Tây Tạng - “Đường mây qua xứ tuyết”

Kỳ 7: Huyền bí Thangka

NDO -

NDĐT - Từ kích thước khổng lồ mỗi chiều hàng chục mét, phủ kín cả sườn núi tới những tác phẩm nhỏ xíu, bé cỡ bàn tay. Từ tranh thêu tới tranh vẽ. Từ tranh trên giấy tới trên da thuộc động vật. Từ mặt toan sử dụng nguyên mảnh lụa lớn tới nhiều mảnh nhỏ được khâu kết tỉ mỉ mà thành… Đa dạng ngôn ngữ tạo hình, phong phú cách thức thể hiện, nhưng tất cả đều được gọi bằng cái tên chung: Thangka (tranh cuộn).

Thangka thêu có kích cỡ khổng lồ xuất hiện trong Lễ hội Shoton, bên ngoài Tu viện Drepung Tibet.
Thangka thêu có kích cỡ khổng lồ xuất hiện trong Lễ hội Shoton, bên ngoài Tu viện Drepung Tibet.

Trường tồn cùng dặm dài lịch sử

Đến với miền đất chư thiên Tây Tạng, du khách có thể bắt gặp những bức thangka chuyên chở đa tầng ngữ nghĩa tôn giáo ở mọi công trình, từ lớn tới nhỏ, từ công cộng tới riêng tư. Sắc mầu rực rỡ cùng họa tiết sắc nét, tạo hình sống động cùng biểu cảm tinh tế của nhân vật vẫn trường tồn trên từng tác phẩm. Cùng những bức tranh tường (mural paintings), thangka khoác lên vẻ lộng lẫy, vàng son cùng không gian tín ngưỡng huyền bí cho mọi cung điện, chùa chiền, tu viện mà chúng tôi từng thưởng lãm.

Dù cả nghìn năm lịch sử thăng trầm đã phủ bóng thời gian, những tác phẩm này vẫn giữ được vẻ tươi tắn, như thể vừa mới được các nghệ sĩ Phật giáo hoàn thiện nét bút cuối cùng. “Những bức này đã trải qua bất kỳ một quá trình phục chế hay trùng tu nào chưa”, câu trả lời mà tôi nhận lại luôn là những cái lắc đầu dứt khoát. Thói tò mò cố hữu đã thôi thúc tôi lục tung đám tài liệu về thể loại tranh gắn liền với chủ đề tôn giáo này, khi rời “nóc nhà thế giới” về lại với cuộc sống đời thường. Và những gì thu lượm được khiến tôi thực sự ngưỡng mộ.

Kỳ 7: Huyền bí Thangka ảnh 1

Kể từ khi theo bước chân của nhị vị công chúa (Xích Tôn của Nepal và Văn Thành của nhà Đường) vào Tây Tạng cách đây gần 14 thế kỷ, giáo lý đạo Phật đã ảnh hưởng sâu sắc và trở thành kim chỉ nam dẫn dắt mọi mặt đời sống và tín ngưỡng, văn hóa và nghệ thuật của cư dân bản địa. Do đó, có thể hiểu tại sao bất cứ cách thức biểu hiện nào ở miền đất này cũng có nguồn gốc cùng liên quan trực tiếp tới giáo lý và thực hành của Phật giáo Tạng truyền, để hỗ trợ cho sự thực hành Chính pháp và là công cụ của sự Hoằng pháp, tiêu biểu và bảo tồn tinh hoa của Giáo pháp. Vì vậy, các loại hình nghệ thuật Tây Tạng đều có công năng diễn tả và trình bày những chủ đề tôn giáo rộng lớn, theo một cách thức dễ hiểu và dễ thu phục nhân tâm.

