Giao thông Bắc Kinh: Từ luật “chẵn, lẻ” đến luật “số cuối”

Một góc của TP Bắc Kinh hiện đại.
Một góc của TP Bắc Kinh hiện đại.

Nhằm bảo đảm an toàn, chống kẹt xe tắc đường trong dịp diễn ra Thế vận hội Olympic và Paralympic, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã áp dụng Luật biển số chẵn lẽ cho các phương tiện ô tô thuộc các cơ quan đảng, chính quyền, các đơn vị sự nghiệp, xe hơi cá nhân, doanh nghiệp. Xe có biển số chẵn thì đi ngày chẵn, xe biển số lẻ thì đi ngày lẻ. Số để tính chẵn lẻ là số cuối của biển kiểm soát mà phương tiện đang lưu hành.

Kể từ ngày Luật chẵn lẻ được bãi bỏ (20-9-2008) đến nay, nạn kẹt xe tắc đường ở Bắc Kinh lại trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết. Để đối phó, mới đây chính quyền thành phố Bắc Kinh đã cho áp dụng một biện pháp mới, tạm gọi là Luật "số cuối hạn chế".

Theo đó, quy định các phương tiện xe hơi của các cơ quan đảng, nhà nước, xe của các đơn vị sự nghiệp, xe hơi cá nhân, doanh nghiệp, xe hơi của các cơ quan nước ngoài đóng tại Bắc Kinh có số cuối là 1 và 6 bị cấm lưu hành vào thứ 2, số cuối là 2 và 7 cấm lưu hành thứ 3, số cuối 3 và 8 cấm lưu hành thứ 4, số cuối 4 và 9 cấm lưu hành thứ 5, và số cuối là 5 và 0 cấm lưu hành vào thứ 6.

Áp dụng quy định này, tính toán của cơ quan quản lý giao thông Bắc Kinh cho hay, trong một tuần, mỗi phương tiện sẽ bị cấm lưu hành một ngày. Người nào vi phạm sẽ bị phạt tiền, mức phạt thấp nhất là 200 nhân dân tệ (khoảng 500 nghìn Việt Nam đồng). Tái phạm sẽ bị trừ điểm trong giấy phép lái xe (quá 12 điểm trong một năm, giấy phép lái xe sẽ bị thu hồi). Thực hiện Luật "số cuối hạn chế", mỗi ngày Bắc Kinh có thể hạn chế khoảng 800 nghìn xe hơi lưu hành trên đường.

Ở Bắc Kinh, các phương tiện xe buýt vận hành từ sáng sớm đến tận đêm khuya, hệ thống tàu điện ngầm với 10 tuyến đường chuyên chở hàng chục triệu lượt khách mỗi năm, chính quyền thành phố cũng đang tích cực triển khai việc xây dựng vành đai giao thông số 6 nhằm giãn dân, giảm áp lực về giao thông trong nội đô…, song nạn kẹt xe tắc đường ở thành phố này vẫn khá trầm trọng, đặc biệt là trong những giờ cao điểm.

Được biết, Luật này không áp dụng cho thứ 7 và chủ nhật, chỉ áp dụng từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần. Tuy nhiên, từ khi Luật này được áp dụng đến nay, bên cạnh mặt tích cực trong điều hành giao thông, hạn chế tắc đường, chính quyền thành phố Bắc Kinh cũng phải đối mặt với khá nhiều sức ép.

Dù đã được thông báo công khai từ nhiều ngày trước, song Luật này vẫn vấp phải nhiều ý kiến phản ứng của người dân. Dư luận Trung Quốc cho rằng phải trưng cầu dân ý, cân nhắc kỹ lưỡng xem có ảnh hưởng đến việc đi lại, đặc biệt là quyền sở hữu về tài sản của người dân hay không.

Dù còn nhiếu ý kiến khác nhau, song theo quan sát của chúng tôi, việc áp dụng quy định mới này của chính quyền TP Bắc Kinh đã và đang phát huy nhiều điểm tích cực. Khi chưa có biện pháp nào tốt hơn để thay thế, Bắc Kinh vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào việc chính sách của họ có thể giúp thành phố giải quyết phần nào "vấn nạn" kẹt xe tắc đường luôn diễn ra như cơm bữa ở một thành phố với hơn 17 triệu dân và hơn 5 triệu xe hơi này.

Bên cạnh việc áp dụng Luật "số cuối hạn chế", để giảm áp lực trong giao thông, hiện chính quyền TP Bắc Kinh cũng yêu cầu các cơ quan và mọi người dân thực hiện tốt việc phân chia thời gian mở cửa làm việc. Khối cơ quan doanh nghiệp, các siêu thị cửa hàng, thời gian mở cửa là 10 giờ. Các cơ quan còn lại, trong khoảng thời gian từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30, căn cứ vào tình hình yêu cầu cụ thể của đơn vị mà quy định thời gian làm việc cho hợp lý, miễn là vẫn bảo đảm đủ 8 giờ làm việc trong ngày.