Quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập

Chỉ số gia nhập thị trường nói riêng và môi trường đầu tư kinh doanh nói chung của Hà Nội đã có sự cải thiện lớn trong thời gian gần đây. Ðiều này thấy rõ khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng, bình quân hơn 20 nghìn doanh nghiệp/năm. Nhưng số lượng doanh nghiệp thành lập nhiều cũng đang đặt ra những thách thức và áp lực cho công tác quản lý.

Cán bộ Phòng Ðăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội) làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Ảnh: MINH HÀ
Cán bộ Phòng Ðăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội) làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Ảnh: MINH HÀ

Trưởng phòng Ðăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội) Phạm Thị Kim Tuyến cho biết, chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, thành phố đã có 10.530 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 79.051 tỷ đồng - tăng 12% về số lượng và 6% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 218.038. Hà Nội đang chiếm 25% số lượng doanh nghiệp của cả nước. Con số này phản ánh những nỗ lực trong cải thiện chỉ số gia nhập thị trường, môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố, nhưng cũng cho thấy áp lực lớn đối với công tác quản lý nhà nước. Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, hiện cả nước có khoảng 72 nghìn doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh nhưng không đăng ký thuế (còn gọi là doanh nghiệp "ma"), trong đó, Hà Nội có khoảng 31 nghìn doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của các văn bản pháp luật, lợi dụng sự thiếu trách nhiệm của cán bộ, cơ quan quản lý để vi phạm pháp luật.

Luật Doanh nghiệp (có hiệu lực từ ngày 1-7-2015) đã làm thay đổi căn bản quyền kinh doanh và đăng ký doanh nghiệp. Trước đây, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải ghi đầy đủ ngành nghề kinh doanh. Doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực ngoài đăng ký là vi phạm pháp luật. Bởi vậy, để dự phòng, nhiều doanh nghiệp đăng ký trong hồ sơ tới mười trang giấy ngành nghề kinh doanh. Nay, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không ghi ngành nghề, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Hồ sơ đăng ký cũng không còn bao gồm các giấy tờ liên quan như: giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh... "Nói dễ hiểu thì cách thức quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp đã chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm. Doanh nghiệp tự kê khai, tự chịu trách nhiệm, cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ, đã giúp rút ngắn thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp, giảm thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp xuống còn hai đến ba ngày làm việc. Nhưng điều đó cũng đòi hỏi các sở, ngành, chính quyền các địa phương nâng cao trách nhiệm và sâu sát hơn trong quản lý doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập", Phó Cục trưởng Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) Bùi Anh Tuấn cho biết.

Tháng 3-2017, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX sau đăng ký thành lập. Nhờ đó, công tác này đã có những thay đổi tích cực khi trách nhiệm của từng cơ quan được phân định rõ ràng, cụ thể, gắn với chức năng, nhiệm vụ hơn. Các đơn vị như Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Cục Thuế thành phố cùng các đơn vị liên quan và chính quyền các quận, huyện thường xuyên trao đổi, cung cấp, công khai thông tin doanh nghiệp, nhất là trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Chính quyền các quận, huyện đã tích cực kiểm tra doanh nghiệp, quản lý về việc đáp ứng các điều kiện đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tuân thủ an toàn lao động, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Tuy nhiên, công tác quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập vẫn đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia vẫn đang ở trong giai đoạn hoàn thiện, chưa nhập được dữ liệu các doanh nghiệp nhà nước, HTX, chi nhánh ngân hàng nước ngoài... Thông tin chung về doanh nghiệp đã được sự liên thông giữa cơ quan đăng ký và cơ quan thuế, nhưng chưa tương thích, chưa đồng bộ và cập nhật kịp thời, gây mất thời gian, công sức cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục. Số lượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn quận, huyện lớn, trong khi cán bộ quản lý doanh nghiệp của chính quyền địa phương lại mang tính kiêm nhiệm, việc đi thực tế kiểm tra còn rất hạn chế. Nhiều vi phạm của doanh nghiệp chưa có chế tài xử lý hoặc xử lý kéo dài, mức xử lý chưa đủ sức răn đe. Ðơn cử, Luật Nhà ở năm 2014 nghiêm cấm việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở. Nhưng hiện nay, việc thuê căn hộ chung cư làm văn phòng làm việc diễn ra rất phổ biến, khó quản lý. Trưởng phòng Phạm Thị Kim Tuyến cho biết thêm, rất ít khi tiến hành việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi doanh nghiệp có sai phạm. Cơ quan đăng ký kinh doanh đang đề nghị cơ quan công an xác minh hành vi giả mạo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của một số đơn vị có dấu hiệu giả mạo để xử lý.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Hà Nội Nguyễn Tiến Học cho rằng, trong thời gian tới, các sở, ngành, quận, huyện phải nghiêm túc thực hiện tốt Quy chế phối hợp của thành phố trong việc quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh; thường xuyên trao đổi, phối hợp cung cấp, công khai thông tin, từ đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đẩy nhanh thời gian gia nhập thị trường cho doanh nghiệp. Ðồng thời, tăng cường đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, các hộ kinh doanh để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của nhà nước cho đối tượng này. Quan trọng hơn, các đơn vị phải tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh, phối hợp giải quyết nhanh và nghiêm các trường hợp doanh nghiệp giả mạo hồ sơ, vi phạm ngành nghề kinh doanh, gian lận thuế, hóa đơn... để góp phần hình thành một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, hợp pháp.