Tham quan bất kỳ một ngôi nhà nơi miền đất chư thiên này, phòng thờ (với gia đình khá giả) và bàn thờ (với hộ nghèo) riêng biệt cùng những pháp cụ phong phú được cúng dường tôn kính hằng ngày luôn là không gian được người Tạng chăm chút nhất. Và thangka cùng đèn bơ (loại đèn sử dụng mỡ bò yak làm chất đốt) là những đồ thờ tự không thể thiếu. Còn tại những địa điểm linh thiêng như Cung điện Potala, chùa Đại Chiêu, tu viện Bát Nhã (Sera Monastery)... thangka hiện diện khắp mọi nơi, mọi không gian thờ tự với những hình ảnh mô tả Chư Phật nam và nữ, các vị thần linh, các nhà hiền triết cùng chư thiên. Đặc biệt, các thân Chư Phật được biểu hiện thuộc cả ba phạm trù Phật giáo: Thân tuyệt đối - thân hoan hỉ và thân hóa hiện.

Kỳ 7: Huyền bí Thangka ảnh 2
Thangka tái hiện vị thần hộ mệnh của Lhasa và Tibet - Paldan Lhamo. Thuộc kho báu của Potala Palace.

Bước vào thế giới thangka là lạc trong những câu chuyện kể về cuộc đời Đức Phật, các vị Phật sống (Lạt Ma) danh tiếng cùng chư Bồ Tát, thánh thần… cùng một số đề tài rất phổ biến là Pháp luân, Mạn Đà La. Chuyển tài lòng tôn kính cùng tín ngưỡng tôn giáo của chính nghệ sĩ nên người xem dễ dàng cảm nhận vẻ trang nghiêm cùng niềm tin vào điều màu nhiệm lan toả từ bức tranh. Tương truyền rằng, bức thangka đầu tiên vẽ Nữ thần hộ pháp Bạch Lạp Mỗ (Palden Lhamo) chính là tác phẩm của một người dân tộc Thổ Phiên. Ông đã dùng cái mũi đẫm máu của mình để miêu tả vẻ đẹp của vị thần bảo hộ Lhasa và gửi gắm sự tôn thờ của mình vào đó.

Kỳ 7: Huyền bí Thangka ảnh 3

Lang thang giữa những sắc mầu thangka, tôi mới hiểu lời đánh giá của một nhà phê bình mỹ thuật danh tiếng người Ấn, “thangka mang theo nguồn năng lượng huyền bí nơi miền đất Phật”. Phật tử dành cho thangka một thái độ cung kính, như với chính Thần Phật. Đây cũng là dòng tranh lưu giữ niềm tin, rằng thần linh chính là những vị thần bảo hộ chúng sinh, xua đuổi tà mà và gìn giữ sự thanh cao cùng giá trị phẩm hạnh con người. Có lẽ sắc mầu huyền bí bao phủ những bức tranh cuộn ấy đã giúp chúng trường tồn, không phai mầu, không ruỗng mục cho dù bao biến thiên thời cuộc xoay vần. Âu cũng là một cách lý giải thú vị!

Một di sản cần gìn giữ và nâng niu

Thangka phổ biến hình chữ nhật, khổ nhỏ thường có kích thước dài - rộng xê dịch từ 40 đến 100 cm. Loại lớn, thậm chí khổng lồ thường chỉ xuất hiện trong các ngày lễ trọng cùng những lễ hội Phật giáo Kim Cương thừa, có thể che phủ cả một mặt công trình vĩ đại hoặc một sườn núi. Như bức tranh thêu treo bên ngoài Tu viện Drepung, trong lễ hội Shoton được tổ chức thường niên có diện tích lên tới cả trăm mét vuông, với kích cỡ 7m x 15m chẳng hạn. Mang nghĩa những họa phẩm có thể cuộn lại được, thangka rất tiện lợi cho các nhà sư dễ dàng di chuyển, trong quá trình hành lễ và thuyết pháp ở miền đất có địa hình hiểm trở bậc nhất thế giới. Thangka được bảo quản trong chính điện, được thánh hóa bằng nước thiêng, phải đọc thần chú khi mở ra. Thangka chứa quyền năng bí nhiệm nên trừ lúc làm lễ thì luôn được che phủ bằng tấm lụa kuda.

