Iran và P5+1 nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận hạt nhân toàn diện

NDO -

NDĐT - Hôm qua 18-2 tại Geneva, vòng đàm phán mới nhất giữa Iran và nhóm các cường quốc P5+1 đã khai mạc. Vòng đàm phán này cũng được coi là bước khởi đầu của một tiến trình lâu dài và khó khăn nhằm đạt được một thỏa thuận toàn diện cho vấn đề hạt nhân của Iran.

Iran và P5+1 nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận hạt nhân toàn diện

Theo đó, nếu đạt được một thỏa thuận toàn diện sẽ cho phép Iran duy trì được chương trình hạt nhân về hòa bình, dù với quy mô khiêm tốt nhất và không còn đủ khả năng chế tạo bom hạt nhân. Thỏa thuận này cũng sẽ giúp bình thường hóa mối quan hệ giữa Tehran và Washington sau 35 năm thù địch.

Trong vòng đàm phán dự kiến kéo dài ba ngày tại Vienna giữa Iran và nhóm P5+1, bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức, các bên sẽ bắt đầu thảo luận về việc biến thỏa thuận sơ bộ mà các bên đã đạt được hồi tháng 11-2013 thành một thỏa thuận toàn diện, lâu dài cho vấn đề hạt nhân của Iran. Theo bản thỏa thuận sơ bộ, Tehran chấp nhận hạn chế một số hoạt động hạt nhân trong vòng sáu tháng để nhận được một số sự nới lỏng các biện pháp cấm vận để có thời gian đàm phán về một thỏa thuận toàn diện.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, trong cuộc họp ngày 18-2, các bên đã có một phiên họp toàn thể ngắn trước khi chuyển sang các cuộc gặp song phương giữa Iran và phái đoàn Mỹ. Quan chức Mỹ này nói rằng cuộc họp kéo dài 80 phút này “là hữu ích và chủ yếu tập trung vào cách thức các cuộc đàm phán toàn diện sẽ được thực hiện kể từ thời điểm này”.

Người phát ngôn Catherine Ashton cho biết mục tiêu của vòng đàm phán ở Vienna lần này là nhằm đạt được “một khuôn khổ mang tính khả thi để tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán”.

Trước khi vòng đàm phán diễn ra, rất ít người tỏ ra lạc quan về việc đàm phán đạt được tiến bộ. Sự hoài nghi giữa các bên vẫn còn rất lớn và khoảng cách về quan điểm giữa các bên là điều khó mà có thể san lấp trong vài ngày đàm phán.

Chỉ một ngày trước khi vòng đàm phán khai mạc, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei của Iran, người có tiếng nói quyết định đối với mọi vấn đề của nước CH Hồi giáo này, hôm 17-1 một lần nữa đã tuyên bố rằng đàm phán giữa Tehran và sáu cường quốc “sẽ chẳng đi đến đâu”.

Vài giờ sau đó, một quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ cũng bày tỏ một thái độ bi quan khi phát biểu trước các phóng viên tại thủ đô nước Áo rằng vòng đàm phán sẽ là “một tiến trình lâu dài, phức tạp và khó khăn”.

Đối với Mỹ và các đồng minh châu Âu, mục tiêu của các vòng đàm phán không phải nhằm buộc Iran hủy bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân mà chỉ cần bảo đảm rằng bất kỳ nỗ lực nào của Iran tìm cách chế tạo một quả bom hạt nhân sẽ phải diễn ra đủ lâu để họ có thể phát hiện và ngăn chặn, kể cả sử dụng hành động quân sự.

Để đạt được mục tiêu này, Mỹ và phương Tây muốn giới hạn Iran chỉ làm giàu uranium ở mức tinh khiết thấp, ngừng phần lớn các máy ly tâm đang của Iran đang dùng cho công việc này, hạn chế các nghiên cứu hạt nhân và triển khai các hoạt động giám sát chặt chẽ hơn bởi các thanh sát viên LHQ.

Nhưng liệu Iran có chấp nhận những điều kiện này hay không vẫn còn là câu hỏi không có câu trả lời. Bởi trước khi đàm phán, nước này đã đặt ra một số “giới hạn đỏ”, trong đó bao gồm cả việc sẽ không dỡ bỏ bất kỳ cơ sở hạt nhân nào. Ông Khamenei và các quan chức Iran khác cũng liên tục khẳng định rằng những yêu cầu cắt giảm năng lực hạt nhân của họ như vậy là không thể chấp nhận được.

Mặc dù vậy, các bên vẫn bày tỏ quyết tâm đạt được một thỏa thuận toàn diện cho vấn đề hạt nhân của Iran. Về phía Iran, dù tỏ ra hoài nghi về những cơ hội đạt được thỏa thuận cuối cùng với phương Tây, nhưng ông Khamenei vẫn khẳng định rằng Iran cam kết sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán giữa nước này với P5+1. Phát biểu trước đám đông tại thành phố Tabriz hôm 17-2, ông nói: “Những gì mà những quan chức của chúng ta đã bắt đầu vẫn sẽ được tiếp tục. Chúng ta sẽ không thất hứa. Tôi không có lựa chọn nào khác”.

Hãng thông tấn ISNA của Iran dẫn lời Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif nói: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể đạt được một thỏa thuận và chúng tôi tới đây với ý nguyện chính trị nhằm đạt được một thỏa thuận cuối cùng”. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng quá trình này “sẽ mất nhiều thời gian”.

Còn một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ khẳng định: “Rất có thể là chúng ta sẽ không có được một thỏa thuận như lẽ ra chúng ta sẽ có. Nhưng những cuộc đàm phán này là cơ hội tốt nhất mà chúng ta từng có”.

Tuy nhiên, dù tất cả các bên đều bày tỏ quyết tâm ngồi vào bàn đàm phán, nhưng khi mà sự nghi ngờ chưa được dẹp bỏ, những khác biệt quá lớn về quan điểm của mỗi bên, thì dường như con đường tiến tới một thỏa thuận toàn diện cho vấn đề hạt nhân của Iran vẫn còn rất gập ghềnh và rất xa xôi.