Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008

Về cuộc sống và an ninh cá nhân

Tội phạm bạo lực ngày càng gia tăng ở Mỹ tạo ra  nhiều mối đe dọa nghiêm trọng đối với cuộc sống, tài sản và an ninh cá nhân của người dân nước này.

Theo một báo cáo về tội phạm của Cục Ðiều tra liên bang Mỹ (FBI) công bố tháng 9-2008, năm 2007 ở Mỹ có 1,4 triệu vụ tội phạm bạo lực, trong đó có 17 nghìn vụ phạm tội giết người (Bưu điện Washington, ngày 10-6-2008), và 9,8 triệu vụ tội phạm tài sản (Thế giới hằng ngày, 16-9-2008). Năm 2007, ước tính số vụ trộm cướp là 445.125 vụ, tăng 7,5% trong hơn 5 năm qua (Bưu điện Washington, 16-9-2008). Ở các thành phố có  từ 50 nghìn đến 100 nghìn dân, số vụ giết người tăng 3,7% so với năm 2006 (Bưu điện Washington, 10-6-2008). Ở những thành phố với số dân từ 10 nghìn đến 30 nghìn người, số vụ tội phạm bạo lực tăng 2,4% so với năm 2006 (Bưu điện Washington, 16-9-2008). Những công dân từ 12 tuổi trở lên đã phải chịu đựng khoảng 23 triệu tội phạm bạo lực hoặc trộm cắp. Năm 2007, cứ một nghìn người từ 12 tuổi trở lên thì có 20,7 người là nạn nhân của tội phạm bạo lực; tỷ lệ tội phạm tài sản là 146,5/1.000 hộ (Nạn nhân của tội phạm, Bộ Tư pháp Mỹ, năm 2007, http://www.ojp.usdj.gov/bjs/abstract/cv07.htm). Những thành phố có tỷ lệ tội phạm bạo lực và giết người tương đối cao là: New Orlean (cứ 100 nghìn người thì có 95 người là nạn nhân của tội phạm giết người), Bantimo (45/100 nghìn người), Ditroi (44), Saint Luis (40), Philadenphia (27,8), Hiu-xtơn (16,2) và Dalas (16,1) (Người điều tra Philadenphia, 10-6-2008). Tại Mỹ, cứ 31 phút xảy ra một vụ giết người; 5,8 phút, một vụ hiếp dâm; 14,5 giây, một vụ ăn trộm (Bưu điện Washington, 16-9-2008).

Tòa án Tối cao Mỹ xác nhận rằng, người Mỹ có quyền sở hữu và sử dụng súng (Người hướng dẫn khoa học Cơ đốc giáo, 27-6-2008). Các con số thống kê cho biết, có khoảng 200 triệu khẩu súng thuộc sở hữu cá nhân ở Mỹ, trong đó có từ 60 đến 80 triệu khẩu súng ngắn. Cư dân Mỹ ở 48 bang được phép mang súng trong người (Minh Báo, 16-10-2008), trong khi bất cứ ai cũng có thể mua được một khẩu súng tại các cửa hàng bán súng tại 35 bang mà không cần trình bày lý do (UPI, 3-10-2008). Tại một cửa hàng bán súng ở ngoại ô TP Nashville, bang Tennessee, riêng ngày 5-11-2008 đã bán được 70 khẩu súng (http://www.usqiaobao.com). Hơn 20 sân bay ở Philadenphia, Los Angeles, San Fransisco và nhiều thành phố khác cho những người sở hữu súng được phép mang súng ở những khu vực công cộng của ga sân bay (Minh Báo, 15-10-2008). Một trường cao trung ở phía bắc bang Tếch-dát thậm chí còn cho một số giáo viên giấu giếm mang vũ khí (Thời báo New York, 29-8-2008). Tờ Bưu điện Washington số ra ngày 5-12-2007 cho biết, mười bang trong đó có các bang Virginia, Nam Carolina, Tây Virginia và Mississippi, đã cung cấp 57% số súng được khám phá trong các vụ tội phạm tại các bang khác trong năm 2007.

Những vụ giết người bằng súng thường xuyên xảy ra là một mối đe dọa đối với cuộc sống của công dân Mỹ. Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ, năm 2007 tại nước này có 1,35 triệu học sinh trung học bị đe dọa hoặc bị thương do súng ít nhất một lần tại trường học (UPI, 3-10-2008). Trong số nạn nhân các vụ bắn súng trong trường học, học sinh nhỏ tuổi chiếm tỷ lệ ngày càng tăng từ 13% năm 2002 lên hơn 21% năm 2007. Kết quả một cuộc điều tra về sinh viên tại Trường đại học Havart năm 2006 cho thấy, một phần năm trong số 1.200 sinh viên được hỏi tại các trường học ở Boston đã chứng kiến ít nhất một vụ bắn nhau trong trường học. Hơn 40% cho rằng dễ dàng kiếm được một khẩu súng và 28% nói rằng, họ cảm thấy không an toàn trên xe buýt và tàu hỏa (Ðịa cầu Boston, 18-9-2008). Trong năm học 2007-2008, một con số kỷ lục: 34 học sinh của Trường công cộng Chicago bị giết chết (Diễn đàn Chicago, 2-4-2008). Trong vòng một tuần từ 7-2-2008, ở Mỹ có bảy vụ bắn nhau trong trường học làm 23 học sinh chết và hàng chục học sinh khác bị thương. Ngày 27-3-2008, năm người ở bang Georgia và bang Kentucky bị bắn chết (AP, 27-3-2008; 28-3-2008). Vào đêm 18-4, tại Chicago xảy ra chín vụ nổ súng trong vòng hơn hai giờ được thông báo (Diễn đàn Chicago, 21-4-2008). Ngày 24-12-2008, một người đàn ông mặc trang phục của ông già Noel đã nổ súng tại đêm Noel ở nhà bố mẹ vợ của anh ta, làm tám người chết, ba người bị thương và ba người mất tích (Minh Báo, 26-12-2008).

Về các quyền dân sự và chính trị

Ở Mỹ, số vụ hạn chế quyền dân sự đang ngày càng tăng. Theo tin đăng trên mạng báo Bưu điện Washington ngày 4-4-2008, Mỹ đã áp dụng việc kiểm tra sâu, một công nghệ theo dõi hoàn toàn mới, có thể ghi lại mọi trang web đã truy cập, mọi thư điện tử đã gửi và mọi thông tin tìm kiếm trực tuyến. Số liệu thống kê cho thấy, ít nhất 100 nghìn người sử dụng Internet ở Mỹ đã bị theo dõi và các nhà cung cấp dịch vụ Internet đã tiến hành thử nghiệm trên khoảng 10% cư dân mạng (Bưu điện Washington, 4-4-2008). FBI đã tham gia chiến dịch theo dõi bất hợp pháp do chính quyền Mỹ tiến hành trên phạm vi cả nước, lưu giữ nội dung các cuộc điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng và các thông tin cá nhân của hàng nghìn người, theo cách thức không được phép.

