Khát vọng truyền cảm hứng của nhà khoa học nữ đoạt giải Nobel Kinh tế 2019

NDO -

NDĐT - Có thể truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ khác trên thế giới là ước muốn được nhà kinh tế học Esther Duflo (46 tuổi) chia sẻ ngay sau khi cô trở thành người phụ nữ thứ hai đoạt giải Nobel Kinh tế và cũng là người trẻ tuổi nhất sở hữu giải thưởng danh giá này.

Giáo sư Duflo đã có nhiều bài nói chuyện truyền cảm hứng cho phụ nữ, thanh niên và giới nghiên cứu khoa học... (Ảnh: Nobelprize.org)
Giáo sư Duflo đã có nhiều bài nói chuyện truyền cảm hứng cho phụ nữ, thanh niên và giới nghiên cứu khoa học... (Ảnh: Nobelprize.org)

Trong buổi công bố giải Nobel Kinh tế năm 2019 diễn ra hôm qua (14-10), Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã xướng tên các nhà kinh tế học Abhijit Banerjee (SN 1961, tại Ấn Độ), Esther Duflo (SN 1972, tại Pháp) và Michael Kremer (SN 1964, tại Mỹ) với “phương pháp tiếp cận thực nghiệm nhằm giảm nghèo trên toàn cầu”.

Giáo sư Banerjee từng là giảng viên hướng dẫn cô Duflo hoàn thành chương trình tiến sĩ. Họ đã cùng nhau trở về Ấn Độ, nơi ông Banerjee sinh ra để tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm có ý nghĩa quan trọng trong công trình nghiên cứu đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay. Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển thừa nhận, một trong những kết quả trực tiếp từ những nghiên cứu của vợ chồng Esther Duflo - Abhijit Banerjee và nhà khoa học Michael Kremer là hơn năm triệu trẻ em Ấn Độ được hưởng lợi từ các chương trình dạy học bổ túc rất hiệu quả tại trường học. Họ đã chứng minh bài toán giảm nghèo trên toàn cầu có thể được giải quyết như thế nào thông qua chia vấn đề này thành nhiều câu hỏi nhỏ hơn và cụ thể hơn dành cho các cấp độ từ cá nhân đến nhóm. Hình thành trên nền tảng tìm ra gốc rễ của tình trạng nghèo khó và mối liên hệ giữa chúng, phương pháp nghiên cứu thực nghiệm của bộ ba này đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong phát triển kinh tế với kỳ vọng mở ra tương lai tươi sáng hơn cho người nghèo trên thế giới.

Nhận tin vui từ Thụy Điển, Giáo sư Duflo đã rất bất ngờ vì giải Nobel thường dành cho các học giả nhiều tuổi hơn và có nhiều kinh nghiệm hơn cô và hai cộng sự. Cô Duflo chia sẻ, đóng góp của bộ ba nhà khoa học này còn rất khiêm tốn và họ may mắn được thay mặt hàng trăm người tham gia mạng lưới ra đời từ 15 năm trước để nghiên cứu về cảnh nghèo khó trên toàn cầu nhận giải thưởng này. Người phụ nữ thứ hai đoạt giải Nobel Kinh tế cũng bày tỏ mong muốn trở thành người đại diện của tất cả phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế hiện nay.

“Bằng cách chứng minh phụ nữ có thể thành công và được công nhận thành công, tôi hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ khác tiếp tục làm việc và nhiều người đàn ông khác sẽ dành cho phụ nữ sự tôn trọng mà họ xứng đáng được nhận giống như bất cứ con người nào”, cô Duflo nói.

Trong lịch sử giải Nobel, lần đầu giải Nobel Kinh tế thuộc về một nhà khoa học nữ là vào năm 2009. Đó là nhà kinh tế học người Mỹ Elinor Ostrom (SN 1933) với nghiên cứu về cách các nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể được quản lý chung một cách “bền vững cả về phương diện kinh tế và sinh thái” mà không cần đến luật lệ.

Khi phóng viên hỏi cô sẽ làm gì với giải thưởng của mình, Duflo nhớ lại hồi nhỏ cô đã đọc câu chuyện về nhà khoa học lỗi lạc Marie Curie, người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Nobel. Câu chuyện kể rằng người phụ nữ say mê làm khoa học này đã sử dụng tiền thưởng của giải Nobel đầu tiên trong sự nghiệp để mua một gram radium và tiếp tục nghiên cứu. “Tôi nghĩ rằng ba chúng tôi sẽ trò chuyện với nhau và tìm ra “gram radium” của mình là gì”, cô Duflo dí dỏm nói. (Radium là chất phóng xạ được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh, trong đó có ung thư)

Từ năm 1901 đến 2019, giải thưởng Nobel đã trải qua 54 lần vinh danh các nữ chủ nhân. Đến nay, nhà khoa học Marie Curie là người phụ nữ duy nhất có vinh dự nhận giải thưởng này hai lần (Nobel Vật lý năm 1903 và Nobel Hóa học năm 1911). Đặc biệt, bà đã cùng nhận giải Nobel Vật lý với người chồng của mình là nhà khoa học Pierre Curie. Lịch sử giải Nobel cũng chứng kiến nhiều cặp vợ chồng được tôn vinh như vậy, có thể kể đến cặp vợ chồng nhà khoa học Gerty và Carl Cori, Frederic Joliot và Irene Joliot-Curie, Alva và Gunnar Myrdal, May-Britt và Edvard I. Moser, và hôm nay có thêm Esther Duflo và Abhijit Banerjee.

Nhà khoa học Esther Duflo đã hoàn thành nhiều chương trình học tập tại Paris và nhận bằng tiến sĩ của Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Hiện, cô là giáo sư về giảm nghèo và kinh tế phát triển tại trường đại học Mỹ. Năm 2009, cô nhận giải thưởng MacArthur Fellowship, còn gọi là giải “Thiên tài” của Mỹ. Một năm sau, tạp chí Fortune bầu chọn cô là một trong 40 nhà lãnh đạo doanh nghiệp dưới 40 tuổi có sức ảnh hưởng nhất. Năm 2011, tờ Financial Times và ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs vinh danh cuốn sách có tiêu đề Poor Economics: A Radical Rethinking of the Way to Fight Global Poverty cô viết chung với ông Banerjee là cuốn sách của năm.

* Nobel Kinh tế 2019 tôn vinh công trình nghiên cứu về giảm nghèo toàn cầu