Về phiên chợ biên giới Mường Nhà

NDO -

NDĐT - Trẻ em đi chợ được mua quần áo mới; các mẹ các bà đến chợ được tự tay lựa từng suốt chỉ cây kim và nhiều người về chợ để gặp bạn ở Phôn Thong, Mường Ngòi. Chỉ vậy thôi mà phiên chợ thương mại biên giới do Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Điện Biên tổ chức ở xã Mường Nhà (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) những ngày này sôi động, hấp dẫn lắm. Người Mông, người Thái, Khơ Mú ở khắp các bản trong xã, trong huyện cứ nườm nượp theo các con đường dẫn về chợ với niềm vui rộn ràng…

Gian hàng của tỉnh Luông Pra Băng luôn thu hút đông đảo người dân tham quan, mua sắm.
Gian hàng của tỉnh Luông Pra Băng luôn thu hút đông đảo người dân tham quan, mua sắm.

Hôm nay (ngày 2-9) phiên chợ biên giới Mường Nhà đã bước sang ngày thứ tư trong chuỗi năm ngày như kế hoạch của ban tổ chức, ấy vậy nhưng phiên chợ vẫn hút khách. Con đường từ các bản Pha Lay, Hồi Hương, Pu Lau, Khon Kén… dẫn về trung tâm xã Mường Nhà dòng người cứ nườm nượp. Họ đi phiên chợ biên giới mà vui như đi hội.

Thấy chúng tôi vui như người đi chợ, ông Chủ tịch UBND xã Mường Nhà - Lò Lâm Sung, đã nói thêm để chúng tôi hiểu về ý nghĩa của phiên chợ này với bà con nơi đây. Như lời ông Lò Lâm Sung thì đây là lần đầu tiên xã biên giới Mường Nhà có một phiên chợ thương mại lớn thế này, lại được tổ chức ngay trung tâm xã nên bà con rất phấn khởi, háo hức. Hàng hóa chủ yếu hàng tiêu dùng thiết yếu, phong phú cho nên bà con thỏa sức chọn. Nhỏ như cây kim cũng đủ loại phục vụ các bà, các mẹ để khâu vá quần áo, khâu túi, khâu bao; lớn như máy phay, máy thái cỏ cũng nhiều nên cánh đàn ông thích thú lắm! Dịp này đang chuẩn bị cho con em đi học nên người dân ưu tiên sắm quần áo, đồ dùng.

Với không ít người dân tộc thiểu số ở Mường Nhà, phiên chợ này là còn là dịp hiếm hoi bà con được xem, ngắm đủ loại hàng hóa mẫu mã tại trung tâm xã mà không mất công đi hơn 80 km đi chợ huyện. “Nhiều người cao tuổi lần đầu được đi chợ lớn thế này còn không muốn về cứ xin con cháu ở lại chơi chợ cả ngày hôm sau” - vừa nói, ông Sung vừa đưa chúng tôi đến gần chỗ có mấy cụ ông cụ bà đang ngồi. Cúi xuống trò chuyện, hỏi thăm các cụ rồi ông Sung quay lại nói với chúng tôi: Các cụ đây ở tận bản Ban cách trung tâm xã hơn 20 cây số. Họ đi chợ đã ba ngày nhưng chưa muốn về, bảo là nhìn cái gì cũng đẹp, cái gì cũng thích. Thích nhất là được nhìn nhiều hàng!

Say sưa ngắm gian hàng bày giầy dép, quần áo may sẵn, một người đàn bà và bốn đứa trẻ như không rời mắt khỏi dãy treo quần áo học sinh. Khi tôi tiến đến hỏi thăm thì người đàn bà mới ngừng ngắm rồi tiếp chuyện vẻ… ngại ngần. Cô ấy nói, tên là Vàng Thị Sua, nhà ở bản Hồi Hương. Nhìn quần áo học sinh đẹp quá, cô ấy muốn mua cho con nhưng lo không đủ tiền vì nếu mua thì phải mua cho mỗi đứa một bộ, chứ đứa có đứa không nó lại tủi thân! Nghe chuyện Sua nói với tôi, chị chủ hàng mới đon đả hỏi: “Trách gì mấy mẹ con cứ đứng nãy giờ không thấy hỏi giá, chị đông khách quá chưa kịp chào. Em cứ xem chọn quần áo cho các cháu, có bao nhiêu thì trả chị chỗ thiếu chị tặng các cháu”. Nghe chị chủ hàng nói, Sua cứ há hốc miệng như không tin vào tai mình. Đoạn Sua khom khom người để dỡ tệp tiền từ cạp váy ra thì bốn đứa nhỏ con Sua xúm vào để giúp mẹ đếm tiền. Nhìn bốn đứa trẻ háo hức vẻ chờ đợi từ tệp tiền trên tay mẹ của chúng, tôi không khỏi chạnh lòng. Và tôi nghĩ, sẽ thêm vào phần thiếu để Sua mua bốn bộ quần áo cho bốn đứa trẻ nhà Sua. Nhưng chị chủ hàng không cho tôi làm việc ấy. Cầm tập tiền từ tay Sua, chị cười tươi và nói: “270 nghìn của em đưa; còn chị tặng các cháu 50 nghìn nhé. Đây quần áo của các cháu đây!” Cầm túi quần áo từ tay chị chủ hàng, bốn đứa trẻ nhà Sua mừng quýnh quáng, mẹ chúng cũng mừng quá mà chân này bước lẫn vào chân kia.