Tờ Thời báo Seattle ngày 15-7-2008 đưa tin, Tổng thống G.Bush ngày 10-7 đã ký một dự luật cho phép chính phủ nghe lén và gọi đó là "dự luật đáng ghi nhớ, có ý nghĩa sống còn đối với an ninh của nhân dân". Luật mới miễn trừ về mặt pháp lý cho các công ty viễn thông tham gia các chương trình nghe lén và cho phép chính phủ nghe lén các cuộc liên lạc quốc tế giữa các bên ở ngoài nước Mỹ, nhằm mục đích chống khủng bố, mà không cần tòa cho phép. Tháng 7-2008, Bộ An ninh nội địa Mỹ tiết lộ, theo các quy định về kiểm tra biên giới, các nhân viên mật vụ liên bang có thể mang máy tính xách tay hoặc thiết bị điện tử của hành khách đi địa điểm khác trong khoảng thời gian không xác định, mà không cần có nghi vấn về hành động sai trái nào (Bưu điện Washington, 1-8-2008). Tờ Thời báo New York ngày 8-12-2008 đưa tin, Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã nghe lén trái phép đối với một học giả người Hồi giáo tên là Ali al Timimi, ở Bắc Virginia và cố tình giữ các tài liệu nghe lén trong phiên tòa xét xử năm 2005 mà học giả kể trên bị kết tội khủng bố. Các tài liệu trên có thể cung cấp chứng cứ cho thấy chương trình nghe lén của chính quyền Mỹ đã vi phạm các quyền dân sự của công dân Mỹ.

Việc lạm dụng quyền lực của cảnh sát đã xâm phạm các quyền dân sự của người Mỹ. Theo một bài báo đăng trên tờ Diễn đàn Chicago ngày 25-6-2008, chỉ trong hai tuần hồi tháng 6-2008, tại Chicago đã xảy ra tám vụ cảnh sát bắn súng vào dân thường, làm năm người chết. Sapel Terrell, nhân viên vệ sinh, 39 tuổi, ngày 22-6 bị cảnh sát bắn chết ngay tại cửa vào một tòa nhà hai tầng, có bốn phòng là nơi ở của các thành viên gia đình (Diễn đàn Chicago, 23-6-2008). Luis Colon, một thanh niên 18 tuổi ở Chicago, ngày 24-6 bị một cảnh sát mặc thường phục bắn chết, khi anh đang cùng bạn gái đi gặp gỡ và ăn uống với bạn bè tại nhà hàng (Diễn đàn Chicago, 25-6-2008). Daril Battlle, 20 tuổi, bị bắn chết tại căn hộ của mình ở Brucklin, TP New York, sáng 2-8-2008. Michel Mineo, ngày 22-6, bị một cảnh sát gạ gẫm ngay tại sân ga tàu điện ngầm đông đúc ở Brucklin (Thời báo New York, 10-12-2008). Ginberto Blanco bị bắn chết, khi anh này đu đưa trên ghế xếp trước mặt một nữ cảnh sát tên là Doll Otis, tại bãi đỗ xe gần nhà thờ Ðảo Connie (Thời báo New York, 1-12-2008).

Tỷ lệ tù nhân trên số dân ở Mỹ lên mức cao mới. Báo Bưu điện Washington ngày 11-7-2008 cho biết, Mỹ có 2,3 triệu tội phạm hình sự đang bị giam giữ, nhiều hơn tất cả các nước trên thế giới. Báo cáo do Bộ Tư pháp Mỹ công bố ngày 11-12-2008 cho biết, hơn 7,3 triệu người Mỹ đang bị điều tra, bị giam giữ hoặc được tha bổng vào cuối năm 2007, tương đương 3,2% số công dân thành niên, hay cứ 31 người thành niên Mỹ có một người phạm tội (UPI, 11-12-2008). Trong nhóm người Mỹ da đen ở độ tuổi từ 20 đến 34, cứ chín người có một người bị bỏ tù (Người bảo vệ, 1-3-2008). Tỷ lệ tù nhân, hiện cao nhất trong lịch sử Mỹ, cao gấp sáu lần mức trung bình của thế giới (125 người trong 100 nghìn người). Theo số liệu thống kê, tỷ lệ tái phạm tội ở Mỹ vẫn cao. Khoảng một nửa số người từng bị kết tội bị bỏ tù trở lại trong vòng ba năm.

Các quyền cơ bản của tù nhân không được bảo vệ. Thông tin do Bộ Tư pháp Mỹ công bố tháng 8-2008 cho biết, tỷ lệ tội phạm do các tòa án của Mỹ kết án đã tăng nhanh từ năm 1993. Bị cáo bị tuyên phạm các tội bạo lực chiếm hơn 50%. Bang California có 172 nghìn tù nhân bị giam giữ tại 33 nhà tù, vốn được xây dựng chỉ đủ cho một nửa số lượng tù nhân nói trên (Tù nhân quá đông gây các vấn đề về sức khỏe, http://www.sfgate.com, 19-11-2008). Tại TP Prince Georger, thuộc bang Mariland, nhà tù Marlboro hiện giam giữ khoảng 1.500 tù nhân, trong khi nhà tù này chỉ được thiết kế chứa khoảng 1.330 người (Bưu điện Washington, 25-7-2008). Các báo cáo về việc tù nhân chết do quản giáo gây bạo lực xuất hiện thường xuyên. Taser, loại súng bắn bằng điện, được sử dụng rộng rãi để kiểm soát tù nhân trong các nhà tù và trung tâm giam giữ ở Mỹ. Ðã có hơn 300 vụ được phát hiện từ năm 2001, trong đó tù nhân chết do điện của loại súng Taser. Trong số đó, năm 2008 có 69 người chết. Theo thông tin của báo Bưu điện Washington ngày 25-7, hơn mười quản giáo tại Prince Georger, thuộc bang Mariland, đã bị bắt. Ít nhất sáu quan chức nhà tù này bị đình chỉ công việc trong bảy tháng qua, chín người khác vẫn tiếp tục làm việc mặc dù đã bị cáo buộc phạm tội bạo lực. Barol Piker, bị bắt vì tội buôn bán Cocain, đã chết hồi tháng 1-2008 sau khi bị nhân viên cảnh sát bắn súng điện Taser chín lần (Mạng CNN, 22-7-2008). Ronnie L.Waiter, 19 tuổi, chết vì nghẹt thở ngày 29-6-2008, trong khi bị giam giữ biệt lập ở một trung tâm cải tạo ở Prince Georger, Mariland (Bưu điện Washington, 23-9-2008). Theo số liệu Bộ Tư pháp Mỹ công bố tháng 8-2008, từ năm 2001 đến 2006 có 1.154 tù nhân ở các nhà tù bang và liên bang đã chết vì AIDS (Minh Báo, 3-7-2008). Một số nhà tù Mỹ trở thành "nơi trú ẩn mới" của những người nghiện ma túy và các bệnh nhân tâm thần, với tỷ lệ 6/10 người bị giam giữ mắc các bệnh tâm thần (Nhà tù phình ra với người mắc bệnh tâm thần, người vô gia cư và người bị giam giữ vì tội nhập cư; gây chi phí hàng tỷ USD, http://justicepolicy.org). Tạp chí Nhà kinh tế ngày 10-5-2008 cho biết, Mỹ là một trong số ít quốc gia trên thế giới có người phạm tội nghiêm trọng bị tước hết quyền. Một số bang ở Mỹ thậm chí cấm người phạm tội nghiêm trọng đi bỏ phiếu.

