước tiến, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ kéo dài 15 năm qua đã dẫn đến thiệt hại lớn về cả người và của.

Mỹ đã mất gần 2.300 quân nhân tại Afghanistan và gần 4.500 quân nhân tại Iraq. Hàng trăm nghìn người bị thương. Những con số này chưa bao gồm ít nhất 6.900 nhà thầu Mỹ và ít nhất 43 nghìn binh sĩ của Afghanistan và Iraq thiệt mạng. Số người chết tại các quốc gia Mỹ tham chiến vẫn chưa thể kiểm đếm hết, nhưng những tính toán cho thấy số người chết nằm trong khoảng hàng trăm nghìn đến hơn một triệu người. Ngoài ra, hàng trăm người bị tra tấn tại các cơ sở giam giữ của Mỹ và hàng nghìn người thiệt mạng do các cuộc không kích của Mỹ tại Yemen, Pakistan và Somalia.

Chi phí cho cuộc chiến chống khủng bố cũng khó có thể tính toán. Các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan bao gồm cả chi phí y tế cho các cựu chiến binh, được ước tính có thể khiến Mỹ phải chi tới bốn nghìn tỷ USD. Ngân sách cho lực lượng tình báo đã tăng gấp đôi, ngoài hơn 800 triệu USD chi cho an ninh nội địa, chưa kể hàng tỷ USD bị lãng phí trong các dự án không có kết quả.

Mối đe dọa vẫn dai dẳng

15 năm sau các vụ tấn công ngày 11-9, thế giới đã thay đổi rất nhiều và thế giới của khủng bố cũng không ngoại lệ.

Al Qaeda, nhóm khủng bố chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công ngày 11-9-2001, đã nhường vị thế cho tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Trong khi al Qaeda sử dụng các chiến thuật quân sự để thực hiện các vụ tấn công phức tạp, công phu và được phối hợp chính xác – thường gây ra những con số thương vong lớn tại các địa điểm được trang bị an ninh nghiêm ngặt. IS lại dựa vào những nhóm nhỏ cực đoan được vũ trang hạng nặng để thực hiện các vụ tấn công nhằm vào các “mục tiêu mềm” như: các câu lạc bộ đêm, nhà hát hay các địa điểm tụ họp đông đúc với mức độ an ninh thấp.

Tuy nhiên, trong khi các cuộc tấn công của IS có thể không có quy mô lớn bằng các cuộc tấn công do al Qaeda thực hiện, IS có thể sử dụng internet và truyền thông xã hội để lan tỏa ảnh hưởng của chúng tới nhiều người hơn. Chỉ cần một cú click chuột, IS có thể truyền cảm hứng cho các phần tử Hồi giáo cực đoan trên toàn thế giới thực hiện một vụ tấn công nhằm vào những người vô tội ở bất cứ nơi đâu, cách thức này được sử dụng trong cả vụ đánh bom ở Boston, bang Massachusetts năm 2013 và câu lạc bộ đêm Pulse,thành phố Orlando, bang Florida, hồi tháng 6-2016.

Các vụ tấn công khủng bố ngày 11-9 làm khởi động cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, ban đầu chú trọng vào Al Qaeda và Taliban. Tuy nhiên, 15 năm sau, mục tiêu chống khủng bố hàng đầu của nước này lại là IS. Tổ chức này đã chiếm quyền kiểm soát một số khu vực rộng lớn thuộc lãnh thổ Syria và Iraq và cho thấy khả năng lên kế hoạch và truyền cảm hứng cho các cuộc tấn công ngay trong nước tại châu Âu và Mỹ, quy mô nhỏ hơn các vụ khủng bố 11-9 nhưng vẫn gây ra thương vong và hoang mang. Trong khi đó, mạng lưới khủng bố Al Qaeda vẫn tồn tại dù không có thủ lĩnh Osama bin Laden, với các chi nhánh, các nhóm phái sinh và các đối thủ của cả hai nhóm này đang hoạt động từ Phlippines tới Tây Phi.

Lực lượng tình báo Mỹ đang phải làm việc căng thẳng hơn khi phải theo dõi hàng nghìn trường hợp có khả năng là những phần tử cực đoan. Hơn nữa, các âm mưu hiện nay được phát triển và thực hiện nhanh chóng hơn và trong các mạng lưới nhỏ hơn, gây khó khăn hơn cho các hoạt động chống khủng bố để có thể phát hiện ra chúng. Việc bùng nổ các cách thức mà những phần tử cực đoan có thể liên lạc với nhau, nhiều trong số đó thông qua các ứng dụng điện thoại thông minh phổ biến và dễ dàng tiếp cận các tính năng mã hóa, mang lại lợi thế cho chúng trong khi ứng phó với cộng đồng tình báo. Bên cạnh đó, sự yếu kém của lực lượng tình báo châu Âu để nhận biết và theo dõi các mối đe dọa và sự hợp tác chưa chặt chẽ giữa các tổ chức tình báo tại các quốc gia khác nhau cũng là một thách thức lớn đối với nỗ lực chống khủng bố. Thực tế này đặt ra một mối đe dọa phức tạp hơn đối với những nỗ lực chống khủng bố của nước Mỹ, châu Âu nói riêng và của cả thế giới nói chung.

Các quan chức chống khủng bố của Mỹ khẳng định, 15 năm sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11-9, nước Mỹ đã được tôi luyện hơn để có thể chống lại các âm mưu được chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nhưng vẫn còn tổn thương trước những vụ tấn công nhỏ, đặc biệt là những vụ tấn công của các đối tượng ngay trong lòng nước Mỹ. Các hoạt động chống khủng bố chịu sức ép lớn để có thể phát hiện và ngăn chặn những âm mưu của những đối tượng “có cảm tình” với IS, của Al Qaeda ẩn giấu bởi những mạng lưới ít được tập trung hóa, trong bối cảnh các công nghệ truyền thông mới phát triển nở rộ.

Các quan chức Mỹ tin rằng IS sẽ bị tiêu diệt trên lãnh thổ chúng chiếm đóng tại Iraq và Syria nhưng mối đe dọa liên quan đến các phần tử cực đoan sẽ không thể hoàn toàn chấm dứt. Sự tan rã của IS sẽ khiến hàng trăm phần tử có cảm tình với tổ chức này chưa được phát hiện trên toàn thế giới án binh bất động trong vài năm để xây dựng những mạng lưới mới và âm mưu thực hiện các vụ tấn công khác.

Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), James Comey, nhận định, “mối đe dọa mà tôi tin rằng sẽ chi phối FBI trong vòng năm năm nữa sẽ là ảnh hưởng của việc làm tan rã IS". Tổ chức này tan rã sẽ giải phóng “hàng trăm kẻ giết người đã được tôi luyện” vào cộng đồng công chúng nói chung, nhiều trong số đó sẽ tới ẩn mình tại châu Âu. Chúng ta đang phải đối mặt với hiện tượng “đi trong bóng tối” nơi chúng ta không thể nhìn thấy mọi người.

Các quan chức chống khủng bố của Mỹ vẫn bày tỏ lạc quan vào khả năng chống khủng bố của nước Mỹ nói riêng cũng như sự hợp tác cùng các quốc gia khác sẽ đưa cuộc chiến chống khủng bố đạt được những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, các quan chức cũng thừa nhận rằng, để đạt được bước tiến thực sự đòi hỏi phải có một chiến lược dài hạn.

“Công việc của chúng tôi đang trở nên khó khăn hơn. Mối đe dọa vẫn dai dẳng và trong nhiều trường hợp còn phức tạp hơn”, Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ, Nick Rasmussen, nói.