Kỳ 7: Huyền bí Thangka ảnh 4

Bức thanhka thể hiện hình tượng Đức Phật Sakyamuni được vẽ vào TK 17, hiện được treo tại Potala Palace.

Bố cục của thangka - thành tố chủ đạo của nghệ thuật Phật giáo luôn tuân thủ tính trang trí hình học. Tay, chân, mắt, mũi, tai cùng cac bảo bối, trì vật mang tính nghi thức đa dạng đều được bố trí đăng đối, trên một mạng kẻ ô vuông gồm những góc cùng đường thẳng giao nhau.

Phân chia theo chất liệu toan, tranh thangka chủ yếu gồm hai loại. Tranh vẽ trên vải britan (gothang) và làm bằng lụa (bao gồm cả kỹ thuật khâu kết các mảnh lụa và thêu tranh) gọi là trithang. Nếu phân loại dựa trên kỹ thuật vẽ thì phổ biến nhất là tranh sơn màu (tson-tang). Ngoài ra còn có tranh khâu kết các mảnh lụa (go-tang), tranh vẽ nét bằng vàng kim trên nền đen (nag-tang), tranh in từng mảng bằng bản khắc gỗ rồi vẽ nét, tranh thêu (tshim-tang), tranh nền đỏ vẽ nét vàng kim trên màu đỏ son và cuối cùng là tranh nền vàng kim (được dùng rất cẩn trọng để vẽ chư Thần - Phật đạt trình độ giác ngộ viên mãn)… Mầu vẽ được chế tạo từ chất khoáng và chất hữu cơ trộn với keo. Toàn bộ công đoạn vẽ tranh đòi hỏi yêu cầu rất cao về sự thành thạo và thấu triệt các nguyên tắc trắc lượng đồ tượng (tức là các quy pháp tạo hình và tỉ lệ tượng Phật chuẩn xác).

Kỳ 7: Huyền bí Thangka ảnh 5

Thangka tái hiện vị thần Green Tara.

Một “nhân vật” không thể thiếu trong thangka chính là các đám mây, với mầu sắc sặc sỡ khác nhau. Với các tín đồ Phật giáo Tạng truyền, mây luôn mang ý nghĩa huyền bí và tượng trưng cho sự sáng tạo vì có thể chuyển đổi mọi hình thù. Đặc biệt, đám mây trắng được chuyên chở ý nghĩa môi trường sáng tạo nảy nở, phát sinh để từ đó chân lý được hiển lộ.

Thangka trở thành những tác phẩm nghệ thuật vô cùng giá trị (cả về tinh thần lẫn vật chất) chính là bởi những bậc thầy vẽ tranh đều phải trải qua một quá trình khổ luyện kéo dài, để có thể đắc đạo cả Phật pháp lẫn bút lực. Người ta nói, “muốn cầm được bút vẽ trước nhất phải là kẻ tu hành. Bởi thân tâm phải tịnh thì trí tuệ mới được đả khai, cảnh giới bức họa mới mang theo năng lượng và uy lực của Phật pháp”.

Kỳ 7: Huyền bí Thangka ảnh 6

Tạng Vương Tùng Tán Cán Bố xuất hiện trên thangka, theo trường phai Menthang School, sáng tác vào thế kỷ 17. Hiện treo tại Potala Palace.

