Mối lo từ việc "tu bổ" đình Lương Xá

Việc "tu bổ" đình làng Lương Xá (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa) có thể định danh chính xác bằng từ "phá" đình. Tất cả mọi cấu kiện đều bị tháo dỡ triệt để để xây lên một tòa nhà bê-tông cốt thép. Song việc xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân là không dễ dàng, bởi đình Lương Xá chưa được cấp nào công nhận di tích. Hà Nội hiện có 3.426 di tích chưa được cấp bằng công nhận giống như đình Lương Xá. Nếu không xây dựng một quy trình bảo vệ những di tích này, thì hàng nghìn di tích có nguy cơ bị phá hủy bất cứ lúc nào.

Một tòa nhà bê-tông được xây dựng trên nền đình Lương Xá cũ. Ảnh: LOAN ANH
Một tòa nhà bê-tông được xây dựng trên nền đình Lương Xá cũ. Ảnh: LOAN ANH

Mặc dù chưa được xếp hạng di tích, nhưng trong đợt Tổng kiểm kê di tích trên địa bàn Hà Nội cách đây chưa lâu, đình Lương Xá đã được đưa vào danh mục kiểm kê và cần được bảo vệ. Ngôi đình có tuổi đời khoảng 300 năm, kiến trúc gồm năm gian, hai chái, tòa tiền tế và hậu cung tạo thành tổng thể mặt bằng hình chữ "công". Một số mảng chạm khắc của đình khá đẹp. Ngoài ra, còn có các hạng mục phụ trợ như: Nghi môn, sân đình. Ngôi đình trông ra ao làng, tạo cảnh quan khá đẹp mắt. Trải qua thời gian, một số hạng mục của đình đã xuống cấp. Một số cột gỗ bị rỗng ruột. Đến năm 2017, đình tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng, nhân dân làng Lương Xá đã tổ chức họp để thống nhất tu sửa. Trước khi hạ giải, tháng 12-2017, UBND xã Liên Bạt có văn bản gửi UBND huyện Ứng Hòa xin tu bổ, tôn tạo đình Lương Xá. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ứng Hòa đã phúc đáp, yêu cầu UBND xã Liên Bạt lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật và hướng dẫn xã xác định rõ nguồn vốn gửi về phòng, ban chuyên môn; Phòng có trách nhiệm tham mưu với UBND huyện Ứng Hòa xin ý kiến Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về chủ trương tu bổ đình.

Tuy nhiên, UBND xã Liên Bạt cũng như chính quyền làng Lương Xá đã tự tổ chức thu tiền, mỗi nhân khẩu là 800 nghìn đồng; cộng với khoản tiền do hai cá nhân bỏ ra để tự tu sửa. Phương pháp tu sửa là hạ giải triệt để tất cả mọi cấu kiện cũ, cậy từng viên gạch lên, để làm mới hoàn toàn bằng bê -tông, cốt thép. Hiện nay, nền móng, tất cả các cột và các dầm mái đã đổ xong, đang chuẩn bị xây gạch và hoàn thiện. Trước thực tế này, ngày 30-7, Sở Văn hóa và Thể thao đã có văn bản gửi UBND huyện Ứng Hòa đề nghị đình chỉ hoạt động tu bổ, có hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân liên quan việc để xảy ra sai phạm tại di tích.

Hà Nội có 5.928 di tích. Trong đó, 13 di tích quốc gia đặc biệt, 1.164 di tích quốc gia và 1.325 di tích cấp thành phố. Như vậy, số di tích chưa được cấp bằng công nhận tương tự như đình Lương Xá là một con số khổng lồ: 3.426 di tích.

Sai phạm trong tu bổ đình Lương Xá đã rõ ràng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trương Minh Tiến khẳng định, do đình đã nằm trong danh mục kiểm kê, muốn hạ giải, tu bổ phải xin phép và phải có hướng dẫn của cơ quan chức năng. Mặc dù Sở Văn hóa và Thể thao đã đề nghị đình chỉ thi công, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với sai phạm tại di tích đình Lương Xá, nhưng di tích thì cơ bản đã phá xong, gần như không thể cứu chữa. Hơn nữa, cơ sở pháp lý để xử lý sai phạm xảy ra tại đình Lương Xá hiện nay không đầy đủ. Đình Lương Xá chưa được xếp hạng là di tích quốc gia hay thành phố. Hiện nay, văn bản pháp luật quan trọng nhất về công tác tu bổ di tích là Nghị định 70/2012/NĐ-CP Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (Nghị định 70). Nhưng các di tích chưa được công nhận lại nằm "ngoài vùng phủ sóng" của Nghị định này. Năm 2016, UBND thành phố ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Hà Nội. Nhưng Quy chế chỉ chú trọng những điều khoản bảo vệ di tích đã được công nhận. Điều ấy có nghĩa là chúng ta đang thiếu những quy định pháp luật để bảo vệ những di tích chưa được công nhận.

Những di tích, di sản, trong đó có di sản kiến trúc, chưa được công nhận không có nghĩa là chúng không có giá trị. Hà Nội có hàng nghìn di tích thuộc diện này, gồm: đình, đền, chùa, miếu, cổng làng, nhà thờ họ, di chỉ khảo cổ... và một số công trình kiến trúc thời Pháp thuộc. Nổi bật nhất trong các công trình chưa được công nhận di tích phải kể đến cầu Long Biên. Nếu chúng bị "phá" dưới danh nghĩa tu bổ thì việc xử lý hết sức khó khăn.

Hà Nội ngàn năm văn hiến đẹp không chỉ ở những di tích, di sản đã được công nhận mà cả ở những di tích chưa có "dấu đỏ". Mới đây, thành phố loay hoay xử lý việc xâm hại di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (huyện Hoài Đức) cũng vì chưa được công nhận di tích. Cùng với việc nâng cao nhận thức của chính quyền, nhân dân địa phương trong bảo tồn di tích, nếu không sớm có những quy định pháp luật bổ sung, hàng nghìn di tích có nguy cơ rơi vào tình trạng như đình Lương Xá hay di chỉ Vườn Chuối.