Biển không có sóng

Vẫn rặng phi lao ngày trước, nó xanh thẫm, gió rít lên tận trời. Minh ngồi trên cát, mắt hướng thẳng ra con thuyền duy nhất trên biển, nằm lặng im. Có quá nhiều thứ xác xơ, vỏ ốc, tảng xốp, củi mục. Chai nhựa rất nhiều, vỏ nước ngọt sting, bên trong mỗi chai đều có một mảnh giấy, cuộn tròn. Minh mở nắp, một chai, hai chai, tổng cộng là hai mươi ba chai nhựa có mảnh giấy ghi “em nhớ anh!”. Dòng chữ quá chừng quen thuộc, số chai bằng với số tuổi của Miu. Minh gom tất cả chai sting vùi xuống cát, hai mươi ba mảnh giấy anh xếp gọn đặt ngay ngắn vào chiếc ví rồi trở lại nhìn biển. Không có con sóng nào, biển mùa đông lạ lùng đến thế. Ông Viễn đứng đằng sau nhìn Minh thở dài.

Minh họa: Lê Thiết Cương
Minh họa: Lê Thiết Cương

- Con định đứng đây cho đến đêm?

Minh quay lại ôm chầm ông Viễn rồi khóc.

- Bố ơi! Con có lỗi với Miu.

- Cắt! - Tiếng đạo diễn hô nghe rõ, người đóng vai ông Viễn cười hể hả rồi đi uống nước. Người đóng vai Minh vẫn đứng nhìn biển trân trân. Bạn của anh chụp mấy bức ảnh tung lên facebook, status “kẻ bạc tình nhưng trông si tình thấy ớn”. Họ đưa anh xem. Đúng rồi, đây mới chính là người đóng vai Minh.

Đường làng, chập tối người vắng tênh. Bây giờ là mười chín giờ ba mươi, Trung xem đồng hồ. Không phải là con đường này, đường về nhà Miên qua thị trấn Hạ Đan rẽ phải, đi qua cánh đồng đến xóm An Minh có cửa hàng bán vật liệu xây dựng rẽ trái. Đường này không phải. Đây là lần thứ hai Trung tìm về nhà Miên. Trên năm mươi cây số với bao xóm làng, lạc cũng phải. Điện thoại của Miên, Trung bắt máy, anh nói với Miên rằng anh đang chạy xe. Đi đâu? Miên hỏi. Lát anh điện lại, Trung đáp rồi cúp máy. Hay ho thật, Miên nằm xuống chiếc giường nhỏ. Ở đây chán ngắt. Rừng núi bao quanh, tiếng người ít, tiếng thú thì nhiều. Chỉ có tiếng mấy đứa học trò là ưa nghe, nhưng chỉ được ban ngày, rộn rã vào giờ ra chơi. Miên không điện lại cho Trung nữa, nhưng cứ nằm chỏng chơ thế này rồi cũng không thể nào ngủ được. Miên đã quen với sự quan tâm từ phía Trung, dù đó là tin nhắn vu vơ, thậm chí là cuộc gọi nhỡ. Miên gửi đi một tin nhắn: “Anh đang ở đâu?”. “Thử đoán xem” - Trung đáp lại. “Nhà anh”. “Không phải, sai rồi”. “Thế ở đâu?”. “Nhà người khác”. “Nhà T. à?”. “Gì chứ, thôi để anh nói, anh đang ở nhà em”. Miên ngạc nhiên, hạnh phúc. Mặc dù không có Miên ở đấy anh vẫn tìm về. “Khùng thật đấy” - Miên nhắn lại rồi trùm chăn kín mặt.

- Trung, nghỉ ngơi để diễn cảnh hai chứ?

Tiếng người đóng vai ông Viễn, mọi người nhìn Trung lắc đầu. Nhập vai kiểu đó mà đóng “Ma đao thần chưởng” chắc gay go quá. Trung quay lại, đôi mắt đỏ lừ trong hàng mi đẫm ướt. Đau mắt quá! Trung nói, đạo diễn mím môi. Ông ta tới sát nhìn Trung.

- Quay luôn những cảnh buồn nhé? Kể cả cảnh buồn tạm bợ. Hiếm khi có đôi mắt chán nản như vậy.

Trung lặng im chẳng nói gì. Quay phim cứ quay, diễn viên cứ diễn. Tối đoàn làm phim lên xe trở về còn Trung ở lại. Chẳng mấy ai hài lòng về việc này nhưng họ tôn trọng quyết định của Trung. Người đóng vai ông Viễn tới vỗ vào vai Trung vẻ cảm thông.

- Hay là chú ở lại với con?

- Thôi chú về với đoàn cơm nước cho ổn. Con ở đây được mà.