Về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa

Xã hội Mỹ tồn tại khoảng cách lớn về giàu nghèo. Theo một bài báo của tờ Thời báo New York ngày 5-10-2008, ở Mỹ việc phân chia tiền lương và thu nhập một cách thiếu công bằng nhất diễn ra nhiều nhất so với bất cứ quốc gia có thu nhập cao nào, trong vòng 30 năm qua. Một phần năm số người giàu nhất nước Mỹ thu nhập trung bình 168.170 USD/năm, cao gấp 15 lần so với mức trung bình của nhóm một phần năm người thu nhập thấp nhất - khoảng 11.352 USD/năm. Nhóm 1% những người nộp thuế đứng đầu ở TP New York hưởng 37% tổng thu nhập của thành phố, gồm tiền công, thu nhập doanh nghiệp, lợi tức vốn (Thời báo New York, 9-4-2008). TP New York có 64 tỷ phú, với vốn ròng trị giá tới 344 tỷ USD, cao gấp 469 lần tổng vốn ròng của các tỷ phú ở thành phố này trong hai năm qua (Bưu điện Washington, 29-9-2008). Báo cáo của LHQ công bố ngày 22-10-2008 chỉ rõ, khoảng cách giàu nghèo rất lớn ở các thành phố của Mỹ, gồm cả New York, Washington, Atlanta và New Orlean; tương đương khoảng cách giàu nghèo tại các thành phố ở châu Phi; và tỷ lệ bất bình đẳng thu nhập ở các thành phố của Mỹ cũng rất cao.

Năm 2007, số người vô gia cư, bị đói nghèo tăng ở Mỹ. Số liệu do Cục Ðiều tra dân số Mỹ công bố tháng 8-2008 cho thấy, năm 2007, 12,5% dân số Mỹ, tương đương 37,3 triệu người, đang sống nghèo đói, (con số này năm 2006 là 36,5 triệu người). Năm 2007, khoảng 18% trẻ em (13,3 triệu người) bị bần cùng hóa, tăng so với mức 17,4% (12,8 triệu trẻ) năm 2006 (Reuters, 27-8-2008). Khoảng 7,6 triệu gia đình (9,8%) sống trong đói nghèo. Năm 2007, thu nhập hằng năm của 1,56 triệu người Mỹ, tương đương 41,8% số dân nghèo đói của cả nước, chỉ đạt một nửa chuẩn thoát nghèo. Tại TP New York, các nghiên cứu mới nhất cho thấy 23% dân số Mỹ sống đói nghèo (Bưu điện Washington, 14-7-2008).

Theo kết quả khảo sát trên phạm vi cả nước do báo Bưu điện Washington, ÐH Havart và một số tổ chức khác tiến hành năm 2008, do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính, khoảng 80% công nhân có thu nhập thấp không đủ tài chính để mua nhiên liệu hoặc bảo hiểm hưu trí. Hơn 60% trong số đó không thể mua bảo hiểm y tế và 50% không đủ chi cho lương thực, thực phẩm và nhà ở. Reuters cho biết, tem lương thực - một chương trình chống nghèo đói của Mỹ nhằm giúp những người cần thiết mua lương thực, thực phẩm - đã ghi kỷ lục trong tháng 9-2008, với hơn 31,5 triệu người Mỹ sử dụng chương trình này, đạt mức tăng hằng năm 17% (Reuters, 3-12-2008). Khoảng 48% số cư dân TP New York gặp khó khăn trong việc chi trả lương thực, thực phẩm cho bản thân và gia đình trong năm 2008, tăng gấp đôi so với năm 2003. Khoảng 1,3 triệu người New York phụ thuộc vào các chương trình lương thực khẩn cấp, tăng 24% so với con số một triệu người năm 2004 (Báo cáo cập nhật tình hình đói nghèo ở TP New York năm 2008: Ðói nghèo tăng nhanh do suy thoái kinh tế gõ cửa từng gia đình). Khoảng 68,8% các cơ quan, tổ chức cứu trợ lương thực khẩn cấp thông báo rằng, họ không đủ lương thực để đáp ứng nhu cầu (Khảo sát cho thấy tác động của khủng hoảng đói nghèo, http://www.nyccah.org). Hơn hai triệu gia đình Mỹ không thể thanh toán các khoản vay mua nhà. Số liệu thống kê công bố ngày 13-11-2008 cho thấy, trong tháng 10-2008 các vụ tịch biên tài sản thế chấp nợ trên cả nước tăng 25% so với cùng kỳ năm 2007. Cũng trong tháng 10, hơn 84 nghìn tài sản bị ngân hàng phát mãi (Minh Báo, 14-11-2008).

Các số liệu do Bộ Nhà đất và phát triển đô thị Mỹ thu thập cho thấy, số người thường xuyên không có nhà ở, sống trên đường phố và tìm nơi ở tạm trên cả nước năm 2007 là 123.833 người. Trong giai đoạn từ ngày 1-10-2006 đến 30-9-2007, khoảng 1,6 triệu người không nhà ở và phải tìm nơi sống tạm (Thời báo New York, 30-7-2008). Số người cần nơi ở khẩn cấp tăng gấp đôi từ năm tài chính 2007 đến năm tài chính 2008 (Thế giới hằng ngày, 22-10-2008). Ở Luciana và Kentucky, số gia đình vô gia cư tăng lên 931 hộ. Tháng 12-2008, trong 25 thành phố Mỹ được khảo sát, 19 thành phố phát hiện số người vô gia cư tăng trong giai đoạn từ 1-10-2007 đến 30-10-2008. Và 16 thành phố có số gia đình vô gia cư tăng (Các nhóm hoạt động xã hội lo ngại làn sóng vô gia cư mới, http://ipsnews.net). Bệnh viện cho người vô gia cư ở Washington ước tính ở đây trung bình mỗi ngày có thêm hơn sáu nghìn người vô gia cư. Trong đó, 47% là "vô gia cư thường xuyên" (Nhất trí tạo nơi ở tạm cho người vô gia cư; Chi phí khoảng năm triệu USD, Thời báo Washington, 13-12-2008).

