Bất cập trong thanh toán bảo hiểm y tế ở bệnh viện y học cổ truyền

Một trong những quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) tác động lớn đến người bệnh và các bệnh viện thời gian qua là, nếu khám, kê đơn, điều trị ngoại trú vượt tuyến, người bệnh sẽ không được quỹ BHYT thanh toán. Qua sáu tháng thực hiện, nhiều ý kiến cho rằng, quy định nói trên chỉ phù hợp để giảm tải ở các cơ sở khám, chữa bệnh tây y, còn đối với hệ thống các bệnh viện y học cổ truyền đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn nhất là hạn chế quyền lợi của người bệnh và bệnh viện.

Một bác sĩ bệnh viện y học cổ truyền trung ương cho chúng tôi biết: Sau khi thực hiện quy định mới, bệnh viện đã sụt giảm đáng kể số lượng người bệnh. Không được thanh toán BHYT khi khám và điều trị vượt tuyến, người bệnh có tâm lý rút ngắn liệu trình điều trị hoặc không quay lại điều trị lần sau. Các bệnh viện y học cổ truyền tuyến trung ương chủ yếu tiếp nhận người bệnh từ tuyến dưới chuyển lên nhưng vì đặc thù bệnh không nguy hiểm đến mức cấp cứu, đe dọa tính mạng, cho nên tình trạng chuyển tuyến cũng hạn chế, số lượng người bệnh không nhiều. Quy định BHYT không thanh toán cho khám vượt tuyến là không phù hợp với bệnh viện y học cổ truyền do chỉ định điều trị nội trú hay ngoại trú trong y học cổ truyền có đặc thù khác với các bệnh viện chữa bệnh tây y. Chẳng hạn, một người bị bệnh thoát vị đĩa đệm phải điều trị nội trú để bấm huyệt, kéo giãn cột sống, uống thuốc nhưng cũng có thể hằng ngày đến điều trị rồi đi về nghỉ ngơi, thậm chí có thể làm việc nhẹ nhàng.

Như vậy, điều trị nội trú không chỉ phụ thuộc tình trạng bệnh mà còn tùy hoàn cảnh, điều kiện công tác của người bệnh. Nếu người bệnh chọn nội trú để được BHYT chi trả thì sẽ gây quá tải cho bệnh viện, Nhà nước lại phải thêm chi phí giường nằm; nếu người bệnh chọn ngoại trú để phù hợp điều kiện của mình thì bị mất quyền lợi về BHYT. Trước đây, Bộ Y tế có quy định rất phù hợp đối với những trường hợp người bệnh như trên, đó là chế độ điều trị nội trú ban ngày, người bệnh vẫn được hưởng quyền lợi BHYT. Nhưng chế độ này đã bị "cắt” sau khi Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực.

Giám đốc Bệnh viện Châm cứu trung ương, TS Nghiêm Hữu Thành cho biết, trong sáu tháng qua, số người bệnh đến bệnh viện giảm 30%. Các bệnh viện y học cổ truyền tuyến trung ương lâu nay không hề quá tải; nhân lực, trang thiết bị đầy đủ, bảo đảm phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, cho nên, khi thực hiện theo quy định mới đối với người bệnh khám vượt tuyến đã gây ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện y học cổ truyền. Đồng thời, người tham gia BHYT bị thiệt thòi, họ không được tiếp cận với những kỹ thuật điều trị chất lượng cao ở tuyến trung ương, nơi có đội ngũ bác sĩ giỏi, trang thiết bị hiện đại.

Theo TS Nghiêm Hữu Thành, sắp tới, nếu thực hiện việc tính lương vào giá thành dịch vụ y tế để tăng nguồn thu cho bệnh viện, qua đó, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh thì mục tiêu này cũng khó đạt được nếu vẫn cứ tình trạng bệnh viện vắng người bệnh như hiện nay. Không có người bệnh thì bệnh viện lấy đâu ra nguồn thu? Từ những bất cập nêu trên, TS Nghiêm Hữu Thành kiến nghị cần cho phép người bệnh được hưởng chế độ BHYT khi khám và điều trị nội trú ban ngày tại các bệnh viện y học cổ truyền như quy định trước đây, có thể mức hưởng là 30%. Như vậy sẽ thu hút nhiều người bệnh đến các bệnh viện y học cổ truyền và ngân sách nhà nước cũng giảm cho điều trị nội trú khi người bệnh phải nằm lại bệnh viện. Mặt khác, cần “thông tuyến”, không nên phân tuyến trong khám, chữa bệnh trong hệ thống bệnh viện y học cổ truyền vì các bệnh viện tuyến trên không quá tải, đủ năng lực để khám, điều trị cho người bệnh.

Tại cuộc họp về sửa đổi Luật Dược mới đây, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, nhiều đơn vị có ý kiến về việc thanh toán BHYT trong hệ thống bệnh viện y học cổ truyền cho nên Bộ Y tế sẽ phải nghiên cứu, làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để chỉnh sửa cho phù hợp, có thể vận dụng điều trị ban ngày để người bệnh đến khám, điều trị, được BHYT thanh toán, cấp thuốc.

Có thể nói, việc sớm tháo gỡ những vướng mắc cho bệnh viện y học cổ truyền không chỉ vì hoạt động bình thường của bệnh viện mà còn thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước ta là đẩy mạnh việc phát triển y dược cổ truyền và khuyến khích người dân khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Ngay trong tháng 6 vừa qua, tại thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác y dược cổ truyền, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng chính sách về BHYT để tạo điều kiện khuyến khích nhân dân khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền với mô hình thí điểm thông tuyến.