Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô: Phần 3: Công tác tư tưởng và tác phong của Đảng CS Liên Xô (kỳ 2)

Bên câu chuyện về lòng trung thành, chúng ta học được nhiều hơn là sự gương mẫu của lãnh tụ vô sản, là tác phong của đảng Bolshevik do Lenin sáng lập, gắn bó máu thịt với nhân dân. Tác phong của một đảng cầm quyền liên quan đến sự quy tụ lòng người, thậm chí là sự sinh tử, tồn vong của đảng.

Trước khi giành được chính quyền, đảng Bolshevik do Lenin lãnh đạo với khẩu hiệu “Hòa bình - Ruộng đất - Bánh mì” đã kêu gọi nhân dân tập hợp lại dưới lá cờ cách mạng, bởi đảng đại diện cho lợi ích căn bản của đông đảo nhân dân, dựa vào nhân dân, dẫn dắt nhân dân chiến đấu thực hiện lợi ích thiết thân nên mới giành được thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười.

Sau khi thành lập chính quyền Xô Viết, nhân dân trở thành chủ nhân của đất nước. Sự ủng hộ của hàng trăm triệu người dân là cơ sở không thể xa rời, dù trong chốc lát, để một đảng cầm quyền củng cố địa vị cầm quyền. Lãnh tụ của Đảng phải hòa làm một với đảng viên bình thường. Đảng CS phải hòa làm một với đông đảo quần chúng. Bằng hành động của mình, Lenin đã nhắc nhở toàn Đảng rằng, chỉ dựa vào hai bàn tay của đảng viên để xây dựng xã hội CSCN là cách nghĩ ấu trĩ. Đảng viên chỉ là một giọt nước trong biển cả nhân dân. Lenin định ra quy tắc quản lý trong cơ quan Xô Viết: mỗi một cơ quan phải dán thông báo ngày, giờ và thời gian tiếp quần chúng. Phòng tiếp quần chúng cần phải đặt ở nơi có thể tự do ra vào và về cơ bản là không cần giấy ra vào. Mỗi một cơ quan Xô Viết đều phải có sổ đăng ký, phải ghi lại họ tên của người đến gặp, tóm tắt ý kiến chủ yếu của vấn đề. Ngày chủ nhật và ngày nghỉ cũng cần phải quy định giờ tiếp dân. Và bản thân Lenin cũng làm như vậy. Theo thống kê mà Phòng tiếp dân ghi chép, thì từ ngày 2-10 đến ngày 16-12-1922, Lenin đã tiếp 125 lượt người, bình quân mỗi ngày tiếp 2-3 người. Phóng viên Hoa Kỳ là Elbert William tận mắt nhìn thấy cảnh tiếp dân, gọi văn phòng làm việc của Lenin là phòng tiếp khách lớn nhất thế giới. Bởi Lenin biết rằng, nếu đảng không được nhân dân toàn tâm toàn ý ủng hộ thì Đảng Bolshevik đừng nói giữ chính quyền hai năm rưỡi, ngay cả hai tháng rưỡi cũng không giữ nổi.

Nhìn lại lịch sử của Liên Xô thế kỷ 20, có thể nói không có Lenin thì không có thắng lợi của Cách mạng XHCN, không có Stalin thì cũng không có cường quốc XHCN đầu tiên trên thế giới. Tên tuổi Stalin tượng trưng cho ý chí, sức mạnh, có sức truyền cảm, hiệu triệu to lớn. Ông đã cùng với đảng viên và nhân dân, bằng trí tuệ và sức mạnh chung, đã giành được thắng lợi vĩ đại trong Chiến tranh Vệ quốc, rồi thực hiện công nghiệp hóa XHCN ở một nước nông nghiệp lạc hậu. Trong thời kỳ xây dựng hòa bình, Stalin vẫn luôn giữ tác phong sinh hoạt giản dị. Lật lại tác phẩm của Stalin, có thể nhìn thấy trong phát biểu và bài viết của ông nhiều lần trích dẫn chuyện Antaeus trong thần thoại Hy Lạp. Antaeus có sức mạnh phi thường. Sức mạnh đó bắt nguồn từ người mẹ của ông, Gaia - Thần Đất. Antaeus bị đối thủ giết chết trên không trung bởi vì đôi chân của thần cách rời mặt đất, cũng tức là không thể nào được bổ sung, hấp thu dinh dưỡng và năng lượng. Qua thí dụ, Stalin muốn nói với mọi người rằng, Đảng CS cũng như Antaeus, quần chúng nhân dân chính là người mẹ Thần Đất. Sau khi Stalin trở thành lãnh đạo tối cao của Đảng và nhà nước, đã xuất hiện tình trạng chủ yếu dựa vào nghe báo cáo, xem công văn, gửi chỉ thị, ra mệnh lệnh để tìm hiểu tình hình và giải quyết vấn đề, rất ít đi vào thực tế, tiếp xúc quần chúng. Rồi do thắng lợi của Chiến tranh Vệ quốc, uy tín quốc tế của Liên Xô tăng lên, tư tưởng sùng bái đối với Stalin trong Đảng cũng ngày càng nặng. Điều đó đã làm cho lãnh đạo lớp trên rất khó nghe được ý kiến của quần chúng, ý kiến của cấp dưới cũng khó đến cấp trên.