Các quyền của người lao động không được bảo vệ đúng đắn. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tiếp tục ở mức cao. Số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 9-1-2009 cho biết, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 4,6% năm 2007 lên 5,8% năm 2008, mức cao nhất từ năm 2003. Năm 2008, tổng số việc làm bị mất là 2,6 triệu, mức lớn nhất từ năm 1945. Riêng tháng 12-2008 đã có khoảng 524 nghìn việc làm bị mất, đưa tỷ lệ thất nghiệp lên 7,2%, mức cao nhất trong 16 năm qua (Thời báo New York, 10-1-2009). Số người thất nghiệp dài hạn (là những người không có việc trong vòng 27 tuần trở lên) đạt mức 2,2 triệu người trong tháng 11-2008, tăng thêm 822 nghìn người so với 12 tháng trước đó (Tổng kết tình trạng việc làm, http://data.bls.gov). Theo kết quả khảo sát do Harris Interactive tiến hành, thời gian trung bình người Mỹ làm việc trong năm 2008, gồm cả công việc nhà và học tập, là 46 giờ/tuần, nhiều hơn một giờ so với năm 2007. Cứ bốn người Mỹ thì một người cho rằng số giờ làm việc trong năm 2008 tăng. Thời gian trung bình người Mỹ dành để giải trí trong năm 2008 là 16 giờ/tuần, giảm bốn giờ so năm 2007 và là mức thấp nhất từ năm 1973 (AFP, 10-12-2008). Kết quả khảo sát tại 25 bang của Mỹ cho biết, một nửa số công nhân từng ít nhất một lần bị trả lương thấp hoặc không được trả lương (Bưu điện Washington, 8-7-2008). Tháng 7-2008, một tòa án ở Minesota buộc tội hãng bán lẻ Wal-Mart vi phạm các luật của bang về giờ làm việc và lương lao động, không cho công nhân nghỉ ngơi đầy đủ và yêu cầu người lao động theo giờ làm việc ngoài giờ trong thời gian đào tạo (Minh Báo, 10-12-2008). Ngày 23-7-2008, Cục Lao động TP New York cho biết một nhà máy sản xuất quần áo tên là "Jin Shun" ở Quyn bị phát hiện đã lừa của công nhân 5,3 triệu USD trong sáu năm, thông qua việc trả lương thấp hơn nhiều mức lương tối thiểu và không thanh toán công làm thêm giờ (Thế giới hằng ngày, 24-7-2008). Ngày 6-9, khoảng 27 nghìn công nhân cơ khí ở hãng Boeing đình công, yêu cầu công ty tăng lương và phúc lợi (http://news.bbc.co.uk/chinese/sipm/hi/newsid-7600000). Ngày 20-10, Tòa án quận Manhattan, New York, phán quyết Nhà hàng Saigon Grill bồi thường 4,6 triệu USD cho 36 nhân viên phân phát hàng, vì vi phạm luật về lương tối thiểu và làm thêm giờ (Minh Báo, 23-12-2008).

Các kế hoạch lương hưu cho người lao động bị rút ngắn đáng kể. Một nhà phân tích về ngân sách của QH Mỹ, tháng 10-2008, ước tính tài khoản lương hưu của người Mỹ đã mất khoảng hai nghìn tỷ USD trong 12 tháng. Hơn một nửa số người tham gia cuộc điều tra của AP-GfK cho rằng, họ buộc phải trì hoãn việc nghỉ hưu. Kết quả khảo sát do Hiệp hội những người nghỉ hưu Mỹ (AARP) công bố tháng 10-2008 cho thấy, cứ năm người Mỹ ở độ trên 45 thì có một người ngừng chi tiền vào chương trình đầu tư tiết kiệm lương hưu - 401(k), IRA (tài khoản lương hưu cá nhân) hoặc các tài khoản lương hưu khác (Minh Báo, 8-10-2008). Nghiên cứu do Hiệp hội Hewitt Associates tiến hành chỉ rõ, giá trị chương trình 401(k) trung bình giảm 14%, từ 79 nghìn USD năm 2007 còn 68 nghìn USD năm 2008. Chương trình 401(k) dựa vào điều khoản trong Bộ luật thuế của Mỹ cho phép những người đầu tư lương hưu được hoãn đóng thuế (Minh Báo, 25-11-2008).

Việc thực hiện quyền giáo dục của người Mỹ không được bảo đảm. Báo cáo phát triển con người của Mỹ 2008-2009 chỉ rõ, 14% dân số Mỹ (khoảng 40 triệu người), với khả năng đọc, viết kém, không thể hiểu các bài báo hoặc sách hướng dẫn sử dụng (Minh Báo, 17-7-2008). Báo cáo do Trung tâm chính sách công cộng và giáo dục đại học quốc gia xuất bản ngày 3-12-2008 cho biết, từ năm 1982 đến 2007 học phí đại học tăng 439%, trong khi thu nhập gia đình bình quân giảm 147%. Học phí các trường đại học bang học kỳ mùa thu năm 2008 tăng trung bình 6,4%. Nhiều bang có kế hoạch tăng mạnh học phí các trường đại học công trong năm 2009. Hai bang Washington và Florida đang xem xét tăng học phí thêm 20% và 15% tương ứng. Ðối với nhóm 20% các gia đình nghèo nhất - những hộ có thu nhập thấp nhất - chi phí cho một năm học đại học công chiếm 55% thu nhập trung bình, tăng 39% so với giai đoạn 1999-2000 (Thời báo New York, 3-12-2008). Chỉ 11% trẻ xuất thân từ các gia đình nghèo nhất tốt nghiệp đại học. Chi phí đại học cho con cái thuộc nhóm 20% các gia đình giàu nhất là 53% (Thời báo New York, 22-2-2008).

Số người Mỹ không có bảo hiểm y tế tăng nhanh. Theo Báo cáo phát triển con người của Mỹ đưa ra tháng 7-2008, mặc dù phải chi phí khoảng 230 triệu USD một giờ cho chăm sóc y tế, người Mỹ vẫn sống ngắn hơn công dân các nước phát triển khác, với tuổi thọ trung bình xếp thứ 42 trên thế giới. Cứ sáu người Mỹ, thì một người không có bảo hiểm y tế. Cục điều tra dân số Mỹ trong một báo cáo đưa ra ngày 26-8-2008 cho biết, hiện có 45,7 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế. 19 bang trên cả nước đã cắt giảm hoặc lên kế hoạch cắt giảm Chương trình bảo hiểm y tế trẻ em cấp bang (SCHIP) (Minh Báo, 12-12-2008). Do chi phí chữa bệnh tăng, nhiều công ty đã trốn mua bảo hiểm y tế cho nhân viên. Một nghiên cứu do Liên đoàn các doanh nghiệp độc lập quốc gia tiến hành hồi tháng 3-2008 cho thấy, chỉ 47% số công ty quy mô nhỏ cấp viện trợ y tế cho nhân viên. Trong nhóm các công ty có từ 50 công nhân trở xuống, chỉ 24% cấp trợ giúp y tế. Nhiều người đã từ bỏ việc khám và chữa bệnh vì họ không đủ tiền chi trả.

