Nguy cơ thành hiện hữu: Truyền thông xã hội trở thành vũ khí sát thương cao (Bài 1)

NDO -

Bài 1: Sự trỗi dậy của IS và những “con sói đơn độc”

NDĐT- Những năm gần đây, các nhà chức trách liên tục đưa ra những cảnh báo về thực trạng các tổ chức khủng bố đang khai thác triệt để sức mạnh của truyền thông xã hội để phục vụ cho các hoạt động của chúng, từ việc truyền bá hệ tư tưởng bạo lực cực đoan, gieo rắc nỗi sợ hãi, tuyển mộ tân binh đến trao đổi, lên kế hoạch và chỉ đạo các cuộc tấn công khủng bố. Mặc dù các chính phủ, tổ chức, cá nhân đã nỗ lực và thực hiện nhiều biện pháp nhằm trấn áp, các tổ chức khủng bố, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), vẫn có thể sử dụng truyền thông trong không gian mạng như một vũ khí lợi hại để gây ra

Người dân đặt hoa và nến để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ tấn công xe tải tại Nice, Pháp, ngày 18-7-2016. (Ảnh: Reuters)
Người dân đặt hoa và nến để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ tấn công xe tải tại Nice, Pháp, ngày 18-7-2016. (Ảnh: Reuters)

Bài 2: Không phải ngẫu nhiên

Bài 3: Cuộc chiến dai dẳng

IS là một nhóm khủng bố cực đoan được thành lập từ những chân rết của nhóm khủng bố al-Qaeda tại Iraq và Syria. Các mầm mống của IS bắt đầu xuất hiện trong nhóm khủng bố Hồi giáo dòng Sunni al Qaeda tại Iraq (AQI). Năm 2004, một năm sau khi chiến dịch can thiệp vào Iraq do Mỹ dẫn đầu, trùm khủng bố Hồi giáo người Jordan Abu Musab al-Zarqawi thề tuân theo Osama bin Laden và thành lập AQI. Nhóm này trở thành một trong những thành phần chính trong cuộc nổi dậy chống lại các lực lượng do Mỹ đứng đầu lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein và chống lại chính phủ chủ yếu là những người Hồi giáo dòng Shiite nắm quyền thay thế ông Hussein.

Sau khi Zarqawi bị tiêu diệt trong một đợt không kích của Mỹ vào năm 2006, Abu Ayyub al-Masri, người Ai Cập, tiếp quản AQI và tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo tại Iraq (ISI). Cho tới năm 2006, ISI kiểm soát nhiều diện tích của tỉnh Anbar, phía tây Iraq. Nhưng chúng dần bị suy yếu do sự nổi lên của quân đội Mỹ với sự hỗ trợ của các thành viên bộ lạc người Sunni phản đối sự tàn bạo của chúng.

Masri bị tiêu diệt vào năm 2010 trong một chiến dịch của Mỹ và Iraq. Sự kiện này đã mở đường cho Abu Bakr al-Baghdadi lên nắm quyền điều hành nhóm và khi cuộc nội chiến bùng phát tại quốc gia láng giềng Syria, các thành viên của nhóm ISI đã tới Syria, chiến đấu chống lại các lực lượng của Chính phủ Syria và tham gia gây dựng Mặt trận Al-Nusra.

Sau khi các lực lượng của ISI có được sức mạnh tại Syria, chúng quay trở lại Iraq vào năm 2013 và chiếm nhiều diện tích của tỉnh Anbar một năm sau đó. Tháng 4-2013, Baghdadi tuyên bố hợp nhất lực lượng của hắn tại Iraq và Syria và thành lập Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Levant (ISIL hay ISIS). Các thủ lĩnh của Mặt trận al-Nusra và al-Qaeda đã bác bỏ động thái này tuy nhiên các chiến binh trung thành với Baghdadi đã tách khỏi al-Nusra và giúp duy trì hoạt động của ISIS tại Syria.

Tháng 2-2014, al-Qaeda chính thức tuyên bố không có mối liên hệ với ISIS. Tuyên bố của thủ lĩnh al-Qaeda khẳng định, ISIS “không phải là một chi nhánh của al-Qaeda, al-Qaeda không có mối quan hệ tổ chức với ISIS và không chịu trách nhiệm cho những hành động của nhóm này”. Tháng 6-2014, ISIS chiếm được Mosul, một thành phố lớn tại miền bắc Iraq. Sau đó trong cùng tháng 6, Baghdadi tuyên bố thành lập một Nhà nước Hồi giáo (IS). Tới thời điểm đó, ISIS đã chiếm được những vùng rộng lớn tại Syria và Iraq.