Thời Khrushchev, tệ quan liêu, xa rời thực tế càng lan rộng. Thói xấu ba hoa, phô trương, bất chấp sự thật, tâng bốc lẫn nhau, a dua và nịnh bợ ngóc đầu dậy. Khrushchev nắm trong tay quyền lực của Đảng và nhà nước, phải chịu trách nhiệm đối với tình hình. Khrushchev phê phán sùng bái cá nhân đối với Stalin song lại tán thưởng, thậm chí cổ vũ người ta sùng bái ông ta. Ngày 14-10-1964, sắp bị hạ bệ, Khrushchev đọc bài diễn thuyết cuối cùng. Ông ta rơi nước mắt và nói: “Các đồng chí có mặt tại đây lâu nay không công khai, thành thực nêu ra bất cứ khuyết điểm và sai lầm nào của tôi. Lúc nào cũng hùa theo, bày tỏ sự ủng hộ đối với tất cả kiến nghị của tôi. Các đồng chí cũng thiếu tính nguyên tắc và dũng khí”. Lời nói của Khrushchev từ một khía cạnh nào đó đã phản ánh vấn đề nghiêm trọng là tác phong của Đảng CS Liên Xô.

Thời Brezhnev, trạng thái tinh thần của số đông cán bộ lãnh đạo của Đảng CS Liên Xô là bằng lòng với hiện trạng, không muốn cải cách, không muốn tiến thủ. Đã có một câu nói “bí mật” lưu hành trong Bộ chính trị T.Ư Đảng CS Liên Xô lúc bấy giờ: “Không, chúng ta không cần thay đổi cái gì hết”. Alphanasiev, Tổng Biên tập báo Sự Thật, từng nhiều lần tham gia khởi thảo văn kiện quan trọng của đảng. Sau này, ông viết trong hồi ký, nói lên nỗi đau lòng trước tác phong của Đảng CS Liên Xô ngày càng trì trệ. Ông thí dụ: phương thức, phương pháp và trình tự dự thảo báo cáo của T.Ư Đảng trước đại hội đã định hình. Mở đầu luôn luôn là tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản. Khởi thảo văn kiện không yêu cầu có tư duy mới, chỉ cần khéo thay đổi hình thức mới cho những tư tưởng có tính tập quán đó, tìm ra phương thức diễn đạt mới.

Là người lãnh đạo tối cao Đảng CS Liên Xô, song Brezhnev thích hư vinh, thích nghe kẻ khác nịnh bợ, tâng bốc. Ông đặc biệt đam mê vinh dự và khen thưởng. Theo thống kê, trong thời gian Brezhnev cầm quyền, tổng cộng ông được tặng hơn 200 tấm huân chương các loại, kể cả huân chương Lenin, huân chương anh hùng Liên Xô. Trong hàng ngũ đưa tang sau khi ông chết, có tới 44 sĩ quan quân đội bưng bê các loại huân chương và bằng khen của ông. Một thời gian, tệ nạn tham quyền, hưởng thụ, mua danh bán tước, a dua, nịnh hót, tham ô, hối lộ, đặc quyền hoành hành trong Đảng CS Liên Xô. Nhiều người gia nhập Đảng CS không để cống hiến vì sự nghiệp xây dựng CNXH, vì lý tưởng CSCN, mà để kiếm chức tước, vun vén lợi ích cá nhân. Từ đó dẫn đến tác phong ngày càng tồi tệ.

