Máy bay AirAsia mất liên lạc, hàng không Malaysia một lần nữa đối mặt thách thức

NDO -

NDĐT - Không có gì đáng nghi ngờ khi cho rằng 2014 là một năm “bị gặp dớp” của ngành hàng không Malaysia. Sự kiện mới nhất về máy bay hãng hàng không AirAsia bị mất liên lạc cùng với hai vụ tai nạn hàng không trước đó của hãng Malaysia Airlines (MAS) không chỉ khiến cho ngành hàng không Malaysia vốn đang đứng trước khủng hoảng càng thêm tồi tệ, hơn thế còn là đòn giánh mạnh vào hy vọng dựa vào du lịch, hàng không để thúc đẩy chuyển dịch kinh tế của Malaysia.

Bản đồ tìm kiếm máy bay AirAsia QZ 8501 mất tích (ảnh: BBC)
Bản đồ tìm kiếm máy bay AirAsia QZ 8501 mất tích (ảnh: BBC)

Sáu năm liên tiếp được bình chọn là “Hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới”, kể từ năm 2001 tới nay AirAsia luôn duy trì rất tốt lịch sử bay an toàn. Sáng ngày 28-12, Chuyến bay QZ8501 chở 162 người cất cánh từ Surabaya (Indonesia) tới Singapore đã mất liên lạc với trung tâm kiểm soát không lưu.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, chìa khóa quyết định AirAsia có vượt qua được khó khăn lần này hay không nằm ở kết quả điều tra nguyên nhân mất liên lạc có liên quan tới vấn đề an toàn và năng lực truyền thông của hãng. Dự định công bố nâng cấp hãng trở thành AirAsia ASEAN Pass tháng 1-2015 có thể sẽ phải tạm hoãn lại bởi sự cố này.

"Họa vô đơn chí", ba vụ tai nạn hàng không trong cùng một năm khiến cho niềm tin của thế giới với ngành hàng không Malaysia gần như sụp đổ. Ngày 8-3, chuyến máy bay chở 239 hành khách và phi hành đoàn mang số hiệu MH370 của hãng Malaysia Airlines đã mất liên lạc khi đang trên hành trình từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc). Mặc dù đã huy động công tác cứu nạn và tìm kiếm quy mô lớn nhưng tới nay vẫn chưa phát hiện được bất kì dấu vết gì của chiếc máy bay này. Ngày 17-7, chuyến bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines, từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia) đã gặp nạn khi đang bay ngang miền đông Ucraina. Toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn đều thiệt mạng. Nguyên nhân của ba vụ tai nạn hàng không trên cho tới nay đều chưa được làm rõ.

Các vụ tai nạn trong ngành hàng không của Malaysia đã khiến cho cổ phiếu của hãng Hàng không quốc gia Malaysia (Malaysian Airlines System - MAS) giảm mạnh. Cũng bởi vậy mà Malaysia Airlines quyết định chính thức rút khỏi thị trường chứng khoán ngày 15-12, đúng dịp kỷ niệm 29 năm hoạt động để kế hoạch tái cơ cấu lại hãng, tăng cường các hoạt động quản lý an toàn bay, lấy lại niềm tin với khách hàng. Cổ phiếu của hãng Hàng không quốc gia Malaysia trong năm đã mất giá tổng cộng 14.8%.

Không chỉ có vậy, lựa chọn ngành hàng không làm ngành chiến lược khiến kinh tế Malaysia đang đối mặt với khó khăn lớn, chọn phát triển ngành hàng không là mấu chốt cho kế hoạch tái cơ cấu kinh tế cũng gặp phải trở ngại. Sau khi xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, Malaysia bắt đầu dựa vào ngành “công nghiệp không khói” du lịch, khách sạn, thương mại làm bàn đạp cho việc tái cơ cấu kinh tế. Ngành hàng không luôn đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế Malaysia. 10 năm qua, ngành hàng không Malaysia phát triển mạnh mẽ, số lượng hành khách tăng cao tạo nên kỷ lục mới. Đặc biệt, trong năm năm trở lại đây, sự tăng trưởng về số lượng hành khách cao hơn mức trung bình của Đông Á, Nam Á, thậm chí toàn thế giới.

Năm 2010, Thủ tướng Malaysia Najib Razak chính thức công bố kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, với mong muốn đưa tài chính, du lịch và các ngành dịch vụ khác trở thành mấu chốt cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, như gặp phải “lời nguyền”, những vụ tai nạn máy bay xảy ra liên tiếp khiến mọi nỗ lực của nước này đều dường như trở nên vô nghĩa. Tai nạn máy bay là đòn giánh mạnh vào tâm lý khách hàng, ngành hàng không Malaysia sẽ phải trải qua một quá trình dài và nhiều thử thách để xây dựng lại niềm tin cho thế giới. Sau khi liên tiếp xảy ra sự cố, ngành hàng không Malaysia đã từng nổi bật trên thị trường toàn cầu, giờ phải đối mặt với vô vàn khó khăn khi bước vào năm 2015.