Về phiên chợ biên giới Mường Nhà ảnh 1

Đại diện lãnh đạo hai tỉnh Điện Biên, Luông Pra Băng tham quan các gian hàng tại phiên chợ.

Vòng một lượt qua từng gian hàng trong phiên chợ Mường Nhà, tôi nghe thêm nhiều câu chuyện của người bán, người mua trong không gian thắm đượm tình người gắn kết ở miền biên viễn. Như anh It -sạ-lạ Bun-nha-sỏn - người đứng quầy gian hàng đại diện cho doanh nghiệp tỉnh Luông Pra Băng (Lào), đến tham dự phiên chợ này là để thỏa niềm mong muốn được gặp gỡ, giao lưu với người đồng bào dân tộc vùng giáp biên với Lào. Trao đổi với chúng tôi, anh It -sạ-lạ Bun-nha-sỏn cho biết: Tôi rất muốn biết về con người, trang phục, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc Mông, Thái ở vùng giáp với các huyện: Phôn Thong, Mường Ngòi, Viêng Khăm (tỉnh Luông Pra Băng) nên tôi đã xin lãnh đạo Sở Công thương Luông Pra Băng cho tôi tham gia cuộc này. Đến đây rồi, tôi mới thấy đồng bào ở đây gần gũi, thân thiện như đồng bào dân tộc ở đất nước tôi; họ tuy không giàu có nhưng họ giàu tình cảm, sống đơn giản, gần gũi với thiên nhiên. Tại nơi này có núi liền núi, sông liền sông với đất nước Lào, tôi càng thấu hiểu hơn về tình đoàn kết, gắn bó giữa hai dân tộc Lào - Việt mà Chủ tịch Kay-xỏn Phôm-vi-hẳn và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp. Với tôi, chuyến đi này thật nhiều tình cảm và ý nghĩa!

Đại diện cho đoàn cán bộ huyện Phôn Thong, tỉnh Luông Pra Băng sang dự phiên chợ thương mại biên giới Mường Nhà, đồng chí Sổm-ma-ly Khăm-kênh, Trưởng huyện Phôn Thong, vô cùng xúc động khi được thăm Điện Biên, Mường Nhà đúng dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Quốc khánh nước Việt Nam. Tay trong tay thật chặt, đồng chí Sổm-ma-ly Khăm-kênh đã nói với đồng chí Lò Văn Mừng, Chủ tịch MTTQ tỉnh Điện Biên rằng, phiên chợ Thương mại Biên giới xã Mường Nhà là sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác phát triển thương mại biên giới giữa tỉnh Điện Biên (Việt Nam) và các tỉnh Bắc Lào, mà trực tiếp là nhân dân khu vực biên giới huyện Phôn Thoong, Mường Ngòi, Viêng Khăm với nhân dân huyện Điện Biên.

Qua phiên chợ này, người dân, doanh nghiệp hai bên có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; đồng thời thiết lập, ký kết các chương trình liên kết, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa. Phiên chợ đáp ứng nhu cầu mua sắm của đông đảo người dân khu vực biên giới, là điểm mua sắm tin cậy về giá cả, chất lượng các sản phẩm hàng hóa.

Bà Nguyễn Thị Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Điện Biên - đơn vị tổ chức phiên chợ cho biết: Là hoạt động chào mừng Kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2-9 của ngành công thương Điện Biên, qua phiên chợ, ban tổ chức mong muốn góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác phát triển kinh tế thương mại giữa tỉnh Điện Biên (Việt Nam) với các tỉnh Bắc Lào, giúp người dân khu vực biên giới của Điện Biên và người dân khu vực biên giới của Lào được mua sắm hàng hóa đúng chất lượng, giá trị. Đây cũng là dịp để nhân dân khu vực biên giới được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm sống ở vùng cao biên giới. Với mong muốn đó, ban tổ chức đã sắp xếp để phiên chợ được thực hiện trong năm ngày đúng dịp bà con nhân dân nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 (từ 30-8 đến hết ngày 3-9), với hơn 30 gian hàng của các doanh nhân Việt Nam, Lào. Phiên chợ được tổ chức thành công sẽ tạo bước bản lề cho việc hình thành chợ biên giới theo quy hoạch phát triển mạng lưới chợ tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020.

Về phiên chợ biên giới Mường Nhà ảnh 2

Các doanh nhân tham gia phiên chợ trao quà tặng người nghèo xã biên giới Mường Nhà.

Được biết với mong muốn sẻ chia khó khăn với người dân địa phương, trước khi phiên chợ diễn ra, các doanh nhân Điện Biên, Luông Pra Băng đã tự nguyện góp hàng để trao tận tay các gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở 12 bản trong xã Mường Nhà. Giá trị mỗi phần quà không lớn, song cũng phần nào giúp mỗi gia đình vơi đi khó khăn trước mắt và đồng thời tiếp thêm niềm tin để họ vượt qua khó khăn thường nhật. Bởi vậy, với người dân ở khu vực xã biên giới Mường Nhà, phiên chợ thương mại biên giới trong mùa thu này thật thiết thực và mang nhiều ý nghĩa. Đi chợ không chỉ vui chợ mà bà con dân tộc thiểu số ở vùng biên giới còn được gặp gỡ, giao lưu và đón nhận tình cảm nồng hậu, chân thành từ đồng bào mình và đồng bào vùng giáp biên.