Mục tiêu trước mắt của IS là duy trì nhà nước tự xưng bao gồm khu vực phía đông Syria và phía tây Iraq, mặc dù vậy chúng tìm cách phát triển trên toàn vùng Levant – một khu vực bao gồm Syria, Lebanon, Israel, Jordan, Cyprus và nam Thổ Nhĩ Kỳ. Trong dài hạn, IS tìm cách hợp nhất toàn thế giới dưới một nhà nước và chúng đã bắt đầu thiết lập các chân rết trên toàn thế giới.

IS đã tuyên bố thành lập các tỉnh tại Iraq, Syria, Ai Cập, Libya, Algeria, Yemen, A-rập Xê-út, Nigeria, Afghanistan, Pakistan và Bắc Caucasus. Vượt ra khỏi những khu vực này, nhóm này đã thu hút đáng kể những đối tượng có cảm tình và tiến hành các cuộc tấn công tại Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco, Tunisia, Philippines, Lebanon, Indonesia, Palestine. Những đối tượng có cảm tình với IS cũng đã thực hiện các cuộc tấn công theo kiểu “sói đơn độc” tại nhiều nước phương Tây.

Về phương diện tài chính, IS được cho là nhóm khủng bố giàu nhất trên thế giới. Những tháng sau khi tổ chức này tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo (tháng 6-2014), các nhà phân tích ước tính, các tài sản của chúng có thể lên tới từ 1,3 đến hai tỷ USD, với doanh thu hằng ngày vào khoảng ba triệu USD. Kể từ sau đó, các cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu, các thất bại về quân sự và mất lãnh thổ đã làm suy giảm doanh thu của tổ chức này. Theo ước tính của Trung tâm phân tích khủng bố, một nhóm think-tank tại châu Âu, doanh thu hằng năm của IS đã giảm từ 2,9 tỷ USD năm 2014 xuống còn 2,4 tỷ USD trong năm 2015. IS tự tạo nguồn tài chính thông qua các hoạt động tống tiền, cướp bóc, buôn người, thu thuế, buôn lậu đồ cổ và ngành công nghiệp dầu mỏ. Chúng cũng thu hút sự ủng hộ từ những đối tượng có cảm tình với khủng bố trên toàn thế giới. Chúng tận dụng sự hiện diện mạnh mẽ trên các nền tảng truyền thông xã hội để thu hút tài trợ cả quy mô lớn và nhỏ.

Trong năm 2016, những thất bại trên mặt trận quân sự đã khiến IS đã mất kiểm soát gần một nửa lãnh thổ mà chúng từng chiếm được trong năm 2015 tại Iraq và Syria. Tuy nhiên, sự mở rộng và chuyển hướng hoạt động sang khủng bố xuyên quốc gia của tổ chức này đang đặt ra những mối đe dọa mới cho những khu vực khác của thế giới.

Theo số liệu cập nhật đến ngày 1-9-2016 của hãng truyền hình CNN, kể từ khi tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo vào tháng 6-2014, IS đã chỉ đạo và truyền cảm hứng cho hơn 140 cuộc tấn công khủng bố tại 29 quốc gia bên ngoài Iraq và Syria, nơi chúng gây ra con số thương vong nhiều hơn. Những cuộc tấn công đó đã làm chết ít nhất 2.043 người và bị thương hàng nghìn người khác.

Song song với sự trỗi dậy của IS là sự nổi lên của những cá nhân riêng lẻ thực hiện các cuộc tấn công khủng bố được giới chức và truyền thông gọi là những “con sói đơn độc”, nhất là trong những năm gần đây. Khủng bố theo kiểu “sói đơn độc” được định nghĩa là các hành động khủng bố được thực hiện bởi những cá nhân hành động một mình và không có sự trợ giúp từ một tổ chức khủng bố nào. Những “con sói đơn độc” hay các cuộc tấn công theo kiểu “sói đơn độc” không phải là những điều mới mẻ mà chúng được cho là đã xuất hiện từ thế kỷ trước và ngày càng trở nên thường xuyên hơn, nhất là trong những năm gần đây.

