Bình thường hóa quan hệ Cuba - Mỹ: Cần xuất phát từ sự tôn trọng, bình đẳng

NDO -

NDĐT- Tuyên bố sẽ tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba sau 53 năm duy trì tình trạng đối đầu thực sự là một bước đột phá trong quan hệ giữa hai quốc gia châu Mỹ này.

Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố tiến tới bình thường hóa quan hệ với Cuba (ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố tiến tới bình thường hóa quan hệ với Cuba (ảnh: AP)

Ông Carlos Alzugaray, một cựu nhân viên ngoại giao Cuba nói: "Sau ngày hôm nay, mọi thứ sẽ thay đổi".

"Những cam kết này là sự thay đổi lớn nhất trong mối quan hệ của chúng ta trong hơn 50 năm qua", ông Ted Henken, một chuyên gia chính trị đánh giá.

Những thay đổi này cho phép người dân Cuba mua và bán tài sản, mua ô tô, du lịch nước ngoài, mở doanh nghiệp tư nhân và thuê nhân công.

Anh Carlos Gonzalez, chuyên gia công nghệ thông tin ở Havana nói: “Đối với người dân Cuba, tôi nghĩ điều này như một luồng không khí mới. Điều này sẽ tạo điều kiện mở ra một tương lai tốt hơn cho cả hai nước”.

Chuyên gia phân tích tại Hội đồng đối ngoại Mỹ Julia Sweig nhận định: “Người dân Cuba mỗi năm nhận khoảng 2 tỷ USD tiền chuyển khoản từ người thân ở Mỹ, một con số mà chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn nữa khi các biện pháp cấm vận kinh tế được nới lỏng. Số người Mỹ du lịch tới đảo quốc Cuba gia tăng, và các quy định mới cho phép dân du lịch mua về rượu rum và xì gà cũng sẽ là một sự thay đổi được trông chờ”.

Đáng lý, Tổng thống Mỹ phải thực hiện động thái này sớm hơn sau nhiều thập kỷ Mỹ tiến hành các hoạt động nhằm lật đổ chế độ, cô lập quốc đảo bé nhỏ này.

Bên trong nước Mỹ, sự phản đối lệnh cấm vận với Cuba ngày càng gia tăng. Theo thống kê của CNN và Time hồi năm 1983 có tới 29% số người Mỹ coi Cuba là mối đe dọa nghiêm trọng. Nhưng con số này giảm mạnh còn 13% vào năm 1994 và 12% vào năm 1997.

Kết quả thăm dò mới nhất ở thời điểm năm 2014 cho thấy, có 60% người Mỹ gốc Cuba được hỏi ý kiến ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba, trong đó riêng giới trẻ có tới 90% ủng hộ. Có 69% người Mỹ gốc Cuba ủng hộ việc bãi bỏ những hạn chế đi lại và du lịch sang Cuba và 53% nói rằng họ sẽ bỏ phiếu cho những chính khách nào có chủ trương bình thường hóa quan hệ với Cuba.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Mỹ, trong đó có các ngân hàng, ủng hộ quyết định này vì nó cho phép họ điều kiện để thiết lập các mối quan hệ làm ăn và thương mại với Cuba.

Trong những năm gần đây, truyền thông Mỹ cũng lên tiếng phản đối thái độ thù địch với Cuba. Điều tra của hãng tin AP đã phơi bày những chương trình bí mật đáng xấu hổ của USAID, bao gồm nỗ lực thiết lập một dịch vụ mạng xã hội "Twitter cho người Cuba", và một chương trình khác cho các nghệ sĩ hip-hop Cuba nhằm lật đổ chế độ ở quốc gia này khiến người đứng đầu USAID hôm qua tuyên bố rằng sẽ từ chức sau bê bối trên. Tờ Thời báo New York mới đây đã đăng tải một loạt bài báo có tác động kêu gọi một sự thay đổi chính sách với quốc đảo Caribbean này.

Giám đốc Trung tâm Lịch sử Tổng thống tại Đại học Southern Methodist của Mỹ, ông Jeffrey Engel đã hoan nghênh sự biến chuyển chính sách này và nói rằng Mỹ đã bị mắc vào một chính sách bất thành quá lâu.

Trong cộng đồng quốc tế, tiếng nói đoàn kết chống cô lập Cuba cũng ngày một lớn.

Trong suốt nhiều thập kỷ qua, sự ủng hộ lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba từ các nước có quan hệ thân cận với Mỹ cũng nhạt dần. Liên tục trong 23 năm qua, Hội đồng Bảo An LHQ bỏ phiếu lên án lệnh cấm vấn của Mỹ, và Cuba ngày càng giành được nhiều sự ủng hộ.

Lần bỏ phiếu gần đây nhất tại HĐBA vào ngày 29-10, chỉ có Mỹ và Israel bỏ phiếu chống, còn lại 188 quốc gia và vùng lãnh thổ đều đoàn kết chống lệnh cấm vận của Mỹ với Cuba. Mặc dù các nghị quyết của HĐBA không mang tính bắt buộc và không có hiệu lực, nhưng chúng cũng phản ánh quan điểm của toàn thế giới. Bởi vậy mỗi lần sự ủng hộ Cuba tăng lên là một lần lệnh cấm vận của Mỹ thêm bị cô lập. Ngay đến cả đồng minh thân cận của Mỹ là EU trong năm 2014 cũng đã bắt đầu các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ với Cuba.

Các nhà phân tích cho rằng các cuộc đàm phán sắp tới có thể đưa tới các cuộc họp trực tiếp giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul Castro tại Hội nghị Thượng đỉnh Châu Mỹ tại Panama vào tháng 4-2015. Lần này Cuba lần đầu tiên sẽ được mời tham dự.

Song, những trở ngại đối với tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước vẫn còn đó. Hai nước đã không còn quan hệ ngoại giao đầy đủ từ năm 1961. Washington vẫn ngăn cản các hoạt động du lịch tới đảo quốc Cuba, và chính quyền Obama không thể chấm dứt lệnh cấm vận thương mại nếu không có sự chấp thuận của Quốc hội do đảng Cộng hòa nắm giữ.

Về phía Cuba, Chủ tịch Cuba Raul Castro cũng khẳng định rằng những khác biệt giữa Mỹ và Cuba cần được giải quyết thông qua “đàm phán”, và Cuba sẽ bảo vệ các nguyên tắc chính của mình.

“Chúng tôi đã nhất trí khôi phục mối quan hệ ngoại giao, mặc dù điều này không không nghĩa với việc các vấn đề chính như đóng băng thương mại, tài chính, kinh tế, sẽ được giải quyết”, Chủ tịch Raul Castro nói.

Thực tế, chính sách thù địch phi lý của Mỹ với Cuba kéo dài hơn 50 năm qua đã đem lại quá nhiều đau khổ cho người dân tại quốc đảo này. Bởi vậy, chỉ khi nào mong muốn tiến tới bình thường hóa quan hệ với Cuba của chính quyền Mỹ xuất phát từ sự tôn trọng dựa trên sự bình đẳng, các nguyên tắc luật pháp quốc tế thì con đường bình thường hóa mới tới đích cuối cùng. Và sau tuyên bố này, thế giới cần thấy những bước đi thực chất, thiện chí của Mỹ với Cuba.