Bình luận

Phán quyết của những cơ hội

Giờ đây, khi đã có một khoảng lùi về thời gian tương đối sau khi Tòa trọng tài thường trực theo Phụ lục VII Công ước LHQ về Luật Biển (Tòa trọng tài) ra phán quyết trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến những tranh chấp trên Biển Đông, người ta mới có điều kiện phân tích kỹ hơn về những tác động của phán quyết lịch sử này đối với diện mạo địa chính trị không chỉ của Đông-Nam Á, của châu Á, mà còn mang tính toàn cầu.

Người dân Philipines tuần hành mừng chiến thắng ở Manila.
Người dân Philipines tuần hành mừng chiến thắng ở Manila.

Xét một cách tổng thể, phán quyết này đã tạo ra những cơ hội chưa từng có đối với tất cả các bên, dù liên quan trực tiếp hay không trực tiếp đến những tranh chấp trên Biển Đông. Điều quan trọng là các bên nhìn nhận cũng như phản ứng thế nào trước phán quyết này, để những cơ hội mà nó tạo ra tác động tích cực hay tiêu cực đến lợi ích của chính mình cũng như toàn khu vực.

1. Điểm nổi bật nhất là phán quyết đã bác bỏ một cách chắc chắn hầu như toàn bộ những đòi hỏi, yêu sách vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong đó, phán quyết cho rằng yêu sách “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý. Ngoài ra, trước luận cứ của Trung Quốc về cái gọi là “quyền lịch sử” trên biển, mà trong nhiều dịp theo lãnh đạo Trung Quốc khẳng định là đã có từ hàng nghìn năm nay(!), phán quyết nói rõ không có bất cứ một quốc gia nào có thể tuyên bố một cách hợp pháp về cái quyền như vậy.

Đấy là nội dung cốt lõi của phán quyết ngày 12-7-2016. Nó bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc nên dễ hiểu là nước này không chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài phụ lục VII, ngay cả khi nó còn chưa được công bố.

Mặc dù mang tính ràng buộc nhưng lại không có các cơ chế để thi hành, câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh, bên cạnh việc ra tuyên bố bác bỏ phán quyết, có khả năng sẽ xem phán quyết “như là một tờ giấy lộn”, như cái cách mà Đới Bỉnh Quốc, một nhà cựu ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc đã tuyên bố tại cuộc đối thoại Trung – Mỹ diễn ra ở Washington, một tuần trước khi có phán quyết?

Câu trả lời là nếu Trung Quốc hành xử như vậy, nước này sẽ tự đặt mình vào vị trí đi ngược lại với luật pháp quốc tế. Trung Quốc rất có thể đã phạm phải sai lầm chiến lược khi đã bỏ qua một cơ hội quý giá là cùng tham gia với Philippines trên tiến trình pháp lý, nơi Trung Quốc có thể tự mình bảo vệ các luận cứ của mình trước một tòa án của LHQ. Có lẽ khi quyết định như vậy, Trung Quốc có thể đã hy vọng vào những sức ép ngoài tòa có thể ngăn chặn thành công một tiến trình pháp lý quốc tế; nhưng cuối cùng, điều đó đã không xảy ra.

Nay, khi đã có phán quyết, Trung Quốc sẽ buộc phải lựa chọn vị thế: hoặc tuân thủ luật pháp quốc tế hoặc ngược lại.

Không mấy ai có ảo tưởng rằng phán quyết sẽ khiến cho Trung Quốc giảm bớt những hành động ngỗ ngược trên Biển Đông. Trung Quốc có thể nhún vai và không làm gì hết, hoặc thậm chí không loại trừ khả năng là trong những thời điểm mà Trung Quốc cho rằng thích hợp về chính trị hoặc ngoại giao (sau hội nghị G20 ở Hàng Châu vào đầu tháng 9 tới hoặc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn nước rút tháng 11...), sẽ có những biện pháp quyết liệt nhằm bác bỏ phán quyết trên thực địa.

Nhưng, như nhiều lần các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã từng tuyên bố về sự “trỗi dậy trong hòa bình”, thế giới sẽ đánh giá tính xác thực của những tuyên bố đó dựa trên các hành động của Trung Quốc sau khi có phán quyết, chứ không phải vào các mỹ từ mà phía Trung Quốc luôn sẵn có. Không có bất cứ một quốc gia nào có thể trở thành cường quốc nếu tự tách mình ra khỏi trật tự của luật pháp quốc tế, với uy tín bị ổn hại bởi những hành vi bị cộng đồng quốc tế lên án.

Phán quyết ngày 12-7 đã tạo một cơ hội để Trung Quốc tiếp tục lộ trình trở thành cường quốc, bằng cách tuân thủ luật pháp quốc tế, trước hết là trên Biển Đông, chứ không phải bằng việc ngày ngày huy động các học giả cặm cụi vẽ ra những “bằng chứng” pháp lý hoặc “chủ quyền lịch sử”, hay bằng những hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, gây lo ngại cho hầu hết các nước láng giềng.

2. Mỹ không phải là quốc gia tham gia UNCLOS 1982 (mặc dù Tổng thống B.Obama và nhiều chính trị gia của Mỹ liên tục thúc giục Thượng viện phê chuẩn hiệp ước này nhằm nâng cao vai trò của Mỹ trong các vấn đề quốc tế). Mỹ cũng tự hạn chế mình bởi nguyên tắc không đứng về bên nào trong các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ.

Phán quyết của những cơ hội ảnh 1

Tàu sân bay Mỹ hiện diện trên Biển Đông.

