Nguy cơ thành hiện hữu: Truyền thông xã hội trở thành vũ khí sát thương cao (Bài 3)

NDO -

Bài 3: Cuộc chiến dai dẳng

NDĐT- Thực trạng các nhóm khủng bố cũng như các phần tử cực đoan, thánh chiến sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội phục vụ cho hoạt động của chúng không phải là mới. Các chuyên gia, quan chức chống khủng bố từ lâu cũng đã cảnh báo về sự phát triển của truyền thông xã hội sẽ là công cụ hữu hiệu cho hoạt động tuyên truyền của các phần tử này. Song song với đó, các chính phủ cũng đã vào cuộc nhằm ngăn chặn làn sóng thánh chiến trên truyền thông xã hội thông qua đó ngăn chặn các âm mưu tấn công tiềm tàng ngoài thực tế. Tuy nhiên, cho đến nay, các chiến dịch trấn áp trên truyền thông xã hội vẫ

Cuộc chiến chống khủng bố trên truyền thông xã hội sẽ là cuộc chiến dai dẳng và khó có hồi kết. (Ảnh: Getty)
Cuộc chiến chống khủng bố trên truyền thông xã hội sẽ là cuộc chiến dai dẳng và khó có hồi kết. (Ảnh: Getty)

Bài 1: Sự trỗi dậy của IS và những “con sói đơn độc”

Bài 2: Không phải ngẫu nhiên

Trong vài năm gần đây, các chính phủ trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và các nước phương Tây đã tăng cường các biện pháp nhằm trấn áp hoạt động tuyên truyền trên trực tuyến của các phần tử cực đoan. Hầu hết các quốc gia đều có lực lượng chuyên trách chống khủng bố và nhiều trong số đó đã thành lập các cơ quan, đơn vị tác chiến trong không gian mạng, chuyên trách theo dõi, phát hiện, loại bỏ các nội dung tuyên truyền cực đoan, các đối tượng có xu hướng cực đoan hóa và ngăn chặn các âm mưu tấn công gây thương vong cao. Bên cạnh đó, các chính phủ cũng yêu cầu các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ truyền thông xã hội hợp tác với lực lượng chống khủng bố, áp đặt các chính sách đối với người dùng gỡ bỏ các tài khoản, nội dung cực đoan trên nền tảng của mình.

Một biện pháp khác được sử dụng là huy động những người sử dụng internet cùng tham gia vào chiến dịch này bằng cách thông báo các nội dung khả nghi tới nhà chức trách. Song song với đó, tiến hành phát tán những nội dung thông tin tích cực, chống lại IS trên trực tuyến thông qua các kênh phi chính phủ như các công ty công nghệ, các nhà sản xuất tại Hollywood, các tín đồ Hồi giáo ưa chuộng hòa bình trên thế giới nhằm lôi kéo những đối tượng dễ bị ảnh hưởng khỏi chiến dịch tuyên truyền của IS cũng như các phần tử cực đoan.

Những nỗ lực của các chính phủ và tổ chức cá nhân đã được thể hiện qua những hành động cụ thể và đạt được những kết quả bước đầu.

Tháng 2-2016, Bộ Tư pháp Mỹ đã triệu tập một cuộc họp với các công ty truyền thông xã hội và các nhóm khác để thảo luận về cách thức chống lại việc sử dụng không gian mạng của các tổ chức cực đoan như IS và hỗ trợ các chiến dịch thông điệp chống khủng bố chiến lược. Chín cơ quan chính phủ Mỹ trong đó có cả Bộ Ngoại giao Mỹ tham dự cùng đại diện của Liên hợp quốc, các công ty Twitter, Facebook, Google, Apple, Microsoft, Snapchat và các công ty khác.

