Châu Âu trước “cơn lốc” trứng gà nhiễm độc

NDO -

NDĐT - Trong những ngày qua, nhiều trang trại gia cầm ở Hà Lan đã hứng chịu những thiệt hại khổng lồ sau khi hàng triệu quả trứng bị phát hiện nhiễm chất độc Fipronil và bị tiêu hủy. Không chỉ dừng ở đó, vụ bê bối này còn có nguy cơ gây ra mâu thuẫn trong quan hệ giữa Hà Lan và các nước láng giềng như Bỉ, Anh, Đức, Pháp...

Trứng gà bị tiêu hủy tại một trang trại ở Bỉ. (Ảnh: The Guardian).
Trứng gà bị tiêu hủy tại một trang trại ở Bỉ. (Ảnh: The Guardian).

Vụ bê bối lan rộng khắp châu Âu

Ngày 2-8, chuỗi siêu thị hàng giá rẻ Aldi đã khuấy lên “cơn lốc” khi ra thông báo ngừng bán các loại trứng tại hơn 4.000 cửa hàng của mình ở trên khắp nước Đức để phòng ngừa trước nguy cơ trứng gà nhiễm độc. Một số chuỗi siêu thị khác của Đức như REWE và Penny cũng lập tức loại bỏ các loại trứng gà nhập khẩu từ Hà Lan ra khỏi danh mục hàng của mình. Tuy nhiên, theo ước tính của một quan chức Đức, đã có tới 10 triệu quả trứng nhiễm độc được bán cho khách hàng ở Đức.

Sau đó hai ngày, 190 cửa hàng của Aldi Suisse ở miền nam Thụy Sĩ cũng đã ngừng bán các loại trứng nhập khẩu. Còn nhà bán lẻ thực phẩm CPL của Hà Lan tuyên bố toàn bộ các loại trứng có nguy cơ nhiễm độc đã bị đưa ra khỏi kệ hàng trong các siêu thị trên khắp Hà Lan. Chuỗi siêu thị lớn nhất Hà Lan Albert Heijin cũng đã loại bỏ hai phần ba trong số 38 loại trứng mà hãng này thường bán bất chấp những thiệt hại do việc này gây ra.

Ngày 7-8, Bộ Nông nghiệp Pháp thông báo đang điều tra 13 lô trứng nhập khẩu từ Hà Lan được gửi tới Pháp trong khoảng từ 11 đến 26-7. Các quả trứng nhiễm độc từ Hà Lan và Bỉ cũng đã được phát hiện tại năm cơ sở sản xuất thực phẩm ở Pháp và tất cả những sản phẩm do các cơ sở này sản xuất ra hiện đã bị cấm bán. Một số trang trại gia cầm ở Pháp cũng đang được giám sát chặt chẽ sau khi một chủ trang trại cho biết có mua gia cầm từ một nhà cung cấp Bỉ có sử dụng Fipronil.

Trong khi đó, Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh cho biết có hơn 700.000 quả trứng nhập khẩu từ các trang trại có trứng nhiễm độc ở Hà Lan đã được bán và tiêu thụ tại Anh.

Trứng bị nhiễm độc như thế nào?

Nhà chức trách Bỉ và Hà Lan đã mở cuộc điều tra về nguyên nhân trứng nhiễm độc. Các điều tra viên tin rằng, chất độc này lây nhiễm vào gia cầm thông qua một loại hợp chất có tên là Chickenfriend, sản phẩm của một doanh nghiệp Hà Lan, được sử dụng để điều trị rận đỏ, một loại bọ sống ký sinh trên gà. Cảnh sát Hà Lan đã vây ráp tám địa điểm tại Hà Lan, bắt hai nghi phạm có liên quan tới vụ việc này. Ngoài ra cảnh sát còn tịch thu nhiều hồ sơ, xe hơi cũng như sao kê ngân hàng...

Không phải đến bây giờ vụ bê bối trứng gà nhiễm độc mới bắt đầu. Từ đầu tháng 6, nhà chức trách Bỉ và Hà Lan đã phát hiện được một số trứng gà bị nhiễm chất độc Fipronil. Tuy nhiên, phải tới vài tuần sau đó, khi có thêm nhiều lô trứng bị phát hiện nhiễm độc và tin tức được công bố rộng rãi thì vụ bê bối mới thực sự bùng nổ và khiến các siêu thị rút hàng triệu quả trứng gà khỏi các kệ hàng của họ.

