Khủng hoảng Ucraina: Từ góc nhìn kinh tế?

NDO -

NDĐT - Kể từ khi khủng hoảng nổ ra ở Ucraina đến nay đã được hơn ba tháng (21-11-2013), tình căng thẳng tới mức cận kề cuộc chiến, đến nay tuy đã có phần giảm nhiệt nhưng hòa bình trở lại vẫn là điều xa vời. Có nhiều nguyên nhân nhưng kinh tế có vai trò quan trọng, cùng với tham vọng chính trị của các thế lực khác nhau, khiến cho kinh tế nước này vẫn đứng bên bờ vực của sự sụp đổ.

Khủng hoảng Ucraina: Từ góc nhìn kinh tế?

Tài chính kiệt quệ

Với 50 triệu dân, hiện Ucraina đang phải gánh khoản nợ khổng lồ 73 tỷ USD, tỷ lệ nợ là trên 40,5%/GDP, so với khu vực Eurozone con số này không phải cao lắm. Tuy nhiên, vấn đề rất nghiêm trọng là ở chỗ 25% tổng số nợ này là nợ ngắn hạn phải trả trước tháng 6/2015, riêng số nợ phải trả trong năm 2014 là hơn 12 tỷ USD (16,5%/ tổng số nợ). Trong khi đồng nội tệ hryvnia (UAH) mất giá nghiêm trọng hơn 20%, dự trữ ngoại hối giảm gần 30%.

Nguy cơ vỡ nợ hiện đang cận kề, vì gói viện trợ 15 tỷ USD mà chính quyền của Tổng thống Yanukovych đã ký với Nga khó bề giải ngân bởi chính phủ tạm quyền hiện nay ở Kiev. Mặc dù theo thỏa thuận Nga đã mua một khoản nợ của Ucraina trị giá 3 tỷ USD vào tháng 12-2013, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dừng việc mua tiếp và nói là để chờ một chính quyền mới được bầu ra một cách hợp pháp ở Ucraina.

Vào cuối tháng 12/2013, EU tuyên bố sẽ cho Ucraina vay 20 tỷ euro (27,5 tỷ USD) nếu Kiev ký một thỏa thuận thương mại với khối này. Các nhà ngoại giao EU khẳng định mặc dù đã bị ông Yanukovych hủy bỏ, thỏa thuận này vẫn có thể được ký kết với chính quyền mới của Ucraina, nhưng đến nay vẫn chưa có bản tuyên bố chính thức nào được đưa ra.

Ngày 24-2, tổng thống lâm thời Ucraina Oleksander Turchinov đã đề nghị phương Tây cho Ucraina vay một khoản tiền lên tới 35 tỉ USD, nhưng EU cũng chỉ đáp ứng 1,5 tỷ USD để ổn định tình hình; ngày 4-3 Mỹ cho biết khoản hỗ trợ cho Ucraina cũng chỉ là 1 tỉ USD. Hiện Ucraina đã bị Cơ quan Xếp hạng Tín dụng S&P đánh giá là có nguy cơ vỡ nợ cao và cũng giảm mức tín nhiệm xuống mức thấp nhất.

Các nhà phân tích cho rằng Ucraina chỉ có thể chọn một trong hai con đường: Một là, theo sự dẫn dắt của EU sẽ rơi vào kịch bản khủng hoảng giống như các nước trong khu vực Eurozone; Hai là, trở lại với thỏa thuận đã được ký kết giữa phe đối lập với chính quyền của Tổng thống Yanukovych để được sự giúp đỡ của Nga với gói cứu trợ khẩn cấp 15 tỷ USD và giá khí đốt ưu đãi (giảm 33%).

Nội tình rối ren

Kể từ khi Ucraina tuyên bố độc lập (1991) thì nước này xuất hiện hai xu hướng thân Nga và thân phương Tây. Xu hướng thân Nga cho rằng Nga mới chính là anh em có chung truyền thống, kể cả tôn giáo, vì nước Nga ngày nay cũng khởi nguồn từ Kiev (Kievan Rus), nếu thân phương Tây có thể sẽ mất đi những giá trị dân tộc của Ucraina.

Xu hướng thân phương Tây lại đang tìm cách thoát khỏi “ảnh hưởng của Nga” và muốn khẳng định bản sắc của Ucraina, độc lập có chủ quyền và kỳ vọng vào sự giúp đỡ hào phóng của EU và Mỹ. Hợp tác với phương Tây, Ucraina có thể sẽ “tự do” hơn, với thị trường rộng mở, khoa học công nghệ cao, nhiều cơ hội tìm việc làm và hy vọng kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn so với thân Nga...

