Khát việc, ở "chợ người" ven sông Hồng

Được lập ra cách đây không lâu, có thể nói chợ lao động nằm ngay dưới chân cầu chui Nguyễn Khoái, phường Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nọi, là nơi kiếm sống của rất đông những người lao động ngoại tỉnh. Mỗi tối nơi đây có từ 70 - 100 người thường xuyên tụ họp.

Bắt đầu từ 7 giờ tối là người lao động từ khắp ngõ ngách, trong các khu trọ bình dân dành cho người lao động nghèo quanh đó như: khu cảng Vân Đồn, cầu Mai Động, Chương Dương … túa ra. Họ đi thành từng đoàn, già có, trẻ có, nhưng phần đông là ở độ tuổi trung niên. Người ôm thúng, người vác cuốc, xẻng và các đồ nghề phục vụ cho công việc.

Họ tràn ra, đứng đông nghịt hai bên lề đường dẫn vào cầu chui. Cuốc, xẻng, thúng, mủng vứt ngổn ngang. Cái nóng đầu hè ban ngày còn sót lại làm  không khí càng thêm ngột ngạt. Bụi đường cuộn lên mù mịt mỗi khi xe cộ chạy qua. Mùi khói thuốc lá, thuốc lào phả ra, quyện với mùi hôi thối nồng nặc xộc ra từ bãi rác ngay sau đó khiến người ta phải chun mũi.

Nhưng, những người lao động đứng ở đây, dường như đã quá quen thuộc với nó, không những thế mà họ còn cười đùa, trêu chọc nhau.

Người lao động ở đây đến từ khắp các nơi như: Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc … Phần lớn là đàn ông ở độ tuổi trung niên và một số là thanh niên. Ai nấy đều dán mắt vào những chiếc xe tải bê bết bùn đất chạy qua. Hễ chiếc nào mới chỉ phanh chưa kịp dừng lại họ đã chạy ào ra, xô nhau bâu kín hai bên cửa xe, nhao nhao mặc cả. Những người không chen được chạy vòng ra đầu xe. Đập tay thùm thùm vào kính, xòe các ngón tay ra để làm giá. Có người còn cầm luôn cuốc xẻng, thúng mủng vứt lên thùng xe hoặc trèo tót lên cabin ngồi cùng lái xe để thỏa thuận giá.

Chứng kiến cảnh ấy, mới thấy người lao động khao khát việc làm và được làm việc biết chừng nào. Họ tìm mọi cách để có được việc làm, mặc dù không được trả công xứng đáng còn hơn ngồi không. Bỗng  đâu một chiếc xe tải lao tới phanh kít một cái, thế là mọi người ai nấy quáng quàng vơ vội bộ đồ nghề tranh nhau chạy ra.

Sau một hồi "cò kè bớt một thêm hai", chọn được ba người, chiếc xe phóng đi. Bụi cuốn mù mịt, trùm lấy những người ở lại đang đứng nhìn theo tiếc nuối. Họ quay trở lại chỗ đứng, tiếp tục hy vọng xe khác sẽ tới lượt mình. Một trong số những người không được chọn, tay cầm cái thúng, tay kéo lê xẻng trên đường, thất thểu quay trở lại, mặt buồn thiu, ngồi bệt xuống nền đường. Nghe tôi gợi chuyện, sau một thoáng e ngại, anh kể: "Công việc của chúng em chủ yếu là đào đất, đội cát, đá… Phải làm vào ban đêm, tuy có nặng nhọc vất vả đôi chút nhưng ở quê không có việc làm cứ trông vào mấy sào ruộng thì không đủ ăn tiêu. Vả lại em đi làm kiếm thêm chút tiền cuối năm cưới vợ".

Chàng thanh niên tên là Phạm Văn Tài, sinh năm 1978, quê Thái Bình. Người ta vẫn thường nói một đêm bằng ba ngày để thấy được sự vất vả của làm đêm. Vậy mà gần 2 năm nay, Tài hầu như làm thông từ tối đến 8 giờ sáng hôm sau. Có khi nhận được công trình làm ngày, anh em bảo nhau làm luôn đến chiều rồi nghỉ một thể. Ước tính mỗi đêm tài phải đội từ 120 - 150 thúng đất, đá hoặc cát, tùy theo công việc được giao.

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, Lê Thọ, quê Vĩnh Phúc chen ngang: "Thế đã thấm tháp gì! Mình là đàn ông, không đi làm cứ ru rú ở nhà bám váy vợ, khi nào mới khá lên được!".

Thọ lên đây làm đã hơn hai năm, tiền công mỗi tháng, khi trừ ăn tiêu cũng gửi được về cho gia đình được hơn một triệu cho con cái ăn học. Hiện anh đang thuê trọ ở khu Vân Đồn. Nghe tôi ngỏ ý muốn đến thăm nơi anh ở, anh tỏ ra lo ngại bảo: "nhà chủ rất khó tính". Thọ kể, trước kia, cũng có một vài nhà báo đến quay phim, chụp ảnh, nhưng bà chủ không cho và dặn những người thuê trọ không cho ai người lạ vào phòng.