Trên hành trình gian nan học vẽ thangka, các học viên sẽ mất ba năm cho việc phác họa hình ảnh chư Thần - Phật cùng các vị Bồ Tát hiện diện trong kinh Phật. Hai năm kế tiếp chỉ để học cách thức giã, nghiền và sử dụng thuần thục các loại màu khoáng, vàng ròng để vẽ. Từ năm thứ sau, họ sẽ được nghiên cứu tường tận đến từng chi tiết các kinh sách để chọn chủ đề cho họa phẩm của mình. Vào năm thứ 10, một bậc thầy thangka sẽ kèm cặp, giám sát học viên thường xuyên để tới năm thứ 11, học trò chính thức thành tài và có thể cho ra đời những bức thangka đạt chuẩn. Nghệ thuật Tây Tạng vốn là một ví dụ điển hình về hóa thân (nirmakakaya) nên cả hình thể và phẩm chất của Phật đều được thâu tóm và chuyển tải trọn vẹn qua hình tượng thần thánh. Vì thế, thangka phải tuân theo những biểu trưng cùng sự ám chỉ phức tạp, khi muốn minh giải phải tuân theo nhưng quy tắc chặt chẽ đã được ghi chép trong kinh sách. Người nghệ sĩ, ngoài rèn luyện tay nghề còn phải tự trang bị phông nền vững chắc về tôn giáo - kiến thức - bối cảnh để có thể sáng tạo một bức tranh cuộn chính xác và mang lại hiệu ứng thị giác ấn tượng nhất cho người xem. Kiến tạo thangka bao gồm cả nghi lễ lẫn thực hành thiền định. Vì thế, mỗi nghệ sĩ - người tu hành thường phải mất nhiều tháng trời mới có thể hoàn thành một bức tranh, dù chỉ đơn thuần vẽ nét và tô mầu hay kỳ công thêu từng sợi chỉ vàng và đính ngọc tinh xảo.

Kỳ 7: Huyền bí Thangka ảnh 7

Cận cảnh bức tranh thêu khổng lồ.

Trong cửa hàng tranh cuộn mà tôi tò mò đặt chân tại quảng trường trung tâm Barkhor của thủ phủ Lhasa, một bức thangka kích cỡ 70 cm x 90 cm được ông chủ ghi giá bán 5.000 CNY (hơn 17 triệu đồng). Một mức giá không hề cao, cho sáu tháng lao động miệt mài và ròng rã, như ông cho biết. Nghe tôi hỏi về đội ngũ nghệ sĩ thangka hiện nay, gương mặt ông vương vấn nét buồn. “Vài thập kỷ trở lại đây, sự quan tâm của các nhà sưu tập trong và ngoài nước tới dòng tranh này đẩy giá trị tiền bạc của tác phẩm lên ngày một cao, có bức tới hàng trăm nghìn nhân dân tệ. Nhiều thanh niên đổ xô đi học vẽ thangka, chỉ vì dễ kiếm tiền.

Ông Zhao Chunseng - thành viên Hiệp hội các nhà sưu tầm Trung Quốc và cũng là tác giả cuốn Kho báu Thangka (Treasures of Thangka) cho biết, trong 1.700 dân của ngôi làng Wutun thì tới gần một nghìn có thể vẽ thangka. Bởi thế, chất lượng của dòng tranh này đang ngày càng khó kiểm soát”. Bỏ mặc tôi ngẩn ngơ trước những tác phẩm đẹp đến từng chi tiết trong cửa hàng, ông cầm cây bút nhỏ xíu lên để hoàn thiện nếp gấp nhỏ xíu trên tấm áo cà sa đỏ thẫm, “buồn chút thế thôi, chứ tôi chẳng lấy thế làm sốt ruột. Người Tạng chỉ cần Đủ. Và cứ ngắm thangka sẽ thấy đủ, bạn có đồng ý với tôi không?”

Kỳ 7: Huyền bí Thangka ảnh 8

Thangka vẽ mandala - một đề tài quen thuộc.

* Bài 1: Quyến rũ những sắc màu Tây Tạng

* Bài 2: Nỗi ám ảnh mang tên AMS

* Bài 3: Hạnh nguyện trên “Nóc nhà thế giới”

* Bài 4: Potala - Trái tim của Lhasa

* Bài 5: Linh thiêng cổ tự ngàn năm

* Kỳ 6: “Văn Thành Công chúa”