Các công ty truyền thông xã hội đã tăng cường những nỗ lực nhằm gỡ bỏ các nội dung cực đoan trên nền tảng của mình. Các chính sách của Facebook cấm triệt để việc ủng hộ các thành phần mà Facebook cho là các nhóm khủng bố và Twitter cho biết, trong sáu tháng từ tháng 2 đến tháng 8-2016, hãng này đã đình chỉ 235 nghìn tài khoản vi phạm các chính sách của công ty này liên quan đến hoạt động thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố, nâng tổng số tài khoản mà công ty này đình chỉ do đe dọa hoặc thúc đẩy các hành động khủng bố từ giữa năm năm 2015 lên 360 nghìn tài khoản.

Một số cơ quan của chính phủ Mỹ bao gồm Bộ An ninh nội địa và Bộ Tư pháp đã làm việc với các công ty công nghệ như Facebook, các nhóm cộng đồng Hồi giáo các sinh viên đại học để tạo ra những nội dung tích cực khuyên ngăn mọi người tránh tham gia vào các nhóm cực đoan bạo lực.

“Chính phủ Mỹ công nhận rằng các nhân tố tư nhân này, bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các công ty truyền thông xã hội và các nhà sản xuất nội dung có vai trò quan trong trong việc phát triển các cách thức sáng tạo và hiệu quả để làm xói mòn hoạt động tuyển mộ của khủng bố”, người phát ngôn của Bộ Tư pháp Mỹ Marc Raimondi nói trong một thông cáo được hãng thông tấn Reuters đăng tải ngày 24-2-2016.

Trước đó vào tháng 7-2015, Tổ chức cảnh sát Liên hiệp châu Âu (Europol) đã thành lập đơn vị đặc biệt có tên gọi EU IRU bao gồm các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực nhằm ứng phó với hoạt động truyền bá của khủng bố và các hành động cực đoan bạo lực liên quan tới chúng trên internet. Nhiệm vụ trọng tâm của EU IRU là phối hợp với các đối tác liên quan theo dõi, giám sát các nội dung khủng bố và cực đoan bạo lực trên trực tuyến; đưa ra những khuyến nghị cho các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến tự loại bỏ các nội dung trên tùy theo các điều khoản và quy định của mỗi nhà cung cấp; hỗ trợ giới chức bằng việc cung cấp những phân tích về chiến lược và hoạt động.

Báo cáo sau một năm hoạt động của EU IRU cho thấy, từ ngày 5-11-2015 đến ngày 1-7-2016, các nhà điều tra đã đánh giá và xử lý hơn 11 nghìn loại nội dung được thể hiện bằng tám ngôn ngữ trên khoảng 31 nền tảng trực tuyến. Trong số đó, có 9.787 nội dụng được khuyến nghị cho các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến loại bỏ và 91,4% số nội dung trong số đó (8.949 nội dung) đã được các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến loại bỏ thành công.

Mới đây, đầu tháng 9-2016, EU IRU cho biết, lần đầu tiên từ khi thành lập, đơn vị này đã phối hợp với các đơn vị chống khủng bố trên internet của Pháp, Đức, Anh và Slovenia thực hiện một chiến dịch trong vòng 48 giờ, loại bỏ 1.677 tài khoản truyền thông xã hội và nội dung truyền thông trên sáu ngôn ngữ có chứa hoạt động tuyên truyền cực đoan bạo lực và khủng bố. Những thông tin này được đăng tải trên các nền tảng của 35 nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến và truyền thông xã hội.

Theo một báo cáo công bố tháng 10-2016, của Daniel Milton, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm chống khủng bố của Học viện quân sự Mỹ West Point, việc sử dụng truyền thông xã hội của IS để truyền bá của nhóm này đã giảm đáng kể từ mức đỉnh điểm vào mùa hè năm 2015. Mặc dù phát tán hơn 700 sản phẩm trong một tháng tại thời đỉnh điểm hồi tháng 8-2015, tổng số sản phẩm truyền thông chính thức của IS đã giảm từ cuối năm 2015 xuống mức dưới 200 sản phẩm được phát tán vào tháng 8-2016.