Các quan chức quản lý an toàn thực phẩm EU cho biết chất Fipronil là một loại hóa chất được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm thú y để loại bỏ bọ chét, rận và ve trên gia súc và gia cầm. Fipronil được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là một hóa chất có độc tính ở mức trung bình. Nếu bị nhiễm ở liều cao, chất độc này có thể gây sưng tấy da và mắt, buồn nôn và chóng mặt. Với một liều lượng lớn, nó có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho thận, gan và tuyến giáp. Không chỉ nhiễm độc vào trứng gà, Ủy ban châu Âu (EU) còn cảnh báo rằng các loại thịt gà cũng có nguy cơ nhiễm Fipronil dù theo quy định của EU, hợp chất này bị cấm sử dụng trên các loại gà vịt nuôi lấy thịt làm lương thực.

Do Fipronil có thể được hấp thụ qua da hay qua đường ăn uống nên việc ăn các quả trứng bị nhiễm Fipronil cũng có thể gây nguy hiểm. Tuy nhiên, tờ DW cho biết, người ta sẽ chỉ bị nhiễm độc nếu tiêu thụ một lượng lớn trứng mỗi ngày. Theo ước tính của Viện Đánh giá Nguy cơ Liên bang Đức, một đứa trẻ nặng 16kg có thể ăn 1,7 quả trứng mỗi ngày (bao gồm cả các loại thực phẩm chứa trứng) mà không gặp phải nguy cơ nhiễm lượng Fipronil quá mức cho phép. Còn một người lớn nặng 65kg có thể ăn tới bảy quả trứng mỗi ngày mà không bị nhiễm độc. Tuy vậy, các quan chức y tế châu Âu vẫn khuyên các bậc cha mẹ không nên cho trẻ em ăn các loại trứng nhiễm độc.

Còn tại Anh, Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh (FSA) trấn an rằng số lượng trứng nhiễm độc chỉ chiếm một phần nhỏ trong lượng trứng được tiêu thụ, do vậy "hầu như không gây ra nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng". FSA cũng khuyên người dân không cần thiết phải thay đổi thói quen sử dụng và nấu nướng các loại trứng. Để phòng ngừa, FSA cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên để trứng sống cách xa các loại thực phẩm khác, không sử dụng những quả trứng vỡ hoặc bẩn, nấu nướng kỹ trứng và các món ăn sử dụng trứng và sử dụng các loại trứng tiệt khuẩn cho các món trứng sống hoặc nấu sơ. FSA cũng khuyên người tiêu dùng nên rửa tay sạch sẽ sau khi chạm vào hoặc chế biến trứng.

Ngành nông nghiệp Hà Lan thiệt hại nặng

Ngay sau tin tức về trứng nhiễm độc bùng phát, đã có khoảng 180 trang trại gia cầm ở Hà Lan bị tạm thời đóng cửa. Cho đến nay, còn khoảng hơn 130 trang trại, tương đương một phần năm tổng số trang trại trên khắp đất nước, vẫn bị ngừng hoạt động. Nhà chức trách Hà Lan cảnh báo các sản phẩm trứng từ 59 trang trại khác cũng bị nhiễm Fipronil ở mức cao và bị các quan chức an toàn thực phẩm khuyến cáo không nên cho trẻ em ăn.

Châu Âu trước “cơn lốc” trứng gà nhiễm độc ảnh 1

Hà Lan có nguy cơ phải tiêu hủy hàng triệu con gà mái. (Ảnh: CBSNews)

Liên đoàn Nông nghiệp và Vườn tược Hà Lan (LTO) nói rằng Hà Lan sẽ có thể phải tiêu hủy hàng triệu con gà mái tại 150 công ty trên khắp đất nước, trong đó có 300 nghìn con đã bị tiêu hủy. Một người phát ngôn của LTO khẳng định số gà này "phải bị tiêu hủy do đã nhiễm độc".