- Ờ thôi chú về hen, mai nói chuyện.

Chiếc xe ô-tô bốn mươi chỗ ngồi chật kín. Khi xe lăn bánh người dân vùng biển còn đứng ngó ngàng. Cuối cùng họ vây quanh nhìn diễn viên chính, họ hỏi tên phim, tháng nào phát, phim bao nhiêu tập, để xem làng họ lên phim có đẹp không. Và câu cuối cùng họ hỏi Trung ở lại đây để làm chi. Trung đáp, cháu có người quen ở đây.

Khoác ba-lô lên vai, Trung cuốc bộ vào tận thôn Cửa An. Làng xóm vẫn như mười năm về trước, đi qua ủy ban xã, rẽ trái là tới nhà Miên. Trung đứng trước sân, không ai nhận ra anh cả. Quá nhiều thứ đổi thay, từ khuôn mặt, dáng vóc cho đến mái tóc của anh. Ngày mới về đây Trung hơi gầy, dáng nhỏ, đầu lúc nào tóc chỉ độ một phân. Ông Thiện, ba Miên thường đùa Trung là bộ đội nhỏ. Giờ anh bộ đội nhỏ đứng nhìn ông Thiện miệng cười như khóc, cái đầu nghiêng qua bên phải để sóng tóc đổ về một bên. Trung phải không con? Ông Thiện mấp máy môi sau hồi lâu lục lại trí nhớ mình, Trung thả ba-lô giữa sân gạch tiến tới ôm gọn người ông Thiện.

- Bố ơi! Con nhớ bố quá!

Bóng đèn đã qua bao năm tháng bị bồ hóng bám đen ngòm, Trung bắc chiếc ghế lên gỡ và lấy cái khăn ướt lau. Ông Thiện ngồi nhìn Trung cười, ánh mắt sáng trên khuôn mặt chi chít vết đồi mồi và cái miệng móm mém. Bà Cẩm ngồi kế bên cứ hấp háy mắt: “Trung? Tui không nhớ ra?” Thì thằng Trung bạn con Miên, mấy lần về uống rượu với tui đó. Bà Cẩm vẫn không nhớ được nhưng rồi bà nói, hèn chi mặt thấy quen. Ông Thiện quay về phía Trung.

- Con về có việc hả con?

- Con theo đoàn làm phim bố ạ.

- Con không làm báo nữa à?

- Họ đề nghị con nhận một vai diễn, con làm diễn viên.

Ông Thiện thở dài.

- Miên mà biết được như vậy nó sẽ rất vui.

Sáng, Trung để lại ba-lô nhà ông Thiện rồi ra biển đóng phim. Trung dặn với ông là tối sẽ về, ở đây thêm bốn ngày nữa sau đó lên rừng, đi quay mấy cảnh ở tận biên giới. Ông Thiện không nói chi, biển rừng, ở hai nơi ấy đều có bóng dáng Miên. Ông đứng nhìn Trung đi khuất sau hai cây dừa, rặng phi lao rồi mất hút về con đường xa ngái.

- Cậu tươi tốt trở lại rồi. Vào làng được ăn nem công chả phượng nhỉ!

Đạo diễn bắt tay Trung, anh cười đáp lại. Kịch bản “Biển không có sóng” của biên kịch đã quá cố, ký bút danh là P.M khá hay. Người thừa kế còn rất trẻ, nghe thế chứ Trung chưa hề gặp. Xưởng phim mua nó khá đắt, hai trăm triệu đồng cho kịch bản phim một tập xưa nay hiếm. Nhưng cũng đáng đồng tiền cắc bạc, từ kịch bản cho đến cả ê-kíp làm phim hứa hẹn cho mùa thắng giải. Đây là vai diễn đầu tiên của Trung nhưng ngó bộ đó không còn là vai. Tựa như cuộc đời. Nếu thế thì buồn biết mấy. Miu đã nằm lại trên biển trong một đêm trăng, hơi thở cuối cùng trút đi bên tờ giấy lạnh ngắt vừa ghi xong chữ “em nhớ anh”. Vì sao Miu chết? Bí ẩn này được hòa trộn vào trăng, vào sóng biển, vào cát, vào sự thức tỉnh của tâm hồn trong tiếng gọi của Minh. Trung gầy đi trông thấy, cũng chẳng cần hóa trang cho đoạn Minh gục xuống trên cát để lũ mối đúc tượng anh trên bờ biển mênh mông. Vẫn như thế, từ ngày bộ phim được quay cảnh đầu tiên đến khi đóng máy biển vẫn không có con sóng nào. Mọi người thấy lạ, chẳng lẽ đất trời cũng đã thấu hiểu cho nỗi đau đã từng xảy ra với đôi tình nhân? Hay chính nơi đây là khung cảnh chính để tác giả xây dựng kịch bản? Trung còn một đêm, sáng mai anh phải đi nhờ xe lên thành phố để theo đoàn. Chiều thất thểu trở về, Trung nằm nhoài người lên chiếc giường đã cũ. Ông Thiện đứng nhìn ngẩn người. Ông biết, rằng Trung rất nhớ Miên. Chiếc giường này Trung và Miên đã ở cạnh nhau một đêm. Phòng có chiếc cửa sổ bị hỏng, ngó ra sau là rặng phi lao, dọc đường ra biển có hàng dừa thẳng tắp. Trên đôi mắt của người đàn ông đã già nhòe ra ít nước mắt bám chặt trên làn da nhăn nheo.