Hãng thông tấn AP dẫn các số liệu từ chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đầu tháng 9-2016, cho biết, các hoạt động của IS trên Twitter đã giảm 45% trong vòng hơn hai năm qua trong khi Mỹ và các đồng minh tiếp tục tăng cường các nỗ lực chống IS trên trực tuyến.

Những con số kể trên đã phần nào phản ánh được nỗ lực và quyết tâm của các chính phủ, các tổ chức cá nhân trong cuộc chiến chống khủng bố trong không gian mạng nhằm ngăn chặn các cuộc khủng bố trong không gian thực. Tuy nhiên, số liệu không phản ánh tất cả. Trên thực tế, cuộc chiến chống khủng bố trên không gian mạng vấp phải vô vàn thách thức và chưa khi nào là một cuộc chiến dễ dàng.

Thứ nhất, các tổ chức khủng bố luôn rất dễ thích nghi với các công cụ mới, sự tinh thông trong việc khai thác sức mạnh của công nghệ và truyền thông xã hội của chúng không hề kém cạnh so với các lực lượng thực thi pháp luật, thậm chí, nhiều chuyên gia còn đánh giá, chúng còn vượt trước so với các lực lượng thực thi pháp luật. Các chiến dịch tuyên truyền trên truyền thông xã hội của chúng đều được lên kế hoạch tinh vi, bài bản; thể hiện ở nội dung, hình thức và các kênh tuyên truyền đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau mà chúng nhắm đến. Việc sử dụng truyền thông xã hội của các tổ chức khủng bố nói chung và IS nói riêng đã suy giảm trong hơn một năm trở lại đây, một phần nhờ những bài đăng nặc danh trên các trang chia sẻ và các tài khoản phát tán trên Twitter đang bị gỡ bỏ với số lượng lớn và nhanh chóng hơn bao giờ hết. Đây là thực tế đã được chứng minh qua các nghiên cứu và báo cáo. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian này lại xuất hiện xu hướng mới trong chiến thuật sử dụng các phương tiện truyền thông của các tổ chức khủng bố đó là chuyển sang các ứng dụng liên lạc có tính bảo mật cao với tính năng mã hóa phức tạp, sau khi các lực lượng chống khủng bố trên không gian mạng cũng như Twitter và Facebook tăng cường các biện pháp ngăn chặn.

Ứng dụng hàng đầu được IS và các nhóm khủng bố khác ưa chuộng sử dụng hiện nay đó là ứng dụng nhắn tin tức thì Telegram. Sáng lập bởi một lập trình viên nổi tiếng người Nga, Pavel Durov, Telegram được thiết kế để bảo vệ sự nặc danh của người sử dụng. Không giống như Twitter, Facebook và các nền tảng truyền thông xã hội khác, Telegram được các thủ lĩnh khủng bố miêu tả là lý tưởng cho mục đích của chúng đó là mức độ bảo mật cao với tính năng mã hóa phức tạp và các phòng chat bí mật; tính tự do cao, cho phép các nhóm cực đoan bạo lực trao đổi kế hoạch và lan truyền hoạt động truyền bá với sự can thiệp ở mức tối thiểu. Các nhà phân tích độc lập miêu tả chất lượng tính năng mã hóa của Telegram vô cùng khó, nếu không nói là không thể phá vỡ. Những người sử dụng cũng có thể chọn lựa tự phá hủy trong đó các tin nhắn riêng tư sẽ biến mất ngay khi chúng được đọc.

Rõ ràng, các quan chức chống khủng bố đang đi sau các phần tử cực đoan trong không gian mạng. Trong khi họ đang chú trọng trấn áp hoạt động của chúng trên Twitter và Facebook thì các phần tử cực đoan đã chuyển sang và sử dụng thành thạo các ứng dụng truyền thông có độ bảo mật cao hơn nhiều, chẳng hạn như Telegram.

Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng, việc các tổ chức khủng bố ồ ạt chuyển sang sử dụng Telegram là do công ty này đã không thực hiện các biện pháp mạnh mẽ như các công ty khác để loại bỏ những phần tử khủng bố ra khỏi các kênh truyền thông của mình. Mặc dù, người sáng lập ra Telegram khẳng định Telegram đã đánh sập nhiều kênh được sử dụng bởi IS và công ty của ông đã và đang cố gắng hơn nữa để ngăn hoạt động của các nhóm khủng bố trên Telegram. Tuy nhiên, ông Durov cũng cho rằng, không thể ngăn chặn hoàn toàn các phần tử khủng bố khỏi việc tận dụng lợi ích từ các dịch vụ giao tiếp mã hóa của mà Telegram cung cấp cho 100 triệu người sử dụng thường xuyên.

Một thực tế nữa là, ngay cả các nền tảng xã hội như Twitter, Facebook hành động mau lẹ trong việc xóa bỏ các nội dung hay các tài khoản cực đoan thì những nội dung hay tài khoản đó cũng xuất hiện trở lại mau lẹ không kém. Theo số liệu được Wall Street Journal công bố ngày 13-4-2016, bất chấp những nỗ lực của Twitter, những chủ sở hữu của các tài khoản bị xóa ngay lập tức tạo các tài khoản mới và thường nhanh chóng có lại được những người theo dõi trước đó sau khi thay đổi tên sử dụng, khoảng 95% các chủ sở hữu có tài khoản bị xóa quay trở lại Twitter sau đó.

Mặt khác, song song với việc sử dụng các nền tảng truyền thông sẵn có, các tổ chức khủng bố, cực đoan cũng tự xây dựng cho mình những ứng dụng truyền thông riêng để liên lạc nội bộ và sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội phổ biến như Twitter, Facebook, Youtube để tiếp cận những người ủng hộ chúng. Phương thức này gây khó khăn hơn rất nhiều cho các quan chức chống khủng bố để có thể theo dõi các hoạt động trên trực tuyến của chúng.

Thứ hai, mặc dù đã có sự hợp tác giữa các chính phủ và các nhà cung cấp các dịch vụ trực tuyến, trên thực tế vẫn có sự mâu thuẫn giữa những đề nghị từ các cơ quan thực thi pháp luật và các điều khoản, chính sách của các nhà cung cấp dịch vụ đối với việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Tại một số quốc gia, những quy định luật pháp bảo vệ quyền riêng tư của công dân trong nhiều trường hợp cũng là rào cản đối với hoạt động giám sát các phần tử cực đoan trên internet. Chẳng hạn như tại Mỹ, luật định bảo vệ công dân khỏi hoạt động do thám của chính phủ có thể hạn chế hoạt động điều tra các cá nhân nếu họ không có mối quan hệ có thể chứng minh với các tổ chức khủng bố nước ngoài. Cả Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ đều không được phép thu thập hay giữ lại những thông tin của những nghi can là công dân Mỹ không có mối liên hệ có thể chứng minh được với các nhóm khủng bố quốc tế. Quy định này đã tạo ra một lỗ hổng giám sát đối với những cá nhân có thể liên lạc với các phần tử hoặc chương trình truyền bá có thể kích động họ tham gia vào bạo lực.

Một vấn đề khác nằm ngay ở chiến lược hoạt động của các lực lượng chống khủng bố. Sau một loạt các cuộc tấn công vào dân thường tại châu Âu và Mỹ hồi tháng 7-2016, các quan chức chống khủng bố giấu tên của Mỹ, Anh và Pháp đã cho biết với hãng thông tấn Reuters rằng, những cuộc tấn công này đã bộc lộ một lỗ hổng trong những nỗ lực của cộng đồng tình báo để lần theo và tìm ra những phần tử cực đoan tình nghi và ngăn chặn các cuộc thảm sát lớn.