Theo dữ liệu thu thập của Mark Hamm, một nhà nghiên cứu về tội phạm học tại Trường đại học Indiana thực hiện cùng Ramon Spaaij, một nhà xã hội học tại Trường đại học Victoria, vụ tấn công theo “kiểu sói đơn độc” được cho là đầu tiên tại Mỹ là vào năm 1940. Tại thời điểm đó, cựu nhân viên bất mãn của Con Edison, George Metesky, đã gài các quả bom ống chung quanh thành phố New York. Trước khi hắn bị bắt 16 năm sau đó, hắn đã gài 33 quả bom trong số đó và làm bị thương tám người.

Metesky được cho là kẻ tấn công sớm nhất được liệt kê trong dữ liệu do Hamm và Spaaij xây dựng. Dữ liệu này thường xuyên được mở rộng khi họ phát hiện ra những vụ tấn công trước và sau đó. Mặc dù hồ sơ về các cuộc tấn công không được ghi nhận đầy đủ, những gì các nhà nghiên cứu có thể thu thập được cho thấy, trong hơn bảy thập kỷ kể từ khi Metesky bắt đầu gài bom chung quanh New York, số các cuộc tấn công sói đơn độc đã đều đặn tăng lên và tăng mạnh trong những năm gần đây.

Theo báo cáo Chỉ số khủng bố toàn cầu 2015 (GTI- Global Terrorism Index 2015), các cuộc tấn công theo kiểu “sói đơn độc” chiếm khoảng 70% tất cả những người thiệt mạng tại Mỹ và các quốc gia phương Tây do khủng bố từ năm 2006 đến năm 2014.

Trong khi đó, báo cáo Chỉ số khủng bố toàn cầu 2016 cho thấy, tại châu Âu, trong năm 2015, phương thức hoạt động xuyên quốc gia cùng với các cuộc tấn công theo kiểu “sói đơn độc” do IS truyền cảm hứng đã khiến tình trạng khủng bố tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay. Thực trạng tăng lên này được ghi nhận ở nhiều quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), với tỷ lệ tăng 650% số người thiệt mạng lên 577 người trong năm 2015 từ 77 người trong năm 2014. Vai trò của IS dẫn đến sự gia tăng này là rất đáng kể khi hơn một nửa trong số những người thiệt mạng có liên quan đến trách nhiệm của nhóm này. Các cuộc tấn công do IS chịu trách nhiệm tại Paris (Pháp), Brussels (Bỉ) và Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) trong năm 2015 nằm trong số những vụ tấn công đẫm máu nhất tại các cuộc gia này.

Trong năm 2016, Mỹ và các nước châu Âu cũng phải gánh chịu những cuộc tấn công đẫm máu theo kiểu “sói đơn độc”. Chỉ riêng trong tháng 7-2016, châu Âu đã một lần nữa bị choáng váng bởi một loạt các vụ tấn công khủng bố gây sốc do các cá nhân đơn độc thực hiện và được IS tuyên bố chịu trách nhiệm. Ngày 14-7, Mohamed Lahouaiej Bouhlel, một người quốc tịch Tunisia cư trú tại Pháp, đã sát hại hơn 80 người và làm bị thương hàng trăm người khi hắn lao chiếc xe tải 19 tấn vào đám đông đang ăn mừng Ngày Quốc khánh Pháp tại thành phố Nice, miền nam nước Pháp. Chỉ vài ngày sau vụ thảm sát tại Nice, một thanh niên di cư 19 tuổi người Afghanistan đang xin tị nạn tại Đức đã tấn công các hành khách trên một đoàn tàu ở Würzburg bằng rìu và dao, làm bốn người bị thương trước khi bị cảnh sát bắn hạ. Hai cuộc tấn công khác được IS tuyên bố chịu trách nhiệm cũng được thực hiện ít ngày sau đó: Một vụ tấn công tự sát ngày 24-7 làm 15 người bị thương tại thành phố Ansbach, Đức và vào ngày 26-7, hai kẻ tấn công tuyên bố trung thành với IS đã tràn vào một nhà thờ tại vùng ngoại ô thành phố Rouen, Pháp, sát hại một linh mục và bắt cóc các con tin. Mới đây nhất, một vụ tấn công bằng xe tải vào một chợ Giáng sinh tại Đức tối ngày 19-12 đã làm 12 người chết và 49 người bị thương. Nghi phạm vụ tấn công là người Tunisia đã bị tiêu diệt sau đó và IS đã lên tiếng chịu trách nhiệm cho vụ tấn công này.