Tháng 3-1985, Gorbachev trở thành lãnh đạo tối cao của Đảng CS Liên Xô. Nếu trước đó, vấn đề nổi bật tồn tại trong tác phong của Đảng CS Liên Xô là dần dần xa rời, rồi đi ngược lại nguyên tắc lãnh đạo tập thể, nhất là xa rời quần chúng nhân dân, thì đến thời Gorbachev, vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn. Gorbachev thích đi khắp nơi để xem xét tình hình, thích diễn thuyết, viết văn, và thích xuất hiện trước ống kính. Gorbachev không chỉ vứt bỏ lãnh đạo tập thể mà còn xa rời thực tế, xa rời nhân dân, không nghe thấy hoặc là không thèm nghe nỗi khổ và tiếng kêu của nhân dân, hoàn toàn dựa vào quyết sách chủ quan. Valeri Pulkin, thư ký của ông hồi tưởng lại như sau: Trong phòng làm việc của mình, Gorbachev thường xuyên đọc to những lời bình luận của nước ngoài về “cải tổ vĩ đại” của ông. Đôi khi ông đọc mấy giờ liền những bình luận đó. Và thời gian cứ từng phút trôi qua như thế mà khối lượng công văn cần chờ giải quyết gấp thì lại không xem. Ryrykov, từng là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, nói: Gorbachev không biết, không tin, cũng không muốn lắng nghe ý kiến của người khác, chỉ thích thao thao bất tuyệt, chỉ một mình ông ta huyên thuyên bất tận, tán dương hoa mỹ những tư tưởng cứng nhắc, trống rỗng, vô vị.

Không ít người Nga sau khi suy ngẫm lại đã cho rằng, chủ ý của Gorbachev là muốn khi lên cầm quyền thì lập nên công lao vĩ đại. Phong cách lãnh đạo của ông ta là bắt đầu bằng diễn thuyết, kết thúc bằng diễn thuyết. Gorbachev nói không đi đôi với làm, lái thuyền theo gió, tính toán mưu kế. Trước khi làm Tổng thống Liên Xô, Gorbachev nhiều lần tuyên bố: Đảng chính là tất cả của tôi. Tôi có thể từ bỏ chức vị Tổng thống Liên Xô bởi vì điều quan trọng nhất trong trái tim tôi là Đảng CS Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, ông ta nói trong một cuộc đối thoại với Tikida Daisaku: Tôi cảm thấy rất vinh hạnh, trong năm tháng cải tổ có thể xóa bỏ hậu quả tai hại do ảnh hưởng của CNCS gây ra cho ý thức của mọi người.

Ligachev, nguyên Ủy viên Bộ chính trị T.Ư Đảng CS Liên Xô, nói một cách đau lòng: lúc đó trong Đảng, ngoài xã hội hình thành một thói xấu, nói một đằng, làm một nẻo. Đó là một nguyên nhân quan trọng làm cho khuynh hướng ly tâm trong Đảng CS Liên Xô phát triển. Chủ nhiệm Ban Biên tập Đài Truyền hình Moscow, nói như sau: Tôi từng là một đảng viên của Đảng CS quang vinh. Tôi luôn tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức đảng. Nhưng những người như Gorbachev phất lá cờ cải tổ, trên thực tế là để tranh giành quyền lực, không hề xem xét nguyện vọng, yêu cầu của đảng viên và nhân dân. Họ sớm trở thành một tầng lớp quan liêu đặc thù đứng trên cao. Người lãnh đạo đảng và tác phong của đảng tồi tệ như vậy làm thế nào có thể để chúng tôi đi theo họ được?

Sau khi bị hạ bệ, Gorbachev thừa nhận: mất đi sự ủng hộ của nhân dân thì mất đi tài nguyên chủ yếu, xuất hiện nhà mạo hiểm chính trị và nhà đầu cơ chính trị. Đó là sai lầm tôi mắc phải, sai lầm chủ yếu. Không, đâu phải là sai lầm. Đó là sự phản bội nhân dân. Ông ta lấy danh nghĩa nhân dân, phất lá cờ nhân đạo và dân chủ để làm tổn hại lợi ích cơ bản của nhân dân, và cuối cùng đối lập với nhân dân. Nhiều người trong ban lãnh đạo Đảng CS Liên Xô do Gorbachev đứng đầu đã phản bội nhân dân. Nhân dân có thái độ thờ ơ đối với Đảng vì Đảng đã không đại diện cho lợi ích cơ bản của họ vào giờ phút then chốt, sống còn. Sau sự kiện 19-8, lớp người chân chính trong Đảng CS Liên Xô vừa căm phẫn cực độ, vừa bất lực. Tổng Tham mưu trưởng quân đội Liên Xô, nguyên soái S.F.Akhromeev, kết thúc đời mình bằng khẩu súng ngắn từng theo ông suốt cuộc đời. Trong bức thư tuyệt mệnh, ông để lại nỗi đau buồn, phẫn nộ và than thở, xót xa: “Tất cả những gì tôi phấn đấu cho Đảng đều đã tiêu tan”.

(Còn nữa)