Siết chặt quản lý ta-xi

Để nâng cao chất lượng hoạt động của ta-xi, UBND thành phố Hà Nội xây dựng dự thảo "Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ta-xi trên địa bàn TP Hà Nội". MTTQ thành phố Hà Nội đã khảo sát thực tế, thảo luận với các cơ quan, đơn vị, các hãng ta-xi và nêu những ý kiến phản biện, góp phần xây dựng Quy chế sát thực tế, đạt hiệu quả cao.

Ta-xi dừng đón, trả khách lộn xộn, cản trở giao thông trên phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: MINH HÀ
Ta-xi dừng đón, trả khách lộn xộn, cản trở giao thông trên phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: MINH HÀ

Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện nay tại Thủ đô có 19.265 xe ô-tô của 77 doanh nghiệp tham gia hoạt động vận tải hành khách (VTHK) bằng ta-xi và 18 nghìn xe hợp đồng hoạt động tương tự như ta-xi, chưa kể xe chạy dịch vụ Grab. Chỉ trong ba năm gần đây, hệ thống ta-xi ở Hà Nội đã vận chuyển 100 triệu lượt hành khách. Ta-xi trở thành phương tiện đi lại phổ biến của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, hoạt động của ta-xi còn nhiều bất cập như: Chất lượng cung ứng dịch vụ còn thấp; hành vi ứng xử của không ít lái xe chưa văn minh; nhiều xe cũ, nát vẫn tham gia vận chuyển hành khách; sự bùng nổ của loại hình xe hợp đồng áp dụng công nghệ...

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, UBND thành phố Hà Nội xây dựng "Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ta-xi trên địa bàn TP Hà Nội". Quy chế gồm ba chương, 13 điều. Một số điểm đáng chú ý trong quy chế gồm: Về số lượng ta-xi, từ nay đến năm 2020, thành phố không tăng số lượng đơn vị kinh doanh ta-xi; khống chế niên hạn xe tối đa là tám năm; từng bước thống nhất mầu sơn chung đối với các hãng xe trên toàn thành phố; các xe ta-xi phải đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 và 5 theo từng giai đoạn; quy định về sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường... Thực hiện chức năng phản biện xã hội, trong tháng 4 và 5-2018, MTTQ thành phố đã thành lập đoàn khảo sát thực tế, trao đổi, thảo luận với Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đại diện các đoàn thể, các hãng ta-xi, ý kiến của người dân kết hợp với ý kiến của Hội đồng tư vấn của MTTQ thành phố, ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực vận tải, quản lý đô thị nhằm hoàn thiện Quy chế.

Hầu hết các ý kiến cho rằng, việc ban hành Quy chế để tăng cường quản lý ta-xi là cần thiết. Một số nội dung nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia cũng như các ban, ngành, đoàn thể như: Khống chế số lượng đơn vị kinh doanh ta-xi; quy định phân vùng quản lý để chống cạnh tranh không lành mạnh; quy định về thái độ của lái xe ta-xi với khách, cụ thể là lái xe phải có thái độ văn minh, không hút thuốc trong xe; quy định về chất lượng xe, áp dụng tiêu chuẩn khí thải để bảo vệ môi trường; quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chưa đồng tình về một số nội dung của dự thảo Quy chế. Nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đinh Hạnh cho biết: "Quy định niên hạn tám năm với xe ta-xi là chưa hợp lý. Chất lượng xe phụ thuộc vào mức độ sử dụng, thương hiệu xe... Thành phố rất cần quản lý chất lượng xe, nhưng nên kết hợp các tiêu chí thời gian sử dụng, mức độ hao mòn của xe với sự đánh giá của cơ quan chuyên môn. Quy định thời gian đón trả khách cần linh động hơn". Với quản lý các loại hình vận chuyển hành khách thông qua công nghệ (tạm gọi là ta-xi công nghệ), nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Tô Anh Tuấn nhận định, ta-xi công nghệ cho đến thời điểm này chưa có dự thảo mới. Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng chưa có sự cạnh tranh bình đẳng giữa ta-xi truyền thống và ta-xi công nghệ. Việc ban hành quy chế cần phải đi theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý ta-xi, tạo thuận lợi cho ta-xi, đồng thời phải xem xét lợi ích đầy đủ của các bên liên quan. Ông Tô Anh Tuấn cũng băn khoăn, nếu các xe đều có mầu giống nhau sẽ làm mất đi tính cạnh tranh giữa các hãng. Nếu thực hiện thống nhất mầu sơn thì phải làm sao để không triệt tiêu tính nhận diện thương hiệu của các hãng. Các chuyên gia cũng kiến nghị cơ quan chức năng phải thể hiện được quan điểm cải cách hành chính, giảm xin cho; phát triển ta-xi theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của hành khách trong xây dựng quy chế.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện đã tiếp thu các ý kiến phản biện của MTTQ thành phố Hà Nội. Giải đáp một số băn khoăn của các đại biểu, đồng chí Vũ Văn Viện cho biết: Việc thống nhất mầu sơn và quản lý theo vùng là việc mà nhiều thành phố lớn trên thế giới đã làm và góp phần giúp công tác quản lý tốt hơn. Về mặt cơ chế, Hà Nội đã được Chính phủ cho phép áp dụng một số cơ chế đặc biệt để quản lý, phát triển đô thị. Việc tăng cường các biện pháp quản lý là cần thiết để chấn chỉnh tình trạng lộn xộn hiện nay, nhất là tình trạng ta-xi của các tỉnh ngoài hoạt động trên địa bàn Thủ đô, gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị. Sở Giao thông vận tải sẽ có những điều chỉnh thích hợp để xây dựng "Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ta-xi trên địa bàn TP Hà Nội" sát thực tế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý.