Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Tại Hà Nội từ đầu năm đến nay, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục tăng cao. Mặc dù thời gian qua, thành phố đã thực hiện nhiều chiến dịch tuyên truyền, tập trung ở những khu vực trọng điểm, nhưng tình trạng này vẫn chưa được cải thiện.

Cán bộ dân số phát tờ rơi tuyên truyền về giới tính cho người dân ngoại thành Hà Nội.
Cán bộ dân số phát tờ rơi tuyên truyền về giới tính cho người dân ngoại thành Hà Nội.

Theo Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, đến hết quý I-2017, tổng số trẻ mới sinh của thành phố là 22.502 trẻ, tăng 175 trẻ so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ số giới tính khi sinh là 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái. Ở nhiều quận, huyện, con số này đã ở mức 120 trẻ trai/100 trẻ gái, như tại Hà Ðông, Sơn Tây, Thạch Thất, Hoài Ðức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mê Linh... Năm 2017, thành phố tập trung ổn định quy mô, duy trì mức sinh thay thế, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên, giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số. Ðể hoàn thành các mục tiêu đề ra, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đã triển khai tọa đàm tìm giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu công tác năm 2017 tại 72 xã thuộc chín huyện có tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba, tỷ số giới tính khi sinh cao, tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh thấp như: Ba Vì, Ðan Phượng, Mỹ Ðức, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thạch Thất và Hoài Ðức. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa như mong đợi.

Theo Chi cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội Tạ Quang Huy, phần lớn trẻ thứ ba là con trai. Sự chênh lệch giới tính tập trung nhiều nhất ở vùng ngoại thành, do văn hóa và tâm lý của người dân muốn sinh bằng được con trai. Vì vậy, với điều kiện kinh tế và trình độ y học như hiện nay, không ít gia đình đã dùng mọi cách để lựa chọn giới tính trước khi sinh bằng nhiều phương pháp khác nhau. Trong khi đó, công tác kiểm soát vẫn còn nhiều lỗ hổng. Rất khó để phát hiện vi phạm tại các cơ sở y tế có hành vi chẩn đoán giới tính thai nhi, bởi không bác sĩ nào nói thẳng giới tính hoặc thể hiện trên giấy tờ, trên kết quả siêu âm, mà có thể là trao đổi riêng, dùng những ký hiệu, ám hiệu chỉ người nhà sản phụ hiểu được. Trong khi muốn xử lý được đòi hỏi phải có bằng chứng, chứng cứ rõ ràng.

Ðề cập đến vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Văn Tân thừa nhận, dù có quy định cấm siêu âm xác định giới tính, nhưng số bà mẹ mang thai biết được giới tính con trước khi sinh lên đến 81%: Việc siêu âm xác định giới tính thai nhi phổ biến, trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành còn mỏng, kinh nghiệm không nhiều, cho nên việc phát hiện và xử phạt các cơ sở vi phạm chưa hiệu quả. Ðược biết, sau một năm triển khai đề án kiểm soát giới tính khi sinh, Bộ Y tế phối hợp các địa phương đã tổ chức 3.667 đợt kiểm tra, giám sát đối với 487 cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, phá thai…, song số cơ sở bị xử lý sai phạm thì vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Mất cân bằng giới tính khi sinh của Hà Nội hiện vẫn nằm trong mức báo động. Muốn kiểm soát đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ vì đây là vấn đề liên quan đến văn hóa, nhận thức của mỗi người dân. Nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã có sáng kiến rà soát từng nhà, từng đối tượng trong diện sinh đẻ để vận động ký cam kết không sinh con thứ ba; vận động và quản lý tốt các cặp vợ chồng có nguy cơ sinh con thứ ba cao như những vợ chồng có con một bề... Trong thời gian tới, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố tiếp tục chú trọng tuyên truyền tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của các quận, huyện, thị xã hiện nay. Trong đó, chú trọng loại hình tư vấn đối thoại trực tiếp với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, các gia đình sinh con một bề.