Ma túy, tự sát và các vấn đề xã hội khác nổi lên ở Mỹ. Nước Mỹ có số người sử dụng Cocain và cần sa lớn nhất thế giới. Kết quả khảo sát 54 nghìn người ở 17 quốc gia cho thấy, 16% số người Mỹ được hỏi nói từng thử Cocain ít nhất một lần trong đời; 42% đã thử cần sa (Khảo sát toàn cầu của WHO cho thấy tỷ lệ người sử dụng Cocain và cần sa ở Mỹ cao, http://www.thebostonchannel.com). Tỷ lệ tự sát ở nhóm người Mỹ trung niên tăng. Một báo cáo nghiên cứu do Trường Y tế Johns Hopkins Bloomberg công bố ngày 21-10-2008 cho biết, trong giai đoạn 1999-2005 tỷ lệ tự sát nói chung ở Mỹ tăng 0,7% mỗi năm. Con số này đối với nam giới Mỹ da trắng, tuổi từ 40 đến 64, tăng 2,7%; với phụ nữ da trắng trung niên là 3,9%. Năm 2007, ở TP Saint Luis có 138 người tự sát. Tỷ lệ tự sát tại Baltimore, Ditroi và New Orlean đều tăng (Người hướng dẫn khoa học Cơ đốc giáo, 4-1-2008). Nhiều thanh niên Mỹ mắc các chứng bệnh rối loạn nhân cách. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, hầu như cứ năm thanh niên Mỹ trưởng thành có một người mắc rối loạn nhân cách ảnh hưởng cuộc sống thường ngày; và gần một nửa số thanh niên tham gia khảo sát mắc một loại bệnh tâm thần. Chưa đầy 25% số người Mỹ ở độ tuổi học đại học được chữa trị các bệnh về tâm thần (Một trong năm thanh niên trưởng thành mắc chứng rối loạn nhân cách, http://www.archgenpsychiatyr.com).

Về phân biệt chủng tộc

Phân biệt chủng tộc phổ biến trong mọi mặt đời sống xã hội Mỹ. Người da đen và những sắc tộc thiểu số khác vẫn chịu sự phân biệt và đối xử không công bằng.

Người da đen và những sắc tộc thiểu số khác sống dưới đáy xã hội Mỹ. Báo cáo của Cục Ðiều tra dân số Mỹ công bố ngày 26-8-2008 cho biết, thu nhập bình quân của các gia đình Mỹ năm 2007 là 50.233 USD. Con số này của các gia đình da trắng không mang gốc Tây Ban Nha là 54.920 USD, gia đình gốc Tây Ban Nha là 38.679 USD, gia đình da đen là 33.916 USD. Thu nhập trung bình của  gia đình gốc Tây Ban Nha và da đen chỉ bằng khoảng 62% thu nhập của gia đình da trắng không mang gốc Tây Ban Nha. Tỷ lệ nghèo của người gốc Tây Ban Nha ở mức 21,5%, cao hơn tỷ lệ 20,6% năm 2006 (Thu nhập, đói nghèo, và bảo hiểm y tế ở Mỹ năm 2007, Cục Ðiều tra dân số Mỹ công bố tháng 8-2008, http://www.census.gov). Theo Báo cáo về tình trạng người Mỹ da đen do Liên đoàn đô thị quốc gia công bố tháng 3-2008, gần một phần tư số gia đình người Mỹ da đen sống dưới chuẩn nghèo, gấp ba lần số gia đình người Mỹ da trắng. Một báo cáo do Dự án các gia đình lao động nghèo công bố ngày 14-10-2008 cho biết, năm 2006, trong số các gia đình da trắng không mang gốc Tây Ban Nha, số hộ có thu nhập thấp chiếm 20%, trong khi với những gia đình thuộc sắc tộc thiểu số, tỷ lệ này là 41%. Ở TP New York, tỷ lệ hộ nghèo trong số người gốc Tây Ban Nha, châu Á, Phi và người da trắng không mang gốc Tây Ban Nha lần lượt là 29,7%, 25,9%, 23,9%  và 16,3% (Thế giới hằng ngày, 14-7-2008). Người nhập cư khó có thể sở hữu nhà ở Mỹ. Cơ quan hợp tác nhà đất dành cho người nhập cư New York và Trung tâm Phát triển cộng đồng Pratt, trong một báo cáo công bố ngày 3-12-2008, cho biết khoảng 25% số người Mỹ bản địa chi một nửa thu nhập để thuê nhà, trong khi tỷ lệ này với người nhập cư là khoảng 31,5%. Người nhập cư từ Nam Mỹ và Mexico lần lượt chi 71,1% và 79,8% thu nhập để thuê nhà (Minh Báo, 4-12-2008). AIDS đe dọa cuộc sống của người Mỹ gốc Phi. Một nghiên cứu do Sở Y tế và vệ sinh TP New York công bố tháng 8-2008 cho biết, trong số những ca nhiễm HIV dương tính mới tại thành phố này năm 2006, 46% là người da đen, trong khi 32 % người gốc Tây Ban Nha (Thời báo New York, 28-8-2008). Phụ nữ da đen có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 15 lần phụ nữ da trắng (Tài liệu nóng: AIDS tại Mỹ, Tội phạm HIV, đội ngũ an ninh quốc gia của ông Obama, http://www.usnews.com). Hiện có ít nhất 500 nghìn người Mỹ da đen nhiễm HIV/AIDS.

Sự phân biệt trong tuyển dụng lao động diễn ra thường xuyên. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Mỹ, trong quý III năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 6%. Tỷ lệ người da đen thất nghiệp là 10,6%, gấp đôi người da trắng (5,3%), (Tình hình việc làm: tháng 11-2008, Bộ Lao động Mỹ công bố,  http://www.bls.gov). Ủy ban Cơ hội việc làm bình đẳng cho biết đã nhận được 30.510 đơn tố cáo liên quan sự phân biệt đối xử về việc làm trong năm 2007 (Thống kê cáo buộc từ tài khóa 1997 đến tài khóa 2007, http://www.eeoc.gov/stats/ charges.html). Ô-xơ-uốt Uyn-xơn, một người Mỹ gốc Phi đã kiện Công ty truyền thông Mỹ (ABC) và công ty mẹ là Disney ngày 11-2-2008. Ô-xơ-uốt Uyn-xơn cho biết, phân biệt chủng tộc gây ra cho anh những đau đớn về thể xác và tinh thần (Công nhân da đen kiện ABC phân biệt chủng tộc, http://www.nydailynews.com/ news). Ngày 5-12-2008, cha của cựu Thống đốc bang New York Ê-li-ốt Xpít-dơ là ông Béc-na Xpít-dơ đã bị tòa án kết tội phân biệt chủng tộc. Bốn người Mỹ gốc Phi là gác cửa và khuân vác tại  tòa nhà 34 tầng của ông Béc-na Xpít-dơ cáo buộc rằng họ mất việc chỉ vì mầu da. Những người này bị sa thải cách đây mười năm và những người có mầu da sáng hơn đã thay thế công việc của họ (Minh Báo, ngày 8-12-2008).

