Tư liệu

Hợp tác trong khuôn khổ các Hội nghị cấp cao CLMV, ACMECS và Diễn đàn Kinh tế thế giới - Mê Công

Từ ngày 24 đến 26-10, tại Hà Nội, sẽ diễn ra Hội nghị cấp cao (HNCC) Cam-pu-chia - Lào - Mi-an-ma - Việt Nam (CLMV) lần thứ tám, HNCC Chiến lược hợp tác kinh tế Ay-ây-a-oa-đi - Chao Phray-a - Mê Công (ACMECS) lần thứ bảy và Hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Mê Công.

Thái-lan thúc đẩy xuất khẩu nông sản vào các nước ASEAN.
Thái-lan thúc đẩy xuất khẩu nông sản vào các nước ASEAN.

Đây là hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2016. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc thông tin về các khuôn khổ hợp tác nói trên.

Tại HNCC ASEAN - Nhật Bản, diễn ra tháng 12-2003, tại Tô-ki-ô, Nhật Bản, lãnh đạo cấp cao các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam nhất trí tổ chức HNCC CLMV lần thứ nhất vào dịp HNCC ASEAN 10 (Viêng Chăn, Lào, tháng 11-2004). Việc hình thành hợp tác CLMV là một trong những nỗ lực đáp ứng yêu cầu khách quan của hội nhập tiểu vùng Mê Công và ASEAN. Năm 2003, ASEAN thông qua Tuyên bố Ba-li II khẳng định mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột là Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng Văn hóa - xã hội ASEAN (ASCC).

Trở ngại lớn nhất đối với hội nhập ASEAN chính là khoảng cách phát triển giữa các thành viên ASEAN, cụ thể là giữa các nước CLMV với các nước khác trong ASEAN. Do đó, hợp tác CLMV xuất phát từ ý tưởng thu hẹp khoảng cách phát triển nhằm thúc đẩy hội nhập của các nước CLMV vào tiến trình phát triển chung của khu vực. Hợp tác CLMV là cơ chế hợp tác mở, một mặt phát huy lợi thế, tiềm năng hợp tác sẵn có của các nước CLMV, nhưng mặt khác là kênh kêu gọi hỗ trợ của các nước ASEAN khác và các đối tác phát triển dành cho các nước CLMV.

Hơn nữa, hợp tác CLMV cũng là diễn đàn để các nước CLMV phối hợp lập trường góp phần bảo vệ lợi ích của các nước này trong tiến trình liên kết kinh tế ASEAN, cũng như giữa ASEAN với đối tác khác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…). Sáu lĩnh vực hợp tác của CLMV, gồm: thương mại và đầu tư; nông nghiệp; công nghiệp và năng lượng; giao thông; du lịch; phát triển nguồn nhân lực. HNCC CLMV được tổ chức hằng năm, quyết định những vấn đề lớn và định hướng hợp tác CLMV.

ACMECS được thành lập tháng 11-2003 tại HNCC Ba-gan (Mi-an-ma), là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Thái-lan. Việt Nam chính thức tham gia ACMECS tại Hội nghị Bộ trưởng ACMECS lần thứ nhất tại Thái-lan, tháng 11-2004. Khuôn khổ ACMECS nhằm tăng cường hợp tác kinh tế chung và song phương để khai thác và phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển.

Hiện ACMECS có tám lĩnh vực hợp tác, gồm: thương mại - đầu tư; nông nghiệp; công nghiệp - năng lượng; giao thông; du lịch; phát triển nguồn nhân lực; y tế; môi trường. HNCC ACMECS được tổ chức hai năm một lần luân phiên theo tên các nước, Hội nghị Bộ trưởng họp hằng năm. Từ tháng 4-2006, các nước nhất trí tổ chức HNCC ACMECS giữa kỳ không chính thức giữa hai HNCC chính thức kế tiếp và tổ chức bên lề các HNCC ASEAN.

WEF là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Hằng năm, WEF tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khu vực, quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các học giả từ khắp thế giới để bàn luận về những vấn đề kinh tế - phát triển và thời sự toàn cầu. Diễn đàn quan trọng nhất của WEF là Hội nghị hằng năm được tổ chức vào cuối tháng 1 tại Đa-vốt, Thụy Sĩ.

Bên cạnh Hội nghị Đa-vốt, hằng năm WEF cũng tổ chức các diễn đàn khu vực, tiêu biểu là Hội nghị WEF về Đông Á, Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên) tại Trung Quốc, Hội nghị WEF về Ấn Độ, Hội nghị WEF về Mỹ la-tinh, Hội nghị WEF về Trung Đông… Các diễn đàn khu vực này là nơi trao đổi và phân tích, đánh giá các vấn đề phát triển của khu vực.

Việt Nam và WEF có quan hệ từ năm 1989. Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường xuyên tham dự các Hội nghị hằng năm của WEF tại Đa-vốt và Đông Á. Hiện Việt Nam có 11 tập đoàn, công ty lớn là thành viên của WEF. Năm nay, Hội nghị WEF - Mê Công lần đầu được tổ chức tại nước đang phát triển Việt Nam cho thấy WEF đánh giá cao khu vực tiểu vùng Mê Công và vai trò của Việt Nam.

Chuỗi sự kiện ngoại giao đa phương tại Hà Nội sắp tới thể hiện vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm của nước chủ nhà Việt Nam trong hợp tác tiểu vùng Mê Công nói chung, hợp tác ACMECS và CLMV nói riêng. Việt Nam sẽ cùng các nước hướng đến một tiểu vùng Mê Công năng động và thịnh vượng.