Kỷ nguyên vàng của hội họa Hà Lan

Vào tham quan các bảo tàng mỹ thuật lớn trên thế giới, nhất là ở phương Tây, ta sẽ luôn tìm thấy một khu vực trưng bày tranh riêng biệt dành cho hội họa Hà Lan thế kỷ mười bảy. Không chỉ vì chất lượng của các tác phẩm thời kỳ này mà còn vì số lượng đồ sộ được sản xuất ra bởi các họa sĩ đương thời. Bắt đầu từ năm 1568, khi người Hà Lan nổi dậy chống sự cai trị của triều đình Tây Ban Nha, vùng đất này đã đạt được những tiến bộ thần kỳ về mọi mặt: kinh tế, khoa học, kỹ thuật, quân sự và văn hóa. Với nền sản xuất tư bản tiên tiến, đến đầu thế kỷ sau, thời điểm Hà Lan chính thức được công nhận độc lập thì đất nước này đã trở thành quốc gia giàu có bậc nhất châu Âu với một xã hội tự do và dâ

Bài học giải phẫu của bác sĩ Nicolaes Tulp, Rembrandt, 1632, sơn dầu trên vải,169.5 ×216.5 cm.
Bài học giải phẫu của bác sĩ Nicolaes Tulp, Rembrandt, 1632, sơn dầu trên vải,169.5 ×216.5 cm.

Thị trường nghệ thuật và nhu cầu mua tranh

Khi chiến sự với quân Tây Ban Nha (1568-1648) đi dần đến hồi kết cũng là lúc Hà Lan bắt đầu ổn định và số lượng thương nhân giàu có tăng lên nhanh chóng. Đô thị hóa cao độ đã sinh ra tầng lớp trung lưu và thị dân, những người đã đủ ăn đủ mặc và dần xuất hiện nhu cầu mua tranh. Trước hết là tranh chân dung để lưu lại hình ảnh của bản thân và gia đình, đa phần các họa sĩ kiếm sống nhờ thể loại này. Có một bức tranh chân dung trong nhà vừa thể hiện được tiềm lực kinh tế lại vừa khẳng định được địa vị xã hội. Phòng khách của các nhà giàu thường dùng cho việc ký kết hợp đồng, thanh toán tiền nong nên việc treo mươi, mười lăm bức tranh ở đây nhằm tạo sự yên tâm cho khách hàng về khả năng tài chính của gia chủ. Lần đầu tiên trong lịch sử phương Tây, những người bảo trợ cho các họa sĩ không còn dừng lại ở giới tăng lữ nhà thờ và quý tộc mà phạm vi đã mở rộng đến mọi tầng lớp, những khách hàng thật sự, có tiền và cần tranh.

Việc vẽ tranh trở thành một nghề chính thức và số lượng họa sĩ tăng đột biến. Họ đã làm việc cật lực và di sản để lại sau gần hai thế kỷ thật khổng lồ, người ta ước tính số lượng tranh Hà Lan phải lên đến vài triệu bức. Sau gần bốn trăm năm, dù chỉ 1% số đó tồn tại thì ngày nay lượng tranh Hà Lan trên khắp thế giới vẫn còn tương đối nhiều. Với số lượng lớn họa sĩ hành nghề và sản lượng tranh rất cao thì thị trường đã tự điều tiết khiến giá tranh trở thành rất rẻ. Có hai ghi chép đáng chú ý của người ngoại quốc là của hai khách lữ hành người Anh Peter Mundy và William Aglionby. Peter là một thương nhân đã đi rất nhiều nơi, sang cả Trung Hoa và Nhật Bản, vậy mà khi đến Amsterdam năm 1640 đã phải ngạc nhiên trước sự yêu thích tranh của người Hà Lan: “Nói về hội họa và tình cảm yêu quý của người ta dành cho những bức tranh thì tôi nghĩ không ở đâu có thể bì được với nơi đây”. Ông cho biết không chỉ những thương nhân giàu có mà ngay cả thợ làm bánh mì, thợ sửa giày, anh hàng thịt hay bác thợ rèn cũng có tranh treo trong nhà. William ghi lại trong tác phẩm Phản ánh hội họa qua ba cuộc đối thoại (1686) sự kinh ngạc của mình khi chứng kiến “những căn nhà của người Hà Lan tràn ngập các bức tranh, từ những người giàu nhất cho đến những người nghèo nhất”. Ta có thể thấy điều này là sự thực vì vô số bức tranh thời kỳ đó mô tả các không gian nội thất khác nhau có sự xuất hiện của các khung tranh treo trên tường.

Baroque Hà Lan và thứ bậc trong nghề vẽ

Kỷ nguyên vàng của hội họa Hà Lan ảnh 1

Cô gái đeo hoa tai ngọc trai, Johannes Vermeer, 1665, sơn dầu trên vải, 44.5 cm × 39 cm.