- Bỏ đi con à, nếu đeo mãi chuyện về Miên con sống chi nổi.

Trung nằm nghiêng người lại đằng sau vách. Tấm chăn hứng nước ướt nhẹp. Tóc Trung đã bạc trắng khi anh mới bước sang tuổi bốn mươi. Từ ngày Miên mất, tóc Trung đã chuyển sang mầu trắng. Qua mấy lần nhuộm, chân tóc vẫn lộ ra. Ông Thiện đã nhận ra nó khi Trung nghiêng đầu chào ông. Hôm nay vẫn can rượu đầy, ông uống ít mà ngó Trung thì nhiều. Trong đớn đau, khắc khoải. Trong lặng im và trống vắng. Trong sự chờ mong chợt vỡ òa ra khi Trung cạn thêm chén rượu.

- Bố, lên rừng quay xong phim con về ở hẳn đây bố nhé?

- Không được đâu con.

- Bố không thương con ư?

- Bố không thương con hóa ra bố phụ lòng Miên sao? Miên đã nói, bố hãy thương anh ấy, con yêu anh ấy hơn cả bản thân mình.

- Vậy sao bố từ chối con?

- Con cần được sống thảnh thơi hơn con trai ạ.

Chín giờ tối, rồi mười giờ, Trung say khướt. Anh vịn vào ông Thiện để đứng dậy rồi dật dờ đi ra phía biển. Ông Thiện bấm chiếc đèn pin tù mù theo sau, kế đến là bà Cẩm. Ba con người ngồi cạnh nhau trên cát. Trăng lên muộn nhưng sáng hơn thường lệ. Ba khuôn mặt đều hướng về phía biển, họ lặng im. Họ cùng yêu thương một người đó là Miên. Ngày Trung mới đến đây, ông Thiện đã nhận ra điều đó. Hồi đó Miên chuẩn bị được gửi đi đào tạo. Ông nói bóng gió rằng mai mốt Miên đi học, Trung sẽ nhớ phải biết. Trung cười hể hả như để xua đi điều gì đó bằng một câu nói mà tới bây giờ anh vẫn nhớ. Con và Miên, mỗi đứa một nơi ít gặp nhau mà. Nhưng mà anh em bây thương nhau. Trung lặng im thừa nhận, một điều khác nữa anh không thể gật đầu đồng ý với câu nói của ông Thiện vì cả Trung và Miên đều có gia đình. Đêm về khuya, sương rơi ướt đẫm ba mái đầu. Cơn gió nhẹ chợt đưa rặng phi lao vi vu. Phía biển vẫn bình yên đến lạ. Trung mở lời trước, vẫn câu hỏi bấy lâu nay, vẫn điều nghi vấn bấy lâu nay khiến Trung mất ngủ suốt chục năm có lẻ.

- Bố, con có quyền được biết...

- Con à...

- Bố không nói, con có chết cũng không cam lòng.

Bà Cẩm chợt nấc lên, bà quay về phía Trung giọng nghẹn ngào.

- Mẹ nhớ ra con rồi, con về trong đêm, trước đó con có về với Miên một lần...

- Dạ, Trung đáp nhỏ. Anh ngoắc tay đằng sau lưng ông Thiện nắm lấy bàn tay nhăn nheo, gầy xơ của bà Cẩm.

- Lần đó, bố biết sẽ mất Miên mãi mãi. Bố bất lực trước bóng tối vây quanh đứa con của mình, bố cam chịu, Miên cũng đã cố chịu tới mức có thể rồi con à. Bố biết con thương yêu Miên, nhưng hai đứa con chỉ có chừng đó...

Ông Thiện đằng hắng, bà Cẩm tiếp lời chồng.

