Bầu Nghị viện Đức – một trong những cuộc bầu cử phức tạp nhất thế giới

NDO -

NDĐT - Ngày 24-9, cử tri Đức sẽ đi bỏ phiếu bầu Nghị viện Đức (Bundestag), cuộc bầu cử quyết định về việc liệu đương kim Thủ tướng Angela Merkel có tiếp tục tại nhiệm. Đức vốn nổi tiếng có hệ thống bầu cử phức tạp để bầu ra Nghị viện nước này. Dưới đây là những điểm chính trong cuộc bầu cử Nghị viện Đức năm 2017.

Ảnh minh họa. (Nguồn: DW)
Ảnh minh họa. (Nguồn: DW)

Ai có thể bỏ phiếu?

Các cuộc bầu cử Nghị viện Đức năm 2009 và 2013 chứng kiến sự giảm mạnh tỷ lệ cử tri Đức đi bỏ phiếu xuống khoảng 70%. Tuy nhiên, với sự trỗi dậy của phong trào dân túy thu hút sự chú ý của cả những người không phải cử tri tại tất cả các bang, do đó số cử tri đi bỏ phiếu trong năm nay được dự đoán sẽ tăng đáng kể.

Theo số liệu từ Văn phòng Thống kê liên bang của Đức, năm nay, 61,5 triệu công dân Đức có tuổi từ 18 trở lên có quyền bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc gia. Trong số đó, 31,7 triệu là nữ giới và 29,8 triệu là nam giới, với khoảng ba triệu người lần đầu tiên đi bỏ phiếu. Hơn một phần ba cử tri Đức – 22 triệu – hơn 60 tuổi, điều này đồng nghĩa với việc tầng lớp người cao tuổi có ảnh hưởng đặc biệt lớn tới kết quả bầu cử.

Số cử tri nhiều nhất sống tại bang miền tây, Bắc Rhine-Westphalia (13,2 triệu), sau đó là các bang miền nam Bavaria (9,5 triệu) và Baden-Württemberg (7,8 triệu).

Lá phiếu chia đôi

Khi cử tri Đức đi bỏ phiếu vào ngày 24-9, họ sẽ nhận được một lá phiếu dễ gây nhầm lẫn được chia làm hai phần với hai nội dung cần bầu chọn – một phần bầu cho đại diện khu vực (bên trái lá phiếu) và một phần bầu cho một đảng chính trị (bên phải lá phiếu).

Phần bỏ phiếu đầu tiên hay còn gọi là "Erststimme" là dành cho các đại diện khu vực, theo hệ thống đầu phiếu đa số tương đối (tức người chiến thắng là người có nhiều phiếu nhất) như bầu cử ở Mỹ. Đức có 299 đơn vị bầu cử được phân chia theo mỗi đơn vị/250 nghìn cư dân. Cử tri lựa chọn ứng cử viên mình ủng hộ để đại diện cho khu vực của họ tại Nghị viện. Mọi ứng cử viên giành chiến thắng tại một trong số 299 đơn vị bầu cử sẽ được cầm chắc một ghế tại Nghị viện. Phần bỏ phiếu này sẽ giúp xác định chủ nhân một nửa số ghế tại Nghị viện Đức.

Để lấp đầy số ghế còn lại trong số 598 ghế của Nghị viện Đức, các cử tri bỏ phiếu trong phần thứ hai hay còn gọi là "Zweitstimme". Phần bỏ phiếu này dành cho một đảng chính trị thay vì một cá nhân ứng cử viên.

Kết quả của phần bỏ phiếu thứ hai cũng sẽ quyết định tỷ lệ phần trăm tổng số ghế mà một đảng có thể giành tại Nghị viện Đức. Chẳng hạn một đảng giành được 25% số phiếu bầu trong phần bỏ phiếu thứ hai, đảng này sẽ phải được phân bổ 25% số ghế trong Nghị viện.

Điều khiến cuộc bầu cử trở nên đặc biệt thú vị là lá phiếu cho phép các cử tri chia sẻ sự ủng hộ của họ giữa các đảng. Chẳng hạn như một cử tri có thể bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của địa phương họ trong phần bỏ phiếu thứ nhất và bầu cho đảng Dân chủ tự do (FDP) trong phần bỏ phiếu thứ hai, để giúp đối tác liên minh nhỏ hơn của đảng CDU có mặt trong Nghị viện.

