Thử sức với xe không người lái

Từng vòng đua gay cấn của những chiếc xe không người lái đã khép lại với chiến thắng xuất sắc thuộc về nhóm sinh viên MTA-Racer (Học viện Kỹ thuật quân sự). Nhưng không dừng lại đó, cuộc thi là những viên gạch đầu tiên để cộng đồng khoa học - công nghệ nghiên cứu, phát triển xu hướng xe không người lái đang được thế giới quan tâm.

Sinh viên tham gia cuộc thi nghiên cứu thuật toán cho xe không người lái.
Sinh viên tham gia cuộc thi nghiên cứu thuật toán cho xe không người lái.

Gần 1.000 sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng và hàng trăm cá nhân, tổ chức quan tâm tới lĩnh vực công nghệ số, công nghệ tự động mới đây đã có mặt tại Nhà thi đấu quận Cầu Giấy để chứng kiến tám đội xuất sắc nhất của "Cuộc thi số: Xe không người lái" tranh tài. Các đội thi đã vận dụng kiến thức công nghệ như xử lý ảnh tự động, trí tuệ nhân tạo, điều khiển tự động để những chiếc xe mô hình không người lái có thể nhận biết làn đường, vật cản, di chuyển chính xác, tránh chướng ngại vật, chủ động xử lý tốc độ hợp lý tại các khúc cua hoặc lên dốc, xuống dốc. Mô hình xe của các đội di chuyển đẹp mắt, chính xác khiến nhiều người thoạt nhìn cứ tưởng xe được điều khiển từ xa.

Để thể hiện tốt nhất năng lực của mình, thành viên các đội tham gia đã phải nỗ lực vượt qua 145 đội thi đến từ 26 trường đại học trong cả nước. Đồng thời, dành nhiều tâm huyết, "mất ăn mất ngủ" tìm phương án tốt nhất cho những chiếc xe mô hình được ban tổ chức giao. Nguyễn Tùng Khánh, thành viên đội MTA-Racer kể, được lọt vào chung kết, chúng em rất vui mừng nhưng cũng lo lắng. Vì các đội khác cũng rất mạnh. Chính sức ép từ đội bạn đã hối thúc các thành viên dồn sức, tập trung giải thuật toán cho xe. Thậm chí, có lần nhóm mải mê nghiên cứu, cho xe chạy thử nghiệm đến quên cả giờ đóng cổng trường. Các thành viên đội BKAKids (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) thì không dám về quê hoặc đi nghỉ trong dịp lễ 30-4, 1-5 vừa qua. Tất cả đều dồn sức, tập trung cao độ, thậm chí thức thâu đêm để lập trình xe.

Đây là năm thứ tư Tập đoàn FPT tổ chức cuộc thi Cuộc đua số, một cuộc thi chuyên về công nghệ dành cho sinh viên trong cả nước. Chủ đề của mỗi năm đều là những xu hướng công nghệ mới và hấp dẫn như lập trình rô-bốt, số hóa giọng nói... Năm nay, “xe không người lái” là chủ đề Ban tổ chức đưa ra, thu hút gần 500 sinh viên ngành khoa học - công nghệ trong cả nước tham gia học hỏi, thi tài. Xe không người lái hiện đang là xu hướng công nghệ được nhiều hãng sản xuất ô-tô, công nghệ trên thế giới tập trung đầu tư mạnh. Theo đại diện Tập đoàn FPT, thông qua cuộc thi, các bạn trẻ sẽ được hình thành nền tảng về công nghệ số, tìm hiểu và nắm bắt những xu hướng công nghệ mới nhất trên thế giới. Từ sân chơi này, các bạn sinh viên sẽ có động lực bước ra sân chơi toàn cầu, trải nghiệm niềm đam mê sáng tạo khoa học, dần dần hình thành cộng đồng yêu thích lập trình xe không người lái và hiện thực hóa việc đưa xe không người lái vào thực tế. "Với sự đầu tư đúng hướng, thời gian ít nhất là 5 năm tới, các bạn trẻ Việt Nam có thể lập trình và cho lăn bánh xe không người lái. Xe có thể chưa thể áp dụng ngay trên đường phố, nhưng sẽ chạy tốt ở các khu vực thử nghiệm với điều kiện lý tưởng", Giám đốc Công nghệ FPT Lê Hồng Việt cho biết.

Xuất sắc giành giải nhất của cuộc thi năm nay, đội MTA-Racer đã nhận được một chuyến đi Mỹ bảy ngày, tham quan thung lũng Silicon và gặp gỡ các chuyên gia công nghệ của nhiều tập đoàn hàng đầu nước Mỹ. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khoa học - công nghệ trong nước cũng bày tỏ sẵn sàng tuyển dụng các sinh viên xuất sắc của cuộc thi, đồng thời hỗ trợ họ có điều kiện phát triển các giải pháp liên quan đến công nghệ sản xuất ô-tô. Đến xem các đội thi trong đêm chung kết, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương nhận định: “Những nghiên cứu, sáng tạo của các bạn trẻ trong các cuộc thi như Cuộc đua số là cần thiết và có tính ứng dụng cao. Hiện nay, chúng ta đang rất quan tâm tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mong các doanh nghiệp, thế hệ trẻ, các bạn sinh viên học hỏi, sáng tạo hơn nữa để tạo ra nhiều ứng dụng trong tương lai, đưa Việt Nam bắt kịp công nghệ thế giới, tận dụng các cơ hội để phát triển đất nước”.