Cái ung nhọt gớm ghiếc của phân biệt chủng tộc liên tục nổi lên trong lĩnh vực giáo dục. Báo cáo của Liên đoàn đô thị quốc gia về tình trạng người Mỹ da đen cho biết, tỷ lệ tốt nghiệp trung học và cao đẳng của người Mỹ gốc Phi vẫn chững lại ở mức tương đương tỷ lệ người da trắng từ hai hoặc ba chục năm trước đây. Số người Mỹ gốc Phi tốt nghiệp đại học vẫn thấp hơn  người da trắng. Một bản tin cho biết, trong  trường công lập, tỷ lệ học sinh người Mỹ gốc Phi bị trừng phạt bằng vũ lực cao hơn nhiều so với học sinh da trắng, trong khi nữ sinh gốc Phi bị đánh đòn nhiều gấp đôi nữ sinh da trắng (Mỹ: Chấm dứt đánh đập trẻ em trong các trường công, http://www.hrw.org/en/news/2008/08/19). Tình trạng phân biệt chủng tộc  tại trường học ngày một tồi tệ hơn. Một báo cáo của Dự án quyền công dân của  Trường đại học California cho thấy, sinh viên da đen và gốc Tây Ban Nha hiện xa lánh sinh viên da trắng hơn bất cứ thời điểm nào kể từ khi phong trào dân quyền được khởi xướng. Khoảng 39% số học sinh da đen và 40% số học sinh gốc Tây Ban Nha luôn bị cô lập tại những trường học có ít sự pha trộn chủng tộc. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, sinh viên da đen và gốc la-tinh chủ yếu theo học ở các ngôi trường mà tại đó có gần 60% số sinh viên  xuất thân từ các gia đình cận hoặc dưới chuẩn nghèo (Reuters, 14-1-2009).

Phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp diễn ra nghiêm trọng. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết hôm 5-6-2008 rằng, số lượng người da đen bị giam giữ nhiều gấp sáu lần số lượng người da trắng bị giam giữ, tính đến ngày 30-7-2007. Gần 11% số người da đen ở độ tuổi 30 đến 34 bị bỏ tù. Tổ chức Giám sát Nhân quyền có trụ sở tại New York đưa ra báo cáo hồi tháng 2-2008 cho biết, thanh niên Mỹ gốc Phi bị bắt vì tội giết người, chịu án tù chung thân mà không có cơ hội được tha (LWOP) nhiều gấp ba lần số người da trắng có cùng tội danh (Mỹ: Duy trì Hiệp ước Chống phân biệt chủng tộc, http://www.hrw.org/en/ news/2008/02/06). Ở California, số thanh niên Mỹ gốc Phi nhận án LWOP còn nhiều gần gấp sáu  lần  người da trắng cùng tội danh (Mỹ không sẵn sàng và chuẩn xác trong các cam kết hành động tại Ủy ban chống phân biệt chủng tộc của LHQ (CERD), http://www.hrw.org/en/ news/2008/02/06). Thời báo New York ngày 6-5-2008 cho biết, hầu hết các tội phạm ma túy là người da trắng, nhưng có tới 54% số tội phạm ma túy vào tù lại là người da đen. Tại 16 bang, số người Mỹ gốc Phi bị giam giữ do phạm tội liên quan ma túy cao gấp từ 10 đến 42 lần so với người da trắng phạm tội tương tự. Một nghiên cứu tại 34 bang cho thấy, khả năng một người da đen bị tù vì tội liên quan ma túy cao gấp 11,8 lần so với một người da trắng và khả năng một phụ nữ da đen bị tù vì tội này gấp 4,8 lần so một phụ nữ trắng (Mỹ: "Chiến tranh ma túy" không công bằng với người Mỹ gốc Phi, http://www.hrw.org/en/ news/2008/05/04). Theo các nguồn tin báo chí, Xin Ben, một thanh niên da đen, đã bị bắn tới 50 phát đạn đúng vào ngày thành hôn. Nhưng ba sĩ quan cảnh sát không bị kết án bất cứ tội danh nào liên quan cái chết của anh này (Liên đoàn đô thị quốc gia kêu gọi Bộ Tư pháp Mỹ khởi tố các sĩ quan cảnh sát trắng án trong vụ bắn chết Xin Ben, http://www/nul.org/ PressReleases/2008/2008pr430.htm). Số liệu thống kê của cảnh sát Los Angeles cho thấy, cứ 100 người gốc Tây Ban Nha bị cảnh sát chặn lại xét hỏi, thì chỉ có một người da trắng bị ách lại. Người Mỹ gốc Phi thậm chí còn bị cảnh sát chặn xét nhiều hơn. Người da đen và người gốc Tây Ban Nha cũng thường được lệnh rời khỏi xe, bị khám người, xô đẩy thô bạo và giam giữ. Trong năm năm qua, cảnh sát Los Angeles nhận gần 1.200 đơn khiếu nại đối với cảnh sát chung quanh vấn đề phân biệt chủng tộc, tuy nhiên, không trường hợp nào được giải quyết. Người theo đạo Hồi, người Mỹ gốc A-rập và các cộng đồng  người thiểu số khác cũng là mục tiêu trong các cuộc điều tra chống khủng bố của Cục Ðiều tra liên bang Mỹ (FBI) (Minh Báo, 3-7-2008). Vào ngày đầu năm mới 2009, Ô-xca Gran, một thanh niên da đen 22 tuổi trong tay không vũ khí đã bị cảnh sát giúi đầu xuống sân ga Ô-clen và bị bắn vào lưng. Hành động tàn bạo đó đã châm ngòi cho một cuộc biểu tình của người địa phương trên các đường phố  ngày 7-1 (AP, 13-2-2009).

Quyền cơ bản của người châu Mỹ bản địa bị xâm phạm. Việc nước Mỹ xây dựng một bức tường cao hơn 5,4 mét dọc biên giới Mỹ - Mexico xâm phạm nghiêm trọng cuộc sống của người dân Apache bản địa (cộng đồng bộ lạc ở Bắc Mỹ). Phụ nữ bản địa trở thành nạn nhân các vụ bạo lực của  lính Mỹ. Tại các thành phố biên giới và các thị trấn như Hu-a-rết, hơn bốn nghìn phụ nữ bản địa bị giết hoặc mất tích. Số thanh niên là cư dân bản địa  chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng số thanh niên tại Mỹ. Tuy nhiên, trong số thanh niên bị tù, người bản địa chiếm từ 15% đến  20% và 30% trong số đó phải chịu hình phạt khắc nghiệt nhất. Ngày 15-4-2008, người dân Yankton Siou, một sắc tộc ở Nam Dakota, đã tuần hành hòa bình phản đối việc xây dựng một trang trại nuôi lợn, bị xem là có khả năng gây ô nhiễm rất cao. Hơn 70 sĩ quan cảnh sát của hạt, bang và cơ quan hành pháp liên bang với sự trợ giúp của cảnh sát đặc nhiệm, chó nghiệp vụ, các tay súng bắn tỉa và máy bay lên thẳng đã đàn áp cuộc tuần hành này. 38 dân thường bị bắt, trong đó có cả trẻ em và người già. Mỹ triển khai quân và xây dựng căn cứ hải quân, không quân tại Guam, chiếm tới một phần ba diện tích đất đai ở đó. Những thổ dân Chamoru trở thành nạn nhân các loại vũ khí quân đội Mỹ để lại từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai và các vụ thử vũ khí hạt nhân. Tỷ lệ ca mắc bệnh ung thư họng ở đây là 1,999%, cao hơn nhiều mức bình quân của người Mỹ.