Bầu Nghị viện Đức – một trong những cuộc bầu cử phức tạp nhất thế giới ảnh 1

Mỗi lá phiếu bao gồm hai nội dung bầu chọn: Một phần dành cho một ứng cử viên và một phần dành cho một đảng. (Ảnh: DW)

Số ghế dôi ra

Theo quy định, số ghế Nghị viện tại mỗi bang sẽ được phân bổ theo số dân của bang đó. Số ghế được phân bổ cho các đảng tại mỗi bang sẽ dựa theo tỷ lệ số phiếu các đảng giành được tại bang đó trong phần bỏ phiếu thứ hai.

Trong một số trường hợp, một đảng sẽ nhận được số ghế trực tiếp ở một bang thông qua phần bầu chọn đầu tiên nhiều hơn số phiếu đảng này được phân bổ tại bang này dựa theo kết quả phần bầu chọn cho các đảng (phần bỏ phiếu thứ hai). Do mỗi ứng cử viên giành chiến thắng tại một khu vực được bảo đảm một ghế tại Nghị viện, đảng đó sẽ được giữ nguyên số ghế dôi ra này. Theo đó, số ghế Nghị viện mà đảng này nhận được tại bang sẽ bao gồm số ghế được phân bổ theo kết quả phần bỏ phiếu thứ hai cộng với số ghế dôi ra từ phần bỏ phiếu thứ nhất.

Trong trường hợp này, để bảo đảm số ghế được phân bổ cho các đảng tại Nghị viện tương ứng với tỷ lệ số phiếu mà các đảng giành được trong phần bỏ phiếu thứ hai, các đảng còn lại sẽ được nhận thêm ghế để cân bằng với số ghế dôi ra mà kia nắm giữ.

Việc này dẫn đến tình trạng Nghị viện sẽ có số ghế lớn hơn so với số ghế cơ sở là 598 ghế. Cụ thể như Nghị viện của Đức hiện đang có 630 ghế do số ghế dôi ra của các đảng.

“Chướng ngại vật 5%”

Để một đảng có thể vào được Nghị viện Đức, đảng này này phải giành được ít nhất 5% số phiếu bầu của phần bỏ phiếu thứ hai dành cho các đảng. Quy định này nhằm ngăn những đảng nhỏ hơn tách ra từ những đảng chính có thể vào Nghị viện.

Hiện tại, có năm đảng đại diện trong Nghị viện Đức gồm: đảng trung hữu CDU của Thủ tướng Angela Merkel và đảng chị em của đảng này là đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU), đảng trung tả Dân chủ xã hội (SPD), đảng Cảnh tả (Left party) và đảng Xanh (Green party).

Cuộc bầu cử năm nay có hai đảng chạy đua để vượt qua “cửa ải 5%”. Trong năm 2013, đảng thân doanh nghiệp Dân chủ tự do (FDP) đã không giành được 5% số phiếu bầu nhưng có thể vào lại được Nghị viện năm nay dựa trên cơ sở những thắng lợi trong cuộc bầu cử cấp bang gần đây.

Một đảng khác ủng hộ chủ nghĩa dân túy, phản đối nhập cư là đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) thất bại trong gang tấc trong năm 2013, khi đảng này vận động tranh cử theo cương lĩnh hoài nghi châu Âu. Tuy nhiên, kể từ đó đảng này đã giành được đủ sự ủng hộ để có mặt không chỉ trong Nghị viện châu Âu mà còn có mặt ở 13 trong số 16 nghị viện bang của Đức.

Ai bầu Thủ tướng?

Không như hệ thống bầu cử tại Mỹ, các cử tri tại Đức không trực tiếp bầu Thủ tướng, người lãnh đạo Chính phủ. Nghị viện mới phải triệu tập họp phiên đầu tiên trong vòng không quá một tháng sau ngày bầu cử.

Phiên họp đầu tiên có thể diễn ra sớm hơn nếu các cuộc đàm phán thành lập liên minh diễn ra nhanh chóng. Ứng cử viên đứng đầu của đảng giành được nhiều phiếu nhất thường sẽ đứng ra thành lập một liên minh đa số. Tổng thống, người đứng đầu nhà nước và đóng vai trò nghi thức là chủ yếu, khi đó giới thiệu người này là ứng cử viên cho chức Thủ tướng. Ứng cử viên Thủ tướng do Tổng thống giới thiệu sẽ được các thành viên mới được bầu của Nghị viện thông qua sau đó trong một cuộc bỏ phiếu kín.