Kỷ nguyên vàng Hà Lan diễn ra đồng thời với trào lưu Baroque (Ba-rốc) ở châu Âu nên các họa sĩ Hà Lan chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của trường phái này, một số danh họa như Rembrandt và Vermeer còn trở thành đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật Baroque. Tuy nhiên người Hà Lan với chất thực dụng và giản dị Bắc Âu vẫn tạo ra những khác biệt cơ bản với các nhánh Baroque Pháp và Nam Âu. Baroque Hà Lan tập trung phản ánh hiện thực và mô tả nó rất chất phác mà chi tiết, không lý tưởng hóa nhân vật, không thể hiện tình yêu và dục vọng mỹ miều, không có những chi tiết lộng lẫy và phù phiếm, khác hẳn với người anh em miền nam ở Bỉ thường mô tả cơ thể phụ nữ sồ sề và đàn ông thì cơ bắp cuồn cuộn. Còn những tính chất cơ bản khác của Baroque, chủ yếu là về kỹ thuật thì vẫn được bảo toàn: lối dùng màu đậm, nét, có chiều sâu, áp dụng chính xác luật xa gần và phối cảnh với ánh sáng trong tranh tương phản sáng - tối cao độ, hay với đề tài tôn giáo thì tranh thường miêu tả kịch tính cao trào. Ngoài ra có một chi tiết về ánh sáng rất lạ trong tranh Hà Lan mà ít người để ý: đó là ánh sáng luôn đi vào tranh từ bên trái, nguồn sáng thường hắt qua cửa sổ từ phía trái, đến nay người ta vẫn không lý giải được tại sao lại như vậy.

Chính quyền mới không còn bắt buộc toàn dân phải theo Công giáo La Mã như trước nên đề tài tôn giáo không còn chiếm vị trí độc tôn trong mỹ thuật nữa. Đồng thời nơi đây đã có truyền thống vẽ các đề tài hiện thực từ trước, nay lại gặp thời khi người dân đua nhau trả tiền cho họa sĩ, đã tạo ra một thời kỳ độc đáo bậc nhất với vô vàn đề tài phong phú khác nhau. Tuy nhiên khi phân loại người ta thấy chỉ có năm thể loại chính. Mặc dù các họa sĩ không chính thức công nhận hệ thống phân cấp trong hội họa, nhưng rõ ràng luật bất thành văn về đẳng cấp của các đề tài vẫn được ngầm chấp nhận. Danh giá nhất vẫn là tranh có đề tài lịch sử (bao gồm tôn giáo, truyền thuyết và văn học cổ). Tiếp đến là tranh chân dung. Người ta thuê vẽ tranh chân dung nhiều nhất là khi làm đám cưới và vẽ cả gia đình (y hệt như nghề ảnh bây giờ vậy). Kế đến là tranh vẽ cuộc sống thường nhật. Đây là thể loại tranh thú vị nhất của hội họa Hà Lan vì nó mô tả đa chiều cuộc sống của người dân từ từng vật dụng giản dị trong nhà cho đến lối ăn mặc. Đây là một nguồn sử liệu quý giá hiếm nơi nào có được. Thứ tư là tranh phong cảnh (bao gồm thiên nhiên và đô thị). Xếp cuối bảng là tranh tĩnh vật. Tuy nhiên mỗi hình ảnh trong tranh đều mang một ý nghĩa tượng trưng về đạo đức chứ không đơn thuần là những đồ vật vô tri vô giác.

Chất liệu sơn dầu

Ngày nay sơn dầu đã trở thành một chất liệu vẽ rất phổ biến. Nhưng ít ai biết rằng, người Hà Lan đã tạo ra và biến sơn dầu trở thành một sản phẩm tiện dụng, cho hiệu quả nghệ thuật cao và... siêu bền. Sơn dầu đã thay thế hoàn toàn tempera (mầu vẽ trộn bằng lòng đỏ trứng, sữa và keo) của thời Phục Hưng và Trung Cổ.

Nguyên liệu đầu tiên của sơn dầu là “dầu”, được ép từ các loại hạt, trong đó có hạt của cây lanh - một loại cây công nghiệp. Sau đó người ta lấy dầu lanh đem pha loãng với dầu thông và trộn cùng bột mầu tạo thành hỗn hợp sơn dầu - một loại mầu vẽ bóng bẩy và có thể dùng để miêu tả tự nhiên và quần áo một cách chân thực. Các họa sĩ nhanh chóng nhận ra những đặc tính ưu việt của loại chất liệu mới này: phản quang tốt, tạo hiệu ứng ánh sáng giống thật, dễ pha mầu, trơn ướt và quan trọng là lâu khô.

Không chỉ mầu vẽ mà cái nền để vẽ lên cũng đã có những thay đổi mang tính cách mạng. Chất liệu ở các tranh đương thời đa phần là “sơn dầu trên vải” (tiếng Anh: oil on canvas). Thời kỳ này ngành hàng hải của châu Âu đang phát triển như vũ bão và các họa sĩ Ý đã tìm ra một chất liệu tuyệt vời, vốn dùng làm buồm cho tàu thuyền: vải lanh. Cũng từ cây lanh, lần này là thân cây phơi khô rồi tước thành sợi, người ta đã dệt nên một loại vải vô cùng bền chắc. Đến thế kỷ 17 thì vải lanh được sử dụng rộng rãi trong hội họa Bắc Âu vì nó nhẹ, dễ sử dụng và căng lên khung là vẽ được tranh khổ lớn thoải mái.

Nhờ có hai chất liệu tiến bộ này mà hội họa Hà Lan đã phát triển với một tốc độ thần kỳ. Các bức tranh vẽ ra đạt chất lượng cao và giá thành giảm đã khiến nghệ thuật đi vào cuộc sống của nhân dân một cách vô cùng tự nhiên.