Là nhà xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ, Hà Lan cũng là một trong những nước xuất khẩu trứng và các sản phẩm từ trứng lớn nhất thế giới. Ước tính, mỗi năm quốc gia này xuất khẩu tới 65% trong tổng số 10 triệu quả trứng sản xuất ra.

Với quy mô như vậy, có thể thấy vụ bê bối trứng nhiễm độc sẽ gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho ngành nông nghiệp Hà Lan. Theo người phát ngôn của LTO, chỉ tính riêng mức thiệt hại của các trang trại gia cầm cũng đã đạt con số 12 triệu USD. Những thiệt hại này sẽ là đòn giáng mạnh vào các trang trại gia cầm Hà Lan khi chỉ vừa một năm trước, họ đã phải đã phải tiêu hủy 190,000 con gà do lo ngại nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm ở châu Âu.

Bộ trưởng Nông nghiệp Bỉ nói rằng sản phẩm của 57 công ty gia cầm Bỉ cũng đã bị cấm không được đưa vào bán tại các siêu thị ở nước này.

Tranh cãi giữa các đối tác

Khi “cơn lốc” trứng nhiễm độc lan rộng, cơ quan quản lý thực phẩm Bỉ đã trở thành tâm điểm của những lời chỉ trích khi đã không thông báo cho các đồng nghiệp EU ngay khi phát hiện trứng nhiễm độc từ đầu tháng 6. Phía Bỉ giải thích rằng tới tháng 7 họ mới có thể thông báo rộng rãi về việc này do phải đợi một cuộc điều tra chống gian lận.

Ngày 8-8, Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Christian Schmidt tuyên bố việc lây nhiễm chất độc hại vào trứng là một "tội ác". Phát biểu trên truyền hình, ông Schmidt nói: "Đó là một tội ác, điều đó là rất rõ ràng".

Mọi chuyện càng trở nên tồi tệ, khi ngày 9-8, Bộ trưởng Nông nghiệp Bỉ Denis Ducarme cáo buộc nhà chức trách Hà Lan đã không hề thông báo gì tới các đồng nghiệp châu Âu dù họ đã phát hiện được một số trứng nhiễm hóa chất ngay từ tháng 11-2016.

Ông Ducarme nói rằng cơ quan an toàn thực phẩm của Bỉ đã có những tài liệu chính thức "cho thấy chất Fipronil đã được phát hiện trong các loại trứng của Hà Lan từ cuối tháng 11-2016". Ông tuyên bố đã yêu cầu người đồng cấp Hà Lan giải thích về việc này và cũng đã thông báo cho ủy viên phụ trách nông nghiệp của Ủy ban châu Âu, "người dường như cũng đã nắm được thông tin này".

Đáp lại những cáo buộc này, cơ quan giám sát lương thực Hà Lan khẳng định lời buộc tội của ông Ducarme là "không xác thực. Tuy nhiên, Cơ quan An toàn Hàng tiêu dùng và Thực phẩm Hà Lan (NVWA) thừa nhận hồi tháng 11-2016 đã nhận được một cảnh báo ẩn danh về việc một chất độc nguy hiểm đã được sử dụng ở Hà Lan. Nhưng ông Rob van Lint, chánh thanh tra của NVWA nói: "Thời điểm đó không hề có dấu hiệu nào cho thấy nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Không hề có một dấu hiệu nào cho thấy chất Fipronil có thể nhiễm vào trứng gia cầm".

Tuy nhiên, trong khi các nước tranh cãi, tiếp tục lại có thêm các quốc gia bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối này. Ngày 10-8, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Thú y Đan Mạch cho biết đã có hơn hai mươi tấn trứng nhiễm độc cũng đã được bán ra trên thị trường Đan Mạch. Cả Romania và Luxembourg cũng thông báo đã phát hiện được các sản phẩm trứng nhiễm độc.

Rõ ràng, những tranh cãi và đổ lỗi đã không thể ngăn chặn sự lan rộng của vụ bê bối. Để có thể giải quyết vấn đề, chắc chắn các nước liên quan cần có sự hợp tác và tăng cường “trao đổi thông tin nhanh chóng và hiệu quả hơn”, như lời kêu gọi của Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stephane Travert.