Mở rộng bảo hiểm y tế cho khu vực phi chính thức

Tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN + 3 (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) diễn ra từ ngày 15 đến 19-9 tại Hà Nội, Bộ Y tế nước ta với tư cách chủ nhà, sẽ tổ chức bốn hội nghị bên lề về các vấn đề đang thu hút sự quan tâm của các nước. Một trong những hội nghị bên lề là việc mở rộng bảo hiểm y tế (BHYT) ở khu vực phi chính thức.

Cấp phát thuốc BHYT cho người bệnh tại Trạm y tế xã Tiến Xuân (Thạch Thất, Hà Nội).
Cấp phát thuốc BHYT cho người bệnh tại Trạm y tế xã Tiến Xuân (Thạch Thất, Hà Nội).

Tính đến nay, cả nước có hơn 70% số dân tham gia BHYT, đạt ngưỡng mục tiêu "ít nhất có 70% dân số tham gia BHYT vào năm 2015" theo Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và đến 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. BHYT đã tạo cơ hội cho việc tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh kịp thời khi người bệnh có nhu cầu ở tất cả tuyến y tế và là nguồn tài chính quan trọng cho sự phát triển của hệ thống y tế cả về quy mô và chất lượng dịch vụ. Hằng năm, có hơn trăm triệu lượt người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh (năm 2011 có khoảng 114 triệu lượt, năm 2012 có khoảng 121 triệu lượt và năm 2013 ước có 130 triệu lượt người). Trong điều kiện quỹ BHYT còn nhiều khó khăn về khả năng cân đối thu - chi, nhưng quyền lợi về khám, chữa bệnh BHYT khá toàn diện. Nhiều loại dịch vụ kỹ thuật, công nghệ y học hiện đại có chi phí lớn, vật tư y tế thay thế, thuốc thế hệ mới sử dụng trong khám, chữa bệnh thuộc danh mục do quỹ BHYT chi trả, bảo đảm cho người bệnh có thẻ BHYT có cơ hội được khám, điều trị kịp thời và hiệu quả.

BHYT đã góp phần vào việc giảm đáng kể tỷ lệ chi tiêu trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế trong những năm gần đây, hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ chi này xuống dưới 40% vào năm 2020.

Tuy nhiên, để thực hiện BHYT toàn dân thì một trong những thách thức lớn hiện nay là độ bao phủ đối với nhóm đối tượng ở khu vực phi chính thức.

Nói về khu vực phi chính thức, nếu xét trên phương diện lao động và kinh tế thì đây là đối tượng lao động không dựa trên các hợp đồng lao động, không có mối liên hệ mang tính pháp lý giữa người lao động với người sử dụng lao động và không thực hiện các quy định về bảo hiểm xã hội. Thực tế cho thấy, trong khu vực lao động phi chính thức, một bộ phận người lao động có trình độ học vấn thấp, thực hiện các lao động đơn giản, nặng nhọc với thu nhập thấp, không ổn định, trong đó phụ nữ chiếm tỷ lệ đáng kể. Nhiều người không có điều kiện tích lũy tài chính, dễ bị ảnh hưởng bởi vòng luẩn quẩn của đói nghèo - bệnh tật. Tuy nhiên việc tham gia BHYT đối với nhóm này gặp khó khăn do thiếu thông tin và chưa có hiểu biết về BHYT; do hạn chế về khả năng đóng góp và chưa có cơ chế tham gia BHYT phù hợp.

Trong lĩnh vực BHYT, việc xem đối tượng ở khu vực phi chính thức không chỉ gồm nhóm người lao động không hưởng lương từ quan hệ lao động theo quy định của pháp luật, người không có chế độ bảo hiểm xã hội mà còn có nhóm người khó khăn trong việc đóng góp tài chính cho việc tham gia BHYT. Một số nhóm đối tượng trong số này đã được hưởng chính sách hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT như người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, người trên 80 tuổi, trẻ em dưới sáu tuổi...

Việt Nam đã có những bước chuyển rất quan trọng trong thiết kế các chính sách về BHYT đối với nhóm đối tượng thuộc khu vực phi chính thức thông qua Luật BHYT năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung luật BHYT năm 2014 trên cơ sở cân nhắc các yếu tố liên quan sự phân bố lao động, đặc điểm lao động, đặc điểm kinh tế xã hội và cả những đặc trưng văn hóa. Theo đó, cùng với quy định bắt buộc tham gia BHYT và lựa chọn BHYT theo hình thức hộ gia đình, có sự hỗ trợ về mức đóng là một cơ chế phù hợp để tiến tới BHYT toàn dân, nhất là đối với người thuộc khu vực phi chính thức.

Về vấn đề này, cho đến thời điểm hiện tại, đã có bảy nước trong ASEAN + 3 đạt bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, trong đó sáu nước đã có các khung pháp lý và chính trị để đạt được điều này. Thách thức lớn nhất hiện nay đối với các nước như Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin là sự tham gia của nhóm phi chính thức, nhóm chiếm tỷ lệ đáng kể trong dân số và có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, họ cũng như những người khác có nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế. Vì vậy, đòi hỏi chính phủ các nước cần tiếp tục cố gắng tìm ra giải pháp thích hợp để bao phủ đối tượng này.

Trong kỳ họp Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN + 3, bài học kinh nghiệm của mỗi nước sẽ được thảo luận để tìm ra những giải pháp thích hợp cho việc bao phủ BHYT ở nhóm đối tượng này, bao gồm cả việc kêu gọi sự hợp tác giữa các nước thành viên trong thúc đẩy bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân dựa trên cơ chế BHYT.