Các quan chức tình báo cho biết, các cuộc tấn công tại Munich (Đức), Nice (Pháp), Baton Rouge, Dallas và Orlando (Mỹ) có một điểm chung là được thực hiện bởi các cá nhân có vấn đề về tâm lý nhưng ít trong số đó có khả năng có mối liên hệ trực tiếp với các nhóm khủng bố. Trước khi xảy ra các vụ tấn này, các cơ quan tình báo của Mỹ và châu Âu chủ yếu cố gắng phát hiện và theo dõi các tay súng nhận được sự huấn luyện trực tiếp từ các nhóm tay súng, đáng chú ý là IS tại Syria. Do quá chú tâm vào các tay súng Hồi giáo, trong đó bao gồm IS, al-Qaeda tại bán đảo Ả rập và Al Shabaab tại Somalia – các cơ quan tình báo như CIA, FBI, Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ (NCTC) hay MI5 của Anh chỉ theo dõi thủ công số lượng hạn chế các cá nhân tại một thời điểm nào đó. Chẳng hạn như MI5 của Anh, tập trung duy trì theo dõi các công dân Anh và những người nước ngoài tại Anh có liên hệ với các tay súng Hồi giáo nhưng không thu thập hay giữ các dữ liệu về các phần tử cực đoan cánh hữu tại Anh. Do đó, các quan chức chống khủng bố đã không thể phát hiện ra những cá nhân tự cực đoan hóa với tiền sử mắc bệnh tâm lý.

Tuy nhiên, trong thực tế, các đối tượng có thể trở nên cực đoan hóa không chỉ là những đối tượng có tiền sử mắc bệnh tâm lý, chúng có thể xuất phát từ bất cứ thành phần nào trong xã hội và vì thế trong số hàng triệu triệu người, các cơ quan chống khủng bố gần như không thể nhận dạng và đoán biết trước hết tất thảy những cá nhân có xu hướng cực đoan hóa.

Có thể thấy, các quốc gia đang phải đối mặt với thách thức từ nhiều phía trong cuộc chiến chống khủng bố hiện nay. Hoạt động chống khủng bố không chỉ dừng lại ở những chiến dịch quân sự trên thực địa mà còn phải là cả những chiến dịch trấn áp trên không gian mạng. Những chiến thắng về mặt quân sự gần đây đã phần nào làm suy yếu các tổ chức khủng bố tại các địa bàn hoạt động của chúng trên phương diện địa lý. Tuy nhiên, các quan chức chống khủng bố nhận định, chính những bước tiến về mặt quân sự này đã trở thành một trong những chất xúc tác làm biến đổi phương thức hoạt động của các tổ chức khủng bố từ tập trung hóa sang phi tập trung hóa với các thủ đoạn khó lường. Trong bối cảnh công nghệ truyền thông tiếp tục phát triển ngày càng hiện đại, một mặt mang lại cho các lực lượng thực thi pháp luật những công cụ tiên tiến chống lại các hoạt động của các phần tử cực đoan trên internet, mặt khác, chúng cũng đồng thời mang lại cho những tổ chức khủng bố cơ hội tương tự để có thể hỗ trợ cho phương thức hoạt động kiểu mới của chúng và ứng phó với các biện pháp trấn áp của các quan chức chống khủng bố. Để có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến trên truyền thông xã hội, các quan chức chống khủng bố phải đi trước các phần tử khủng bố một bước và phát hiện ra cách ngăn chặn các năng lực tiềm tàng của chúng trong việc khai thác và thích ứng đối với các công nghệ truyền thông xã hội trước khi chúng có thể sử dụng các năng lực đó. Tuy nhiên, với sự ưu việt đến không ngờ mà các tổ chức khủng bố thể hiện trên truyền thông xã hội thời gian qua, cuộc chiến chống lại chúng trên truyền thông xã hội sẽ là cuộc chiến dai dẳng và khó có hồi kết.