Ðào tạo cán bộ làm công tác dân số

Tính đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Chi cục DS - KHHGÐ thuộc Sở Y tế. Ðến tháng 9-2008, số biên chế của 62 Chi cục DS - KHHGÐ được phân bổ năm 2008 (trừ Chi cục DS - KHHGÐ TP Ðà Nẵng chưa được phân bổ)  là 1.051 người, bình quân 17 người mỗi chi cục.  Ở cấp huyện, tính đến ngày 20-11-2008, có 59/63 tỉnh, thành phố  ban hành quyết định thành lập Trung tâm DS - KHHGÐ cấp huyện với 605 trung tâm, nhưng mới có 367 trung tâm đã kiện toàn bộ máy, và từng bước triển khai các dự án thuộc chương trình mục tiêu DS - KHHGÐ.  Số trung tâm còn lại (chiếm 37,7%) vẫn chưa triển khai đồng bộ các nhiệm vụ được giao vì chưa có đủ bộ máy, cán bộ, con dấu và tài khoản. Tại tuyến xã, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS - KHHGÐ (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Tân, đến nay mới có 26 địa phương tiến hành bàn giao chức năng, nhiệm vụ hoặc cán bộ chuyên trách công tác DS - KHHGÐ cấp xã về trạm y tế xã, nhưng mới có 15 tỉnh, thành phố  phân bổ chỉ tiêu biên chế làm công tác DS - KHHGÐ cho y tế xã. Do một số địa phương chưa phân định rõ chức năng nhiệm vụ quản lý cấp trên của tuyến xã, cho nên việc chuyển cán bộ DS - KHHGÐ về trạm y tế xã còn tạm thời. Một số địa phương khác chờ đợi việc ban hành quy định về quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công  mới sắp xếp, ổn định cán bộ chuyên trách công tác DS - KHHGÐ xã. 

Thực tế cho thấy, ngành dân số đang phải đối mặt với nhiều khó  khăn,  thách thức, nhất là  đội ngũ cán bộ làm công tác DS - KHHGÐ ở tuyến xã. Trong hội nghị giao ban đầu năm 2009 các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân làm chậm và thiếu cán bộ làm công tác DS - KHHGÐ là do Thông tư liên tịch số 08/2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ chưa được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, nhiều địa phương không có căn cứ để phân bổ chỉ tiêu biên chế sự nghiệp cho Trung tâm DS - KHHGÐ huyện, cho nên  cũng chưa có chỉ tiêu để tuyển dụng cán bộ DS - KHHGÐ xã theo Thông tư 05 (về tuyển dụng biên chế y tế xã). Chia sẻ khó khăn này, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Ðồng Tháp cho biết: Cái vướng mắc của Ðồng Tháp cũng là thiếu cán bộ làm công tác DS - KHHGÐ. Tỉnh cũng không biết "kêu ai", bởi Sở Nội vụ chưa ra chỉ tiêu biên chế. Trong khi đó, Sở Nội vụ lại yêu cầu phải có thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ thì mới có cơ sở trình UBND tỉnh giao biên chế. Vì chưa đủ cán bộ, cho nên nhiều cán bộ y tế xã phải kiêm nhiệm cả công tác tuyên truyền dân số.  Cùng chung khó khăn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Hữu Nghĩa cho biết: Năm 2008, tỉnh được phân 18 chỉ tiêu biên chế. Năm 2009 là 22 chỉ tiêu, tuyến huyện sáu chỉ tiêu. Hiện nay, tuyến tỉnh và huyện đã ổn định. Riêng tuyến xã, thực hiện  theo  Thông tư 05,  mới chỉ tuyển được 30 đến 40%; vẫn còn thiếu gần 70% số cán bộ xã làm công tác DS - KHHGÐ. Nếu theo tiêu chuẩn của Thông tư 05 (biên chế cho cán bộ y tế xã làm công tác dân số, tối thiểu phải tốt nghiệp trung cấp) đối với tuyến xã là  quá cao. Nếu để đủ chỉ tiêu biên chế cho tuyến xã, cũng phải mất ba đến năm năm nữa mới có đủ người để tuyển dụng. Tại các tỉnh Gia Lai, Bình Dương, Bình Phước... tình trạng cũng tương tự.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Bá Thủy cho biết: Kết quả điều tra nhu cầu đào tạo của Tổng cục DS - KHHGÐ năm 2008  cho thấy, 68,8% số cán bộ truyền thông của chi cục DS - KHHGÐ các tỉnh, thành phố thiếu kiến thức và kỹ năng truyền thông. Vì vậy, thời gian tới, nhiệm vụ cấp bách của ngành là xây dựng một đội ngũ cán bộ truyền thông đủ về số lượng và vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ. Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng đề án mở thêm mã ngành đào tạo trung cấp về DS - KHHGÐ bao gồm cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và tài liệu đào tạo DS - KHHGÐ cho giai đoạn tới.  Trước mắt, sẽ đào tạo thí điểm tại một số tỉnh, thành  phố sau đó triển khai thực hiện đào tạo tại tất cả các trường trung cấp y tế tại các tỉnh, thành phố. Ðối với cán bộ chuyên trách DS - KHHGÐ xã chưa đủ tiêu chuẩn có thể đào tạo được, có nhu cầu công tác, ngành y tế đề nghị các tỉnh, thành phố xem xét để tuyển dụng. Mặt khác, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý chương trình DS - KHHGÐ và nghiệp vụ về truyền thông, quản lý cho đội ngũ cán bộ tỉnh, huyện, xã; tập huấn mới cho cán bộ xã,v.v. Tại cuộc giao ban các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long vừa tổ chức, nhiều giải pháp được nêu ra đều cho rằng: Ðối với  tuyến xã, ổn định lực lượng làm việc cho đến năm 2010  nhằm thực hiện xong chiến lược dân số. Trong thời gian đó, ngành chủ động đào tạo chuyên môn cho đội ngũ làm DS - KHHGÐ mới được tuyển dụng để khi xong chiến dịch 2010, đội ngũ cũ rút lui,  đội ngũ mới  thay thế  ngay được. Mặt khác, cần  có  hướng giải quyết tích cực về việc nâng cao nghiệp vụ đối với những người chưa đủ điều kiện tuyển dụng theo Thông tư 05, nhưng có kinh nghiệm làm công tác vận động tuyên truyền KHHGÐ. Theo đó, xem xét cho những trường hợp còn độ tuổi, lại có năng lực nguyện vọng phù hợp công tác DS - KHHGÐ, sẽ cho đào tạo đạt   chuẩn tiêu chuẩn  theo yêu cầu mới để tuyển dụng. Hiện  ngành y tế đang khẩn trương xây dựng tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức DS - KHHGÐ, do đó còn nhiều khó khăn cho việc tuyển dụng cán bộ DS - KHHGÐ tại các trung tâm DS - KHHGÐ tuyến huyện và  tuyến xã. Ðể giải quyết bất cập này, trước mắt, ngành y tế cần sớm có chương trình đào tạo, đào tạo lại cán bộ DS - KHHGÐ cho phù hợp tình hình thực tế; đáp ứng yêu cầu đặt ra là  bảo đảm  kiến thức và kỹ năng truyền thông DS - KHHGÐ, hoàn thành đạt và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch giảm sinh dân số do Quốc hội đề ra.