Liên minh Thuế quan (Nga, Belarus, Cazactan) mà Ucraina được mời tham gia là cái cớ mà phe đối lập làm bùng phát các cuộc biểu tình chống chính phủ hợp pháp ở Kiev. “Được đằng chân, lân đằng đầu”, sau khi Tổng thống Yanukovych có những nhượng bộ quan trọng, kể cả việc thả các chính trị gia của phái đối lập, thì phái đối lập, được phương Tây hỗ trợ đã đảo chính, tiếm quyền tại Kiev, khiến tình hình ngày càng trở nên cực kỳ phức tạp như hiện nay.

Phong trào ly khai ở bán đảo Crưm khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn, các nhà lãnh đạo phe đối lập tiếm quyền càng tỏ ra lúng túng, sự giảm nhiệt chỉ diễn ra khi Tổng thống Nga Putin ra mệnh lệnh cho các binh lính tập trận ở miền Trung và Tây nước Nga trở về căn cứ sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Khó bề giải quyết

Giới phân tích cho rằng chiến lược “Đông tiến” của NATO chính là nguyên nhân sâu xa của tình hình bất ổn hiện nay ở Ucraina. Ngay sau khi nổ ra biểu tình ở thủ đô Kiev, Mỹ và EU đã sốt sắng ủng hộ bằng những tuyên bố, lời hứa hẹp viện trợ kinh tế và quân sự.

Trong bối cảnh nền kinh tế Ucraina đang nguy ngập, các khoản viện trợ từ EU và Mỹ vẫn chỉ là tượng trưng (1 và 1,5 tỷ USD); còn khoản vay 15 tỷ USD với Nga và một khoản nhận trước là 3 tỷ USD nay đang bị tạm dừng, khiến chính phủ tạm quyền ở Kiev khó bề giải quyết.

Nếu Ucraina cố tình ngả về phương Tây, thì phải chấp nhận cải cách nền kinh tế theo yêu cầu của IMF và EU, đây cũng là cái giá phải trả để rồi “hội nhập” với khu vực khủng khoảng nợ công chưa có lối thoát. Nhưng nếu quay lại với thỏa thuận hồi tháng 12-2013, để có 15 tỷ USD cứu trợ và giảm 33% giá khí đốt thì điều gì sẽ xẩy ra đối với những người trong bộ máy chính phủ tạm quyền. Vì thế, chính quyền mới ở Kiev đang thực sự bối rối.

Nếu tình huống Nga quyết định hủy bỏ gói cứu trợ ký hồi năm ngoái để “đáp trả” việc ông Yanukovych bị lật đổ và việc Ucraina nghiêng hẳn về phương Tây thì tình hình kinh tế của Ucraina sẽ vô cùng nguy kịch. Chỉ riêng việc Nga yêu cầu Kiev trả đúng giá các chi phí về năng lượng, khí đốt thì tình hình tài chính của Ucraina cũng đã trở nên khốn đốn, số tiền của phương Tây viện trợ chỉ đủ để thanh toán nợ cho Tập đoàn Gazprom của Nga.

Nếu trông chờ vào EU thì tương lai vẫn đang mờ mịt, vì ECB và IMF cũng đang khó khăn trong việc trợ cấp cho các thành viên của mình như: Hy Lạp, Italia… đang lún sâu hơn vào khủng hoảng; còn trông chờ vào Mỹ cũng không khả quan hơn, vì Mỹ đang phải vật lộn với khó khăn, kinh tế phục hồi chậm chạp, thất nghiệp vẫn ở mức cao (7,5%), ngân sách tiếp tục thâm hụt, mới đây đã buộc phải nâng trần nợ công, cắt giảm ngân sách quốc phòng và quy mô quân đội.

Vì thế, các nhà quan sát và dư luận cho rằng, kinh tế là một trong những vấn đề then chốt khiến Ucraina khó bề ổn định trở lại trong tương lai gần, chừng nào Mỹ vẫn cố tình tìm cách giữ vai trò lãnh đạo thế giới, không thừa nhận vai trò của Nga trên chính trường quốc tế và NATO vẫn tiếp tục chiến lược “hướng Đông”.