- Hôm đó, nó ôm chầm lấy mẹ mà khóc. Nó nói với mẹ rằng nó đã yêu con. Lúc đó, mẹ tưởng chừng như nghe nhầm, mẹ nâng cằm Miên lên nhưng Miên cứ cúi gằm mặt rồi dúi vào ngực mẹ. Nó nói, con không biết phải làm sao cả. Miên còn hỏi mẹ đấy có phải là tội lỗi không? Lúc đó mẹ đã không trả lời được một lời nào. Mẹ làm mẹ mà vô nghĩa như thế.

- Miên khóc liên tục mấy hôm, bố đã điện thoại cho con nhưng thuê bao không liên lạc được. Sau bố phát hiện chiếc điện thoại tắt nguồn nằm trong túi áo của Miên. Nó nói với bố nó đã trả con về phía gia đình, nó không thể vượt qua cảm giác tội lỗi. Hôm sau, Miên nói nhiều đến những kỷ niệm, trong đó nhiều nhất là kỷ niệm của hai đứa. Nó kể chuyện hai đứa ở cùng nhau hôm ba mươi tết, nó hạnh phúc khi nhớ về đoạn dốc nào đó mà hai đứa gặp nhau... Ngày đó bố đã không rời xa nó nửa bước. Đêm trăng sáng nhất trong mùa đông, Miên lặng lẽ nằm yên bên bố, khi nó viết xong dòng chữ để gửi cho con “em nhớ anh”...

Trong tiếng gà gọi sương, Trung vẫn ngồi cạnh hai người già. Anh nghe tất cả câu chuyện về Miên, về cuộc tình của hai đứa. Bố không cho đó là tội lỗi, nhưng hai đứa quá khó để đến với nhau. Ông Thiện nói, giọng trầm buồn. Nếu con gạt được qua chuyện cũ, con có thể ghé về đây thăm bố, hãy mang theo gia đình con. Vì bố biết, Miên đã rất yêu gia đình của con, yêu đến mức hy sinh chuyện tình cảm của riêng mình. Cũng vì thế Miên đã chấp nhận rút lui.

Trung bước đi trong tiếng gà gáy héo hắt, anh ngoái đầu nhìn lại. Bố mẹ Miên đứng ở hai gốc dừa dõi mắt nhìn theo. Miên mất, hai người già sống nương tựa vào nhau trong năm cùng tháng hết của đời người. Con sẽ quay trở lại bố à, Trung nói rồi vội vàng bước đi khi xóm làng đang im lìm trong giấc ngủ. Hai bàn tay nhăn nheo chùi lên khóe mắt, cuộc sống có thể trớ trêu đến thế là cùng. Họ lặng lẽ chấp nhận chút tình yêu, rồi lặng lẽ chấp nhận từng nỗi đau khiến lòng mình tê dại. Đáng ra, như biển mùa đông thì phải có sóng, sóng to là đằng khác. Nhưng không, biển đã quá bình yên.

Phim “Biển không có sóng” thắng liền ba đề cử trong một mùa giải. Trung nhận giải thưởng “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất”. Cầm chiếc cúp trên tay, mắt Trung như chết lặng đi giữa hàng trăm người. Khi ở hàng ghế thứ nhất trong hội trường chợt có một đôi mắt sáng rất giống Miên. Trung đặt cúp xuống bục, anh tiến tới rất gần người đó không có chút ngại ngần. Người đối diện với Trung mỉm cười trao cho anh một bó hoa tươi.

- Tôi là người thừa kế gia sản đó, kịch bản phim của tác giả P.M.

- P.M?

- Đúng, là Phạm Miên thưa ông.

Khán phòng hàng trăm người lặng im để nghe cuộc trò chuyện. Nhưng để thấu hiểu nó chỉ có hai người.

Lời bàn của nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA:

Truyện ngắn gọn, xinh xắn, kể một kíp làm phim mà nhân vật trung tâm là một nhà báo đóng nhân vật chính. Một thế giới ảo nhưng lại là đời thật, hé lộ những đắng đót của cõi đời dâu bể. Đấy là bi kịch của những người tốt trong một xã hội cũng rất tốt đẹp. Chỉ là người thực tốt và trân quý tình yêu lắm, họ mới biết dừng lại ở đâu để nhận về mình một nỗi đau riêng không dễ san sẻ. Rất nhiều người ở trong cảnh ngộ của cặp tình nhân trong phim và trong đời thực này.

Truyện ngắn cũng như một kịch bản phim. Có thể xem như một kịch bản phim. Có lẽ cũng bởi thế chăng mà có những tình tiết, cảnh ngộ, người đọc muốn tác giả dấn sâu thêm hoặc khắc hoạ thật chi tiết, nhưng tác giả lại buông lửng để hình ảnh tự nói. Nói bằng ngôn ngữ điện ảnh chứ không phải bằng câu chữ của văn chương...