Nhưng chung quanh những tranh chấp ở khu vực Biển Đông, nguyên tắc cơ bản Mỹ thường tuyên bố là ủng hộ quyền tự do hàng hải, hàng không và mọi tranh chấp phải được giải quyết thông qua đối thoại hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Phán quyết ngày 12-7 đã tạo ra một cơ hội thuận lợi để Mỹ tiếp tục đường hướng này trong sự can dự ở Biển Đông. Trước đây, Trung Quốc thường xuyên cáo buộc Mỹ có ý đồ kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc thông qua việc thiên vị một số bên ở Biển Đông. Nếu như trước phán quyết, các hành động của Mỹ ở khu vực này được xem như là nhằm kéo bè kéo cánh để chống lại Trung Quốc, thì nay, phán quyết của Tòa án quốc tế đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để hậu thuẫn cho các hành động của Mỹ với mục đích duy trì luật pháp quốc tế.

Nằm trong bối cảnh rộng lớn của chiến lược tái cân bằng lại lực lượng, phán quyết của Tòa trọng tài ngày 12-7 là một điểm lợi thế cho Mỹ trong chiến lược “xoay trục” sang khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Ngay cả trước khi tòa ra phán quyết, tại Đối thoại Shangri La đầu tháng 6 ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã không ít lần nhấn mạnh về việc thiết lập một “mạng lưới an ninh có tính nguyên tắc” ở khu vực này. Khi đã có phán quyết, Mỹ có thể tiếp tục đẩy mạnh chiến lược này với sự ủng hộ về mặt pháp lý, củng cố quan điểm của ông A.Carter rằng nếu không tuân thủ phán quyết, Trung Quốc sẽ tự xây nên một bức “Vạn Lý Trường Thành của sự cô lập”.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có thể đi xa đến đâu trong việc duy trì quan điểm bảo đảm tự do an toàn an ninh hàng không hàng hải ở khu vực Biển Đông, một khi Trung Quốc có những động thái quyết đoán trên thực địa nhằm bác bỏ phán quyết?

Câu trả lời sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc hai bên phải cân nhắc những rủi ro có thể có, khi mà các va chạm có thể dẫn tới xung đột. Quá khứ đã cho thấy rằng yếu tố “lợi ích” trong quan hệ Mỹ-Trung luôn được ném lên bàn cân và mang tính quyết định đối với các vấn đề địa chính trị của cả hai phía. Một “quan hệ nước lớn kiểu mới”, như lãnh đạo Trung Quốc từng nhiều lần đề cập với Mỹ, chắc chắn sẽ chi phối những toan tính của cả Washington lẫn Bắc Kinh.

3. Là bên tham gia vụ kiện ở La Hay, Philippines được đánh giá là được lợi nhiều nhất trong phán quyết của Tòa. Phán quyết của Tòa sẽ mang lại cơ hội lớn cho Philippines trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Trung Quốc, điều mà tân Tổng thống Rodrigo Duerte đã nhiều lần nhấn mạnh. Trên thực tế, Philippines đã triển khai kế sách này bằng việc cử phái viên, cựu Tổng thống 88 tuổi Fidel Ramos đi “phá băng” quan hệ với Trung Quốc. Nhưng Philippines cũng sẽ phải hết sức thận trọng khi tận dụng những cơ hội (lợi thế) mà phán quyết mang lại, đơn giản bởi thực lực của nước này ở những vùng tranh chấp với Trung Quốc không tương xứng.

Phán quyết của tòa trọng tài cũng là một cơ hội nhằm thử nghiệm tinh thần đoàn kết của ASEAN, tổ chức đã chuyển sang giai đoạn mới với việc hình thành cộng đồng gồm ba trụ cột vào cuối năm 2015. Như đã nhiều lần chứng tỏ trước đây, ASEAN luôn đóng một vai trò trung tâm trong các vấn đề an ninh khu vực và Biển Đông không phải là ngoại lệ. Nguyên tắc “đồng thuận” của ASEAN đã không ít lần bị thử thách, nhưng lập trường của ASEAN, ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế luôn là điểm xuyên suốt trong các tuyên bố của ASEAN.

Là quốc gia không có yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông, Nga vẫn hết sức cẩn thận để không bị lôi kéo vào những rắc rối trong khu vực. Tuy nhiên, lợi ích chiến lược của một cường quốc khiến cho nước Nga vẫn buộc phải lên tiếng. Phương hướng tiếp cận của nước Nga là phản đối Mỹ can thiệp vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng lại không được để cho thế giới hiểu rằng Nga đứng cùng phía với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp ở khu vực. Bởi thế, có thể hiểu được khi Nga có thái độ trung dung trước Phán quyết của Tòa trọng tài, không đứng về bên nào trong các tranh chấp, trái ngược hoàn toàn với những tuyên bố của phía Trung Quốc cố gây nên cảm tưởng sai lầm rằng Nga ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề này.

*

* *

Rất ít người biết đến các thẩm phán của Tòa trọng tài thường trực ngồi làm việc trong căn phòng gỗ ốp kính mờ ở La Hay do Sa hoàng Nicolai 11 của Nga xây dựng từ năm 1899, nhưng phán quyết họ đưa ra hôm 12-7 đã làm rung chuyển thế giới. Việt Nam hoan nghênh Tòa trọng tài thường trực ra phán quyết, ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Đây là cơ hội để hạ nhiệt ở Biển Đông, biến khu vực này thành một khu vực hòa bình, ổn định, bảo đảm an toàn an ninh hàng hải, cùng nhau phát triển vì sự thịnh vượng chung của toàn khu vực.

Không có bất cứ một quốc gia nào có thể trở thành cường quốc nếu tự tách mình ra khỏi trật tự của luật pháp quốc tế, với uy tín bị ổn hại bởi những hành vi bị cộng đồng quốc tế lên án.