Tạo “sức bật” cho du lịch nông nghiệp

NDO -

Hà Nội có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng đã được thực hiện, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, hoạt động này chưa xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu của khách du lịch. Do đó, cần có những đổi mới để đưa du lịch nông nghiệp phát triển trong thời gian tới. 

Trải nghiệm làm nông nghiệp tại Công viên Nông nghiệp Long Việt.
Trải nghiệm làm nông nghiệp tại Công viên Nông nghiệp Long Việt.

Với không gian ngoại thành rộng lớn, những năm qua, nhiều huyện, thị xã của Hà Nội đã phát triển loại hình du lịch nông nghiệp như: Ba Vì, Sơn Tây, Gia Lâm, Thường Tín… Hiện nay, sản phẩm du lịch nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô chủ yếu khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ du lịch học đường, du lịch cuối tuần. Điển hình cho các mô hình này có thể kể đến như: Tour tham quan mùa lúa chín tại Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), Công viên Nông nghiệp Long Việt (huyện Sóc Sơn), trang trại Era House (quận Long Biên), làng cây cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín)… Du lịch nông nghiệp đặc biệt phát triển tại Ba Vì, với các hoạt động tham quan nông trại, hái chè, trải nghiệm trồng rau hữu cơ. Hoạt động tại các trang trại này đạt hiệu quả khá cao. Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội Hoàng Thị Huyền cho biết, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 11 trang trại và 4 HTX nông nghiệp chuyên ngành kết hợp giáo dục, du lịch trải nghiệm. Quy mô vốn, tài sản đối với các trang trại du lịch nông nghiệp khá cao, từ 5 đến 30 tỷ đồng. Qua hoạt động thực tiễn, các đơn vị này đã chứng minh hiệu quả vượt trội so với mô hình sản xuất nông nghiệp đơn thuần. Theo thống kê, bình quân doanh thu trang trại du lịch năm 2020 trên địa bàn Hà Nội đạt 2,5 tỷ đồng/trang trại.

Hiện nay, nhu cầu trải nghiệm nông nghiệp ngày càng cao, nhất là đối với đối tượng học sinh khu vực nội thành và khách quốc tế (khi Việt Nam được đón khách quốc tế trở lại). Tuy nhiên, thực tế, so với các loại hình du lịch khác, du lịch nông nghiệp của Hà Nội vẫn ở “thế yếu”. Theo đánh giá của Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn còn thiếu, chưa chuyên nghiệp. Số lượng, quy mô các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho du lịch nông thôn còn chưa đồng bộ, chưa thuận tiện để khách du lịch tiếp cận du lịch nông thôn... Bên cạnh đó, tính hấp dẫn của du lịch nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Các hoạt động còn khá đơn điệu. Muốn tạo “sức bật” mới cho du lịch nông nghiệp, bản thân các chủ trang trại, các địa phương cần có nhiều đổi mới. 

Tại hội thảo Thực trạng và giải pháp phát triển trang trại, hợp tác xã nông nghiệp chuyên ngành kết hợp du lịch giáo dục, trải nghiệm trên địa bàn thành phố Hà Nội do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều đại biểu đã cho rằng, hiện nay, nhiều khách du lịch mong muốn được tham quan trải nghiệm ở các khu trang trại, vườn trại, du lịch sinh thái... gắn với tìm hiểu giá trị văn hóa của từng địa phương. Việc triển khai các tua du lịch nông nghiệp gắn kết với du lịch làng nghề, tham quan cảnh quan sẽ giúp mở rộng sản phẩm, góp phần “níu” chân khách du lịch lưu trú lâu hơn. Hà Nội có hệ thống làng nghề hết sức phong phú. Trong đó, nhiều làng nghề đã được định hướng phát triển du lịch như: làng gốm Bát Tràng, làng sinh vật cảnh Hồng Vân, khảm trai Chuyên Mỹ, may Vân Từ, nón làng Chuông, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái... Đây là hướng mà các địa phương, các ngành tìm biện pháp để kết nối giữa các trang trại du lịch với làng nghề, làng cổ. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường đề xuất: “Để các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp hoạt động kết hợp du lịch hiệu quả, Nhà nước cần có cơ chế chính sách khuyến khích mô hình này phát triển; đẩy nhanh tiến độ giao đất, cho thuê đất, có chính sách giao đất ổn định lâu dài cho các trang trại, hợp tác xã; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi, giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước. Các địa phương cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào du lịch. Hỗ trợ kết nối các trang trại, hợp tác xã có hoạt động du lịch gắn với các tua, tuyến của các doanh nghiệp lữ hành”. 

Tài nguyên du lịch nông nghiệp ở Hà Nội vô cùng phong phú, nhưng muốn có sức bật mới, cần một tư duy mới, và nhất là sự mạnh dạn bắt tay hợp tác giữa các bên.