Người nhập cư bị đối xử vô nhân đạo. Ha-ri-ét Ôn-xơn, Phó Tổng Thư ký Văn phòng phụ nữ thuộc Tổng bộ toàn cầu Giáo hội Liên hiệp Giám lý, cho biết, nếu bị bắt, người nhập cư bất hợp pháp luôn bị ngược đãi. Họ thường bị giam giữ cùng tội phạm và bị tước đoạt quyền con người cũng như dịch vụ y tế cơ bản. Mỗi năm, có hàng chục người trong số này chết tại các nhà tù (Minh Báo, 14-12-2008). Tổ chức Giám sát nhân quyền cho biết, vào tháng 6-2008, Bộ An ninh nội địa giam giữ hơn 30 nghìn người và có hơn 80 người nhập cư chết trong năm năm qua khi dưới sự quản thúc của Bộ này hoặc ngay sau khi họ được trả tự do, vì các tiêu chuẩn chăm sóc không nhất quán và sự giám sát không thỏa đáng (Mỹ: Bảo vệ sức khỏe của người nhập cư, http://www.hrw.org/en/ news). Theo một bài viết trên Thời báo New York, kỹ sư máy tính Hiu Lui Ng, rời Hồng Công tới New York vào năm 1992, đã bị đưa vào trại tạm giam năm 2007, sau khi thị thực nhập cảnh của anh hết hạn, sau đó tiếp tục bị giam giữ tại ba tiểu bang thuộc vùng Niu Inh-lơn. Hiu Lui Ng đã chết trong trại giam vào tháng 8-2008 với xương sống bị gãy và cơ thể nhiễm căn bệnh ung thư bí hiểm mà không hề được chẩn đoán hoặc điều trị trong nhiều tháng (Thời báo New York, 12-8-2008). Hơn 2.900 lao động bất hợp pháp bị giam giữ từ tháng 10-2007, nhưng chỉ 75 ông chủ hoặc người quản lý bị kết án, chỉ bằng chưa đầy 2% số người lao động nói trên (Thời báo New York, 1-7-2008).

Ở Mỹ cũng tồn tại sự thù địch chủng tộc nghiêm trọng. Theo Ðài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), một báo cáo nghiên cứu của Bộ Tư pháp Mỹ công bố cuối năm 2005 cho thấy, Mỹ ghi nhận mỗi năm khoảng 191 nghìn vụ phạm tội do thù hận (Mạng tiếng Trung Quốc của VOA, 7-11-2008). Một báo cáo của FBI công bố ngày 27-10-2008 chỉ rõ có 7.624 vụ phạm tội do thù hận  được ghi nhận tại Mỹ năm 2007. Trong số đó có 50,8% có động cơ xuất phát từ thành kiến chủng tộc, 62,9 % số tội phạm là người da trắng (Thông cáo năm 2007 của FBI về thống kê tội phạm do thù hận, http://www.fbi.gov/hc2007/summary.htm). Tờ Diễn đàn Si-ca-gô đưa tin ngày 23-11-2007 cho biết, năm 2000 có khoảng 602 tổ chức hình thành dựa trên thiên kiến chủng tộc tại Mỹ. Con số này tăng lên tới 888 tổ chức năm 2008. Cùng ngày, tờ Hoàn cầu Bô-xtơn đưa kết quả điều tra của một giáo sư Trường đại học Tây Bắc cho rằng tỷ lệ người da đen bị giết tăng thêm 33% từ năm 2002 đến 2007.

Về các quyền của phụ nữ và trẻ em

Phụ nữ chiếm 51% số dân Mỹ, nhưng chỉ có 88 phụ nữ làm nghị sĩ tại QH nhiệm kỳ 110 của Mỹ. Phụ nữ giữ 16 ghế Thượng viện, chiếm 16% trong số 100 ghế; và 72 ghế Hạ viện, chiếm 16,6% trong 435 ghế. Từ tháng 12-2007, số phụ nữ làm việc trong các cơ quan hành pháp cấp bang toàn nước Mỹ là 73 người, chiếm tỷ lệ 23,2% và trong các cơ quan lập pháp cấp bang là 23,7%. Từ tháng 7-2008, tại 100 thành phố lớn nhất nước Mỹ chỉ có 11 nữ thị trưởng (Phụ nữ trong QH nhiệm kỳ 110 2007-2009. Trung tâm về phụ nữ và chính trị Mỹ, http://www.cawp.rutgers.edu).

Tình trạng phân biệt đối xử nam nữ trong lao động và việc làm ở Mỹ diễn ra khá nghiêm trọng. Ủy ban cơ hội việc làm bình đẳng Mỹ cho biết, đã nhận được 24.826 cáo buộc về phân biệt đối xử nam nữ trong năm 2007, chiếm 30,1% tổng số các cáo buộc về tình trạng phân biệt đối xử (Thống kê cáo buộc tài khóa 1997 đến 2007, http://eeoc.gov). Số phụ nữ bị giới chủ đối xử không công bằng do có thai hoặc muốn có thai tăng (Phụ nữ sắp làm mẹ cáo buộc bị phân biệt đối xử trong việc làm, http://www.nydailynews.com, 19-5-2008). Theo số liệu của Cục điều tra dân số Mỹ công bố tháng 8-2008, thu nhập bình quân thực tế của lao động nữ làm đủ giờ ở Mỹ năm 2007 là 35.102 USD, bằng 78% thu nhập của lao động nam là 45.113 USD (Ðiều tra dân số hiện tại, http://www.census.go/pressrelease/ www/releases/archives/income_welth/012528.html). Tỷ lệ phụ nữ thất nghiệp tiếp tục tăng. Ðến tháng 11-2008, tỷ lệ này là 5,5% (Tình hình việc làm: Tháng 11-2008, do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 5-12-2008, http://www.bls.gov). 

Phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và xâm hại tình dục. Theo thống kê, có tới một phần ba số phụ nữ được điều trị khẩn cấp là nạn nhân của bạo lực gia đình. Xâm hại tình dục đe dọa nghiêm trọng phụ nữ Mỹ. Tỷ lệ các vụ hiếp dâm ở Mỹ cao nhất thế giới, cao hơn 13 lần ở Anh, hơn 20 lần ở Nhật Bản (Tình trạng hiếp dâm, http://www.sa.rochester.edu/ masa/stats.php). Bạo lực liên quan tình dục đối với phụ nữ bản địa ở Mỹ lan rộng. Theo Tổ chức Ân xá quốc tế, một số phụ nữ bản địa được hỏi cho rằng, họ không biết ở nơi họ đang sinh sống còn có người phụ nữ nào chưa từng bị xâm hại tình dục (Tình trạng thiếu công lý: không thể bảo vệ phụ nữ bản địa trước nạn xâm hại tình dục ở Mỹ, http://www.amnestyusa.org). Theo thống kê, năm 2007, Ủy ban cơ hội việc làm bình đẳng Mỹ đã nhận được 12.510 cáo buộc liên quan quấy rối tình dục, 84% số đơn kiện là của phụ nữ (Cáo buộc liên quan quấy rối tình dục, EEOC và FEPAs phối hợp: tài khóa 1997-2007, http://www.eeoc.gov). Tờ Nước Mỹ ngày nay ngày 28-10-2008 dẫn kết quả nghiên cứu cho biết, trong số các cựu nữ binh sĩ Mỹ trở về từ Áp-ga-ni-xtan và Iraq, cứ bảy người đi khám bệnh tại Trung tâm cựu chiến binh, thì có một người cho biết đã từng là nạn nhân của xâm hại hoặc quấy rối tình dục trong thời gian tại ngũ. Hơn một nửa trong số phụ nữ này mắc các chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (15% số cựu  binh nữ bị chấn thương liên quan tình dục, hơn nửa số này bị rối loạn căng thẳng, http://global.factiva.com).

Số trẻ em Mỹ sống trong hoàn cảnh đói nghèo ngày một tăng. Hơn một phần ba số người đói nghèo ở Mỹ có độ tuổi từ 18 trở xuống. Theo thống kê, đến cuối năm 2007, tỷ lệ trẻ em dưới 18 tuổi sống trong đói nghèo là 18%, cao hơn mức 17,4% của năm 2006. Tỷ lệ trẻ em đói nghèo sống trong gia đình phụ nữ nuôi con một mình lên tới 43% (Thu nhập, đói nghèo và tình trạng bảo hiểm y tế ở Mỹ: 2007, do Cục điều tra dân số Mỹ công bố tháng 8-2008, http://www.census.gov). Theo báo cáo ngày 14-10-2008 của Dự án các gia đình nghèo khó có việc làm, năm 2006, một phần ba số trẻ em Mỹ sống trong gia đình có thu nhập thấp. Ở TP New York, 41,6% số trẻ em sống trong các gia đình chỉ có bố hoặc mẹ sống ở dưới mức nghèo khổ. Theo thống kê, đến cuối năm 2007, 8,1 triệu trẻ em dưới 18 tuổi không có bảo hiểm y tế, chiếm 11% tổng số trẻ em Mỹ.

Các điều kiện của học sinh ở Mỹ rất đáng lo ngại. Theo thống kê của Bộ Giáo dục Mỹ, năm 2007 có khoảng 223 nghìn học sinh phải chịu hình thức phạt bằng vũ lực. Trong hai năm 2006 và 2007, có hơn 200 nghìn học sinh tại các trường công lập ở Mỹ bị đánh đập. Hơn 1.000 học sinh tại 13 bang bị phạt bằng vũ lực (Mỹ: chấm dứt tình trạng đánh đập trẻ em ở các trường công, http://www.hrw.org/en/new/ 2008/08/19). Liên minh tự do công dân Mỹ và Tổ chức Giám sát nhân quyền trong báo cáo ngày 19-8-2008 cho biết, việc trừng phạt thể xác học sinh được coi là hành động hợp pháp ở 21 bang. Hiện tượng say rượu, đánh bạc, sử dụng ma túy trong trường học rất nghiêm trọng. Trong thời gian từ năm 1999 đến 2005, có 157 sinh viên chết do ngộ độc rượu, 750 nghìn thanh thiếu niên nghiện ma túy. Báo cáo điều tra ngày 11-12-2008 về số thanh thiếu niên sử dụng ma túy do Trường ÐH Mi-si-gân tiến hành cho thấy, 11% số học sinh lớp tám, 24% số học sinh lớp mười, 32% số học sinh lớp 12 từng sử dụng cần sa trong một năm trước đó. 37% số học sinh lớp 12 từng sử dụng ma túy trong một năm trước đó, tỷ lệ học sinh lớp mười và học sinh lớp tám lần lượt là 27% và 14% (Kiều báo, 12-12-2008).

Không có sự bảo đảm về an ninh cho trẻ em. Quỹ bảo vệ trẻ em trong báo cáo hằng năm 2008 cho biết, trong năm 2005 đã có tới 3.006 trẻ em và thanh, thiếu niên bị chết do súng đạn. Theo điều tra của Trung tâm nghiên cứu chính sách, pháp luật, trẻ em của Trường ÐH Hiu-xtơn, cứ mỗi ngày ở nước Mỹ có tám trẻ em, thanh, thiếu niên bị bắn chết, điều đó tương đương với việc cứ bốn ngày lại xảy ra một vụ tương tự vụ xả súng trong trường Virginia Tech, cứ ba giờ có một trẻ em hoặc thanh, thiếu niên bị bắn chết (Các vụ nổ súng nhằm vào trẻ em và thanh, thiếu niên tăng, kể từ vụ nổ súng đầu tiên năm 1994, http://www.children and the lawblog.come/2008/06/19). Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 1,8 triệu vụ án liên quan trẻ em mất tích. Hơn ba triệu trẻ em bị lạm dụng thân thể, tình dục, tinh thần; bị coi thường, bị bỏ rơi và chết (Những con số cần biết về bạo lực đối với trẻ em, http://www.loveourchildrenusa.org). Mỗi năm có khoảng 1.500 trẻ em chết do bị lạm dụng (Lạm dụng nguy cơ cao trong các gia đình phi truyền thống, http://usatoday.com). Tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em diễn ra nghiêm trọng. Cứ trong số năm trẻ em bị lạm dụng tình dục, có một trước tuổi 18. Tại bang Tếch-dát, một số trẻ em gái theo dòng đa thê, có em mới 12 tuổi, đã bị buộc kết hôn với đàn ông trung niên (Kiều báo, 23-9-2008). Một nghiên cứu của Trung tâm phòng, chống dịch bệnh Mỹ cho biết, một phần tư số thiếu nữ toàn nước Mỹ, khoảng ba triệu người, bị nhiễm các bệnh qua đường tình dục. Thiếu nữ Mỹ gốc Phi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Gần một nửa số thiếu nữ Mỹ gốc Phi nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục, so với 20% số thiếu nữ da trắng (Nhật báo Tinh Ðảo, số ra ngày 12-3-2008).

Mỹ là một trong số ít những nước trên thế giới có quy định tội phạm vị thành niên chịu các chế tài như đối với tội phạm thành niên, cũng là nước duy nhất trên thế giới phạt tù chung thân đối với trẻ em mà không được hưởng ân xá hay trả tự do. Hiện Mỹ có tới 2.381 phạm nhân thuộc đối tượng trên (Mỹ không sẵn sàng và chuẩn xác trong các cam k#