Du lịch Thái-lan lao đao vì khủng hoảng chính trị

NDO -

NDĐT - Từ nhiều năm nay, ngành du lịch đã có những đóng góp đáng kể cho ngân sách Thái-lan với việc đón tiếp hàng triệu du khách quốc tế mỗi năm, doanh thu từ du lịch chiếm tới 20% GDP của nước này. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài suốt từ cuối năm 2013 tới nay đã gây ra những thiệt hại lớn cho ngành “công nghiệp không khói” này.

Du lịch Thái-lan lao đao vì khủng hoảng chính trị

Ngày 20-5, sau nhiều tháng liên tiếp diễn ra các cuộc biểu tình chống chính phủ, quân đội Thái-lan đã bất ngờ áp đặt tình trạng thiết quân luật trên toàn quốc. Hai ngày sau đó, Tư lệnh Lục quân Thái-lan Prayuth Chan-ocha đã lên truyền hình thông báo quân đội đã tiến hành đảo chính quân sự và giành quyền kiểm soát chính phủ.

Như vậy, kể từ khi Thái-lan trở thành một quốc gia quân chủ lập hiến năm 1932 đến nay, đất nước này đã trải qua tổng cộng 18 lần đảo chính quân sự và âm mưu đảo chính. Có lẽ chính vì thế, những cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra suốt từ tháng 11-2013 đến nay, cũng như việc tình trạng thiết quân luật được áp đặt dường như không gây ảnh hưởng gì nhiều tới cuộc sống thường ngày của người dân Thái-lan.

Ngày 20-5, Cục Du lịch Thái-lan cho biết các khách sạn, sân bay, trung tâm thương mại, nhà hàng và các địa điểm du lịch ở Băng-cốc cũng như các nơi khác vẫn mở cửa hoạt động bình thường. Thậm chí, trên một số đường phố đông người, người ta còn thấy một số người dân địa phương xin được chụp những bức ảnh lưu niệm với những người lính đang cầm súng.

Trái lại, có vẻ như các du khách quốc tế đã không thể bình thản được như vậy. Những con số thống kê đã cho thấy các cuộc biểu tình trên đường phố, tấn công bằng lựu đạn và tình trạng thiết quân luật đã có những tác động nhất định tới ngành công nghiệp du lịch, một trong những nguồn thu lớn của Thái-lan.

Theo số liệu của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, ngành du lịch và lữ hành đã đóng góp tới 2,4 nghìn tỷ baht (khoảng 73,8 tỷ USD), tương đương 20%, vào Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Thái-lan năm 2013. Ngành du lịch cũng tạo ra hơn 2,5 triệu việc làm trực tiếp (chiếm 6,6% tổng số việc làm của Thái-lan) trong năm 2013. Chính vì vậy, sự sụt doanh thu từ khách du lịch nước ngoài sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của nền kinh tế Thái-lan.

Tờ Bưu điện Băng-cốc cho biết, do những bất ổn về chính trị, Bộ Du lịch Thái-lan đã đưa ra dự báo, lượng khách du lịch nước ngoài đến Thái-lan trong năm nay có thể giảm 5%, mức giảm cao nhất kể từ năm 2009. Trong thực tế, lượng du khách nước ngoài tới Thái-lan bốn tháng đầu năm nay đã giảm 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 8,62 triệu lượt du khách.

Ngân hàng Thái-lan cũng cho biết tỷ lệ khách đặt phòng trước ba tháng tại Thái-lan chỉ đạt 26% vào tháng 3, so với mức 32% một năm trước đây. Tỷ lệ cho thuê phòng khách sạn cũng chỉ đạt 58% trong tháng, thấp hơn nhiều so với mức 72% cùng kỳ năm 2013.

Thủ đô Băng-cốc, địa điểm chính của các cuộc biểu tình, xung đột trong suốt thời gian vừa qua, chính là nơi ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cả nước. Nhiều quốc gia đã ra cảnh báo các công dân của họ về tình hình ở thủ đô Thái-lan và còn khuyến cáo họ không nên tới đây. Và nhiều du khách nước ngoài đã quyết định hướng tới các địa điểm khác như Chiang Mai, Koh Samui hay Phukhet.

Theo dữ liệu của STR Global, lượng khách tại các khách sạn ở Băng-cốc đã có sự sụt giảm đáng kể trong quý I năm nay. Tỷ lệ sử dụng phòng tại các khách sạn này chỉ đạt 55,2% trong quý I năm 2014 so với mức 79,7% cùng kỳ năm 2013. Là nơi đón tiếp hơn một nửa lượng khách du lịch nước ngoài tới Thái-lan, số khách tới Băng-cốc trong bốn tháng đầu năm 2014 đã giảm 14%.

Ông Mario Hardy, Giám đốc điều hành Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương ở Băng-cốc phát biểu trên tờ Bưu điện Băng-cốc: “Điều này không tốt cho Băng-cốc và không tốt cho du lịch Thái-lan. Du lịch là một nguồn thu khổng lồ cho đất nước”.

Nhưng bất chấp sự lo ngại của du khách nước ngoài, nhiều công ty du lịch ở Thái-lan vẫn tin tưởng tình hình sẽ sớm trở lại ổn định. Họ cho rằng trong suốt những năm qua, ngành du lịch Thái-lan đã chứng tỏ sự kiên cường của mình hết lần này tới lần khác khi phải trải qua các cuộc đảo chính, thảm họa thiên nhiên hay các xung đột chính trị.

Thậm chí, họ còn cho biết nhiều du khách đã từng lo ngại về tình hình chính trị ở Thái-lan trước đây thì giờ đây lại cho rằng tình trạng thiết quân luật sẽ mang lại phần nào sự ổn định cho đất nước này.

Tuy nhiên, với việc quân đội Thái-lan ngày 22-5 đã chính thức tuyên bố đảo chính quân sự và áp dụng giới nghiêm trên toàn quốc, những tác động tới ngành du lịch nước này sẽ không chỉ dừng tại đây. Đã có thêm nhiều nước bày tỏ sự lo ngại và khuyến cáo công dân nước mình không nên tới Thái-lan du lịch. Ông Sisdivachr Cheewarattanaporn, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý Du lịch Thái-lan còn đưa ra cảnh báo rằng số du khách tới Thái-lan có thể giảm tới 50% trong quý II năm 2014.

Bởi vậy, để sớm khôi phục lại đà phát triển cho ngành công nghiệp du lịch, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế do sự sụt giảm khách du lịch gây ra, Thái-lan cần phải nhanh chóng ổn định tình hình đất nước, khôi phục hiến pháp và sớm tổ chức các cuộc bầu cử để xóa bỏ nỗi lo ngại của du khách quốc tế.