Sau một  hồi mỏi miệng thuyết phục, anh cũng gật đầu đồng ý. Vậy là tôi thành "cô em họ" đến thăm "anh trai". Mặc dù vậy vẫn bị bà chủ ngồi bán nước ngay cửa nhà, soi từ đầu đến chân.

Bước vào nhà, đập vào mắt tôi là chiếc gác xép cách đầu người vài gang tay, bên ngoài có che một tấm ri đô nhem nhuốc, dúm dó. Anh cho biết đó là chỗ ở của cả gia đình bà chủ, còn hai phòng thì dành cho gần 30 người thuê.

Hai bên lối vào la liệt thúng mủng, cuốc xẻng, búa chim vứt ngổn ngang. Vừa hôm trước Thọ kể, trước phòng anh chỉ có tám người, nhưng hôm qua về ngủ đã thấy có thêm năm, sáu người nữa, không biết đến từ bao giờ.

Tôi bước vào căn phòng rộng hơn 4m2, người ngồi, người nằm ngổn ngang dưới sàn nhà. Ba lô, túi xách đủ loại vứt chỏng chơ, chăn chiếu được cuộn thành một đống vứt trong xó, tường nhà lem luốc bởi những vết chân đạp vào. Trong phòng này chủ yếu là người Thanh Hóa trọ. Hôm qua mới có ba bố con người ở Quảng Xương, Thanh Hóa chuyển vào nhưng bố con họ đã đi làm từ sáng đến giờ vẫn chưa thấy về, họ rất chịu khó có lẽ phải 12 giờ đêm mới về. Ở đây, nếu muốn đi vệ sinh phải ra nhà vệ sinh công cộng, bởi nhà chủ sợ đông người dùng quá, tắc cống. Nước sạch là thứ xa xỉ được chủ nhà hết sức tiết kiệm, ai giặt quần áo mà để nước tràn mặt chậu là bị nói ngay.

Không chỉ ở  nơi anh trọ, ở đây nhà nào cho thuê cũng vậy, bởi số lượng người tụ về đây khá đông. Trong số này một nửa làm đêm, phần còn lại làm ngày. Sở dĩ phải làm đêm bởi quy định của thành phố không cho xe tải nặng chở đất đá chạy trong nội thành vào ban ngày. Một phần khác cũng do dân cư quá đông, đường phố lại chật hẹp nên không có chỗ để vật liệu xây dựng, nếu đổ ra đường vào ban ngày sẽ gây tắc đường. Lại có trường hợp do phá nhà ra xây dựng lại hay tu sửa, những nguyên vật liệu hỏng, dư thừa không có chỗ đổ, không còn cách nào khác là phải chờ đến đêm thuê người bốc đổ đi nơi khác. Vậy nên, họ cũng chính là tác giả của những đống phế thải xây dựng, tự dưng một đêm mọc ra đâu đó giữa phố phường Hà Nội. Rác vô chủ, họ vô can, còn vệ sinh thành phố thì "vô phương"cứu.

Tưởng chừng những công việc vất vả, nặng nhọc này là của cánh nam giới. Nhưng không ít các chị em vì nhiều lý do cũng phải lao vào.

Chị Hường, quê ở Xuân Trường, Nam Định tâm sự: "Mình là đàn bà, sức khỏe có hạn, không như đàn ông. Tuy làm có vất vả, nhưng cũng có cái lợi về mùa hè không bị nắng, nóng, vả lại làm lâu rồi cũng quen".

Mặc dù đã 50 tuổi, lại trọ tận Thái Hà, nhưng cứ đến tối là chị lại cùng chồng đạp xe lên đây để tìm việc. Có hôm phải làm ngày, chị không về nhà trọ nghỉ mà mua cái bánh mỳ ăn cho qua bữa rồi đi thẳng lên đây xem có ai thuê không thì đi làm. Cứ như vậy, hai vợ chồng chị đã nuôi được hai đứa con đang học đại học, một đứa học năm thứ thứ 3 Đại học Văn hóa, một đứa năm thứ 2 Học viện Bưu chính viễn thông.

Thế mới biết nghị lực vươn lên của con người ta ghê gớm. Nó khác xa với cuộc sống của nhiều người khác, cũng phận cày cuốc làm thuê, tay làm hàm nhai đấy, mà rồi nướng sạch những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình, hy vọng của bố mẹ già, vợ con lam lũ, vào những canh bạc thâu đêm, những "thú vui" bệnh tật của phồn hoa thị thành

Theo thời gian cái chợ tự phát này đã trở thành nơi kiếm cơm cho không ít người lao động nghèo khắp các nơi đổ về. Cũng có người từ đó mà khá giả lên đôi chút, cuộc sống gia đình ổn định hơn.

Nhưng đó chỉ là trước mắt.

Còn về sau này, nếu đến một ngày cái chợ này bị người ta giải tỏa bởi nó ảnh hưởng đến giao thông và gây mất mỹ quan đô thị những người lao động nghèo kia sẽ đi đâu, về đâu? Có thể họ sẽ về nhà, bắt đầu mọt ngày mới từ số vốn dành dụm được và có thể, họ lại đến một ngã ba, một gầm cầu mới, đẻ ra một cái chợ mới như cũ...