Tây Tạng - “Đường mây qua xứ tuyết”

Bài 3: Hạnh nguyện trên “Nóc nhà thế giới”

NDO -

NDĐT - “Tam bộ nhất bái” để “ngũ thể nhập địa” là cách thức hành lễ gây ấn tượng cực mạnh, với mọi du khách may mắn được đặt chân tới Tây Tạng, của những tín đồ Phật giáo Tạng truyền.

Bài 3: Hạnh nguyện trên “Nóc nhà thế giới”

Nghe nói, mỗi tín đồ phải lặp đi lặp lại nghi lễ đó đủ mười vạn lần, trong suốt đời mình, từ khi mới ba tuổi. Với mỗi người trong số họ, dặm dài hành hương đầy nhọc nhằn, khổ sở về thủ phủ Lhasa là hạnh nguyện một đời mong mỏi. Và “tam bộ nhất bái” chính là một hạnh tu, để nhất tâm thành kính cầu nguyện Đức Phật từ bi minh chứng lòng thành.

Bài 3: Hạnh nguyện trên “Nóc nhà thế giới” ảnh 1

Hãy thử tưởng tượng giữa nơi đỉnh trời tuyết sơn vĩnh cửu, nơi bốn mùa vần vũ đi qua mỗi ngày, nơi điều kiện sinh tồn cực kỳ khắc nghiệt, những bóng người vẫn nối nhau, lầm lũi miệt mài hành lễ, theo cách thức khổ ải nhất, nghiệt ngã nhất trên mọi nẻo đường hướng về Lhasa. Trong vòng nhiễu Phật kora quanh những địa điểm thiêng liêng như cung điện Potala hay chùa Đại Chiêu, như ngọn núi Kailash hay những thánh hồ rải rác khắp miền cao nguyên Thanh – Tạng, gương mặt sùng kính cùng trang phục cũ kỹ, rách rưới vì trải qua chặng đường hành hương khổ ải của những Phật tử Tạng truyền luôn khiến tôi rưng rưng muốn khóc vì xúc động.

Bài 3: Hạnh nguyện trên “Nóc nhà thế giới” ảnh 2

Một mình hay đi cùng một nhóm nhỏ, người hành hương thể hiện sự tập trung tuyệt đối vào việc đảnh lễ của riêng mình. Không nhìn nhau, cũng chẳng hề quan tâm tới ánh mắt tò mò của đám đông du khách, họ tuần tự thực hiện những động tác khá phức tạp, đẹp như múa. Nhuần nhuyễn, thuần thục, chính xác như thể một cỗ máy đang vận hành. Lồng đôi tay vào hai chiếc guốc mộc có quai da, một tấm da động vật (thường là ngựa hoặc bò Yak) đã sờn che trước bụng cùng mấy miếng cao su bịt đầu gối và mũi giày, họ đứng thẳng chắp tay thành hình búp sen, chân choãi ra thành hình chữ bát rồi tay phải chấm đất trước, tay trái chắp ngang ngực. Rồi khom mình đồng thời để hai đầu gối quỳ xuống, tay trái chạm đất, hai lòng bàn tay ngửa ra. Rồi tay phải đưa ra trước tay trái, hai tay ngang nhau và cúi đầu xuống giữa khoảng hai lòng bàn tay. Từng ấy bước, để năm vóc sát đất, đồng nghĩa với việc đã hoàn thành một lạy. Sau khi đứng dậy, họ lại tiếp tục đi ba bước để lặp lại từ đầu quy trình kể trên, không hề sơ sẩy về thứ tự từng bước.

Thử bấm giờ trên điện thoại, tôi ước chừng họ di chuyển liên tục được khoảng năm đến sáu cây số một giờ, nếu không ngừng nghỉ. Mà quãng đường vượt qua mênh mông dải cao nguyên Thanh – Tạng để đến với cung điện Potala (nơi các vị Phật sống Dalai Latma khi xưa từng ngự) hay Đại Chiêu Tự - “trái tim của Phật giáo Tây Tạng” rất xa, xa tít tắp. Những trang sách viết về đường mây qua xứ tuyết tái hiện khá chi tiết về những chuyến hành hương thường kéo dài cả năm, ngày đi đêm nghỉ. Gặp tu viện, nhà dân còn có nơi tá túc. Giữa mênh mông tuyết trắng thì chỉ có thể nép mình trong hốc đá, hẻm núi qua đêm. Đói khát, lạnh giá, thú dữ, kẻ xấu hãm hại… là những nguy hiểm luôn chờ trực trên mỗi dặm đường trường. Nhiều người không thể đến đích. Cũng nhiều người bỏ mạng khi quay về. Nhưng những tín đồ vẫn ngày ngày nối nhau lặng lẽ lên đường. Bởi họ coi đó là chuyến đi của đời mình, bằng cách thể hiện niềm tin tôn giáo mãnh liệt nhất nhưng cũng khổ hạnh nhất.

Chặng dài gian nan về với Lhasa cuối cùng cũng đã cán đích. Và sân chùa Đại Chiêu (Jokhang Temple), ở cả hai bên tả - hữu mỗi sáng sớm luôn đông nghịt người hành lễ. Mỗi người một tấm trải đặt song song, họ liên tục đảnh lễ để “ngũ thể nhập địa”, nghe nói số lượng ít nhất là 108 lần, ứng với lượng hạt trên chuỗi tràng hạt cầm tay. Có thể gặp ở đây những gương mặt sùng kính, thuộc mọi độ tuổi, phần đa đều lấm lem hoặc sứt sẹo, sau những lần áp mặt xuống mặt đường gồ ghề, cát bụi. Họ tuần tự chụm tay thế liên hoa, chạm lên đầu, chạm xuống dưới cằm rồi chạm xuống ngực. Khi đã nằm song song trên mặt đất thì hai tay ở phía trên đầu, ngón tay lần một hạt hoặc bấm vào một máy nhỏ đeo trên cổ tay, vậy là xong một lễ. Người Tạng quan niệm vật chất là tạm bợ. Đó chỉ là phương tiện kết nối với thế giới vô hình của thần linh. Vì vậy, rất nhiều người đã bán hết gia sản để đi hành hương. Tôi nghĩ đến con số mười vạn lần “tam bộ nhất bái” mà mỗi tín đồ nơi đây phải thực hành tối thiểu, trong suốt quãng đời, với một niềm kính phục vô biên. Khi được gửi trọn trái tim, niềm tin tuyệt đối sẽ mang lại cho con người những khả năng nằm ngoài sức tưởng tượng – tôi nghĩ vậy.

Cô bạn đồng hành, rất may, đã kịp giơ điện thoại ghi lại hình ảnh một chú bé người Tạng rất đáng yêu đang háo hức kora quanh Đại Chiêu Tự. Rất khó để miêu tả chính xác biểu cảm trên gương mặt trẻ thơ ấy, bởi những nghi thức đảnh lễ phức tạp mà tôi vừa liệt kê được chú bé thực hành với vẻ hoan hỉ, hạnh phúc ngập tràn như thể trong một trò chơi con trẻ.

Đó cũng là hình ảnh vĩnh viễn neo lại trong ký ức của tôi, khi nhớ về hạnh nguyện ấp ôm một đời của mỗi người dân Tibet. Một hạnh nguyện thiêng liêng mà họ sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống của mình để hoàn thành, với tâm thế cực kỳ nhẹ nhàng và thanh thản.

Bài 2: Nỗi ám ảnh mang tên AMS

Bài 1: Quyến rũ những sắc màu Tây Tạng