Nếu giống như trong ba cuộc bầu cử trước, đảng CDU giành chiến thắng đa số phiếu, ứng cử viên của họ cho chức Thủ tướng, Angela Merkel, sẽ nắm giữ vị trí này trong bốn năm nữa. Tại Đức, không có hạn chế về số nhiệm kỳ của một Thủ tướng. Tuy nhiên, cho đến nay, không có thủ tướng nào tại vị tổng cộng hơn 16 năm kể từ đời Thủ tướng Helmut Kohl.

CÁC ĐẢNG TRANH CỬ TRONG NĂM 2017

1. Đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU)/ Đảng Liên minh xã hội cơ đốc giáo (CSU)

Chủ tịch: Angela Merkel

Thành viên: 430.000

Kết quả bầu Nghị viện 2013: 41,5% (309/630 ghế)

Các đối tác liên minh ưu tiên: FDP, SPD, có thể đảng Xanh

Bầu Nghị viện Đức – một trong những cuộc bầu cử phức tạp nhất thế giới ảnh 2

Chủ tịch kiêm ứng cử viên Thủ tướng Đức 2017 của CDU/CSU Angela Merkel. (Ảnh: Reuters)

2. Đảng Dân chủ xã hội (SPD)

Chủ tịch: Martin Schulz

Ứng cử viên Thủ tướng: Martin Schulz

Thành viên: 440.000

Kết quả bầu Nghị viện 2013: 25,7% (193/630 ghế)

Các đối tác liên minh ưu tiên: Đảng Xanh, CDU, có thể đảng Cánh Tả

Bầu Nghị viện Đức – một trong những cuộc bầu cử phức tạp nhất thế giới ảnh 3

Chủ tịch kiêm ứng cử viên Thủ tướng Đức 2017 của SPD Martin Schulz. (Ảnh: DW)

3. Đảng Cánh tả (Die Linke)

Chủ tịch: Katja Kipping, Bernd Riexinger

Ứng cử viên Thủ tướng: Sahra Wagenknecht, Dietmar Bartsch

Thành viên: 60.000

Kết quả bầu Nghị viện 2013: 8,6% (64/630 ghế)

Đối tác liên minh ưu tiên: SPD, đảng Xanh

Bầu Nghị viện Đức – một trong những cuộc bầu cử phức tạp nhất thế giới ảnh 4

Ứng cử viên Thủ tướng của đảng Cánh tả Sahra Wagenknecht (bên phải) và Dietmar Bartsch. (Ảnh: DW)

4. Đảng Xanh

Chủ tịch: Cem Özdemir, Simone Peter

Ứng cử viên Thủ tướng: Cem Özdemir, Katrin Göring-Eckardt

Thành viên: 60.000

Kết quả bầu Nghị viện 2013: 8,4% (63/630 ghế)

Đối tác liên minh ưu tiên: SPD

Bầu Nghị viện Đức – một trong những cuộc bầu cử phức tạp nhất thế giới ảnh 5

Ứng cử viên Thủ tướng của đảng Xanh Cem Özdemir (bên phải) và Katrin Göring-Eckardt. (Ảnh: DW)

5. Đảng sự lựa chọn vì nước Đức (AfD)

Chủ tịch: Frauke Petry, Jörg Meuthen

Ứng cử viên Thủ tướng: Alexander Gauland, Alice Weidel

Thành viên: 27.000

Kết quả bầu Nghị viện 2013: 4,7% (0/630 ghế)

Đối tác liên minh ưu tiên: không có đảng nào mong muốn liên minh nhưng có chính sách gần gũi nhất với đảng CDU.

Bầu Nghị viện Đức – một trong những cuộc bầu cử phức tạp nhất thế giới ảnh 6

Ứng cử viên Thủ tướng của đảng AfD Alexander Gauland (bên phải) và Alice Weidel. (Ảnh: DW)

6. Đảng Dân chủ tự do (FDP)

Chủ tịch: Christian Lindner

Ứng cử viên Thủ tướng: Không có

Thành viên: 54.000

Kết quả bầu Nghị viện 2013: 4,8% (0/630 ghế)

Đối tác liên minh ưu tiên: CDU

Bầu Nghị viện Đức – một trong những cuộc bầu cử phức tạp nhất thế giới ảnh 7

Chủ tịch đảng FDP Christian Lindner. (Ảnh: DW)