Tràn lan rượu giả, rượu pha methanol trên thị trường

Chưa đầy một tháng ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn Hà Nội, các lực lượng chức năng đã thu giữ gần 40 nghìn lít rượu không rõ nguồn gốc. Thực trạng trên đòi hỏi sự thay đổi trong quản lý kinh doanh mặt hàng rượu, cũng như thói quen tiêu dùng còn nhiều chủ quan của người dân.
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 6 kiểm tra, thu giữ rượu không rõ nguồn gốc tại một cửa hàng trên đường Đại Mỗ, phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: CÔNG HÙNG
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 6 kiểm tra, thu giữ rượu không rõ nguồn gốc tại một cửa hàng trên đường Đại Mỗ, phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: CÔNG HÙNG

Rượu độc tràn ngập thị trường

Từ tháng 6-2015 đến nay, vợ chồng Quách Ngân Giang và Trần Thị Hoa ở xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội đã sản xuất hàng trăm chai rượu Chivas giả theo kịch bản sau: vợ đi thu mua vỏ chai rượu đã qua sử dụng, túi giấy đựng chai rượu từ hàng phế liệu, mua tem rượu nhập khẩu, chồng súc rửa, làm sạch rồi đổ rượu sản xuất tại Lào vào, sau đó nút chai, dán và sấy khô tem nhãn, cho vào hộp giấy. Vợ chồng Giang và Hoa đem rượu giả ra các cửa hàng tiêu thụ với lời nói dối là hàng được biếu, không sử dụng hết. Cả tin, ham rẻ, nhiều cửa hàng đã thu mua và bán lại cho người tiêu dùng. Chi phí mỗi chai Chivas giả khoảng 120 nghìn đồng, vợ chồng Hoa bán với giá từ 280 tới 750 nghìn đồng/chai. Với hành vi này, bị cáo Quách Ngân Giang đã bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội phạt tù 24 tháng, bị cáo Trần Thị Hoa bị phạt tù 30 tháng.

Chiêu trò "bình cũ, rượu giả" của vợ chồng Hoa - Giang chỉ là một trong số nhiều hình thức làm rượu giả, rượu lậu, rượu pha cồn methanol kiếm lời đang tung hoành trên thị trường hiện nay. Trong gần một tháng cao điểm tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn Hà Nội, lực lượng chức năng phát hiện hầu hết các cửa hàng đều kinh doanh rượu pha cồn, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc rượu giả. Tính từ ngày 4-3 tới nay, Chi cục Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra 654 vụ, xử lý 501 vụ, phạt hơn 1,1 tỷ đồng; tạm giữ, tịch thu gần 40 nghìn lít rượu, 1.400 chai rượu các loại, 1.600 vỏ chai rượu và lượng lớn men ủ rượu không rõ nguồn gốc...

Trong đó có nhiều vụ việc điển hình như ngày 29-3, Đội Quản lý thị trường số 8 kiểm tra cửa hàng ăn uống Lẩu ếch quê ở số 13 đường G, tổ dân phố Vườn Dâu, huyện Gia Lâm, phát hiện cơ sở kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã tạm giữ 115 lít rượu trắng. Ngày 15-3, qua kiểm tra cửa hàng kinh doanh tạp hóa ở Tổ 10, phường Phú La, quận Hà Đông, đã phát hiện và tịch thu 1.200 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngày 11-3, Đội Quản lý thị trường số 25 kiểm tra cơ sở nấu rượu thủ công của ông Lại Văn Bằng tại thôn Hạ, xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có năm téc i-nốc chứa 3.800 lít rượu các loại, ông Lại Văn Bằng không có giấy phép sản xuất rượu, chưa xuất trình được nguồn gốc nguyên liệu sản xuất. Ngày 10-3, Đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra cơ sở kinh doanh cồn rượu ở thôn Tân Độ, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, tạm giữ 61 phuy loại 160 lít, tương đương 9.760 lít cồn và lấy mẫu hàng hóa trên để giám định chất lượng...

Tăng cường công tác quản lý

Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, rượu vốn là mặt hàng hạn chế kinh doanh. Trong những năm vừa qua, các ngành chức năng của Hà Nội đã thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Trước tình trạng nhiều vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng liên tục diễn ra, gây chết nhiều người, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng tập trung tiến hành rà soát, tăng cường kiểm tra mặt hàng rượu lưu thông trên thị trường. Hằng ngày, lực lượng chức năng đi kiểm tra các cơ sở sản xuất, nấu rượu, cửa hàng ăn uống, tạp hóa... trên địa bàn, đặc biệt là mặt hàng rượu thủ công để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.

Thực tế cho thấy, hiện đang có quá nhiều đơn vị quản lý sản phẩm rượu dẫn đến tình trạng chồng chéo. Một đơn vị muốn sản xuất, kinh doanh rượu phải có giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, giấy phép sản xuất rượu do Sở Công thương cấp, nhãn hiệu do Sở Khoa học - Công nghệ cấp, còn đăng ký chất lượng thì do Sở Y tế cấp. Trong khi đó, việc nấu rượu thủ công, tự phát trong dân còn khá phổ biến, việc mua bán cồn công nghiệp cũng rất dễ dàng. Nhiều cửa hàng tự pha chế, ngâm rượu các loại, bày bán tự do, phục vụ mọi đối tượng khách hàng. Người dân vẫn vô tư mua rượu, uống rượu trong những chai nhựa, bình sứ không tên tuổi, nhãn mác. Và việc ngộ độc rượu tràn lan thời gian gần đây có thể nói là kết quả của việc quản lý lỏng lẻo và thói quen tiêu dùng chủ quan.

Cuối tháng 3 vừa qua, UBND thành phố tiếp tục ban hành Quyết định số 1946/QĐ-UBND về việc thành lập hai đoàn kiểm tra liên ngành, tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu; phòng, chống ngộ độc rượu; kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định... Thời gian kiểm tra kéo dài đến hết ngày 15-4-2017. Mong rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng sẽ kịp thời phát hiện và xử lý những cơ sở sản xuất, pha chế, kinh doanh rượu giả, rượu lậu. Đồng thời, người dân cũng cần cẩn trọng, chú ý hơn khi lựa chọn những sản phẩm rượu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bản thân, bạn bè và gia đình.